Lê Anh Hùng
Kính gửi: Ban Biên tập Dân Luận
Rất mong BBT đăng bài viết mới của tôi.
Xin chân thành cám ơn BBT.
Quảng Trị, 7/3/2012
Lê Anh Hùng
Xin chân thành cám ơn BBT.
Quảng Trị, 7/3/2012
Lê Anh Hùng
SỬA HIẾN PHÁP – TRÍ THỨC PHẢI LÊN TIẾNG
Lê Anh Hùng
lehunglpa@yahoo.com
Quảng Trị, 5/03/2012
lehunglpa@yahoo.com
Quảng Trị, 5/03/2012
Thời gian gần đây, khi đất nước chúng ta đang đứng trước nhiều thách
thức nghiêm trọng về cả chính trị, kinh tế và xã hội, khi tình hình
trong khu vực và trên thế giới đang biến chuyển nhanh chóng và khó
lường, người ta lại bàn luận nhiều về trí thức cũng như vai trò của trí
thức trong xã hội.
Các thế hệ trí thức hiện đại ở Việt Nam là những người kế tục các bậc
tiền bối của mình – tầng lớp nho sỹ trong xã hội phong kiến. Bất kể
“nho sỹ quan lại” (thiểu số nho sỹ đỗ đạt và được bổ làm quan) hay “nho
sỹ bình dân” [1] (đa số nho sỹ không đỗ đạt qua các kỳ thi cùng những
người đỗ đạt nhưng không ra làm quan hoặc làm quan chiếu lệ một thời
gian rồi về), nhìn chung các nhà nho Việt Nam vẫn luôn mang trong mình
những truyền thống quý báu như “ưu thời mẫn thế” và “yêu nước thương
nòi”.
Trong xã hội phong kiến, giới nho sỹ được nhân dân ngưỡng vọng, vua
chúa trọng thị, và là tầng lớp có địa vị cao nhất trong xã hội (sỹ -
nông - công - thương); không phải ai khác mà chính họ mới là “nguyên khí
quốc gia”. Họ đã góp phần quyết định để giáo hoá dân chúng, dựng nên
nền văn hiến cho dân tộc và dẫn dắt xã hội Việt Nam phát triển qua hàng
ngàn năm. Giữa thế kỷ 19, chính các nho sỹ đã chung tay phục hưng một Hà
Nội mà “ba chục năm đầu thế kỷ hỗn loạn, suy đồi là thế, nhưng đến
khoảng giữa thế kỷ, tức mới chỉ hai chục năm sau, một ký giả báo Le Courrier de Saigon
đã có thể nhận xét: ‘Mặc dù nó không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi vẫn
cho rằng đó là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, kỹ nghệ,
thương nghiệp, sự giầu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn’”.
Đầu thế kỷ 20, trước vận mệnh nguy nan của đất nước nô lệ và lạc hậu,
nghĩ đến cảnh khổ nhục của người dân mất nước, đến nhiệm vụ cấp bách cứu
nước và duy tân, chính họ đã phát động phong trào Duy Tân, đề cao dân trí, dân khí, dân sinh, dân quyền và dân chủ.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Trí thức là thành
phần tinh hoa của nhân loại, là động lực chính dẫn dắt quá trình phát
triển của xã hội loài người. Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Áo Ludwig von
Mises (1881-1973) từng viết trong tác phẩm kinh điển Socialism (Chủ nghĩa xã hội [1922]) của mình:
“Quả thực, đa số nhân loại không đủ khả năng theo kịp những luồng
tư tưởng khó, và không một trường lớp nào có thể giúp cho những người
không thể nắm bắt được những định đề giản đơn nhất lại hiểu được những
định đề phức tạp. Tuy nhiên, chỉ vì quần chúng nhân dân không thể suy
nghĩ được cho bản thân nên họ mới đi theo sự dẫn dắt của những người mà
chúng ta gọi là có học thức. Một khi thuyết phục được họ thì cuộc chơi
coi như đã được định đoạt.” [2]
“Các nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên là những trí thức; chính họ,
chứ không phải quần chúng nhân dân, mới là xương sống của chủ nghĩa xã
hội.” [3]
Trong tác phẩm lừng danh và đầy ảnh hưởng của mình, Atlas Shrugged
(Khi thần Atlas [4] nhún vai), xuất bản năm 1957, triết gia và tác gia
người Mỹ Ayn Rand (1905-1982) đã nêu bật vai trò của trí tuệ trong đời
sống và xã hội. Bà lập luận rằng, tư duy độc lập, cùng tính sáng tạo và
phát minh bắt nguồn từ đấy, chính là động lực phát triển của thế giới.
