Hạ Đình Nguyên
Tôi bất ngờ một cách thú vị khi đọc bài viết: "Tôi chưa đọc Đèn Cù" của Ái Nữ - rất lạnh lùng với tác phẩm, trong khi tôi là người đang bị hít vào nó.
Tôi đoán rằng tác giả đang ở vào lứa tuổi giữa 30 và 40, là thế hệ mà tôi ít có điều kiện để hiểu nhiều, đặc biệt về nhân sinh quan và thái độ chính trị, thông qua những bộc lộ công khai, ít nhất là bằng các bài viết, ngoài những câu ngắn gọn trên facebook. Vì thế tôi rất nhiệt tình đọc bài viết và tự hỏi, liệu rằng bài viết nầy có thể được gọi là tiêu biểu về suy nghĩ của một bộ phận thanh niên (nhiều ít không biết) ở thế hệ sinh ra sau chiến tranh nầy, và không dính líu nhiều đến cuộc chiến chống xâm lược sau nầy của những năm 1979, 1984, 1988, và cả chiếc giàn khoan HY 981?
Với tôi, tôi hiểu đây là tiếng nói nổi bật tính “độc lập” tư duy với bản lĩnh riêng của mình, trung thực và sắc sảo. Tuy nhiên tâm tư nầy đã bộc lộ sự cách biệt thế hệ là quá rõ. Chơi với mèo, đương nhiên là nữ, nên “cô bé” ấy đã say mê hát và xúc cảm với bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, mà tâm tình cụ thể là thể hiện với con mèo âm ấm và mềm mại trên tay. Tôi cũng xin thú thật, tôi không hiểu gì về “tâm lý học trẻ em”, và tôi cho rằng cô ấy mô tả thật trạng thái của mình, không hề có ẩn ý nào về sự khinh trọng trong so sánh. Thế rồi lớn lên, cô bé quên đều cả hai, không có cả trọng khinh, hay yêu ghét. Nó qua đi cùng với tháng ngày và sự trưởng thành của bộ não, khi nhớ lại cũng tự nhiên và thanh thản, rằng đó là “chuyện văn nghệ”. Và, “nếu ông Hồ mà còn sống nghe thấy… dù không tự hào thì cũng không thiệt hại gì (với ông ấy)”. Thế mới biết cách giáo dục trẻ em thật là khó, trừ phi phải nhồi nhét liên tục với đòn roi và mồi nhử, cho đến tuổi trưởng thành, thì cũng có chút ít kết quả.
Bây giờ thì cô bé đã không còn bé nữa, cô sống bằng tư duy của chính mình, cô đã nói khá nhiều và không tán thành gì chủ nghĩa “thần tượng”, rằng đem tư tưởng của một cá nhân làm khung sườn tư duy cho người khác hay cho cả dân tộc là chuyện không cần thiết. Vả lại, hồ nghi sự hiểu biết và lòng trung thành của những kẻ đã nhân danh và đại diện hình bóng và tư tưởng của ông ấy để mà ca tụng. Lãnh tụ chính trị được đồng hóa và nâng cao thành thần tượng thật sự đã chấm dứt trong thế hệ trẻ, và thay vào đó là các thứ thần tượng khác, như thần tượng ca nhạc, thần tượng đá bóng..., là thần tượng của niềm vui và nghệ thuật, chẳng trúng trật đúng sai gì đáng kể, vì nó vô hại. Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, báo Tuổi Trẻ đã làm cuộc thăm dò thần tượng trong thanh niên, kết quả vị lãnh tụ có phiếu bầu rất thấp, mà mấy anh ca sĩ, tài tử gì đó lại cao phiếu bất ngờ. Thay vì qua đó, người ta quan tâm đến ngành Xã hội học, thì người ta lại làm kỷ luật ban biên tập tờ báo, vì thế mà lịch sử trở thành một món lẩu khó ăn. Tôi độ rằng cô không yêu ý thức hệ, cũng không chống lại nó, vì cho rằng cả hai đều vô nghĩa, và vô ích. Vậy cái gì để thay vào đó, và có cần thiết phải có cái gì để thay? Thế mà quá khứ thì lại cần nó? Và cần cho cả hôm nay? Không, chỉ cần sự tự do, thoải mái và lương thiện. Làm thế nào để đạt được mục đích trên là chuyện của mỗi người, và một thể chế nào tạo điều kiện cho mục đích trên được phát triển là thể chế tốt. Loài người đã trải qua nhiều ý thức hệ, sau đó nó lại trở thành tội đồ, sự trung thành theo chiều dài của lịch sử với cách nào đó lại hóa ra phản động.
