Bill Hayton
Đoan Trang chuyển ngữ
Đoan Trang chuyển ngữ
Đây là một phần Chương II, Selling the
Fields (“Bán ruộng”) trong cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” (Việt Nam
– con rồng trỗi dậy) của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội.
Trong bối cảnh vụ Tiên Lãng báo hiệu nhiều xáo trộn, tôi nghĩ sẽ là một
việc có ích, ít nhất cũng là điều thú vị, nếu chúng ta tham khảo những
gì một nhà báo phương Tây từng viết về nông thôn Việt Nam cách đây vài
năm.
Tiêu đề của phần này do người dịch đặt. Quan điểm của người dịch
không nhất thiết trùng quan điểm của tác giả. Người dịch không chịu
trách nhiệm về việc kiểm chứng thông tin trong bài viết. Xin lưu ý: Một
nhân vật được nhắc tới trong đoạn dưới đây – ông Vũ Ngọc Kỳ, nguyên Chủ
tịch Hội Nông dân Việt Nam – đã mất năm 2008. Mong bạn đọc lưu tâm điều
này để có thái độ chừng mực cần thiết khi bình luận.
* * *
Mồng 10 tháng giêng năm 2007, trước ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức
Thương mại Thế giới (WTO). Tran Thi Phu cào đất trên thửa ruộng của mình
ở tỉnh Hà Tây và chở đất đi bằng xe cải tiến. Dưới bầu trời mùa đông
buồn tẻ, chị và người em họ dùng cuốc cạo hết lớp đất ở trên, đổ vào
những chiếc bao tải cũ đựng phân bón và kéo bao tải lên xe. Tiếp theo,
hai chị em sẽ đẩy xe vào làng, Hoài Đức, cách đó vài trăm mét, để bán
đất ấy cho một người hàng xóm đang muốn phát triển vườn cây ăn quả. Khắp
cánh đồng sau lưng họ là một dọc những cọc gỗ thấp dùng để đánh dấu.
Chỉ trong vòng vài tuần nữa thôi, chúng sẽ đánh dấu cái ranh giới giữa
tương lai và quá khứ. Mọi thứ ở bên trái họ rồi sẽ trở thành một phần
trong một dự án bất động sản tư nhân, còn bên phải họ thì những phụ nữ
chân đất vẫn sẽ tiếp tục trồng cấy lúa bằng tay không. Mới hôm trước đó,
chị Phu được thông báo là chị sẽ nhận được khoản đền bù bằng mức thu
nhập của khoảng 5 năm làm nông dân trên thửa ruộng của chị. Nhưng thông
tin đó không làm chị vui. “Tôi chẳng biết dùng tiền ấy làm gì cả” – chị nói. “Có
lẽ tôi sẽ đầu tư vào cái gì đó, nhưng cũng chưa biết là vào đâu. Tôi là
nông dân, tôi chỉ biết trồng lúa và nuôi gà nuôi lợn thôi. Tôi không
biết kinh doanh, không biết mua bán gì cả. Tôi muốn nhà nước xây một nhà
máy lớn ở đây để rồi chúng tôi đi làm công nhân, như thế tốt hơn là bồi
thường bằng tiền hay căn hộ”.
Phía bên phải hàng cọc, cuộc sống vẫn tiếp tục như thường. Mặc dù
phải cưỡi trâu dầm trong làn nước giá lạnh của mùa đông, nhưng một nông
dân khác, chị Nguyen Thi Hang, lại tỏ ra còn hơn cả hài lòng với số phận
của mình. Chị cho là đời sống đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. “Cách
đây 5 năm, tôi phải mất gần cả ngày để đẩy xe đạp từ chợ ở Hà Nội về
nhà, chở rau cỏ cho trâu bò lợn. Bây giờ thì tôi có thể ra Hà Nội và
quay về trong vòng hai tiếng đồng hồ, nếu được ông xã đèo bằng xe máy”. Chị là một điển hình của nông dân hiện đại. “Trước
kia phải mất sáu tháng để nuôi một con lợn ta lên được 60 cân, còn giờ
tôi có thể vỗ béo một con lợn giống Tây lên 60 cân chỉ trong hai tháng”.