Qua tác phẩm này, bà cho thấy điều gì sẽ xẩy ra nếu “những con người của
trí tuệ” lãn công: động cơ của thế giới sẽ ngừng hoạt động và nền văn
minh sẽ tan rã.
Năm 1945, nhiều nhân sỹ, trí thức Việt Nam đã tập hợp xung quanh lá
cờ của Mặt trận Việt Minh và góp phần to lớn để đưa đến sự ra đời của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (trong số này có phần lớn số nhân sỹ, trí
thức tên tuổi từng tham gia nội các của Thủ tướng Trần Trọng Kim
với những thành tựu đáng kể trước đó). Bản Hiến pháp 1946 của Việt Nam
chính là do một nhóm trí thức ưu tú của dân tộc soạn nên vào thời điểm
nước sôi lửa bỏng ấy.
Tuy nhiên, đấy dường như lại là “dấu son” cuối cùng ghi nhận đóng góp
quyết định của giới trí thức Việt Nam vào sự phát triển của đất nước.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ĐCSVN, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã
thâu tóm mọi quyền lực vào trong tay mình, họ không còn cố tỏ ra “khách
khí” như trước nữa, các quyền con người cơ bản như quyền tự do tư tưởng
hay tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, và giới trí thức gần như chìm nghỉm
trong mớ nghị quyết cùng quyết sách độc đoán mà ban lãnh đạo Đảng ban
hành trên mọi mặt ngoại giao - nội trị của nước nhà, đến mức mà một trí thức tên tuổi gần đây đã phải thừa nhận: "Với
đúng định nghĩa về trí thức mà tôi hiểu thì thực sự [tầng lớp trí thức]
chưa hình thành ở Việt Nam từ sau năm 1954 và sau năm 1975 cho tới bây
giờ… Khả năng độc lập tư duy, khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình,
khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội chưa có nhiều.
Và tôi nghĩ đấy là điều đáng thất vọng." 'Điều đáng thất vọng' ấy chính là lời giải thích tại sao cho đến nay Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thiểu số những nước có trình độ phát triển thấp kém nhất trên thế giới.
Dù bị đè nén và trấn áp ngặt nghèo, song tiếng nói của những trí thức
chân chính và khảng khái vẫn không hoàn toàn bị dập tắt, điển hình là
những Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, hay Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng
Minh Chính, Nguyễn Chí Thiện, v.v. Thiết tưởng, do thiếu cơ hội để phát biểu như luật sư Nguyễn Mạnh Tường
chứ các hậu bối của giới nho sỹ ngày xưa chắc chắn không thiếu gì những
người có đủ trí tuệ và khí phách để sẵn sàng cất lên tiếng nói của
lương tri, của lý trí trước thực trạng nhức nhối của đất nước.
Thế cuộc xoay vần, và điều gì phải đến ắt sẽ đến. Sự ấu trĩ đến mức
rồ dại của các nhà lãnh đạo Đảng CSVN một thời đã đưa đất nước sa vào
cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài từ cuối những năm 1970 cho
đến hết thập niên 1980. Đảng CSVN buộc phải tiến hành cái gọi là “đổi
mới” và nới lỏng sự kiểm soát đối với xã hội. Điều này đã tạo điều kiện
cho sự xuất hiện của một loạt trí thức “bất đồng chính kiến”, những
người nhận ra cơ hội và dám cất lên tiếng nói đòi tự do - dân chủ cho
nhân dân và đất nước, như Trần Độ, Hà Sỹ Phu, Dương Thu Hương, Nguyễn
Thanh Giang, Vũ Thư Hiên, Phạm Hồng Sơn, Lê Công Định, v.v.
