Nguyễn Tường Thụy
Chẳng hiểu ai xui khiến thế nào mà Bảo tàng lịch sử quốc gia tự nhiên
đi tổ chức phòng trưng bày về cuộc Cải cách ruộng đất “long trời lở
đất” cách đây sáu chục năm, mở cửa vào ngày 8/9/2014.
Phàm những gì họ làm đều có mục đích cả, chứ không phải bày ra để chơi.
Vâng, mục đích là đây: theo Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì “Bảo
tàng muốn hướng tới là những thành tựu của cuộc cải cách ruộng đất đã
mang lại cho nhà nước mới được thành lập, cho người dân Việt Nam nghèo
khổ đang từ phận nô lệ mất nước được hưởng thành quả cách mạng đó”.
Tuy nhiên, mới qua mấy ngày đầu, mục đích của Bảo tàng có vẻ như
không đạt được. Dấu ấn kinh hoàng của Cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã
ghi quá sâu vào ký ức những người dân Việt Nam. Hẳn là không nhiều người
tìm đến phòng trưng bày để xem nông dân Việt Nam được hưởng thành quả
của Cải cách ra sao. Có vẻ như người ta không hào hứng về việc này khi
chuyện chia ruộng thì ai cũng biết và ai cũng biết sau đó, ruộng đất lại
được gom vào HTX. Khi mô hình HTX thất bại, ruộng đất được chia lại để
rồi lại tập trung vào quan chức nhà nước và những người giàu có. Người
ta đến triển lãm còn vì tò mò, muốn biết xem thái độ của nhà cầm quyền
đối với CCRĐ ra sao, họ nhìn nhận thế nào hay hướng người xem nhìn nhận
thế nào?
Người xem nhận ra ngay ý đồ của Ban tổ chức (BTC) khi nhìn vào cách
sắp xếp hiện vật và số lượng hiện vật cho mỗi khời kỳ. Theo Thanh niên
online, trong tổng số 133 hiện vật thì dành cho phần đời sống của nông
dân trước cải cách là 45 hiện vật, tức là chiếm 1/3. Điều này cho thấy,
bảo tàng muốn nhấn mạnh sự so sánh cuộc sống của nông dân với địa chủ.
Phần đấu tố địa chủ có lẽ là phần khách quan tâm nhất thì Ban tổ
chức giấu nhẹm. Được hỏi về cách sắp xếp có chủ ý, ông Cường trả lời đại
rằng “Không nhất thiết phải phơi bày toàn bộ những sai lầm của lịch sử”
làm cho nhiều phóng viên tỏ ý không hài lòng. Ông đã làm đúng đường lối
tuyên truyền của Đảng, nhưng xem ra, lần tuyên truyền này lợi bất cập
hại.
Có một điều thú vị là, phần giấu giếm của ban tổ chức đã được báo Vnexpress tìm cách bù đắp bằng bài “Khoảng lặng bên trong triển lãm Cải cách ruộng đất“với việc phỏng vấn khách thăm là những nhân chứng, kể về giai đoạn đau thương ấy và họ “chưa
thỏa mãn với những thông tin, hình ảnh, ánh sáng và cách trưng bày. Rất
tiếc khi có cơ hội lại không được cung cấp thêm những hiểu biết chân
thực về lịch sử, một giai đoạn đau buồn của dân tộc”.
Bài báo cũng dẫn lời nhà sử học Dương Trung Quốc “Với những vấn đề này, chúng ta không nên né tránh để ít nhất nhân dân không nghi ngờ về quá khứ”,
Trên mạng internet, tràn ngập những bài viết kể về một thời kỳ đen
tối nhất trong lịch sử dân tộc, khơi dậy những đau thương mà người ta
kìm nén sáu chục năm nay, nay có dịp bùng lên. Phần đấu tố địa chủ – nội
dung mà ban tổ chức cố tình ém nhẹm, với lý do như ông Cường đã nói là
không cần thiết lại là đề tài bàn luận sôi nổi nhất. Hàng chục bài viết
về chủ đề này được đưa lên mạng mỗi ngày. Riêng phần điểm tin sáng trên
trang Ba Sàm hôm nay (12/9) đã có tới 34 bài nói về CCRĐ. Blog Tễu còn
kỳ công tập hợp đường dẫn tất cả những bài viết về CCRĐ để hầu bạn đọc
Những người có cha mẹ ông bà bị đấu tố, bị bắn trong CCRĐ, nỗi uất ức
kìm nén bấy lâu nay được dịp bùng lên. Họ kể về nỗi đau mất mát của gia
đình, dòng họ, hệ lụy sau đó và không ngần ngại bày tỏ luôn cả lòng căm
thù.
