Alan Phan
Về thị trường chứng khoán: Hãy nói cho tôi nghe bí mật của bạn và
tôi sẽ chia sẻ lời dối trá của tôi – Tell me your secrets and I’ll tell
you my lies – Jeffree Star)
Nhu cầu khách hàng
Trong một nghiên khảo năm 2008, tôi kết toán tất cả 89 yếu tố ảnh
hưởng đến quyết định của nhóm quản lý quỹ đầu tư trong việc mua bán
chứng khoán trên thị trường Trung Quốc (1). Những yếu tố thông thường
gần như ứng dụng cho khắp toàn cầu cũng là những quan tâm chính yếu:
- tính thanh khoản của thị trường
- tầm cỡ của công ty và của quỹ
- mục tiêu chiến lược của quỹ
- chất lượng tăng trưởng vĩ mô và vi mô
- minh bạch và trung thực của quản lý và kế toán công ty
- giá mua vào, thuế và chi phí bảo quản
- thủ tục pháp lý khi exit và vấn đề hoán chuyển tiền tệ
- phân tích kỹ thuật (trending & herding) và nhận định thị trường của chuyên gia
- phân tích căn bản về sản phẩm, công nghệ, tài chánh và SWOT của công ty
Tóm lại, không kể những nhà đầu tư mạo hiểm, nhẩy vào thị trường để
lướt sóng, đánh mau rút lẹ; các quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư cá nhân
lớn và nghiêm túc đều theo đuổi những quy luật thông dụng này khi mua
bán chứng khoán.
Những lựa chọn
Trên thế giới có 427 sàn chứng khoán và 630,210 mã cổ phiếu để lựa
chọn. Tổng số vốn hóa của tất cả cổ phiếu toàn cầu là 78 ngàn tỷ đô la,
chưa tính đến trái phiếu. Vốn hóa của 2 sàn chứng khoán Việt Nam là 52
tỷ đô la tượng trưng cho 0.6% của mọi sân chơi. Với GDP khoảng 160 tỷ đô
la (số liệu từ Bộ Tài Chánh, 6/2014), dòng tiền cho chứng khóan Việt
Nam vẫn còn nhiều room để tăng trưởng.
Tuy nhiên, câu hỏi cho Việt Nam là chúng ta đáp ứng được bao nhiêu
điều kiện trên của những nhà đầu tư có lựa chọn (nhà đầu tư trong nước
nhiều khi không được tự do này). Trong nền kinh tế thị trường, khách
hàng là Thượng Đế và nguyên lý đầu tiên của chương trình tiếp thị là biết khách hàng muốn gì, cần gì và được thỏa mãn như thế nào.
Nhìn lại các đòi hỏi căn bản nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận biết những
rào cản nào đang ngăn chận dòng tiền đầu tư chứng khoán vào Việt Nam.
Yếu tố đặc thù của Trung Quốc
Ngoài những đòi hỏi căn bản nêu trên, các quản lý quỹ đầu tư thế
giới còn lưu tâm đến 3 yếu tố đặc thù khác liên quan đến chứng khoán
Trung Quốc:
1. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ:
Quan hệ này không những được cứu xét về mặt tài chánh, chính trị…mà
còn về quân sự, xã hội. Khi sự cố Thiên An Môn xẩy ra, phần lớn những
nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc vì Mỹ
gần như đông lạnh mọi hoạt động tương quan với Trung Quốc. Không phải
các nhà tư bản Mỹ lo lắng cho nhân quyền của dân Tàu, mà lo biến cố có
thể leo thang, quan hệ xấu đi, gây hại cho túi tiền (như đang xẩy ra ở
Ukraine). Vì Mỹ là đầu tàu của khối tư bản, quyết định của Mỹ gần như
được sự đồng thuận của châu Âu, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore…
Mặc cho những ồn ào về siêu cường mới (Trung Quốc) hay cũ (Nga), tư
bản đỏ vẫn tùy thuộc rất nhiều vào bọn tư bản giẫy chết của thời chiến
tranh lạnh.
2. Định hướng kinh tế và những cải cách:
Nội tình Trung Quốc luôn luôn có tranh chấp như Mỹ luôn có hai đảng
tranh dành phần thắng. Đôi khi ngấm ngầm, đôi khi lộ liễu (như trận
chiến giữa phe Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân hiện nay). Tuy chỉ vì
quyền lực, với tài sản theo sau, nhưng phe nào cũng phải “tuyên giáo”
chút đỉnh về chủ nghĩa hay chánh sách công (không khác gì Cộng Hòa và
Dân Chủ của Mỹ). Khi đã tuyên giáo thì phải có thay đổi về luật lệ, nhân
sự…để giữ chút “lời hứa!!”.
Các nhà tư bản phương Tây rất bén nhậy về những định hướng thay đổi
này và phải sẵn sàng điều chỉnh trương mục (portfolio) theo tình thế.
Với áp lực từ tư bản Âu Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã minh bạch hơn với số
liệu cũng như vấn nạn của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là thị
trường tài chánh. Dù chưa đủ tự tin để thả nổi “nhân dân tệ”, Trung Quốc
đã tháo mở rất nhiều rào cản và thông tin tài chánh để giữ chân dòng
tiền đầu tư của thế giới.
3. Chỉ số tham nhũng:
Có 2 hệ quả trái ngược nhau từ chỉ số tham nhũng tại Trung Quốc. Sự
gia tăng nạn “phong bì” sẽ tạo thêm chi phí sản xuất và tăng giá thành
khiến hàng Trung Quốc mất lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, tăng tham nhũng
cũng là tăng lượng tiền đổ vào chứng khoán (hình thức rửa tiền khá
thông dụng với quan chức) nên sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Tùy suy nghĩ và ý thích cá nhân, những quỹ đầu tư quốc tế luôn nhậy cảm với vấn đề này.
$$$$$$$
Quay lại Việt Nam, tôi tin rằng thanh khoản trên thị trường chứng
khoán sẽ không cải thiện nhiều cho đến khi dòng tiền đầu tư “nghiêm túc”
của quốc tế đổ vào Việt Nam. Muốn thực hiện điều này, chúng ta chỉ theo
sát nhu cầu và đòi hỏi của khách hàng như tôi đã nêu ra trong các điều kiện căn bản và những lưu tâm đặc thù không khác nhiều với chứng khoán Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong mấy ngày vừa qua, báo chí có loan tin về một nghị
quyết hay quy luật gì đó là các văn kiện, hồ sơ, thảo luận…của Ban Kinh
Tế phải đóng dấu “tuyệt mật” “tối mật” (có lẽ gần như các bí mật quốc
phòng) (2). Ngoài những thâm cung bí sử và số liệu mù mờ về các công ty
đang chào bán trên sàn chứng khoán (nhất là vài DNNN), chánh phủ đang
yêu cầu những nhà đầu tư nước ngoài hãy tin tưởng vào những “bí mật kinh
tế” mà đất nước này chưa tiện nói ra.
Chúng ta cứ tưởng tượng một du khách đến một thành phố lạ được một
cô gái dụ về phòng. “Em sẽ cho anh những giây phút tuyệt vời nhất trong
đời, nhưng anh phải để em trói tay chân và bịt mắt anh lại trên giường
này”. Tôi tin là một người dù ngu đến đâu cũng lo ôm quần mà chạy.