Sau cuộc “đổi mới” lần đầu tiên năm 1986, đời sống kinh tế nước nhà
dần dần khởi sắc và đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên,
do hệ thống chính trị vẫn cố khư khư đội cái “vòng kim cô” Marx-Lenin
trên đầu nên cái giá phải trả cho những “thành tựu” đó là rất đắt, đặc
biệt là về xã hội (quốc nạn tham nhũng tràn lan, đạo đức xã hội xuống
cấp trầm trọng, pháp luật bị lũng đoạn, tội phạm nhan nhản, v.v.) và môi
trường (rừng bị tàn phá hàng ngày, sông ngòi ngày càng bị ô nhiễm trầm
trọng, v.v.), trong khi vẫn không bắt kịp đà phát triển của các nước
trong khu vực và trên thế giới. Thực trạng đó khiến cho việc sửa đổi bản
Hiến pháp hiện hành trở nên hết sức cấp thiết, trước sự níu kéo với đủ
mọi lý do của các nhà lãnh đạo Đảng suốt bao năm qua.
Hiện nay, sửa đổi Hiến pháp 1992 là chủ đề đang được rất nhiều người
quan tâm, với vô số bài viết trên các trang báo trong và ngoài nước,
cùng nhiều cuộc hội thảo do các cơ quan hữu trách tổ chức, từ đó đã xuất
hiện nhiều tiếng nói mạnh mẽ về yêu cầu bức thiết đối với một cuộc “đổi
mới” lần thứ 2. Ngay trong Ban Biên tập của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi, bổ
sung Hiến pháp 1992 cũng tồn tại một (trong hai) quan điểm chủ đạo là sửa cơ bản, toàn diện để ban hành một bản hiến pháp mới
(Hiến pháp 2013). Với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại
chúng nói chung và Internet nói riêng, đây chính là cơ hội để giới trí
thức Việt Nam bày tỏ chính kiến của mình trước một sự kiện vô cùng hệ
trọng của đất nước. Thế hệ hậu sinh của luật sư Nguyễn Mạnh Tường ngày
nay có lợi thế hơn hẳn bậc tiền bối của mình là tiếng nói của họ sẽ được
truyền bá nhanh chóng và rộng khắp nhờ sức mạnh của kỷ nguyên Internet.
Điều mà dường như chúng ta còn thiếu ở đây là quyết tâm và sự đồng lòng
của hàng triệu người có học thức trong xã hội Việt Nam hiện nay, với
hàng ngàn trí thức tầm cỡ khu vực và thế giới, cùng hàng trăm ngàn trí
thức Việt Kiều ở hải ngoại; tất cả họ đều may mắn được dòng giống tổ
tiên và hồn thiêng sông núi phú cho một năng lực trí tuệ hơn người, và
dĩ nhiên, nhân dân cũng có quyền đòi hỏi họ phải thể hiện trách nhiệm
lớn lao của mình trước non sông đất nước. Một khi số người lên tiếng lên
tới hàng ngàn, hàng vạn người thì những người cầm quyền không thể cứ
tiếp tục nhắm mắt làm ngơ, và những người có tư tưởng cấp tiến trong bộ
máy quyền lực cũng cảm nhận được sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân để
mạnh dạn thúc đẩy cải cách thể chế.
