Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Hội Nhà Báo Độc Lập mất đoàn kết?

Nguyễn Ngọc Già

Hội Nhà Báo Độc Lập (HNBĐL) - đang gây sóng gió trên truyền thông tự do - nơi ông Nguyễn Tường Thụy cho biết [1] "ấn tượng khó phai"trong kỳ họp đầu tiên: "...Đây là Hội nghị của những người dấn thân, dám chấp nhận sự hy sinh vì một nền báo chí độc lập và cao hơn nữa, vì tất cả những điều tốt đẹp cho tương lai của Đất Nước, của Dân Tộc..."

Luật sư - Tù nhân lương tâm Lê Thị Công Nhân nói [2]: "...Tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn có một mình tôi đấu tranh. Trước hết là để giành lấy nhân quyền cho chính mình và giành lấy quyền tự do cho nguời Việt Nam. CSVN đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì là thỏa hiệp chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi...". Thật vậy, nếu mình không đấu tranh trước hết cho chính bản thân mình, thật khó thuyết phục bất kỳ người dân nào. Quyền lợi cá nhân phải hòa quyện với quyền lợi dân tộc. Giản dị lại đầy đủ. Ngắn gọn mà chân thật. Chân lý là ở đó, không cần những uốn éo phức tạp.

Vì thế, trong các quốc gia dân chủ, khi tranh cử, các chính khách tham gia luôn chứng minh trước cử tri, những chương trình hành động hữu hiệu, thiết thực. Nghĩa là họ phải thuyết phục dân chúng tài năng [a] của họ, dân chúng hãy bầu họ thay vì người khác. Các ứng viên chính trị không kêu gọi suông (ví dụ "đoàn kết") và các ý nghĩa lý tưởng khác trong... "môi trường chân không". Tự thân ý nghĩa tranh cử đã bác bỏ tính "đoàn kết" suông.

Sự Thật và Đoàn Kết?

Trong cuộc tự do tranh luận xoay quanh mâu thuẫn nội bộ của HNBĐL, một số người đang buồn cũng như lo lắng về tình trạng "mất đoàn kết", bởi sẽ làm hao hụt, chia rẽ tài năng và càng giúp cho ĐCSVN kéo dài "sự sống". Một tâm trạng bi quan nhưng thành thật. Tuy nhiên, dường như tâm trạng đó mang hơi hám như người ta gọi - "Ngây thơ chính trị" (?). Sự lo âu như thế đánh trúng vào tâm lý - của người dân - quá chán ngán chế độ CS và đang mong mỏi một tổ chức trong nước (khả dĩ) làm đầu tàu cho cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. 

Một khi dư luận không gắn kết ý nghĩa "đoàn kết" với "Nói chút về mộng mị dân chủ" [3], tức "môi trường chân không" dung chứa "đoàn kết" trong đó, vẫn còn đất sống (!). 

Hình như, trước vụ việc ồn ào của HNBĐL,  những ai bi quan đang nghĩ về tính "tuyệt đối" dành cho "đoàn kết"? Nếu như thế, tính "đa nguyên" e rằng không còn ý nghĩa. Đoàn kết như thế chẳng qua là sự hão huyền. 

Người ta không thể tìm được "đoàn kết" trong sự náo loạn/bấn loạn/hỗn loạn của cả xã hội độc tài toàn trị, nơi người Việt Nam đang sống hỗn độn cùng tính Chân - Giả, trong đó phần "Giả" lấn át áp đảo phần "Chân". Và ở đó, người CS vẫn đang mải miết kêu "đoàn kết" khản giọng đó chứ! Một chiếc phao cứu sinh từng hữu hiệu, nhưng giờ đây thủng lổ chổ và đang chìm dần vào lòng Biển Đông, trong mưu đồ thôn tính của "những người đồng chí" vô vàn thương mến cũng như từng ngỡ rất ..."đoàn kết" với họ, "sát cánh" cùng "công cuộc" "chống Mỹ cứu nước"(!).

