Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Thanh gươm và cây thốt nốt

Liên Sơn
Chúng ta không có xu hướng trách móc Trung Quốc về cách họ nhìn về đất nước chúng ta, họ cho ta là một nước nhỏ và là phiên thuộc (là đứa con hoang). Giận dữ bằng lòng tự tôn dân tộc, ta nhắc họ bài học về Bạch Đằng Giang, gò Đống Đa…
Nhưng với tư thế là một người Việt, một bộ phận không nhỏ lại nhìn Campuchia bằng chính con mắt của Trung Quốc nhìn chúng ta. Một cái gì đó của kẻ bề trên.


Đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Phnom Penh. Ảnh: BBC.
Hành trình mang gươm đi mở cõi
Khi thiết chế pháp luật quốc tế chưa được định hình, quan hệ giữa các quốc gia chỉ dựa trên sự hòa hiếu mỏng manh, thì quá trình mở cõi/ cương vực bằng cách phương thức quân sự, hôn phối, ngoại giao là hoạt động thường trực của bất cứ quốc gia nào, căn cứ vào thời điểm thịnh, suy của từng nước.
Vấn đề là, bằng nhiều cách hiểu khác nhau, một quốc gia chưa bao giờ tự nhận mình là kẻ xâm lược, mà thường được nhắc đến như là một quốc gia tự vệ nhiều hơn.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi nhìn vào lịch sử nước nhà, chúng ta hay nhìn thấy một Việt Nam trong tư thế bị buộc sống bên cạnh một láng giềng lớn, với những cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Nhưng chúng ta lại quên rằng, người Việt cũng không kém cạnh trong việc xử sự với Campuchia như thể một nước lớn.
Những biến cố giữa hai nước bắt đầu từ việc Suryavarman II đem quân tiến đánh, và bị chết trên đất Việt cho đến cuộc hôn nhân giữa Chey Chettha II với con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1620), dẫn đến cơ hội thâm nhập vào vùng đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc mở đồn thu thuế ở Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé).
Vì Hoàng gia Campuchia hay xảy ra các xung đột hoàng tộc dẫn đến việc liên tục cậy nhờ nước ta nên ta cũng tận dụng luôn cơ hội đó để di dân, khẩn hoang và tạo ảnh hưởng đến vùng đất Nam bộ. Cụ thể như năm 1674, khi xảy ra biến cố hoàng tộc của triều đình Chân Lạp, khiến Ang Nan phải chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn, Chúa liền đưa binh đi trợ giúp, đồng thời chiếm luôn 3 lũy Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang. Đến cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn lập phủ Gia Định và các đơn vị hành chính khác, khiến cho Chey Chetttha IV đứng dậy chống đối nhưng thất bại… Đặc biệt, giai đoạn 1836-1840, nhà Nguyễn chính thức bảo hộ Cao Miên và sáp nhập vùng lãnh thổ Cao Miên (bao gồm cả Oudong và Phnom Penh) vào lãnh thổ Đại Nam.
Những cách mở rộng cương vực đó, có thể được xem là mưu lược ngoại giao, quân sự… Nhưng nó không phủ nhận việc chúng ta lấn đất về phía Nam, vào phần đất có ảnh hưởng của Campuchia. Và hành trình mang gương đi mở cõi đó cũng đã xóa sổ nhà nước Champa vào năm 1832.
Những cuộc chinh chiến và Nam tiến đó cũng như một bản đồ hành chính rộng lớn thời Minh Mạng đã dẫn đến tâm lý anh cả đối với hai nước còn lại (Lào, Campuchia), và là nguồn gốc mâu thuẫn dai dẳng giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
“Đừng làm đổ trà của chủ ngươi”
Đó là câu một câu nói trong hình biếm họa hay được người Campuchia sử dụng trên các diễn đàn. Nó mô tả một người lính thời Nguyễn chôn sống tù bình, chỉ chừa cái đầu nhằm làm giá đỡ cho vạc nước sôi. Khi sức nóng khiến cho cái đầu lắc lư thì người lính trong biếm họa có nói đến câu: Please do not move it the tea water might spill.
Việc coi Campuchia như một “đứa em” cần bảo ban trong tư duy của lớp lãnh đạo cho đến người dân cũng gần như thế.
Trong giai đoạn cách mạng chung ba nước Đông Dương dưới sự xâm phạm lãnh thổ của người Pháp, Hoa Kì thì một nước Campuchia (bên cạnh Lào) đều được người Việt định hướng về cách mạng, từ khâu tổ chức, cho đến cán bộ… Cho nên khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập (1930), số lượng đảng viên người Việt chiếm đa số và quyết định hầu hết cuộc cách mạng ở Campuchia tiến triển ra sao. Ngay cả, tổ chức Đảng Nhân dân cách mạng Khmer (nay là Đảng Nhân dân Campuchia) được thành lập vào tháng 09/1951 cũng một tay người Việt (Lê Đức Thọ và Nguyễn Thành Sơn) mà nên.
