Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Ukraine và nỗi ám ảnh của Việt Nam

Bình Lê
Khi Nga sát nhập Crimea của Ukraine thành lãnh thổ của mình, không ít người Việt Nam lo lắng. Lo lắng vì sâu thẳm trong lòng chúng ta sợ Trung Quốc sẽ có bước đi tương tự và độc chiếm Biển Đông. Khi Ukraine quyết định ký hiệp ước thương mại quay về với châu Âu dân chủ và phát triển thì “nội chiến” bùng phát ở miền Đông. Ai cũng biết có bàn tay của Nga trong việc gây bất ổn bằng cách hỗ trợ lực lượng ly khai vũ khí và quân đội như cáo buộc của Ukraine, châu Âu và Mỹ. Chúng ta không khỏi nghĩ Ukraine bên Nga cũng như Việt Nam bên Trung Quốc. Chúng ta sợ Trung Quốc có khả năng quấy rối, gây hấn thậm chí làm Việt Nam bất ổn như Nga gây cho Ukraine.
ukraineprotesterkilled.jpg
Ảnh: Ukraine là bài học lớn cho Nga, Châu Âu và Mỹ (nguồn: internet)
Không người Việt Nam nào muốn có chiến tranh, dù với Trung Quốc, Mỹ hay Cambodia. Chúng ta đã phải trả giá quá nhiều trong lịch sử bằng xương máu, hận thù, và chia rẽ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tỉnh táo, không để nỗi sợ Trung Quốc ám ảnh dẫn đến các quyết định sai lầm.
Thứ nhất, Việt Nam không có nguy cơ phải đối mặt với những đòi hỏi ly khai như miền Đông của Ukraine, nơi có nhiều người Nga sinh sống. Nga không thể đưa quân đội xâm chiếm Ukraine vì như vậy trở thành kẻ đi xâm lược, chắc chắn sẽ đối đầu với toàn bộ châu Âu và Mỹ. Chính vì vậy, Nga đã sử dụng lực lượng ly khai để gây rối Ukraine nhằm làm suy yếu Ukraine cũng như tạo thế gây ảnh hưởng sau này. Tiến xa hơn, Nga dựa vào ly khai để thiết lập một vành đai an toàn trước NATO.

Trung Quốc không thể đưa quân vào Việt Nam vì không có lực lượng ly khai cho Trung Quốc dựa vào. Nếu xâm lược chắc chắn sẽ bị lên án bởi toàn thế giới. Khi đó, Châu Á và thế giới sẽ tập hợp để chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, có một khả năng Trung Quốc có thể can thiệp nếu họ viện lý do “người Trung Quốc ở Việt Nam bị tàn sát” – để bảo vệ công dân của mình họ sẽ đưa quân vào Việt Nam. Đây chính là điều Việt Nam phải thận trọng khi đồng ý cho hàng nghìn công nhân Trung Quốc tập hợp sâu trong lãnh thổ của mình. Họ có thể tạo thành cớ để Trung Quốc can thiệp quân sự vào Việt Nam, chưa nói đến các nguy cơ an ninh khác.
Thứ hai, cái giá Nga phải trả cho việc sát nhập Creame và gây rối ở Ukraine là rất lớn. Nước Nga bị cô lập như thời chiến tranh lạnh, có điều khác là nước Nga yếu hơn Liên Xô rất nhiều, và nước Nga không còn đồng minh Đông Âu cũng như các nước XHCN nữa. Nga còn lựa chọn duy nhất là bắt tay với Trung Quốc dẫn đến mất dần vị thế của một “cường quốc” mà Putin đang khao khát tìm lại. Cái thế của Nga càng ngày càng yếu, đến mức Tổng thống Putin phải viện dẫn đến thông điệp “nước Nga là một cường quốc hạt nhân” để nhắc nhở phương Tây.
Trung Quốc hiểu cái giá quá lớn họ phải trả nếu đưa quân vào Việt Nam vì họ có thể phải đối mặt với một sự bao vây tương tự. Chỉ với những gây hấn gần đây trên biển Hoa Đông và Biển Đông mà những chuyển dịch chiến lược về kinh tế, an ninh và ngoại giao đã được khởi động ở Châu Á. Một nước Nhật rũ bỏ sự tự ti sau chiến tranh thế giới thứ hai, bắt đầu chủ động liên kết với Úc, Ấn Độ và ASEAN để tạo thế an ninh mới. Một nước Mỹ xoay trục về châu Á, bố trí thêm quân ở Úc, Philippines, Singapore và hàn gắn quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản. Những dịch chuyển về dòng vốn, đầu tư và quan hệ kinh tế cũng bắt đầu diễn ra vì rủi ro ở thị trường Trung Quốc tăng lên cùng sự hung hăng của họ với các nước láng giềng. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nếu xâm lược nước khác, điều mà Trung Quốc không muốn.
Thứ ba, nước Nga đã sai lầm khi xem nhẹ ý chí của người dân Ukraine trong việc xây dựng một nhà nước độc lập và dân chủ. Chính sự “già néo đứt dây” của người Nga trong việc muốn Ukraine mãi là vệ tinh của mình đã dẫn đến các cuộc biểu tình và lật đổ xoay chuyển tình thế. Cho dù chính quyền của tổng thống Viktor Yanukovych cố trì hoãn sự “quay lại châu Âu” của Ukraine nhưng đã thất bại. Suy cho cùng, ý nguyện của quảng đại quần chúng nhân dân sẽ lái con tàu của đất nước đi theo hướng họ muốn.
Trung Quốc cũng hiểu tinh thần độc lập, tự cường và khát khao tự do của người Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, người Việt Nam vẫn duy trì được sự tồn tại của mình. Tinh thần ấy vẫn còn chảy trong huyết quản và đã được đánh thức khi giàn khoan HD981 được kéo vào Biển Đông. Chính vì vậy, bất cứ thỏa thuận nào tạo sự lệ thuộc vào Trung Quốc cũng sẽ không được chấp nhận. Hơn nữa, Trung Quốc cũng hiểu rằng Việt Nam đã có các quan hệ kinh tế, văn hóa và chính trị đa dạng và chằng chịt với các nước trên thế giới, nên việc ép Việt Nam không dễ như trước đây.
Nhiều người so sánh Việt Nam đang đứng trước sự kiện lịch sử giống như những năm 1990 khi Liên Xô sụp đổ. Khi đó, chúng ta phải xác lập lại quan hệ chính trị, kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc trong hội nghị Thành Đô. Bây giờ, sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông chúng ta cũng phải xác định lại quan hệ chính trị, kinh tế và ngoại giao với người láng giềng to lớn này. Tuy nhiên, thế và lực của chúng ta đã khác, chúng ta không cô độc như những năm 1990, chúng ta đã có quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, Châu Âu, Nhật, Úc và Hàn Quốc. Chúng ta là thành viên của ASEAN, và quan trọng hơn chúng ta có lẽ phải.
Duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc là quan trọng vì không có nước nào phát triển nếu không có ổn định chính trị trong nước, cũng như hòa bình với các nước láng giềng. Điều này không những đúng cho Việt Nam mà đúng cho cả Trung Quốc. Chính vì vậy, chúng ta đừng tự ti, đừng lo sợ khi đàm phán với người khổng lồ Trung Quốc. Vì nếu chúng ta để nỗi sợ che mờ lý chí, rất có thể chúng ta lại nín nhịn, tiếp tục bỏ lỡ cơ hội đưa Việt Nam vào quỹ đạo phát triển xuôi chiều với thế giới. Lại bỏ lỡ cơ hội để dân tộc độc lập và tự do, ấm no và hạnh phúc.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"