Khi nào trên Núi nở Sen
Mơ về "đoàn kết", đảng...em vẫn còn
Sen hồng như miếng bông gòn
Nhúng vào thuốc nở đã tròn bốn lăm

"Mộng mị" nghe rất hay: "Kết đoàn chúng ta là sức mạnh/Kết đoàn chúng ta là sắt gang/Đoàn kết ta bền vững/Dù sắt hay là gang, mà sắt với gang còn kém bền vững..." với hậu quả thảm thương gần 70 năm qua quá rõ, nếu không ai bác bỏ lịch sử của ĐCSVN [b]: chia rẽ mãnh liệt - thanh trừng khốc liệt - soán đoạt kịch liệt - thống trị quyết liệt, ngay trong nội bộ, trên mọi lãnh vực, từ cấp cao nhất của người CS, không trừ cả trong thời gian phôi thai hình thành, từ 1930.

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
(Hồ Chí Minh)

Thực tế ngày càng phơi bày tính "đoàn kết" [c] như thế nào của người CS, chỉ cần bạn bỏ thời gian đọc: "Đêm Giữa Ban Ngày", "Hoa Xuyên Tuyết", "Những Thiên Đường Mù", "Bên Thắng Cuộc" v.v... và mới nhất là "Đèn Cù".

Ở đó, có thấy "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết" nào đâu, nhưng "Thành công, thành công, đại thành công" vẫn "rực rỡ" như "Màu Hoa Đỏ"[d]. Chỉ đáng thương, "hoa đỏ" đó đang ngả màu "hoàng hôn" tang tóc ngày hôm nay cho người CS!

Đừng quá buồn phiền và lo lắng. Những tranh luận miệt mài giữa phía ông Ngô Nhật Đăng với ông Phạm Chí Dũng, nó mới làm cho Sự Thật bộc lộ tất cả. Sự Thật của mỗi bên. 

Giữa "Sự Thật và Đoàn Kết" tính chất nào là tiên quyết trong cuộc đấu tranh dân chủ Việt Nam hôm nay? 

Cũng nên phân biệt giữa đoàn kết và cấu kết. Giữa đồng lòng và đồng lõa. Giữa mộng mị và mong muốn. Và tất nhiên, cần tránh mơ mộng trên "thiên đường XHCN" [e] mà nhìn thẳng đời thực phũ phàng tại Việt Nam. 

Hệ cân bằng "sinh thái chính trị" Việt Nam, bấy lâu nay mất cân đối trầm trọng. Nó đang dần được cải thiện và dần khôi phục, cho "môi trường sống" tự do - dân chủ, ngày càng phát triển. Không có gì cưỡng nổi.

Sự Thật sẽ quyết định cho tính đoàn kết.

Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam 

Khi nghe ông Nguyễn Tường Thụy vui mừng: "Ấn tượng nhất đối với tôi là việc bầu Ban lãnh đạo. Danh sách Ban lãnh đạo được dự kiến, Ban tổ chức đề nghị hội nghị giới thiệu thêm. Không thấy giới thiệu thêm ai và thành phần Ban lãnh đạo thông qua một cách nhanh chóng. Khi thảo luận sôi nổi bao nhiêu thì bầu Ban lãnh đạo nhanh chóng bấy nhiêu. Sự thống nhất này khác hẳn về bản chất khi so với sự miễn cưỡng thông qua hoặc thông qua cho qua chuyện trong các cuộc bầu bán trước đây mà tôi từng chứng kiến", người viết cũng thầm chung vui cho chủ nhân trang blog - nơi trước đây, tôi đã từng gởi vài bài nhờ đăng.

Tôi thích slogan của trang blog Nguyễn Tường Thụy: "Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu". Khẩu hiệu đó có vẻ làm ông Nguyễn Tường Thụy mắc kẹt giữa tính đối lập và tính độc lập như HNBĐL đề ra? Bởi tự thân Yêu - Ghét rõ rệt, đã chứng minh "độc lập" thật khó..."đứng một mình", dù bất kỳ hình thái nào.

Làm sao có những "nhà báo độc lập" nếu như trước đó không có nhiều "nhà báo đối lập" để giành quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí? Lý giải ra sao, khi nhiều người biết "Freedom is not free"? Có độc lập nào mà không giành lấy? Làm sao nảy nòi ra "nhà nước CHXHCNVN/độc lập - tự lo (ý lộn! do) - hạnh phúc" nếu người CS không tạo ra lực lượng "đối lập" ngay trong lòng Sài Gòn để "giải phóng hoàn toàn miền Nam"?

Huỳnh Bá Thành - một người CS và là Tổng biên tập báo CATp.HCM, từng bực bội: "Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!"

