Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Thảm sử Cải Cách Ruộng Đất, của chiến tranh Nam Bắc và hành động của chúng ta

Nguyễn Quang Thạch
Cũng như nhiều đứa trẻ sinh ra ở Miền Bắc và Trung từ vĩ tuyến 17 trở ra, tôi được kể rất nhiều về cải cách ruộng đất từ lúc 4 tuổi, mà tôi là một nạn nhân gián tiếp.
Gia đình ông nội, bà nội, ông ngoại và bà ngoại tôi đều bị rất nặng trong cải cách ruộng đất, với hàng chục người chết và bị tù đày, hàng chục người bị cái án LÝ LỊCH mà cuộc đời rơi vào cảnh cùng cực.
Ông nội tôi, người đã có hai người con trai tham gia chống Pháp, nuôi cả cán bộ 30-31 và góp lúa gạo cho bộ đội, đã bị chết năm 1956 vì đói khát. Em ông nội tôi, người đã bán ruộng đất làm trường cho 3 xã học, bị tù mất xác ở trại Đâng, Hương Khê. Khoảng 80 mẫu ruộng, 6 căn nhà, hơn 100 con trâu bò đã bị tước đoạt.
Ông nội tôi là người đã đưa ra mô hình giúp tá điền phát triển bền vững bằng cách chia ruộng cho họ, cho họ nuôi trâu bò làm công cụ lao động. Nông dân cả 3 xã được mượn trâu bò của ông nội làm ruộng miễn phí.

Bà nội của nhà văn Nguyễn Quang Thân thắt cổ tự tử. Mẹ của nhà văn Nguyễn Quang Thân là người lấy vàng bạc của mình và đi quyên góp trong dòng họ tôi và dòng họ của bà để góp tiền cho cách mạng trong những năm 1940 đã bị vào tù CCRĐ.
Lý Chính Thắng (Nguyễn Văn Huỳnh) là cán bộ cách mạng, được đặt tên đường ở Sài Gòn, là anh em với ông nội tôi, có mẹ là chị của Hà Huy Giáp (cán bộ cao cấp) bị chết thảm trong CCRĐ.
Em dâu bà nội tôi bị bắn chết trong khi chồng chỉ là ông đốc học, không có mấy tài sản. Thậm chí, một người họ hàng của bà nội tôi, là nông dân chỉ vì cày ruộng của ông nội tôi mà đã bị tù mất xác.
Ông ngoại tôi là cán bộ 30-31, vừa dạy học vừa hoạt động vừa nuôi bộ đội, nhưng bà ngoại tôi đã bị lấy hết tài sản (ông ngoại mất năm 1951), một em ông ngoại là cán bộ trung ương nhưng một ông khác bị bắn. Mẹ ông ngoại tôi sầu khổ mà chết.
Danh sách người bị hại có huyết thống với nhà tôi còn rất nhiều, tệ hại hơn là rất nhiều người bị án LÝ LỊCH sau đó, thật kinh khủng.
Di họa của cải cách ruộng đất ở làng tôi là những người có tinh thần khát vọng dân tộc đã bị tiêu diệt hết. Những người đã truyền tinh thần “học và hành để nhón chân bên ni hình chữ S thấy bên tê là nước Mỹ” bằng đưa những thầy Tây học về dạy cho bọn trẻ trong dòng họ và xóm làng, bằng xây trường học… bị diệt không còn ai. Kinh khủng hơn là làm cho dòng tộc, cho xóm làng tận diệt lẫn nhau, xa hơn nữa Cải cách ruộng đất đã tạo ra một vết đứt gãy đạo đức và tạo ra mầm bạo lực trong xã hội Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Bởi vậy, việc tổ chức triển lãm CCRĐ mà nhằm mục đích ngụy biện cho sai trái trong quá khứ là khoét vào NỖI ĐAU CỦA DÂN TỘC. Ngược lại, triển lãm CCRĐ là nhằm tái thừa nhận sai lầm và điều chỉnh chính sách đất đai để giảm dần bất công và xung đột giữa chính quyền và người dân là việc ĐÁNG HOAN NGHÊNH.
Tôi cũng mong rằng triển lãm CCRĐ không được dùng để đào bới quá khứ và kích động thù hận giữa con cháu địa chủ bị hại và những người tham gia cuộc cách mạng long trời lở đất vì tất cả đều là nạn nhân của những bàn tay chính trị đã khuất núi.
Hơn bao giờ hết, người Việt Nam cần khép lại những quá khứ đau buồn để nắm tay nhau xây dựng đất nước này bằng chia sẻ tri thức và phát xạ lòng nhân ái vì một Việt Nam giàu mạnh và văn minh. Bởi, chỉ có hành động hiện tại mới có thể thay đổi tương lai của đất nước!!!
"Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã bị đối xử không còn như bạn bè, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.
Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai kết quả: Làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng."

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"