Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Chuyện bỏ đảng chạy lấy người

Kami/RFA Blogs

Hơn một năm nay, vì lý do sức khỏe cá nhân, chả làm gì được nên tôi cũng có nhiều thời gian để lên mạng internet hơn, nhiều lần tôi nhận được các tin nhắn trên mạng xã hội Facebook của bạn bè (ảo) những lời đề nghị được trao đổi một số vấn đề liên quan đến nhận thức chính trị của cả đôi bên. Hình như những người bạn đó nghĩ tôi viết blog nghĩa là tôi làm chính trị hay tham gia một tổ chức gì đó nên họ quan tâm muốn chia sẻ. Đáng chú ý trong các đối tượng trao đổi với tôi nói trên thường rất trẻ, họ là sinh viên hay học sinh, cá biệt có những bạn đang học phổ thông Trung học.

Không hoàn toàn như nhiều người đánh giá cho rằng các bạn trẻ bây giờ chỉ mải lo kiếm tiền để đua đòi ăn diện và chơi bời. Tôi cũng gặp không ít các bạn trẻ, đang là sinh viên hay mới tốt nghiệp Đại học, hay các doanh nhân với các chính kiến chính trị khác nhau. Nhưng đa số là những điều họ được giáo dục trên ghế nhà trường XHCN, nghĩa là họ luôn nghĩ nói khác với truyền thông của đảng, của nhà nước nói là phản động, là chống lại tổ quốc. Cách đây ít lâu, cũng trên mạng Facebook tôi gặp một anh bạn trẻ sinh năm 1989, đang là sinh viên năm cuối của một trường Đại học ở Hà nội. Chắc anh bạn trẻ này cũng mê chuyện chính trị, có hỏi tôi đại ý rằng “Anh được nhà nước nuôi dạy, cho ăn học, vậy lý do nào làm cho anh phản bội dân tộc, phản bội đảng mà mình phấn đấu chí chết mới vô được, và phản bội lại một thời oai hùng mà mình đã sống, đã cảm nhận. Để ngày nay đi theo phe lề trái?“ với lý do nghe chừng rất thuyết phục “Khối XHCN ở Đông Âu và Liên xô sụp đổ một phần cũng do đài Châu Âu Tự do, nay anh viết bài cho đài Á Châu Tự do (RFA) phải chăng cũng vì mục đích đó?”.
Thú thực trước một câu hỏi đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và nghĩ rằng mình với tư cách đã từng là một cựu đảng viên đảng CSVN phải có trách nhiệm trả lời những thắc mắc của họ. Chuyện tôi có phản bội dân tộc, phản bội đất nước hay phản bội đảng hay chống lại chính quyền nhà nước hiện nay ở Việt nam hay không là hai vấn đề khác biệt, không thể coi hay đánh đồng giữa đảng, chính quyền với Tổ quốc với dân tộc. Nhưng phải thừa nhận sự chuyển hóa tư tưởng của tôi dẫn tới việc tôi quyết định bỏ sinh hoạt đảng, phần lớn là do tôi hiểu được sự thật qua các thông tin trong sách vở báo chí, internet và những gì tôi cảm nhận được trong những chuyến đi hay trong cuộc sống thực tế mà tôi có điều kiện tiếp xúc và cảm nhận ở xứ người trong thời gian học tập và làm việc. Để qua đó rút ra cho mình một kết luận đã được người ta đã khẳng định thành chân lý đại ý là “Đừng nghe đảng nói và hãy xem đảng làm”.
Nói thật trước đây đối với tôi, đảng CSVN chính đảng từng được ông tôi, cha mẹ tôi và thế hệ anh em chúng tôi theo đuổi và ủng hộ hết lòng. Chúng tôi từng coi đảng CSVN là đảng cách mạng của những đại diện ưu tú của mọi tầng, mọi giới với lý tưởng đấu tranh xây dựng một xã hội công bằng, mà xã hội đó nhân dân sẽ làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình. Với mong ước đem lại cho nhân dân Việt nam được sống trong ấm no, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn, áo mặc và ai cũng được học hành. Cần phải hiểu Đảng CSVN nói chung và cá nhân đảng viên nói riêng xưa và nay về bản chất không còn giống nhau, nếu không nói là thay đổi gần như hoàn toàn tới 180 độ. Những đảng viên đảng CSVN cách đây không lâu, chỉ từ năm 1990 trở về trước họ là những người có tinh thần vì nước quên thân vì dân phục vụ. Là những người luôn tiên phong đi đầu trong mọi công việc, không quản ngại khó khăn, không vụ lợi theo phương châm đảng viên luôn gương mẫu đi trước, để làng nước theo sau.