Do đó, khi ông Bùi Minh Quốc nói [4]: "...Ai có thể đảm bảo rằng anh Ngô Nhật Đăng – với tính cách vô kỷ luật như vậy, sẽ không sơ sẩy để lọt lên tờ báo của Hội những bài khiêu khích chính trị khiến chính quyền có cớ đàn áp, mà người chịu nạn trước hết sẽ là chủ tịch Hội?...", nghĩa là lâm vào phép ngụy biện thứ 13 mang tên "lý lẽ ngờ nghệch". Nói cách khác, không phải tránh "khiêu khích chính trị" thì không bị bắt. Thích, người CS có hàng ngàn lý do để bắt. Chẳng phải ông Phạm Chí Dũng từng bị bắt và thả ra một cách khó hiểu kèm lời xin lỗi của báo Tuổi Trẻ? Không biết "bài viết mộng mị" của Liên Sơn có phạm vào tính chất "khiêu khích chính trị" không? 

Tuy nhiên, lần đầu tiên tôi mới nghe khái niệm khá ngộ nghĩnh này. "Khiêu khích chính trị" hay "khiêu khích cộng sản", "khiêu khích văn hóa", "khiêu khích ngoại giao" v.v... thật ra là cách "chơi chữ". Nói cách khác đó là phép ngụy biện số 14 mang tên "lý luận lươn trạch" để tránh né những gì mà chính người đề ra khó chịu như "ghẻ ngứa". Những dạng người này, vốn dĩ không ưa hài kịch, dù đó là tác phẩm lừng danh "Những Người Thích Đùa" của Aziz Nesin. 

Làm "Lãnh Đạo" mà không biết đùa là một thiếu sót lớn, thật khó cho các "chính khách" thành công trên chính trường. Bởi vậy, trong "hội trường" Việt Nam, dễ thấy người làm trò cười lố lăng, hơn là tìm ra một diễn viên hài duyên dáng và thâm thúy là vậy!

"Lãnh Đạo" Phạm Chí Dũng - Chủ tịch HNBĐL

Ông Phạm Chí Dũng - Chủ tịch HNBĐL trả lời phỏng vấn RFI với tôn chỉ "HNBĐL, tiếng nói của sự thật" [5], khi tổ chức này vừa ra mắt. Lời khẳng định đó tựa như đòi hỏi từ những người trong Hội này, yêu cầu ông Dũng trình bày "quá khứ chính trị" của bản thân trước tình hình bị cho là rối ren hiện nay? 

Tất nhiên, Phạm Chí Dũng có quyền trả lời: "Không!" nếu như ông không đứng đầu trong "Ban Lãnh Đạo" HNBĐL. Không thể "Lãnh Đạo" mọi người với một quá khứ chưa được làm rõ. 

Đương nhiên, làm "Lãnh Đạo" còn đòi hỏi nhiều khả năng khác, nhưng nguyên tắc tối thượng cần có: Bạch hóa những gì mà ngay người trong hội còn phân vân, hoài nghi.

Sự Thật về quá khứ mà chính ông Phạm Chí Dũng từng thú nhận [6]: "...Cách đây mười năm, tôi còn mang trên mình nhiệm vụ phải đọc kỹ tất cả những thông tin và bài viết của RSF để báo cáo cho cấp trên..." khi nói về cảm tưởng nhận danh hiệu "Anh Hùng Thông Tin" do RSF trao tặng, làm người quan sát không khỏi băn khoăn. Do đó, đòi hỏi của ông Ngô Nhật Đăng và nhiều người khác là đòi hỏi hợp lý, hợp tình.

Phạm Chí Dũng từng thích thú để rồi tuyệt vọng với khái niệm "thành tâm chính trị" [7] của đương kim Thủ tướng Việt Nam phát biểu, chắc hẳn ông không nên phụ lòng công luận trước đòi hỏi chính đáng của Ngô Nhật Đăng và nhiều người khác bằng cách trình ra "thành tâm" từ quá khứ như ông đã "bật mí"

Làm "Lãnh Đạo", càng không nên gieo vào lòng thuộc cấp sự coi thường và nghi ngờ về sự ám muội của cấp trên, bởi tính chất này sẽ phá hủy tất cả công sức của "Lãnh Đạo" và gây đảo lộn mọi thứ tự. Thế nên, đừng trách "cấp dưới" vô kỷ luật, bởi "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", xưa nay ai cũng biết. Đặc biệt trong "cuộc chiến truyền thông" giành lấy Sự Thật, vốn dĩ ông Phạm Chí Dũng cùng cộng sự tự nguyện mang vác sứ mạng cao cả. Việc làm này thuyết phục hơn rất nhiều lần, so với hình ảnh "liệt oanh" như ông Thụy cho biết: "... Tôi lặng người khi Phạm Chí Dũng, thay mặt Ban lãnh đạo công bố thứ tự thay thế vị trí Chủ tịch Hội nếu có mệnh hệ gì...".