Vụ việc ở Tiên Lãng chưa hoàn toàn lắng xuống nhưng dường như nó đã
đọng lại trong chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm. Khi mà những người
nông dân như anh Vươn phải dùng tiếng súng hoa cải để “phản biện” lại
những chính sách và luật lệ tréo ngoe của Nhà nước, trên nền móng của
bản Hiếp pháp lỗi thời và rối rắm hiện hành, những người có học ở nước
Nam này hẳn phải tự vấn lương tâm về trách nhiệm xã hội của mình. Khi mà
vụ việc ở Tiên Lãng cho thấy sự tha hoá của cả hệ thống chính trị ở Hải
Phòng, sự bất lực của cả bộ máy quản lý ở Trung ương, sự im lặng đáng
sợ của những người có trách nhiệm trước dư luận sục sôi và kỳ vọng của
dân chúng, chúng ta càng thêm thấm thía lời của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một quan chức cao cấp trong bộ máy quyền lực nhưng vẫn giữ được phẩm cách cao quý của một nhà trí thức chân chính: “Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ…” Hay nói như TS Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học và Chính trị, Viện Nghiên cứu Phát triển Tp HCM, khi bàn về tư tưởng của cố Chủ tịch QH Nguyễn Hữu Thọ trong bối cảnh sửa đổi Hiến pháp 1992, qua một cuộc phỏng vấn gần đây: “Cần bỏ tâm lý thụ động chờ đợi sự mở rộng hay ban ơn dân chủ từ trên.”
Lịch sử dường như lại một lần nữa trao cho lớp con cháu của các bậc
tiền bối “ưu thời mẫn thế” và “yêu nước thương nòi” năm xưa một cơ hội
lớn lao kèm theo một sứ mệnh vô cùng cao cả và trọng đại.
Tác giả bài viết thiển nghĩ và mạo muội đề xuất một ý tưởng là các
bậc trí thức đức cao vọng trọng, đại diện cho tầng lớp tinh hoa của dân
tộc, sẽ khởi xướng một hình thức nào đó, chẳng hạn như một trang web
riêng để bàn luận và thu thập ý kiến của nhân dân về việc sửa đổi Hiến
pháp 1992 hay chí ít là một bức thỉnh nguyện thư [5] phổ biến rộng khắp,
để những người tâm huyết nhưng thấp cổ bé họng có cơ hội bày tỏ chính
kiến và nguyện vọng của mình trước một sự kiện trọng đại của đất nước.
Rõ ràng, đây vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của tất cả những ai
mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, không phân biệt già trẻ,
trai gái, giai cấp, tín ngưỡng, quốc tịch hay trình độ học vấn. Vì vậy,
nhà chức trách sẽ không thể viện bất cứ lý do gì để gây khó dễ cho những
người tham gia cả. Trí thức Việt Nam, “to be or not to be” chính là lúc
này đây!./.
____________________________
[1] Chữ của nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện.
[2] Ludwig von Mises, Socialism, NXB Liberty Classics, Indianapolis, 1981, trang 13.
[3] Ludwig von Mises, Socialism NXB Liberty Classics, Indianapolis, 1981, trang 461.
[4] Vị thần bị thần Zues trừng phạt, phải đỡ thiên đường trên đôi vai của mình.
[5] Đề đạt những yêu cầu về một bản Hiến pháp xứng tầm dân tộc và
thời đại: đảm bảo sự cân bằng và chế ước giữa các nhánh lập pháp, hành
pháp và tư pháp; đảm bảo các quyền tự do - dân chủ của nhân dân; đảm bảo
nguyên tắc quyền lập hiến thuộc về nhân dân thông qua hình thức phúc
quyết Hiến pháp; nếu Đảng CSVN muốn độc tôn lãnh đạo Nhà nước và xã hội
thì quyền lãnh đạo đó phải được nhân dân trực tiếp giao phó thông qua
một cuộc trưng cầu dân ý, và ngay cả khi được nhân dân chuẩn thuận thì
quyền lãnh đạo đó cũng phải được thể chế hoá thành luật và chịu sự giám
sát của một quốc hội dân chủ, một bộ máy tư pháp độc lập, phi đảng phái
và một nền báo chí tự do nhằm tránh cho nó khỏi bị tha hoá hay trở nên độc đoán; v.v.