Khi ấy những người đảng viên là tấm gương cho quần chúng noi theo, bất kể hành động gì đều phải suy nghĩ vì sợ động chạm tới danh dự của người đảng viên cộng sản. Cái mà mỗi đảng viên chúng tôi luôn gìn giữ như con ngươi của mắt mình. Trong cuộc sống đời thường hay trong những ngày ở nơi chiến trận lủa đạn cũng thế, những người đảng viên cộng sản như chúng tôi luôn đặt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình lên trên quyền lợi hay kể cả sự sống của bản thân mình. Trong mỗi trận đánh, khi khẩu lệnh xung phong vang lên thì những người đảng viên cộng sản chúng tôi phản ứng tự bật dậy xông lên phía trước một cách tự nhiên, bất chấp mưa bom bão đạn hay sự đối mặt với tử thần. Chỉ đơn giản vì khi ấy chúng tôi luôn tâm niệm mình là đảng viên cộng sản, mình không xông lên trước thì đồng đội của mình ai sẽ dám tiến lên theo. Lúc ấy không ai còn được phép nghĩ mình sẽ sống hay chết, sau những trận đánh ai còn sống là do may mắn, ai nằm xuống cũng là điều phải chấp nhận, để rồi đánh mãi thành quen, mọi chuyện trở thành là chuyện bình thường. Đám lính trẻ ra trận lần đầu ra trận, nghe tiếng súng chưa quen khi nghe khẩu lệnh xung phong thì nhiều cậu nằm bẹp không dám ngóc đầu lên vì sợ, nhiều cậu sợ đái cả ra quần. Sau những trận đánh có nhiều cậu lính trẻ hỏi tôi “Sao thủ trưởng máu thế, không sợ chết à?”.
“Là con người hay con vật cũng thế có ai không sợ cái chết, nhưng trách nhiệm của người lính là trên hết, dẫu chết chúng mình cũng phải biết chấp nhận” – tôi thường bảo anh em như vậy để động viên họ, khi ấy mình nói rất thật không hề lên gân, lên cốt. Có lẽ vì trong hoàn cảnh giữa cái sống và cái chết cách nhau gang tấc, nên anh em chúng tôi dù lính trơn hay sĩ quan, đảng viên hay không đảng viên thương yêu quý mến nhau như ruột thịt, sống không tính toán thiệt hơn hay lợi hại cho cá nhân mình.
Đó là những cái chỉ còn trong dĩ vãng của đảng CSVN, bao nhiêu ý nghĩ tốt đẹp của tôi đối với đảng CSVN dần đã mất hết, không chỉ là con số không mà giờ nó còn là con số âm. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ may mà mình đã sớm bỏ cái đảng này, nếu không thì chết vì nhục vì làm đồng chí với bọn họ, đồng chí với một bầy sâu khổng lồ nhân danh đảng cộng sản để lừa bịp quần chúng nhân dân, hòng đục khoét tài sản quốc gia làm giàu cho cá nhân mình trên mồ hôi và nước mắt của những người lao động. Biến quân đội nhân dân với phương châm trung với nước, hiếu với dân thành lực lượng quân đội trung với đảng, coi nhân dân và những người lính cựu binh như chúng tôi, như anh Đoàn Văn Vươn là kẻ thù. Tại sao lại như thế, không có lẽ trong chiến tranh những người lính như chúng tôi xả thân cho dân cho nước để cho một xã hội băng hoại như hiện tại hay sao?
Quyết định bỏ sinh hoạt đảng của tôi cách đây hơn 10 năm, khi ấy chỉ xuất phát từ cảm tính cá nhân, tôi cảm nhận ban lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền của họ ngày càng tha hóa, biến chất, ngày càng có nhiều biểu hiện phản bội lợi ích của nhân dân. Và dần dần họ càng biểu hiện tha hóa do được quyền tự cho mình là lực lượng chính trị duy nhất, có quyền đứng trên Hiến pháp và luật pháp của đất nước. Từ đó dẫn tới sự lạm quyền, coi thường dân chúng, bịa đặt vu khống cho các cá nhân hay tổ chức trái ý của họ khi cần thiết. Tóm lại là họ không bao giờ nói thật bất cứ điều gì, nói một đằng rồi làm một nẻo. Họ luôn luôn nhân danh lý tưởng cộng sản, nhưng trên thực tế họ đã hình thành các nhóm lợi ích, tham nhũng cắt xén chia chác ngân khố và tài nguyên, đất đai của quốc gia chưa đủ. Họ quay sang dùng bạo quyền để cướp đất đai, nhà cửa ruộng vườn của nông dân với chiêu bài dự án đầu tư, phát triển để là giàu cho nhóm lợi ích – các đại gia tư bản đỏ. Rồi cha truyền con nối, cất nhắc con cái vào ghế lãnh đạo chưa đủ, họ còn đưa các đại gia là lớp tư bản đỏ bóc lột nhân dân vào ngồi trong cơ quan quyền lực cao nhất – Quốc hội của nhà nước XHCN. Tình trạng vô lý này ngày càng phổ biến trên diện rộng và không có biểu hiện chấm dứt, thể hiện sự coi thường lực lượng đảng viên trong đảng và quần chúng nhân dân của ban lãnh đạo đảng CSVN.
