Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Từ chiến dịch phản đối cách bầu cử áp đặt ở Hong Kong, ngẫm về Việt Nam

Athena
"Đảng cử dân bầu" nôm na là đảng đưa cho bạn vài cục cứt và bạn được tự do chọn một vài cục trong số đó! - Blogger Từ Anh Tú
Ngày 5/9 vừa qua trong khi 22 triệu học sinh trên cả nước Việt Nam đón lễ khai giảng năm học mới (buổi lễ mà người viết đã tham gia suốt 12 năm học và nhận thấy rằng nó cực kỳ sáo rỗng, tẻ nhạt, nặng hình thức, thiếu thực tiễn khiến cả thầy trò và khách đến dự đều mệt mỏi dưới tiết trời oi nóng. Thực tế thì đa số những buổi lễ khai giảng ở Việt Nam giống như “đòn phủ đầu” lên tâm lý học sinh vốn đã chứa sẵn sự căng thẳng và mệt mỏi, hơn là buổi lễ giữ trọn vẹn ý nghĩa “chào mừng năm học mới”) thì tại mảnh đất cách đây một múi giờ, hội sinh viên trường đại học Hong Kong đang ra sức kêu gọi tất cả sinh viên trên toàn bộ vùng lãnh thổ này cùng lên tiếng phản đối kế hoạch cải tổ chính trị mà chính quyền Trung Quốc áp đặt lên Hong Kong.
Cụ thể, các ứng viên trong kỳ bầu cử Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong được diễn ra vào năm 2017 tới đây sẽ được đề cử bởi một ủy ban gồm các “đại diện rộng rãi”. Không cần nói có lẽ nhiều người cũng biết ủy ban này sẽ bao gồm các nhân vật trung thành với Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên nếu ứng viên muốn nhận được sự ủng hộ từ ủy ban này cũng sẽ phải là người thân với chính quyền Trung Quốc. Nói một cách thẳng thắn, Trung Quốc đã thẳng tay khước từ người dân Hong Kong thực hiện bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự, thay vào đó chính quyền Bắc Kinh sẽ đưa ra một danh sách gồm hai hoặc ba ứng cử viên và công dân Hong Kong chỉ có thể bỏ phiếu cho một trong ba người đó. Hiểu theo một cách đơn giản và có phần hài hước thì việc này cũng giống như người dân ở Bắc Triều Tiên chỉ được chọn để một trong mười bốn kiểu tóc mà chính phủ cho phép vậy.

Trong suốt thời gian vừa qua đã có rất nhiều người phản đối chính sách này của Trung Quốc, điển hình phải kể đến phong trào “Chiếm đóng Khu Trung Tâm”. Đặc biệt là hồi tháng Sáu đã có đến 800.000 người tham gia cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cách chọn lãnh đạo do phong trào này đứng ra tổ chức. Hiện tại tình hình ở Hong Kong đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Những nhà dân chủ ở vùng lãnh thổ này đang ra sức kêu gọi người dân đòi tự do bầu cử nhưng cũng có một số người lo sợ rằng biểu tình kéo dài sẽ chỉ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng với chính quyền Bắc Kinh.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc mưu đồ kế hoạch “Trung Quốc hóa” mảnh đất Hong Kong. Trước đó vào năm 2012 chính quyền độc tài này đã triển khai kế hoạch dạy môn “giáo dục về lòng yêu nước” cho học sinh tiểu học và trung học, một môn học mà theo nhiều người không gì khác ngoài mục đích tẩy não học sinh và ca ngợi nhà nước độc đảng khắc nghiệt. Rất may mắn, dưới sức ép của hàng trăm nghìn người biểu tình, kế hoạch này đã phải hủy bỏ.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng để người dân Hong Kong bầu cử tự do sẽ rất dễ tạo ra một “xã hội hỗn loạn” nên người ngồi vào ghế Trưởng đặc khu sẽ phải gắn bó lệ thuộc vào “đất mẹ Trung Hoa”. Thậm chí một bài viết trên tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn khẳng định chắc nịch rằng có một số người Hong Kong đang âm mưu thông đồng với các thế lực bên ngoài nhằm mục đích lật đổ và xâm nhập vào “Trung Hoa lục địa”.
Đọc đến đây có lẽ nhiều người sẽ thấy giọng điệu này nghe quen quen. Chính quyền nước ta cũng thường dùng luận điệu này để áp đặt và buộc tội những cá nhân đối lập với chính quyền có nguyện vọng thực hiện tiến trình dân chủ hóa. Ngay cả đối với việc bầu cử cũng vậy. Cái cơ chế “đảng cử dân bầu” cho phép người dân Việt Nam được trực tiếp bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội nhưng những cái tên trong danh sách bầu cử lại do... Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một cánh tay nối dài của Đảng CSVN, chọn lựa. Những người đi bỏ phiếu không hề biết rõ những ông những bà tai to mặt lớn sẽ là người đại diện cho họ trong nay mai thực chất là ai, tài cán đức độ như thế nào hay đơn giản nhất là ứng viên đó có hiểu họ - những người dân – đang thực sự mong muốn điều gì hay không.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng đây là kiểu bầu cử bịp bợm một cách trắng trợn. Một mặt chính quyền lừa dối người dân bằng cách vẫn trao cho người dân quyền bỏ những lá phiếu (hoàn toàn vô nghĩa) để họ có cảm giác đang được làm chủ trò chơi chính trị này, một mặt chính quyền sắp xếp xong toàn bộ nhân sự cho nhiệm kỳ vài năm tiếp theo. Thế nên mới có chuyện chưa bầu cử đã “nghe phong phanh” kết quả từ đâu đó lộ ra (?!). Nhiều người dễ tính luôn cho rằng “thà được bầu cử như thế này còn hơn là không” nhưng họ không hiểu rằng chuyện có hay không ở đây chẳng có ý nghĩa gì cả. Việc người dân được tự tay bỏ phiếu là một trong những cách dễ dàng nhất mà chính quyền nghĩ ra để xoa dịu những cái đầu luôn thường trực bốc hỏa do dồn nén về mặt tâm lý hay bất công xã hội được tích tụ ngày qua ngày.
Năm 2016 tới đây người dân Việt Nam sẽ lại một lần nữa “được” đi bầu cử mà dù có thấy kệch cỡm và lãng phí thì họ cũng vẫn vui vẻ hoặc giả vờ vui vẻ. Nhưng người dân Hong Kong họ đang đấu tranh miệt mài cho một cuộc bầu cử dân chủ đúng nghĩa sẽ diễn ra vào năm 2017.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"