Do đó, nếu Trung Quốc bê nguyên xi thuyết quân sự và chính trị của Mao Trạch Đông sang Việt Nam thì Việt Nam cũng không kém khi đem ủy ban nhân dân, điều lệ, đường lối Việt Minh sang Campuchia.
Vì sơ khai cách mạng ở Campuchia đã có bàn tay người Việt nhúng tay sâu vào nên càng khiến tâm thế “người Việt lãnh đạo” nhanh chóng nảy sinh và tồn tại, dẫn đến cái cách hành xử không đúng đắn như “Saloth Sar và một số đảng viên đã từng du học ở Pháp về được đưa vào sinh hoạt trong một chi bộ phần lớn là đảng viên Việt Nam và do một người Việt làm bí thư. Những người Khmer này thường chỉ được các đàn anh Việt Nam giao những công việc tạp vụ.”
Cách áp đặt tư tưởng “anh cả, lãnh đạo” lên Campuchia sâu đến đỗi ông Ngô Điền, nguyên là đại sứ kiêm cố vấn cho Bộ Ngoại giao Campuchia và là “người thầy vĩ đại” của Hunsen cũng cho rằng: Biểu hiện rõ nhất của tư tưởng nước lớn là việc ta mặc nhiên tự cho mình cái vai trò làm lại cuộc cách mạng Campuchia, sắp xếp từ đầu đến chân bộ máy Campuchia. Tất nhiên, phần lớn sự sắp xếp “cán bộ” này không đếm xỉa đến quyền lợi Campuchia. Thế nên, khi đoàn chuyên gia “tình nguyện” Việt Nam rút đi, hoàn loạt sự thay đổi cán bộ cao cấp trong Campuchia đã diễn ra, mà hầu hết là thay thế những con người bất tài – vô dụng – kém đạo đức.
Khi cuộc chiến tranh kết thúc ở cả ba nước, nhất là khi nạn diệt chủng ở Campuchia cơ bản được khống chế, việc đồn trú 10 năm tại Campuchia đã tạo điều kiện cho luồng di cư người Việt đến nước bạn (nhất là thời điểm sau 1993 khi Chính phủ Vương quốc Campuchia được thành lập), các trường Campuchia dạy chữ và tiếng Việt mở ra, văn hóa Việt tại Campuchia bắt rễ mạnh hơn (tương tự như văn hóa Trung Quốc bây giờ tại đất nước này). Và “trong suốt thời kỳ này (10 năm đồn trú), Việt Nam đã cố du nhập văn hoá Việt vào Campuchia và vấp phải sự phản đối từ người dân Campuchia”.
Người Việt ngông cuồng
Thái độ “ông chủ” không còn ở vị trí “sắp xếp chu toàn” cách mạng Campuchia nữa, mà nó chuyển dần sang cái tư thế “ân nhân” và trở về với những gì xảy ra trong quá khứ. Người Việt, vốn tự cho mình là trung tâm của Đông Dương, vị thế trong thời kỳ phong kiến, nay lại vừa trợ giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, chính quyền Hunsen được cho là một tay người Việt đào tạo đã dẫn thái độ nước lớn, trịch trượng ngay trên đất bạn từ dân di cư cho đến các “chuyên gia”. Hệ quả là việc thiếu ý thức nhập gia tùy tục khi có tới 50% người Việt dù đã sinh sống qua nhiều thế hệ nhưng chưa có giấy tờ chính thức, 10% làm thời vụ không có giấy tờ cho đến thái độ hành xử không đúng mực, coi thường dân Campuchia, muốn được hưởng quyền đương nhiên trong nhập tịch, nạn mại dâm – ăn cắp người Việt cũng gây ra sự nhức nhối về xã hội Campuchia. Cộng với trước đó, “với việc mất đi lãnh thổ Kampuchea Krom hàng thập kỉ trước đã từ lâu gây nên không ít xung đột giữa 2 dân tộc.”
Trong khi đó, người Việt trong nước, nhất là giới trẻ “tư tưởng nước lớn” lại được biểu hiện qua sự tự hào về một vùng đất Nam bộ với việc khai khẩn hoang và từng bước thuộc về nước Việt, tự hào về việc Campuchia từng được sáp nhập vào lãnh thổ thời Minh Mạng, tự hào về một đại quân đánh thắng Khmer Đỏ trong thế chẻ tre.
Xu hướng “tự hào” kiểu đó dẫn đến sự thiếu cầu thị, từ tốn và bình đẳng trong cách nhìn nhận mối quan hệ hai nước của những người trẻ. Thay vì coi Campuchia như một người láng giềng, người bạn thì không ít người Việt lại có xu hướng “lên lớp” nhiều hơn. Người Việt nhìn vào Campuchia vẫn là chỉ thấy đó là một nước nghèo nàn, lạc hậu và tất nhiên vẫn là đưa “em út trong nhà”. Nó thể hiện ngay cả trong cách nhìn báo chí, kiểu như: Tụt hậu so với Campuchia: Còn gì để nói?