Câu chuyện thành công của chị còn lặp lại ở nhiều nơi trên khắp đất
nước; thật là tin xấu đối với giống lợn sề của Việt Nam – đám lợn này
gần như đã tuyệt chủng ở quê hương của chúng – nhưng là một tiến bộ mang
tính cách mạng đối với hàng triệu nông dân Việt Nam. Vợ chồng chị Hang
vẫn tiếp tục làm ruộng, nhưng con cái của họ thì không còn ý định sống
cả đời trong cảnh lưng còng, tay đầy bùn nữa. Ngày ngày chúng đi xe máy
về Hà Nội, con trai đi làm cho một công ty máy tính, con gái làm cho một
cửa hàng bán quần áo. 5 năm về trước, chúng còn sung sướng được cưỡi xe
Honda Dream sản xuất ở Trung Quốc. Bây giờ, chúng không dại gì chết tắc
với loại xe dành cho ông già đó. Đồ chúng mua sắm, dù là xe máy hay
điện thoại di động, đều phải nhằm mục đích phô trương.
Nhưng với tất cả những thứ đó, gia đình cũng sẽ không bỏ đất. Đất vẫn
là chiếc mỏ neo của họ. Chính vì mất chiếc mỏ neo đó mà chỉ cách đó 100
mét, chị Tran Thi Phu đang than thở kia. Đối với cả hai người phụ nữ
này, mà thật ra là đối với bất kỳ nông dân trên 30 tuổi nào, nạn đói vẫn
cứ là một ký ức sống động. Vào đầu những năm 1980, sự kết hợp giữa các
nguyên nhân chiến tranh, cấm vận, và chủ nghĩa xã hội nhà nước giáo
điều, đã gây thiếu lương thực trầm trọng và dẫn đến nạn đói. Di chứng
của cái thời ấy vẫn còn in đậm trên cơ thể của tất cả những người Việt
Nam lớn lên trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Nỗi sợ một chuyện tương
tự như thế có thể lại xảy ra khiến nông dân bám chặt lấy đất: họ có niềm
tin rằng điện thoại di động có ngừng kêu thì họ vẫn còn có thể tự trồng
lúa và sống được. Mất đất là đâm đầu vào cảnh mất ổn định.
Hai người phụ nữ – Nguyen Thi Hang và Tran Thi Phu – là những bằng
chứng sống về quá trình chuyển đổi ở Việt Nam. Đời sống hiện nay khá hơn
cực nhiều so với 20 năm về trước. Hầu hết những thăng trầm khi xưa của
đời sống nông dân đã được khắc phục. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm, bệnh
truyền nhiễm được kiểm soát, tuổi thọ kéo dài hơn. Đất đai được phân bổ
rộng rãi và nông dân đã có quyền trồng cây gì họ muốn và đem bán, trên
lý thuyết là cho bất kỳ ai họ muốn. Kết quả thật ấn tượng. Trong không
đầy ba thập kỷ, số người nghèo giảm hẳn, nông thôn đã có điện; đường xá,
trạm y tế, trường học và hệ thống vệ sinh đều được xây dựng. Nhưng vẫn
còn cần nhiều thời gian để vượt qua những gánh nặng của quá khứ. Cuộc
sống của người nông dân vẫn còn khó khăn.
