Song Chi
Có lần tôi đã viết một bài đại ý cuộc sống của người Việt dưới
“thiên đường xã hội chủ nghĩa VN” có quá nhiều nỗi lo nỗi sợ, kể từ khi
mới sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Quá nhiều nỗi lo: Khi còn nhỏ thì phải lo học ngày học đêm, học không
có thời gian nghỉ ngơi giải trí bồi bổ thêm cho đời sống tinh thần,
không có mùa hè không có tuổi thơ, dưới sức ép của gia đình, nhà trường,
điểm số, những kỳ thi (nhìn sang các nước Mỹ, châu Âu, chả có nước nào
mà trẻ con phải đi học thêm từ khi mới vào cấp một, và suốt thời trung
học như ở nước mình). Nỗi lo lớn nhất là thi rớt đại học. Vì ở VN, rớt
đại học là rất bi kịch, thời buổi bằng cấp rẻ như bèo, cử nhân thạc sĩ
còn thất nghiệp, huống hồ chỉ có một mảnh bằng trung học phổ thông.
Lớn hơn một chút thì lo kiếm việc, lo cày bừa như trâu để kiếm tiền,
vừa nuôi thân mình, nuôi gia đình vừa lo cho tương lai học hành của con
cái, còn phải để dành phòng khi ốm đau bệnh tật, khi thất nghiệp lúc
tuổi già…VN không có chế độ an sinh xã hội, còn bảo hiểm y tế hay lương
hưu đều rất tượng trưng chẳng ăn thua gì, nên người dân phải tự lo cho
mình, có bất cứ chuyện gì xảy ra nếu không có tiền thì đành bó tay chờ
chết. Một đời người toàn là nỗi lo.
Và nỗi sợ: Đi học sợ bị điểm kém, bị thầy cô trù dập, bị ba mẹ mắng
nếu kết quả không cao. Đi làm thì sợ xếp. Ăn uống thì sợ chất lượng thực
phẩm không an toàn, mất vệ sinh, có ngày lại bị trúng độc, mà nếu không
trúng độc chết ngay thì cứ mỗi ngày độc tố ngấm dần vào người, dần dà
cũng bị ung thư các kiểu. Ra đường thì sợ tai nạn giao thông (mỗi năm có
đến 12-13 ngàn người Việt chết vì tai nạn giao thông chưa kể bị thương
tật, tàn phế, còn hơn cả thời chiến), sợ cây gãy trúng đầu, sụp hố tử
thần, dây điện không an toàn gây điện giật khi trời mưa…Có muôn ngàn tai
họa trời ơi đất hỡi khác nhau xảy ra do cung cách làm ăn gian dối, vô
trách nhiệm của con người.
Rồi nỗi sợ công an, sợ chính quyền, đến nỗi từ lâu người dân nhìn
chung không dám quan tâm bàn luận đến những chuyện chính trị xã hội vì
nếu bị khép tội phản động, tuyên truyền nói xấu chế độ lại ngồi bóc lịch
dài cổ v.v…
Không chỉ nhiều nỗi lo nỗi sợ, người Việt còn khổ tâm vì phải chạy
theo những giá trị ảo, giá trị dỏm. Chẳng hạn, bằng cấp là một giá trị.
Nhưng ở VN nhiều khi nó là giá trị ảo/dỏm. Thứ nhất, bởi chất lượng giáo
dục không tương xứng với bằng cấp, thứ hai, ngày càng có người bỏ tiền
ra chạy bằng, mua bằng…nên giá trị của bằng cấp càng rẻ. Chả ở đâu mà
giáo sư tiến sĩ nhiều cả rổ như ở VN.
Trong một xã hội mà mọi cái ghế, chức vụ thơm tho đều là do chạy,
mua, dàn xếp, hoặc do con ông cháu cha mà có, người thực học, có thực
tài sẽ rất khó với được những chỗ như vậy. Còn những kẻ thiếu tài thiếu
đức nhưng ngồi trên đầu thiên hạ lại nhan nhản. Cuối cùng bằng cấp, chức
vụ không tương xứng với người đang có được cái bằng, cái chức vụ đó,
bằng cấp chỉ là vật trang trí, nhưng mà phải có cho oai, không có thì
“không cơ cấu” được vào chỗ này chỗ kia. Cứ nhìn vào các quan to quan
nhỏ từ cấp huyện, xã, thành phố cho đến trung ương, Bộ chính trị…người
nào cũng phải cố sắm vài cái bằng để lòe thiên hạ thì hiểu.
Người ta chạy theo bằng cấp, chạy theo đồng tiền. Giá trị con người
không được xét theo năng lực, phẩm chất, tư cách thật sự của người đó mà
được cân đong đo đếm bởi cái hình thức vật chất bên ngoài, từ những thứ
người đó mang, mặc trên người hoặc sử dụng cho đến cái nhà to, xe hơi
“khủng” v.v…
Không chỉ người lớn mà trẻ con, thanh thiếu niên cũng bị tác động bởi
cuộc sống chỉ chạy theo/tôn sùng những giá trị ảo này. Ở lứa tuổi đang
học phổ thông cho đến đại học, các em phải đua theo hai cuộc đua diễn ra
suốt năm này sang năm khác.
