Bùi Quang Minh
Theo FB Bùi Quang Minh/ Quê Choa
Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là chương trình nhằm xóa bỏ
văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là “bóc lột”, “phản
quốc” (theo Pháp, chống lại đất nước), “phản động” (chống lại chính
quyền) như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập… được Đảng
Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào
những năm 1953–1956. Cải cách ruộng đất tịch thu tài sản, đất đai của
những người này và chia cho bần nông, cố nông; đồng thời tiến hành đấu
tố và xử tội họ.
Tổng cộng có 6 đợt lớn cải cách ruộng đất. Từ cuối năm 1954, dưới sức
ép của cố vấn Trung Quốc, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được
đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã
xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Từ
đó đến cuối năm 1955, cảnh đấu tố địa chủ xảy ra tràn lan, nhiều lúc
chỉ đơn thuần bằng một lời tố giác đơn giản, những thành viên trong tòa
án nhân dân cũng có thể xử tử hình hay tù khổ sai đối với người bị tố
giác. Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền hành của các cán bộ đội
viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai. Họ đấu tố mọi nhà,
đấu tố mọi người, nhưng lại quên đấu tố bản thân. Số người bị quy oan,
bị xử lý sai chiếm tỷ lệ rất cao. Ước tính đã có 15.000 người bị xử tử.
Theo bài diễn văn luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc tại cuộc họp Mặt trận
Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30 tháng Mười 1956, cuộc cải cách ruộng đất được
thực hiện với phương châm “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một
địch”; phương châm này đi ngược lại với quy tắc cơ bản của pháp luật,
trong trường hợp này là “thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án
oan”. Cụ thể các quy tắc pháp lý đã bị xâm phạm là:
- Không xử phạt các tội đã phạm quá lâu đến hiện tại mới điều tra ra.
- Trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân chịu, không quy kết cho vợ con, gia đình.
- Muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng.
- Thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị can. Bị can
có quyền nhờ luật sư bào chữa. Phải tôn trọng bị can trong quá trình
truy tố và xét xử; khi bị can ra trước tòa không được xiềng xích và
không được dùng nhục hình.
Các nguyên nhân sai lầm được cho là: quan điểm ta-địch, thù-bạn của
chính quyền đương nhiệm rất mơ hồ; chính quyền bất chấp pháp luật, lấy
chính trị lấn át pháp lý; bất chấp ý kiến của giới chuyên môn.
Sai lầm kiểu như vậy vẫn còn bóng dáng cho đến ngày nay!
“Đấu tranh với địa chủ, thì phải có khí thế, chưa quen thì phải tập.
Chưa có ai xuất hiện để mà đấu, thì có thể dùng cái cột nhà thay thế. Bà
con và nhất là các phụ nữ. Giơ tay xỉa xói vào cái cột nhà: ‘Mày đã
cướp của tao, mày đã đốt nhà tao, mày đã đánh đập tao thật tàn bạo, tao
khó nhọc làm giầu cho mày, mà mày cho tao ăn đói ăn khát…’. Tất cả phải
được nhuần nhuyễn, từ cử chỉ đến lời nói, để khi gặp ‘người thật’ không
ngượng ngùng ái ngại.
Đến nỗi mà một người phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha già chị
săn sóc hằng ngày. Chị nói với bố: ‘Ông có biết tôi là ai không?’. Người
cha ngậm ngùi nhìn đứa con dứt ruột của mình và nói:: ‘Thưa bà, con là
người đẻ ra bà ạ’. Lời thưa não nùng thảm thương, nhưng phải hỏi cái sức
ma quỉ nào đó đã thúc đẩy người con chất vấn người bố như thế? Cứ đó mà
luận ra những người khởi xướng!”
“Lấy lại ruộng đất để chia cho những người cầy, không phải là mục
tiêu chính của việc cải cách và chính việc cải cách cũng không phải là
mục tiêu của cách mạng. Lấy lại ruộng đất chỉ là phương tiện để cải
cách, chính việc cải cách cũng chỉ là phương tiện cho sự thống trị của
giai cấp vô sản. Nói đúng ra cho sự thống trị của Đảng chuyên chính được
thiết lập vững chắc.
… Cải cách ruộng đất là một cách quét sạch những địa chủ, những cường
hào ác ôn, ác bá, những người có uy tín, những người có mầm mống để
vươn lên. Tất cả những gì mà cách mạng cho là đối nghịch, là nguy hiểm
trong hiện tại và trong tương lai. Quét sạch, để cho xã hội trở nên một
tờ giấy trơn, để Đảng muốn vẽ gì thì vẽ, theo ý mình.”