Đấu tố, xử tử địa chủ ở Miền Bắc
Có người phát hiện ra có những hình ảnh trưng bày được diễn hoặc
đóng lại. Nhiều người tinh quái, tìm ngay ra những hình ảnh tương phản
để vô hiệu việc tuyên truyền trong phòng trưng bày. Họ đặt bữa cơm của
nông dân hồi ấy cạnh bữa ăn của nông dân hiện nay để cho thấy sáu chục
năm qua, đời sống của nông dân hóa ra là… thụt lùi. Trưng bày về ngôi
nhà lụp xụp của nông dân so với nhà địa chủ thì họ đưa ra hình ảnh nhà
nông dân VN bây giờ cũng lụp xụp không kém và nhà quan chức thì nguy nga
tráng lệ gấp nghìn lần nhà địa chủ ngày xưa. Những cảnh đấu tố, bắn
giết được đưa lên cùng con số hàng trăm nghìn người bị tố oan, hàng vạn
người bị giết để minh chứng cho sự “thành công” của CCRĐ. Nói về thành
quả chia ruộng đất cho bần cố nông, thì bị phỏng vấn những câu hóc hiểm,
như “ông nghĩ gì về việc ruộng đất hiện nay lại tập trung vào tay quan chức nhà nước và đảng cộng sản”, khiến cho người được phỏng vấn chỉ còn cách lảng.
Tai hại hơn, nhiều người còn đem cải cách điền địa ở Miền Nam ra so
sánh để cho rằng, cải cách điền địa ở miền Nam vẫn là mục tiêu người cày
có ruộng nhưng không có cảnh tước đoạt, bắn giết. Nhà nước mua ruộng
của địa chủ chia cho nông dân. “Nhiều quan sát viên quốc tế đã cho
chương trình “Người Cày Có Ruộng” là một trong những chương trình cải
cách điền địa thành công nhất ở các nước hậu tiến. Nó là điểm vàng son
của nền Đệ nhị Cộng hòa”. Chương trình này đã tạo ra một tầng lớp tiểu
nông đông đảo, thúc đẩy kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp phát triển.
Nông dân hăng hái sản xuất và năng suất lao động trong sản xuất lúa gạo
tăng lên nhanh chóng. Đời sống của nông dân được cải thiện”
Cũng là mục tiêu người cầy có ruộng nhưng công hay tội thành công
hay thất bại là ở cách làm. Tại sao nông dân vẫn có ruộng nhưng ở Miền
Bắc phải cướp đoạt, phải bắn giết, gieo rắc hận thù, làm đảo lộn gia
phong còn ở Miền Nam thì không?
Bất ngờ, ngày 12/9, gần trăm dân oan Dương Nội trong đồng phục dân
oan kéo nhau đến đòi xem triển lãm. BTC đối phó bằng cách bắt cởi áo dân
oan rồi mới được vào. Ai dè họ cũng cởi phắt ra luôn nhưng cũng không
vào được vì BTC thông báo tạm thời đóng cửa do sự cố …ánh sáng.
Được biết, phòng trưng bày sẽ mở cửa đến 31/12/2014, nghĩa là tới 4
tháng lận. Thế nhưng mới mở cửa được mấy ngày đã xảy ra sự cố ánh sáng.
Không biết thực hư thế nào nhưng nhiều ý kiến cho rằng chẳng qua BTC tìm
cách đối phó mà thôi.
Mới chỉ có mấy hôm mà những thông tin về hiệu ứng của triển lãm xem
ra theo xu hướng bất lợi so với mục đích ban đầu. Còn những ba tháng
rưỡi nữa, không biết rồi sẽ xảy ra những chuyện gì? Kéo dài đến hết năm
có vẻ thật là khó. Còn đóng cửa ư? Giải thích với công luận thế nào đây?
Lý do về sự cố ánh sáng, điện đóm không thể đưa ra mãi. Dân oan Dương
Nội còn “dọa” sẽ tìm cách vào phòng triển lãm cho bằng được.
Hình như khi triển khai dự án này, Ban tổ chức không lường trước
được hệ quả. Hướng tới cho người dân về thành quả của CCRĐ đâu không
biết, chỉ thấy những phản ứng bất bình.
Rất khó hiểu về cuộc triển lãm này. Thực sự người ta không hiểu nổi
họ tính toán ra sao để cho mục đích đạt được. Trao đổi với tôi về việc
này, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, có gì đâu, nó bày ra để lấy tiền
dự án thôi mà. Nhưng cũng có người nói tay nào thầy dùi tổ chức triển
lãm này nếu không ngu thì cũng là thằng đểu.
12/9/2014