Chắc hẳn, hơn cả chục năm, ông Phạm Chí Dũng không chỉ hí hoáy với những dòng tin trên RSF mà còn theo dõi nhiều trang khác và có kha khá điều cần chia sẻ trong vai trò ngày xưa??? 

Mười năm có lẻ là quãng thời gian thú vị với ngồn ngộn thông tin trong thời đại toàn cầu hóa, cho một bí mật tương tự như "đèn kéo quân"?. Dù sao, vẫn vui hơn rất nhiều, nếu như ông Dũng tặng chiếc "đèn cù" - dù "nhỏ hơn" của ông Trần Đĩnh -  giúp "bầy trẻ dân chủ" chơi trong mùa Trung Thu. Ắt hẳn, ông Dũng cũng muốn "đoàn kết" mà cùng nhau "phá cỗ" dù nàng Hằng Nga, không may lâm vào "Nguyệt Thực"? Tạm thời thôi. Trăng lại vằng vặc sáng cho buổi "đại phá cỗ" của cả dân tộc.

Dường như trong sự hồ hỡi khi bầu "Ban Lãnh Đạo" như ông Thụy cho biết, không khí đó có chút gì hơi "bất cẩn" của nhiều hội viên tề tựu? Sự "bất cẩn" đó, có hay không chịu ảnh hưởng từ ánh vàng "Anh Hùng Thông Tin" lấp lánh bao quanh ông Phạm Chí Dũng được vinh danh cách đây không lâu?

Nếu quả thế, một phần lỗi rất lớn, khi "nội bộ rối rắm" là do hơn trăm người tự nguyện gia nhập từ "...Hội nghị không có bè phái. Các chức vụ bầu ra không vì quyền lợi cá nhân hay phe nhóm nào mà chỉ là sự tự nguyện nhận về phần mình sự hiểm nguy..." - Nguyễn Tường Thụy bộc bạch trong không khí "đoàn kết tuyệt đối".

Trước "Anh Hùng Thông Tin" đang sẵn sàng "hy sinh không hối tiếc", hình như các hội viên càng xúc động mà nghiêng về "tình cảm tính" hơi quá một chút? 

Ba tôi đã từng bồi hồi và kính cẩn thắp nhang khi đặt cái khánh bằng vàng [f] mang tên "Bà...mẹ!... Việt Nam anh hùng" lên bàn thờ nội tôi[g]. 

Dù sao, danh hiệu "Anh Hùng Thông Tin" vẫn đáng ghi nhận, nhưng điều đó không phải là "bảo chứng niềm tin" cho "thành tâm chính trị". Sự ngộ nhận nếu có, không phải do ông Phạm Chí Dũng hay RSF gây ra. 

Tin đồn linh hiển gần xa.
Thập phương bá tánh, ta bà đến xem

Có lẽ vì vậy, ý kiến của Liên Sơn được một số người tán đồng, khi dư luận tỏ ra "quá sùng bái" những tù nhân lương tâm với "danh hiệu này kia" (?)

Những "nhà dân chủ mộng mị" thật đáng "chê trách", khi không biết đánh giá... "hàng hiệu"(?!).

Kết

Hội Nhà Báo Độc Lập, thiết nghĩ không nên tranh làm báo cùng nhiều trang khác, dù thời gian hai tháng non trẻ, họ đã làm tốt công việc một tờ báo. Nếu có làm báo, chỉ những bài báo thật đặc sắc để thu hút, phần còn lại lớn hơn, quan trọng hơn rất nhiều:

- Sao không lật lại, đưa ra tình tiết mới từ những vụ án oan khuất của các nhà báo: Trần Quang Thành (bị tạt acid tàn bạo với di chứng còn nguyên đó), Nguyễn Văn Hải (vụ PMU18), Nguyễn Việt Chiến (PMU18), Hoàng Khương (báo Tuổi Trẻ), Đoàn Hữu Hậu (bị ép cung và xử oan [8] ) v.v... và lên tiếng mạnh mẽ tố cáo trước toàn dân và thế giới sự phi nhân của chế độ toàn trị điều hành bằng "luật rừng"?

