Trần Lâm
-
Việt Nam đang vô cùng bức bối trước sự o
ép của Trung Quốc. Mỹ trở lại Châu Á, một chút hy vọng nhen nhóm. Tình
hình khu vực mỗi ngày một thay đổi, hy vọng lớn dần. Bản thân Việt Nam
dù chậm chạp nhưng phong trào cũng đã nhích dần. Các thay đổi dù nhỏ
nhưng ngày ngày vẫn tăng. Đã đến lúc cần xem lại mọi vấn đề một cách
rộng rãi hơn trong việc đoán định tương lai, con đường đi lên, tiến tới
độc lập tự cường và ứng phó kịp thời trước mọi khó khăn. Tình hình khu
vực, quốc tế đã xuất hiện nhiều yếu tố mới đòi hỏi phải có sự xem xét
thấu đáo.
BÀI HỌC MYANMA
Myanma
quằn quại dưới ách thống trị của giới quân sự cầm quyền. Trung Quốc là
người đỡ đầu giới cầm quyền này. Thật bất ngờ, Tổng Thống Thein Sein ra
lệnh ngừng xây dựng đập thuỷ điện 4 tỉ USD của Trung Quốc trong khi
Trung Quốc viện trợ cho Myanma 14 tỉ USD, ông tuyên bố xanh rờn “làm
theo ý dân”. Trong năm qua ông còn ra quyết định theo hướng dân chủ: Thả
tù chính trị, để phe đối lập tham gia ứng cử, bầu cử. Bà San Sun Kyi,
lãnh tụ phe đối lập, con gái nhà yêu nước Aungsan, giải thưởng Nobel hoà
bình đã bị giam lỏng hơn 10 năm đã tham gia tranh cử với tư cách đại
diện của phe đối lập. Bà thừa nhận các thay đổi này là từ thực lòng của
giới cầm quyền.
Có dư luận là Tổng Thống tiền nhiệm là
ông Than Shwe đã dàn dựng sự thay đổi, đưa ông Tổng Thống đương nhiệm
lên cầm quyền để thực thi đường lối này. Ông Than Shwe được mệnh danh là
“Chuyên gia chiến tranh tâm lý” từ lâu. Cũng còn dư luận, giới quân sự
im lặng là để tình hình diễn biến êm đẹp, vì đã chứng kiến quá nhiều đau
thương, tang tóc do mình gây ra, nay ý thức được mình đã già, muốn được
thanh thản, an bình.
Người dân thì vui mừng vì cùng một lúc
thấy thoát được 2 cái nạn: Phương Tây cấm vận, Trung Quốc o ép. Mỹ ký
kết hiệp ước nhiều mặt với Myanma. Trung Quốc thì tuyên bố: Myanma thay
đổi là tốt, không có ảnh hưởng tiêu cực nào tới Trung Quốc. Thực ra,
Trung Quốc mất rất nhiều, thời cuộc nay đã thay đổi, nên đành phải “ngậm
bồ hòn làm ngọt”.
Tác giả – Luật sư Trần Lâm (trái) chụp ảnh cùng Nguyễn Tiến
Trung (phải). Luật sư Trần Lâm sinh năm 1925, nguyên là Thẩm phán Tòa án
Nhân dân Tối cao, Vụ phó Ủy Ban Kế Hoạch Nhà nước. LS Trần Lâm cũng là
người tham gia bào chữa trong rất nhiều vụ án chính trị nổi tiếng
.
TRUNG QUỐC KHÔNG MẠNH NHƯ TA TƯỞNG
Lâu nay vì sao mà Trung Quốc hống hách
đến như vậy? Trung quốc vì sao lại có thể buộc Việt Nam phải lệ thuộc
chặt chẽ vào mình như vậy? Việt Nam sao lại có thể như thế được?
Phải
chăng Trung Quốc là một kẻ đại bịp khi lấy tăng trưởng kinh tế làm con
bài hù doạ: Tăng trưởng thần kỳ là sức mạnh vô biên ! Trung Quốc chỉ nay
mai sẽ bá chủ thế giới! Vậy mà năm qua, két bạc Trung Quốc đã thụt mất
20 %. Bao nhiêu của cải rải khắp nơi đều đình đốn, vỡ vụn, nợ của các
Tỉnh bằng số tiền Mỹ nợ Trung Quốc. Người ta đói mà người ta lại vui vẻ
vỗ tay “Hoan hô Mỹ ở lại Châu Á!”. Mình khoẻ mà sao mình lại rầu rĩ,
xuống thang, trở nên nhu mì, hiền hậu bất ngờ. Sẽ chờ xem bao giờ thì
“Gió Tây thổi bạt Gió Đông”.