Với những em siêng năng, coi trọng việc học thì đó là cuộc đua về học
hành-điểm số, những cuộc thi, làm sao vào được trường chuyên lớp
chuyên, trường công loại A hoặc trường quốc tế. Ngoài giờ học lại phải
đi học thêm văn hóa, nếu gia đình có tiền thì còn phải học thêm ngoại
ngữ tiếng Anh tiếng Pháp, học đàn piano, violon, múa ballet, khiêu vũ,
thể thao, bơi lội…Nghĩa là phải trở thành một người hoàn hảo! Bởi không
thiếu những bậc phụ huynh nghĩ rằng họ có tiền và mong muốn con được
trang bị đủ kiến thức mà chính họ ngày xưa không có điều kiện. Rồi các
bậc phụ huynh còn phải đua nhau cho con đi du học nước ngoài. Trước kia
phần lớn các em đi du học sau khi học xong bậc phổ thông, bây giờ ngày
càng có nhiều gia đình cho con đi học từ khi đang học lớp 9, lớp 10,
thậm chí sớm hơn nữa.
Với những em gia đình khá giả, sẵn tiền, thích ăn diện thì lại là
cuộc đua về mức độ chưng diện, tiêu xài, thể hiện đẳng cấp con nhà giàu.
Giới trẻ VN ở các thành phố lớn bị tác động nhiểu hơn ở nông thôn và
tỉnh lẻ, ở thành phố lớn những gia đình thuộc thành phần khá giả đông
hơn, khoảng cách giàu nghèo rõ rệt hơn, và đời sống chung quanh cũng bị
bủa vây bởi các mặt hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ nhiều hơn. Ngay từ khi
còn ngồi ở bậc trung học, bọn trẻ con nhà có tiền đã so kè nhau từ cái
iPhone, iPad, điện thoại đời mới, những bộ cánh chưng diện đi chơi,
những buổi ăn chơi cuối tuần…Đua nhau xài tiển của bố mẹ cho bạn bè lác
mắt.
Trẻ con học điều đó từ chính cha mẹ, người lớn, từ cách sống cách
nghĩ, các tiêu chuẩn vô hình chung được định ra trong xã hội VN hôm nay.
Những năm sau này giới việt kiều về nước hoặc người dân ở các nước đã
phát triển cũng phải choáng trước cách xài tiền rất hoang của một bộ
phận người giàu ở VN-một đất nước vẫn thuộc hàng nghèo, lạc hậu trên thế
giới. Hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiển, rượu ngoại…cho đến những dòng xe hơi
đời mới nhất, đắt tiền nhất cũng đã có ở VN. Nhiều đại gia, người nổi
tiếng ở VN sở hữu hàng chục bất động sản đất đai, với những ngôi nhà
sang trọng chẳng thua gì tỷ phú ở nước ngoài.
Đặc biệt là giới showbiz-ở bất cứ nước nào vốn dĩ cũng là một tầng
lớp quen sống trong một môi trường hào nhoáng, lấp lánh danh, sắc, nhưng
trong một xã hội chuộng những giá trị ảo, hình thức bên ngoài như Việt
Nam, những “căn bệnh” đó sẽ càng đậm đặc hơn với giới showbiz. Nếu theo
dõi những hoạt động của giới showbiz Việt thì sẽ thấy, những cuộc tranh
đua lành mạnh vể tài năng thật sự thì ít mà đua vì những cái danh ảo bên
ngoài thì nhiều. Cộng thêm sự vô tình hay hữu ý góp sức của những tờ
báo mạng có khuynh hướng giật gân, câu khách, thường xuyên đăng tải
những thông tin kiểu như cùng ngắm nhà đẹp của nghệ sĩ A, nghệ sĩ B tậu
xe khủng, ca sĩ C cặp kè với đại gia, ca sĩ D diện váy, túi hàng hiệu,
nữ diễn viên E “lộ hàng”, nam diễn viên G bị tố là người thứ ba v.v…
Chính vì vậy, nhiều ca sĩ diễn viên mới nổi hoặc không có thực tài
bao nhiêu đã chọn con đường gây scandal để nổi tiếng, hoặc đi đường tắt
các kiểu để có thể có được một chút tên, hoặc cặp kè với đại gia để
thoải mái chưng diện. Chính xã hội chung quanh đang cổ vũ cho cách sống
đó. Báo chí lá cải đang cổ vũ cho cách sống đó. Ngược lại, người có tài
thật, mà sống lương thiện, trung thực, khiêm tốn quá thì sẽ thiệt thòi.
Như vậy, một đời người Việt đã phải đối mặt với nhiều nỗi lo, nỗi sợ-
trong đó phần lớn là những nỗi lo, sợ phi lý do cái cái thể chế chính
trị hiện tại gây ra cho người dân, lại phải vất vả chạy đua theo những
giá trị ảo, là quá mệt mỏi.
Ngay cả những người giàu có ngồi trên hàng đống tiền cũng có những
nỗi lo, sợ. Làm ăn trong một môi trường kinh tế không ổn định, luật pháp
không rõ ràng minh bạch lại hay thay đổi xoành xoạch và lắm kẻ xài luật
rừng như ở VN, có gì đảm bảo không bị thua lỗ, bị lừa đảo, phá sản như
chơi. Cả quan to chức lớn cũng không thật sự yên tâm. Luôn phải quỵ lụy
cấp trên, kéo bề kết cánh để giữ ghế, trăm mưu nghìn kế để đối phó với
bao nhiêu kẻ dòm ngó cái ghế của mình, chưa kể phải đối mặt với sự oán
ghét của người dân. Nói tóm lại người giàu, người có chức, người có
tiếng ở VN cũng chưa chắc trong tâm đã thực sự bình an.
Trong khi đó, ở những quốc gia đã phát triển đồng thời là những nước
tự do dân chủ, văn minh, người dân không phải đối phó với quá nhiều nỗi
lo sợ vô lý, lại không phải bon chen tranh giành những giá trị ảo-mà chỉ
phải cố gắng để có được những giá trị thật, do chính năng lực, phẩm
chất con người mình tạo dựng nên. Một cuộc sống như vậy, ắt hẳn phải nhẹ
nhõm hơn, bình an hơn.