Điều đó dẫn tới hậu quả như đã thấy trong thời điểm hiện tại, lúc này uy tín của đảng CSVN trong dân chúng đã không còn như trước đây. Bây giờ thì hầu như tất cả mọi người dân đã mất lòng tin vào Đảng, mất lòng tin ở đảng viên. Ngay trong nội bộ của đảng cũng thế, một số đông đảng viên kể cả cán bộ trung cao cấp đã nghỉ hưu hay đang tại chức cũng không tin vào sự lãnh đạo của đảng CSVN, người ta gọi họ là thành phần đảng viên chán Đảng. Bằng chứng là trong video clip Bí thư thành ủy Hải phòng trong buổi gặp gỡ các vị lão thành cách mạng là cán bộ trung cao cấp ở Hải phòng, đã bị la ó phản đối quyết liệt như một cái chợ vỡ. Cũng bởi cái đảng CSVN hiện nay không còn chút gì là đảng cộng sản. Đảng CSVN giờ chỉ còn cái tên để lừa bịp, còn bây giờ đảng CSVN đang theo chủ nghĩa nào, đường lối nào, không ai biết. Kể cả chính những người lãnh đạo của đảng CSVN cũng vậy, nhưng họ cứ vờ vịt, à ơi để lừa những người nhẹ dạ.
Do đó không phải ngẫu nhiên mà gày 16/1/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Và rồi ngày thứ hai, 27 tháng 2, 2012 vừa qua, hơn 1000 đại biểu, gồm toàn bộ thành viên Bộ chính trị, Ban bí thư, Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI, cán bộ chủ chốt ở trung ương và 63 tỉnh, thành phố về dự hội nghị “lớn chưa từng có” ba ngày về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lý do cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận “… ở một bộ phận không nhỏ các đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của cán bộ, đảng viên; sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Đây không phải là chuyện mới, vì từ tháng tháng 5/1999 cũng đã từng có Quy Định 55“Những điều đảng viên không được làm”. Rồi tháng 12/2007 có Quy định 115 về những điều đảng viên không được làm, rồi tháng 11/2011 lại có Quyết định 45 tương tự, chưa kịp “quán triệt” thì đã có cái Quy định 47 cũng không hơn gì. Tất cả cũng vẫn loanh quanh 19 điều, nội dung vẫn y như thế và rồi chắc kết quả lại vẫn như thế không có gì thay đổi. Vì như theo lời ông Lê Khả Phiêu , nguyên TBT đảng CSVN khẳng định “Thực trạng suy thoái trong đảng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư. Thực ra, thực trạng này Đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn bệnh ngày càng trở nên trầm trọng.”. Nghĩa là bệnh của đảng CSVN là trầm trọng lắm, hết thuốc trị, hết phương cứu chữa rồi.
Trong bất kỳ một xã hội nào cũng thế, luật pháp phải đảm bảo sự công bằng trong khuôn khổ của Hiến pháp và chính quyền nhà nước đã nói thế nào phải làm đúng như vậy, lời nói phải đi đôi với việc làm. Chứ không thể chấp nhận một chính quyền nhân danh của dân, do dân và vì dân nhưng thực tế lại là một xã hội vô luật pháp, nơi mà luật pháp bị một nhóm người ngang nhiên chà đạp, đứng trên luật pháp để thao túng xã hội bằng biện pháp như một băng đảng mafia. Điều đó đã tạo nên xã hội ở Việt nam hiện nay băng hoại, nền tảng đạo đức xã hội bị phá vỡ trở nên mang tính chất xô bồ, mạnh ai nấy sống. Đó chính là nguy cơ dẫn tới sự sụp đổ của đảng CSVN và chế độ của họ, do căn bệnh ví như ung thư giai đoạn cuối, mà đã là bệnh ung thư thì không có thuốc chữa, chỉ còn nước chết là cái chắc.
Đó chính là nguyên nhân để cho – như đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói “Đất nước chúng ta đang đi trên một cỗ xe mà người lái xe không biết lùi, và trên cỗ xe phanh hỏng. Và chúng ta chỉ băm băm lao về phía trước, đầy những rủi ro”. Nghĩ lại điều đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói làm cá nhân tôi cảm thấy mình là người may mắn.
May mắn cho tôi vì đã biết trước cái tất yếu sẽ xảy ra như ngày hôm nay và đã biết để nhanh chân rời khỏi chuyến xe bão táp này. Chỉ tiếc cho những ai còn đang u mê tưởng rằng dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng CSVN đang đưa những hành khách trên chuyến xe phanh hỏng băm băm lao về cán đích CNXH. Chỉ khi xe lật nhào mới biết cái CNXH là chữ cái đầu viết tắt của Cả Nước Xuống hố.
Tôi không phải là người lạc quan tếu, từ trước đến nay tôi vẫn không tin đảng CSVN sẽ sụp đổ vì bất cứ lý do gì về kinh tế hay xã hội. Nhưng đây là mâu thuẫn nội bộ trong đảng CSVN, giữa đảng CSVN và nhân dân đã ở mức quá sâu sắc, mà chính họ thừa nhận là “Thực trạng suy thoái trong đảng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư”. Vậy có lẽ đã bắt đầu đến lúc chúng ta có thể đếm lùi giờ tận thế của họ – đảng CSVN, vì bây giờ dẫu họ muốn hối cải cũng là quá muộn.
Ngày 02 tháng 03 năm 2012
Nguồn: RFA Blog

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"