Khi nền kinh tế tiến hành công nghiệp hóa, tỷ trọng nông nghiệp trong
GDP giảm còn một nửa – từ 40% vào giữa thập niên 1980 xuống 20% ngày
nay. Nhưng số nông dân giảm chậm hơn thế nhiều – từ ba phần tư dân số
trong thập kỷ 80 xuống còn khoảng một nửa dân số như bây giờ. Nói cách
khác, nông dân đang nhận một tỷ lệ thấp hơn lợi ích của tăng trưởng
trong một số người rộng lớn hơn. Họ đã giàu lên, nhưng mức độ ít rõ rệt
hơn so với những người lao động ngoài khu vực nông nghiệp. Tuy có một số
nông dân khá giả, nhưng phần còn lại đang phải vật lộn để xoay sở, và
họ có thêm một loạt vấn đề phải đối mặt. Gió độc vẫn thổi qua những cánh
đồng lúa, dưới hình thức những vụ cưỡng chế đất đai, quan chức địa
phương cướp bóc của dân, và sự biến động của thị trường toàn cầu. Các
ảnh hưởng đều sẽ rất nguy hiểm cho tương lai của đất nước, bởi lẽ nông
thôn hiện giờ vẫn là nơi an cư đối với phần lớn người Việt – khoảng 70% –
mặc dù, như hai phụ nữ nói trên đã chỉ ra, ở nhiều nơi, “nông thôn” tồn
tại trong định nghĩa và phân loại của chính quyền nhiều hơn là trên đất
đai. Một thời gian rất dài sau khi dự án bất động sản ở Hoài Đức hoàn
thành, khu vực này chắc chắn vẫn sẽ được gọi là “nông thôn”.
Tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của nông dân đóng trụ sở ở một
trong số rất nhiều biệt thự quét vôi vàng trong “khu Đảng” nằm dọc đường
Quán Thánh (Hà Nội). Phòng họp của họ có cái công thức thường xuyên của
mọi cơ quan nhà nước: rèm nhung đỏ, tượng bán thân bằng đồng của ông Hồ
Chí Minh, và một khẩu hiệu lớn mạ vàng khẳng định rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”.
Hội Nông dân là một trong những “tổ chức quần chúng” chủ lực của Đảng.
Vai trò của nó là làm “sợi dây nối” giữa nông dân và Đảng – nhưng cũng
là hướng dẫn nông dân về chính sách của Đảng. Lãnh đạo Hội năm 2007, ông
Vũ Ngọc Kỳ, giữ một nhiệm vụ khó tới mức đáng sợ, nhưng vẫn còn dành
thời gian rảnh rỗi để sáng tác và xuất bản thơ. Hôm tôi gặp ông, ông vừa
hoàn thành một tập thơ nữa – thơ ca ngợi các thành viên của Hội. Trong
đó, ông kêu gọi nông dân hãy làm giàu cho đất nước để đất nước bắt kịp
với phần còn lại của thế giới. “Mùa xuân đến đem theo bao hy vọng, hoa hồng tươi và chúng ta lại tiến tới ngày mai…”,
có một câu thơ như vậy. Nhưng ông cũng rất ý thức được rằng đối với
những người nông dân đang chật vật tồn tại, mùa xuân mang đến điềm gở
hơn là vận hội. Liệu còn đủ cái ăn cho tới mùa gặt không? Làm sao xoay
sở được?
Không như các lãnh đạo nông dân ở nhiều nước khác, ông Kỳ không coi
công việc của mình là phải bảo vệ quyền của các thành viên trong hội –
quyền được ở trên đất của họ. Ông tỏ ra rất thẳng thắn khi nói về những
việc cần làm. “Hiện tại chúng tôi có 32 triệu người lao động ở nông
thôn, và có thể nói rằng khoảng 10 triệu trong số họ ở trong tình trạng
bán thất nghiệp”. Giải pháp của ông không phải là yêu cầu nhà nước
trợ cấp nhiều hơn cho nông dân để duy trì cuộc sống của họ. Đảng đã
quyết định công nghiệp hóa đất nước, một số lượng lớn nông dân phải rời
đất, và với tư cách chủ tịch Hội Nông dân, ông sẽ phải làm sao để bảo
đảm việc đó. Ông Kỳ dự đoán là trong những năm tới, một phần ba số nông
dân cả nước sẽ thất nghiệp, như là kết quả của hiện đại hóa nông nghiệp
và cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. “Do đó, việc quan trọng nhất bây giờ là phải đào tạo để họ có kỹ năng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của các ngành dịch vụ”
– ông bảo vậy. Nói cách khác, nông dân cần được đào tạo lại để trở
thành bồi bàn hoặc lái xe. Hội Nông dân đã hoàn toàn dựa vào (lý thuyết)
phân chia giai cấp để đào tạo những kỹ năng mà họ nghĩ là sẽ cần thiết
trong nền kinh tế mới.
Đoan Trang biên dịch