Chiêu thứ 2 của Trung Quốc là phát
triển ồ ạt lực lượng quân sự, lấy việc đó để hù doạ thế giới : “Trung
Quốc đánh đâu được đấy!”, “Trung Quốc sẽ thống trị thế giới!”. Hai năm
qua, sự thể không phải như vậy. Cái tầu sân bay cũ sửa mãi không ra hồn.
Vũ khí trộm được, mua được…cứ thế mà nhái, mà nhại theo. Một tướng Mỹ
bình luận: “Có vũ khí là một chuyên, dùng được vũ khí lại là một
chuyện khác, phải mất rất nhiều thời gian. Có một cái lại phải có bao
nhiêu cái phối hợp…!”.
Cái bất ngờ lớn của Trung Quốc là Mỹ
trở lại, Mỹ như đang rà soát lại quan hệ với các đồng minh Châu Á, bổ
xung, tăng cường chuyển giao kỹ thuật, tầu bè… cho các đồng minh. Mỹ sắp
ký kết với Myanma, việc còn lại là ký với Việt Nam, chỉ là vấn đề thời
gian. Mỹ thắt chặt quan hệ với Ấn Độ, không rời bỏ Đài Loan, triển khai
quân đội đến Australia… cái vòng xích xiết chặt Trung Quốc như chỉ còn
thiếu Việt Nam. Biên giới Trung – Ấn gập ghềnh, xa vời làm xong đường xá
phải mất hàng chục năm. Trung Quốc đang bị vây tứ phía, phải lúc chiến
tranh, các con đường bị khép lại, hết dầu, hết nguyên liệu, hết nơi tiêu
thụ… Trung Quốc sẽ ra sao đây?
Đặc khu Tam Sa với các tầu ngầm nguyên
tử, với tầu sân bay đang hoàn thiện, với 80 tầu kiểm ngư ngày đêm ngược
xuôi Biển Đông, dàn khoan khổng lồ sẽ hút cạn khô dầu Biển Đông… đâu
rồi? Một đạo quân mấy triệu người chưa từng ngửi khói súng của chiến
tranh với mớ lý luận xuông, lý thuyết chiến trận là chắp vá, rất huyênh
hoang mà nay đang thờ thẫn và im re!? Có người đặt câu hỏi: Một khi
chiến tranh Châu Á Thái Bình Dương nổ ra, đồng minh của Trung Quốc là ai
nhỉ? Câu trả lời lúc này là: Chỉ có Việt Nam “Môi Hở Răng Lạnh” với “16
chữ vàng” và “4 tốt”… ngoài ra còn gì nữa? Việt Nam đang chán ngấy và
đang muốn nói lời chia tay…
Còn có thể nhìn nhận, Trung Quốc còn bao nhiêu khó khăn và hạn chế khác nữa.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt
Nam, rõ ràng Trung Quốc là cái “Phanh”, cái “Khoá” đối với sự tiến bộ và
sự thay đổi của Việt Nam. Cái “Phanh” nay đã rão, không lâu nữa cái
chốt sẽ phải mở, đó là lúc Việt Nam “Tháo Cũi Sổ Lồng”… xem ra truyện
này không còn xa vời.
Đã đến lúc không sợ Trung Quốc như trước, không để cho “Người ta mạnh vì ta quỳ gối”. Một nền ngoại giao bình đẳng sòng phẳng Việt Trung là cái đích mà chúng ta hướng tới. Phải chăng chúng ta không phải chờ lâu.
III. BIỂN ĐÔNG VÀ LỐI THOÁT
Việc Biển Đông nay như mới bắt đầu. Việc giải quyết không biết bao giờ mới xong:
1. Đầu tiên Việt Nam kiên quyết: Biển
Đông là của Viêt Nam, không có đàm phán song phương. Rồi lại đến lúc có
mối quan hệ không tuyên bố giữa Việt Nam và Trung Quốc như là Việt Nam
chấp nhận đàm phán song phương, sau đó lại im bặt. Indonesia,
Philippinse tăng cường quân sự như muốn thế chân Việt Nam đối đầu với
Trung Quốc. Phải chăng ban lãnh đạo Việt Nam đã bắt đầu phân liệt, nửa
theo Tây, nửa theo Đông ! Rồi việc Mỹ lại mời Việt Nam ký kết hiệp ước
như kiểu Mỹ đã ký với Philippinse. Bây giờ lại thấy im hơi lặng tiếng.
