Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Tản mạn về... Độc Lập

Sao Hồng


Khán đài nơi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập (02/9/1945)

Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại Ba Đình, Hà Nội “tuyên ngôn độc lập”vang lên trước “quốc dân đồng bào và toàn thế giới” (1):
Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

...
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Cho đến nay, chưa có ai đặt vấn đề liệu Việt Nam đã là một nước độc lập thực sự (như tuyên ngôn) chưa?
Khái niệm ĐỘC LẬP, theo Tự điển Tiếng Việt của Viên Ngôn ngữ Việt Nam:

ĐỘC LẬP tt (hoặc dt) (3)
  1. (về một cá thể) tự mình tồn tại, không nương tựa hoặc phụ thuộc vào ai, vào cái gì khác (Sống độc lập; Độc lập suy nghĩ).
  2. (nước hoặc dân tộc) có chủ quyền, không phụ thuộc vào nước khác hoặc dân tộc khác.
Tự điển Hán – Việt còn thêm, 3. sự có đủ chủ quyền của một nước (Nền độc lập dân tộc)
Câu hỏi tiếp theo, CHỦ QUYỀN là gì?
 Cũng từ điển trên:“… là quyền làm chủ của một nước trong các quan hệ đối nội và đối ngoại”.
ĐỘC LẬP theo nghĩa đầy đủ đó, thì Việt Nam chưa thực sự độc lập đúng nghĩa.
69 năm qua để có được “THỐNG NHẤT” về “CHỦ QUYỀN”, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Một cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc đến 10 năm (1979-1989). Việt Nam đã thống nhất nhưng “TOÀN VẸN LÃNH THỔ” thì chắc chắn là CHƯA.
Về lãnh thổ, không chỉ các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (chính phủ VNCH tiếp nhận và quản lý từ chính quyền Pháp ở Đông Dương), bị Trung Quốc chiếm đóng từ 19/01/1974(2); mà một số đảo của quần đảo Trường Sa bị xâm chiếm 1988(3). Ngoài ra Việt Nam còn mất những vùng đất ở biên giới phía Bắc từ 2000(4).
Về đường lối chính trị, sự ĐỘC LẬP của Việt Nam cũng chưa đúng nghĩa nếu tham chiếu bản Tuyên ngôn Độc Lập 1945.
Sau khi giành được chính quyền và 9 năm kháng chiến (Hiệp định Genève, 1954), chính quyền miền Bắc lệ thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc, với ý thức hệ cộng sản. Chính quyền Miền Nam lệ thuộc nước Mỹ. Các nước lớn Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ đều gây ảnh hưởng đến đường lối Việt Nam. Hiệp định Geneve hay Hiệp định Paris 1973 đều là kết quả hòa đàm của 4 bên và chịu sức ép của các nước đó.
21 năm chiến tranh Việt Nam (1954-1975) là cuộc chiến thực nghiệm bằng xương máu người Việt để chứng minh “cuộc đấu tranh ai thắng ai” của chủ nghĩa tư bản đế quốc và chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Liên Xô, Trung Quốc và Hoa kỹ không bao giờ là đại diện cho quyền lợi của nhân dân và dân tộc Việt Nam.
Hệ thống Xô-viết sụp đổ (1989-1991) là cơ hội để Việt Nam tìm con đường riêng độc lập. Nhưng kể từ Hội nghị Thành Đô 1990, thì Việt Nam lại lệ thuộc vào Trung Quốc, không chỉ về chính trị. Vì thế, sau mỗi kỳ đại hôi đảng (CSVN), “đặc phái viên của đảng” vẫn phải đi sứ “báo cáo kết quả” với Trung Quốc.
Nếu Việt Nam thực sự độc lập, sẽ không có thông lệ đó.
Một “chủ thuyết” theo tư tưởng nhân văn và tiến bộ của thế kỷ 19. Khi áp dụng vào thực tiễn đã thất bại từ 1990. Và bị biến tướng qua chính sách cai trị tàn bạo với cái gọi “đấu tranh giai cấp”, “bạo lực cách mạng”; tiêu diệt cả chính người dân và đồng chí của mình. Đại diện cho chính sách này là những lãnh chúa cộng sản như Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot… mà Việt Nam vẫn còn trung thành?
Sự trung thành mù quáng đó, đã vứt bỏ tinh thần độc lập của bản Tuyên ngôn 1945.
Lựa chọn con đường riêng để phát triển mà vẫn đảm bảo chủ quyền quốc gia là một lựa chọn đau đớn cho Việt Nam hiện nay. Nhưng không thể không chọn nếu thực sự muốn có được độc lập. Đừng nên hy vọng và bám víu “tình đoàn kết đồng chí viễn vông” với các thế lực ngoại bang mang danh cộng sản. Sự lệ thuộc ý thức hệ đồng nghĩa với đánh mất sự độc lập dân tộc.
Sự đảm bảo “tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” cho mọi công dân, như tinh thần Tuyên ngôn Độc lập 1945. Khi đó mới có nền ĐỘC LẬP đúng nghĩa.
Ngày 02/9/2014 Sao Hồng

Hội trường của một Hội nghị tiêu biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương (trước 1952)

Tham khảo:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"