Vậy nên không lạ khi nhìn thấy cái cách người Việt đối đáp lại với những người Khmer Krom về chủ quyền lãnh thổ. Nó bao hàm những yếu tố chế nhạo địa vị của Campuchia về kinh tế lẫn chính trị, quân sự. Kỳ thị về màu da ngăm đen và cho đó là mọi rợ, lên giọng “cảnh cáo” về một cuộc tiến đánh vào Phnom Penh trong vòng vài ngày, vênh vang thái độ với những lần Campuchia cậy nhờ Việt Nam từ thời sau thời kỳ Đế quốc Khrme suy yếu cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ và Khrme Đỏ; kêu gọi Liên bang Đông Dương với bản đồ hành chính thời Minh Mạng một cách đầy hào hứng, hay cách nhìn trịch trượng khi thấy sinh viên, chuyên gia, sĩ quan, chính trị gia Campuchia học tập và được đào tạo bên Việt Nam, kể cả việc Campuchia hay đưa người qua bệnh viện Việt Nam (chủ yếu là Chợ Rẫy) chữa trị cũng đem lại cái cười “sảng khoái”… Những kiểu tư duy như thế này có đầy rẫy trên các các tiêu đề, nội dung báo chí, diễn đàn, blog có liên quan đến vấn đề Campuchia, nhất là Khmer Krom.
Gần đây nhất, ngay trong ngôn ngữ ngoại giao, Việt Nam cũng biểu hiện thái độ anh cả không kém, nhất là trong tuyên bố phản đối việc đốt cờ gần đây (2014): Việc những phần tử cực đoan Khmer Kampuchea Krom tổ chức biểu tình bất hợp pháp và đốt quốc kỳ của Việt Nam tại Phnom Penh”, và yêu cầu “Campuchia xét xử nghiêm minh theo pháp luật và có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, không để tình trạng trên tái diễn”.
Thực sự, nó chẳng khác biệt gì lắm so với cách Trung Quốc nhìn Việt Nam.
Một câu nói của người Campuchia về mặt lãnh thổ “Cây thốt nốt mọc đến đâu, đất (xưa) của người Cam trải dài đến đó” được đáp lại bởi câu “Gươm sẽ chặt sạch những cây thốt nốt đó”, cho thấy tư tưởng đó của người Việt ngông cuồng và ăn sâu như thế nào.
Ngu ngốc hay khoan dung?
Suy nghĩ, cách nhìn bằng nửa con mắt đối với Campuchia ở lớp lãnh đạo đến người dân đã biểu hiện những tham vọng chính trị, sự chi phối đất nước Campuchia trong quá khứ lẫn hiện tại. Nó khiến họ (Campuchia) cảnh giác và luôn tồn tại ý nghĩ về việc người Việt cướp công ăn việc làm, sự xâm lược đất đai, văn hóa…
Sự cảnh giác đó dẫn đến kỳ thị, và sự kỳ thị người Việt còn lớn hơn cả sự kỳ thị của họ đối với Trung Quốc. Người Campuchia coi Việt Nam như là một anh hàng xóm kênh kiệu, luôn tìm cách áp đặt, là một lò lửa thực sự mà họ (Campuchia) buộc phải sống chung.
Xã hội Campuchia đã phản ứng lại điều đó bằng nhiều cách khác nhau khi sự mâu thuẫn giữa người Việt và Campuchia ngày một lớn. Từ việc ủng hộ người có đường lối chính trị dân tộc cực đoan như Rainsy (thủ lĩnh đảng CNRP, người từng nhổ 6 cột mốc biên giới vào 25/10/2011), Kem Sokha (người cho rằng Việt Nam dàn dựng tội ác Khmer Đỏ)…, ủng hộ nhổ cột biên giới, tìm cách tấn công nhóm vào người Việt, im lặng về vấn đề Biển Đông, tiến hành điều tra dân số, đốt cờ…
Thế nên, đừng thấy lạ khi gần đây trên tờ Phnom Penh Post có đăng tải bài viết của một sinh sinh viên Campuchia 22 tuổi (Afril). Trong đó có nhấn mạnh: Trong số 20 người bạn của tôi, đã có đến 17 người ghét người Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài sự thừa nhận thực trạng đó, thì rất may mắn là Afril và nhóm bạn còn đi xa hơn, khi tiến hành xây dựng dự án kết nối cộng đồng bản địa với người Việt tại Campuchia. Nhằm giúp cho cộng đồng người Việt tại Campuchia nhanh chóng hòa nhập vào đời sống bản địa, xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt sắc tộc trong người dân Campuchia.
Cách hành xử của Afril và nhóm bạn của cô cho thấy đó là sự khoan dung, và là cách ứng xử khôn ngoan, người lớn tạo nên cái nhìn bình đẳng, bền vững cho cả hai dân tộc.
Và cách hành xử đó cần được người Việt, từ dân đến lãnh đạo học hỏi.
Vì hai quốc gia không chọn được việc vị trí ở gần hay xa nhau, nhưng có thể chọn thái độ sống thân thiện, hay cực đoan.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"