- Hội nên là nơi chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về nghề báo và nhiều điều khác như: tình cảm, chuyên môn, trợ giúp vật chất & tinh thần v.v... Do đó những buổi tọa đàm, những chuyến đi tìm tư liệu, suy nghĩ đề tài từ thực tế v.v... rất cần thiết.

- Đó cũng là nơi đào tạo cho nhiều bạn trẻ có năng khiếu và đam mê nghề báo. Bởi trở thành nhà báo đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, không chỉ có khiếu viết. Đó có vẻ trở thành điều thiết thực cho HNBĐL trở thành "hàng độc" không đụng hàng với tất cả các hội "hoa lá cành" của ĐCSVN? 

- Hãy trở thành cầu nối cho tất cả các trang báo tự do một điểm kết nối trong tinh thần "ái hữu nghề nghiệp" hơn là khẳng định "cơ quan ngôn luận", bởi tên gọi đó sai về cơ bản lý luận cũng như thực tiễn. Nó chỉ phản ánh bản chất gần giống như "truyền thông CS" mà thôi.

- Hãy đặt thêm một trong các mục tiêu quan trọng cho chính hội mình: Đấu tranh đòi cho bằng được vai trò "báo chí - quyền lực thứ tư"của dân chúng. Đó là điều rất đáng suy nghĩ. Và tôi tin, các trang báo, web, blog rất cảm kích về điều này.

Hãy cho thấy sự khác biệt của HNBĐL thay vì độc giả nhìn nó chẳng khác gì một trang báo. Hy vọng, HNBĐL xem lại phương châm hoạt động sao cho đúng với một hội nghề nghiệp, dù là tự lập. Hội chưa thể "độc lập", cho tới khi có "báo đối lập".

Nguyễn Ngọc Già
_________________



[a] Từ có tài năng -> có chức quyền -> lương cao hơn và nhiều ưu đãi khác, tất nhiên đi kèm theo nghĩa vụ khắt khe mà họ phải đáp ứng, nếu không thì lần sau dân chúng sẽ chẳng bầu cho họ nữa).


[b] Tự tổ chức này nói họ lãnh đạo toàn diện - tuyệt đối Việt Nam, tức họ phải..."đoàn kết tuyệt đối" lắm chứ (?).

[c] Lý tưởng = những gì tưởng có lý - Một "định nghĩa" châm biếm người đời dành cho CSVN.

[d] Màu Hoa Đỏ - nhạc sĩ Thuận Yến.

[e] Khái niệm mà bây giờ người CS thẹn thùng đến nỗi không còn dám dùng nữa.





[f] Như mấy cái khánh người ta bán trong các tiệm vàng dành tặng tân gia, thôi nôi, sinh nhật v.v...

[g] Nội tui được phong BMVNAH khi bà đã chết từ đời tám hoánh (chết trước 1975 khá lâu)! Khi ba tui (hồi sanh tiền) kể lại "chuyện đời xửa đời xưa": Ông và ba ông chú tui đi "làm cách mạng" là đi (đại) và nói với nội tui: Má ở nhà, tụi con đi công việc vài bữa, tụi con về. 

Thế là tôi nhớ có bài hát: Ba lần (ý lộn bốn chứ, vì ba tui đi mà còn về nhiều lần, rồi phụng dưỡng nội tui cho đến ngày bà mất) tiễn con đi, ba lần khóc (hổng có) thầm lặng lẽ! 

Lâu quá, hổng thấy ba ông chú tui về, ban đầu ba tui xí gạt là "tại, bị, bởi vì v.v...", riết sau đó phải nói: Chắc "tụi nó" (tức ba ông chú tui) giông qua Cao Miên rồi. Cho đến ngày nội tui chết, bà cũng hổng biết ba ông chú tui "đi làm cách mạng". Do đó,  bà nội tui có biết (cái) "bà... mẹ!... Việt Nam anh hùng!" gì đâu! 


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"