Có người nói: Chẳng bao giờ có “song phương”, ai dám đơn phương ngồi bàn
riêng với Trung quốc chỉ có 2 bên để rồi Trung Quốc chiếm hết, rồi nhân
dân ta nguyền rủa muôn đời là kẻ bán nước. Trung Quốc dùng lá bài song
phương để mê hoặc Việt Nam để độc chiếm Biển Đông… kế hoạch này nay có
nguy cơ phá sản.
2. Điểm thứ 2 là về mặt pháp luật:
Không có vụ việc tranh chấp nào vừa kiện vừa điều đình như vụ việc Biển
Đông. Việc đăng ký thềm lục địa là chính thức, bó buộc phải được giữ
nguyên. Việc điều đình song phương, đa phương có thể tự nguyện làm sau
việc đăng ký thềm lục địa xét xử xong. Như trên đã nói, đàm phán song
phương có nhiều nghi vấn: Trung Quốc và Việt Nam đều là toàn trị, không
có đảng đối lập, không có trưng cầu dân ý, Liên Hợp Quốc cần phải làm
tròn trách nhiệm bảo vệ dân chủ, bảo vệ hoà bình của tổ chức lớn nhất
thế giới này. Những động thái gần đây của các bên cho ta thấy, Trung
Quốc đã tỉnh ra nhiều, đã thấy việc mình làm có nhiều điều trái ngược.
Lúc này Liên Hợp Quốc ra tay là đúng lúc, Trung Quốc phải chịu, thế giới
vừa lòng.
3. Để ổn định tình hình thiết nghĩ cần
thúc đẩy quyết định về ứng xử ở Biển Đông mà các nơi đang làm, chuẩn bị
tích cực việc xét duyệt việc đăng ký thềm lục địa đối với các nước liên
quan đến Hoàng Sa – Trường Sa.
Tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, vấn đề
Biển Đông trước đây như đầy khó khăn, hôm nay sự việc như dần sáng tỏ.
Con đường giải quyết không còn quá mờ mịt nữa… Trách nhiệm của Liên Hợp
Quốc trong việc xét đăng ký thềm thục địa là hết sức quan trọng. Ứng xử
của Liên Hợp Quốc trong vấn đề này sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với khu
vực và uy tín của cơ quan tối cao trong việc duy trì hòa bình và ổn định
cho toàn thế giới. Vì vậy, phải chăng lúc này là lúc Liên Hợp Quốc phải
ra tay bằng cách xét duyệt việc đăng ký thềm lục địa. Thiển nghĩ Liên
Hợp Quốc mà dám phủ nhận đường lưỡi bò đầy sai trái của Trung Quốc thì
những tranh chấp vụn vặt trong vùng biển đó sẽ tự tan biến.
IV. CHUYỂN ĐỔI HAY LÀ CHẾT
Họp
Đại Hội Đảng có một cương lĩnh, trong đó không có 2 chữ Trung Quốc. Một
người nói: Lúc này không nói đến Trung Quốc tức là không nói gì. Rồi
lại có một văn bản nêu những điều cấm kỵ đối với Đảng Viên. Nhiều người
đọc xong chép miệng: “Đảng Viên không có quyền công dân, phải chăng không còn Đảng, chỉ còn tập đoàn cầm quyền”(!?)
Về chính trị, tập đoàn cầm quyền chịu
sự chi phối của nước ngoài . Trong bang giao, chỉ dám phản ứng bằng hậm
hực hoặc cúi đầu…như thế độc lập là cũng không còn nữa.
Về kinh tế, làm nhiều nhưng hiệu quả
thấp, được 1 thì mất đến 10. Dân chúng hiện nay bị nhìn nhận như những
những người bị bóc lột.
Về văn hoá xã hội, xây dựng cơ bản thì
làm nhiều lắm, nhưng làm gì cũng hỏng… Hà Nội và Sài gòn, cuộc sống của
người dân nếu không được nằm trong “Nhóm Lợi Ích”, nhóm quan tham thì
đói khổ hơn bao giờ hết.
Về đạo đức, các mặt đều sa sút, sự sa
sút lại khởi đầu từ những người cầm quyền. Hàng ngày cầm tờ báo, ai cũng
sửng sốt vì số vụ giết người quá nhiều. Các vụ án kinh tế như Vinashin,
vụ Hà Giang, vụ in tiền polyme Việt Nam ở Úc… hình như chào thua các vụ
đang xẩy ra ở mức độ nghiêm trọng, mức độ thiệt hại… càng thao gỡ càng
mệt nhoài trong vô vọng. Hiện tượng sụp đổ như báo trước. Nếu không thay
đổi thì xã hội Việt Nam sẽ phải đối diện với những bất ổn, những thảm
họa do những người cùng quẫn “Chết không có gì để mất – Sống không có gì để hy vọng” có thể gây ra.
