Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Cặp đôi hoàn hảo CHUYÊN CHÍNH và THAM NHŨNG

Hà Sĩ Phu
Đọc bài viết trên báo Pháp luật, tường thuật hội nghị toàn quốc đánh giá năm năm công tác Phòng chống Tham nhũng (PCTN), mặc dù đã có những tiêu đề và phụ đề “giật gân” như Thủ tướng chỉ đạo: Xóa nguồn gốc tạo đặc quyền, đặc lợi!, Thêm nhiều giải pháp mạnh!, Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu! mà lòng tin của tôi với “sự nghiệp chống tham nhũng” của nước ta vẫn ỉu xìu, chẳng nhúc nhích thêm được chút nào. Các bạn cứ thử đọc xem, chắc cảm giác cũng không khá hơn tôi đâu.

Chẳng phải vì chúng ta thành kiến hay bi quan. Chỉ bởi vì có một quy luật bất di bất dịch, đó là câu nói bất hủ của vị Nam tước John Dalberg-Acton (1834-1902) “Quyền lực có xu hướng tham nhũng, mà quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối.” (“Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely.”) Khi có quá nhiều quyền lực trong tay, ngay đến người tốt cũng cai trị độc đoán!
Thế mà Đảng lại quyết tâm lãnh đạo một cách “toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối” (nên không thể bỏ điều 4 Hiến pháp), thì theo quy luật Acton nói trên, sự Lãnh đạo tuyệt đối của Đảng chính là nguồn phát sinh và là nguồn bảo vệ cái Tham nhũng tuyệt đối!
Nguồn gốc là ở đấy, nay Thủ tướng Dũng lại hô hào “Xóa nguồn gốc tạo đặc quyền, đặc lợi” tức là tự xoá mình, thì xoá thế nào? Vì thế dù người chỉ huy PCTN là Thủ tướng, là Tổng Bí thư, hay Chủ tịch nước, hay Chủ tịch Quốc hội cũng đều không giải quyết được nạn tham nhũng, vì phân tích theo căn nguyên như trên thì họ đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến tham nhũng, đều gặp những khó khăn không giải quyết được. Nhưng trong bốn vị đó thì người khó chống tham nhũng nhất chính là… đương kim Trưởng ban. “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì làm sao chống được tham nhũng”, người dân nói thế và ai cũng hiểu ngay, thế mới khổ!
Từ định luật Acton rút ra hệ luận: Quyền lực tập trung ở đâu thì Tham nhũng bâu quanh chỗ đó, bởi hai kẻ này là một “cặp đôi hoàn hảo”. Trong cặp đôi này, một kẻ được hô muôn năm. kẻ kia bị hô tiêu diệt nhưng cả hai di chuyển nhịp nhàng, lúc tiến lúc lui, cộng lực với nhau, che chắn cho nhau, vờ tách nhau ra, thoắt liên hiệp lại, biểu diễn những vũ điệu ngoạn mục và những màn ảo thuật tân kỳ, rối mắt người xem.
Hãy nhìn ngay vào báo cáo trong Hội nghị PCTN này thì rõ: “PCTN là nhiệm vụ trọng tâm nhưng lại ít được đề cập [!] trong các hội nghị kiểm điểm, tổng kết công tác của các tổ chức Đảng. Chất vấn trong Đảng gần như chưa được thực hiện…”, tức là các vị nói là quan trọng nhưng trong lòng biết nó chẳng quan trọng gì, nói để mà nói thôi.
“Việc kê khai tài sản chưa có tác dụng do chưa được công khai rộng rãi, Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản và các tài sản có giá trị khác… Công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng vẫn còn yếu kém. Số vụ án tham nhũng được điều tra, xét xử trong 5 năm qua có xu hướng giảm, nhiều nơi, 5 năm qua không phát hiện được vụ nào”. Kết quả như vậy thì còn trông chờ gì, có hô khẩu hiệu 100 lần cũng thế thôi.
Năm 1995, khi viết bài Chia tay Ý thức hệ tôi đã tin rằng trong giai đoạn kinh tế thị trường định hướng XHCN, chuyên chính vô sản nhất định sẽ được dùng để tích luỹ tư bản! Mà giai đoạn “tích luỹ tư bản ban đầu” thì khủng khiếp thế nào chúng ta đều rõ, trong đó nạn tham nhũng ghê gớm cũng chỉ là điều “nhỏ như con thỏ” mà thôi.
Thế thì bế tắc không, cam chịu không? Thưa không, nếu biết nhìn từ gốc, dám sửa từ gốc và đặt Tổ quốc – Nhân dân lên trên hết, Dân làm chủ xã hội! Tôi tin như vậy.
Hà Sĩ Phu
_______________________________
Phụ lục:

Thủ tướng chỉ đạo: Xóa nguồn gốc tạo đặc quyền, đặc lợi

Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh.
Ngày 7-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) cùng Phó Thủ tướng - Phó Trưởng ban Thường trực Nguyễn Xuân Phúc cùng Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đồng chủ trì hội nghị toàn quốc đánh giá năm năm công tác PCTN.
Báo cáo của BCĐ Trung ương về PCTN nhận xét việc kê khai tài sản chưa có tác dụng do chưa được công khai rộng rãi. Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh, làm rõ.
Nhiều đề xuất về mô hình BCĐ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đánh giá về năm năm triển khai luật, nghị quyết PCTN có một số nhóm ý kiến khác nhau về mô hình BCĐ.
Nhóm thứ nhất cho rằng nên giữ như quy định hiện hành, chỉ cần hoàn thiện cơ chế hoạt động, bổ sung thêm thành viên, cả chuyên trách. “Các ý kiến này cho rằng mô hình BCĐ hiện hành đi vào cuộc sống chưa lâu, chưa thấy có cản trở gì nhiều. Vừa rồi Chính phủ họp, 16/22 thành viên Chính phủ 16 đồng ý cơ bản giữ nguyên như vậy” - Thủ tướng nói.
Một số đề xuất khác như: giữ nguyên mô hình BCĐ trung ương về PCTN, còn BCĐ ở địa phương không để chủ tịch UBND cấp tỉnh làm trưởng ban nữa mà giao cho chủ tịch HĐND.
Một nhóm ý kiến khác là thay người đứng đầu, với ba lựa chọn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch QH làm trưởng BCĐ trung ương.
Nhóm ý kiến thứ tư, cũng đáng chú ý, là PCTN không cần phải có BCĐ, mà để các cơ quan chức năng, từ cấp ủy, đến cơ quan nhà nước các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp thực hiện đúng chức năng chính trị, chức năng luật định của mình.
Nhóm quan điểm còn lại, Thủ tướng nói mới xuất hiện ở dự thảo báo cáo chính thức, là lập ủy ban PCTN.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh dù lập BCĐ theo mô hình nào thì quan điểm chung vẫn là không thể có ai làm thay chức năng của cấp ủy trong công tác cán bộ. “Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ, bao gồm cả việc điều động, kiểm tra, xử lý cán bộ. BCĐ dù thế nào cũng không thể làm thay nhiệm vụ của cấp ủy là huy động mọi nguồn lực vào công tác PCTN. Ngoài ra, dù là BCĐ hay ủy ban cũng không thể làm thay nhiệm vụ cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước. Hơn nữa, cũng không thể giao cho BCĐ hay ủy ban nhiệm vụ điều tra, truy tố vì không khả thi. Không thể có một cơ quan chống tham nhũng nào đứng ngoài hệ thống bộ máy nhà nước, độc lập với sự lãnh đạo của Đảng”.
Thêm nhiều giải pháp mạnh
Hội nghị đồng tình với những giải pháp lớn thúc đẩy công tác PCTN thời gian tới. Theo đó, cần khẩn trương nghiên cứu các đề án áp dụng một số biện pháp PCTN mà Công ước LHQ về chống tham nhũng khuyến nghị, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng phạt tiền, miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt với người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả. Có quy định nhằm hạn chế tối đa việc cho bị can tại ngoại trong quá trình điều tra án tham nhũng, hạn chế việc cho hưởng án treo, đặc xá với người phạm tội tham nhũng.
Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, bao gồm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức, quyền; mở rộng từng bước phạm vi công khai kết quả kê khai; quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm bất thường…
Theo Thủ tướng, để góp phần chống tham nhũng hiệu quả thì phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý nhà nước, tránh xin-cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là ở các lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước. Đảng và Nhà nước phải hoàn thiện chính sách rõ ràng và minh bạch về tiền lương, đất đai, nhà ở cho cán bộ, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền, đặc lợi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"