Hiện tại, việc thoát Việt Nam thoát
khỏi bàn tay Trung Quốc như đã có hy vọng, chuyển đổi đường lối như đã
nhen nhóm. Cuộc cách mạng dành độc lập, xây dựng dân chủ đã khởi đầu.
Cũng là bó buộc nếu không muốn mất nước vì giặc ngoài thù trong. Thay
đổi hay là chết không phải là lời kêu gọi rỗng tuyếch của một não trạng
không bình thường.
V. VIỆT NAM CHUYỂN ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?
Quốc
Hội vừa ban bố lệnh sửa đổi Hiến Pháp, một việc làm khó khăn, cam go
đến mức sống còn. Sửa đổi Hiến Pháp là phải sửa đổi từ gốc. Việt Nam
hiện nay là độc Đảng, toàn trị, Hiến Pháp hiện hành nói thì dài dòng,
nhưng thực ra chỉ có điều 4 nói lên tất cả. Bỏ điều 4 là không còn chế
độ hiện hành. Vẫn cứ giữ điều 4 thì việc sửa đổi Hiến Pháp thành ra trò
mị dân, như một trò đùa gây phẫn nộ cho dân mà lòng dân đang sôi sục.
Cuộc chơi với lửa đã bắt đầu, đây là sự “Phản Tỉnh” của giới cầm quyền
như Myanma, hay chỉ là sự vụng suy của giới cầm quyền! Hãy chờ xem!
Kinh nghiệm của sự chuyển đổi đã có từ
mấy trăm năm. Vua Loui 14 của Pháp vỗ ngực “Quốc gia là ai? Quốc gia là
ta!” mà cách mạng tư sản Pháp vẫn bùng nổ, chế độ dân chủ ra đời cách
đây đã mấy trăm năm. Việt Nam hiện nay chưa có một người kiệt xuất như
San Suu Kyi đưa đường chỉ lối, chúng ta phải chờ đợi. Sự chờ đợi chắc
không lâu.
Giai đoạn này đang nổi lên 2 vấn đề rất
cần tìm hiểu: Thái độ của Trung quốc và những việc làm cụ thể của ta
trong việc thay đổi Hiến Pháp. Xin hãy chờ xem… Nếu giới cầm quyền thực
lòng muốn chuyển đổi như Myanma, thì cần có những tiền đề, những việc
cần làm ngay để cho việc chuyển đổi được tốt nhất.
Hiện nay ta không có Đảng đối lập, chỉ
có phong trào quần chúng… nên chuyển đổi ngay là không khả thi, phải chủ
động tạo ra đối lập, vì có đối lập là có mâu thuẫn, mà mâu thuẫn là
động lực của phát triển. Xin lưu ý: Khái niệm Đối Lập ở đây không có
nghĩa là đối đầu, đối kháng. Vì thế, ngay lúc này cần có các nới lỏng về
dân chủ, về nhân quyền… tạo điều kiện cho các phong trào quần chúng,
các Hội Đoàn, các Đảng phái chính trị mới ra đời. Có phong trào, có tổ
chức, những người đại diện cho quần chúng xuất hiện, lực lượng dân chúng
hình thành. Các cuộc tiếp xúc, các Hội Nghị bàn tròn sẽ được tổ chức.
Tiền thân của các Đảng đối lập và nền dân chủ đa nguyên được hình thành.
Những khởi đầu này là bắt buộc.
Ai sẽ là những người tham dự các Hội
Nghị bàn tròn? Tất nhiên một bên là những người đang cầm quyền, chấp
nhận Đa Nguyên, Đa Đảng, một lòng vì sự sống còn của đất nước. Một bên
là những người của dân, họ là những người trước đây hay hiện nay vẫn
mang danh Cộng Sản, kết hợp với họ là những người tiêu biểu của các lão
thành, các người trong giới tinh hoa trong nước, ngoài nước. Tóm lại, họ
có thể là những người “Cộng Sản Tử Tế”, những người cộng sản phản tỉnh,
những nhân sĩ không đảng phái có nhiều kinh nghiệm. Họ có thể vẫn còn
khác nhau nhưng cùng chung một ý nghĩ: “Thay đổi hay là chết!”
Tháng 2 – 2012
Trần Lâm