Tôi nghĩ rằng, bài viết này có thể nói là tiêu biểu của phần lớn các thế hệ ngày nay. Họ không quan tâm đến quá khứ quá phức tạp và u ám, như một thứ “gia tài của mẹ để lại cho con là nước Việt buồn” (Trinh Công Sơn). Họ đang ngoảnh mặt, bỏ lại sau lưng và không tranh cãi cái quá khứ đầy lẫn lộn của vinh và nhục, để vươn tới tìm kiếm giá trị mới của thời đại. Có lẽ thái độ nầy là một đáp án chân chính nhất và đúng nhất của thời đại, cũng là lẽ sống của những thế hệ tương lai? Thái độ lờ đi quá khứ không đồng nghĩa với sự thờ ơ thời cuộc, họ quan tâm ưu tiên cho cái cần thiết và cốt yếu nhất, họ đã cập nhật nhanh chóng và thông minh những cái đang diễn ra, như tấm gương Đạt Lại Lạt Ma đã tách rời và hủy bỏ vai trò “Chủ tịch nước” kiêm Giáo chủ, huống chi còn biết bao người đang mải mê việc biến một học thuyết chính trị trở thành một thứ “tôn giáo” vô thần, dù rất bầm dập và vô vọng, hay biến con người cụ thể thành siêu nhân!
Cái khoảng cách giữa các thế hệ cũ và các thế hệ mới là mênh mông, và cũng mênh mông nhưng đầy cay nghiệt của khoảng cách giữa tri thức thời đại @ với tư duy quán tính của bầu khí mà đảng Cộng sản Việt Nam đang nén chặt.
Nhưng liệu rằng các thế hệ trẻ có dứt khoát quay lưng được với quá khứ? Và làm thế nào để có thể sống bình yên, thoải mái và lương thiện? Và một thể chế lương thiện có thể tự nhiên mà có, hoặc có sẵn do ai đem tới? Không phải họ không nghĩ đến những điều nầy, họ muốn có một cách tiếp cận khác, không trên lối mòn của đường ray lịch sử của thế hệ cũ lắp đặt.
Vả chăng, cũng vì lẽ ấy đã làm cho các thế hệ sau không giấu nổi cái nhìn bi quan, ám ảnh chỉ bởi cái tựa đề “Đèn Cù” dù chưa đọc đến, chỉ nhác thấy là nó gợi nên ngay sự “chạy vòng quanh” của các thuật ngữ khô khốc không chứa nội dung, diễn ra một năm nhiều kỳ, rất nghiêm trang mà cũng rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bài viết trên có thể vì quá ấn tượng với chữ “thần tượng” mà quên đi rằng, qua cái Đèn cù, ngoài một số người có thể “thẫn thờ” vì thần tượng bị sứt mẻ gì ấy, nhưng có những người khác lại “thẫn thờ” vì “thanh thản” đã giải tỏa được những mối hoài nghi lịch sử từ lâu bị ẩn khuất. Và thế hệ trẻ cần “thông cảm” với thế hệ cũ đã từng cần đến thần tượng để góp máu xương, sinh mạng của mình, của một thời kỳ trong cái trường kỳ của dân tộc. Tháo gỡ không phải là chuyện dễ dàng bởi nó được bao bọc bởi các quyền lợi hữu hình và vô hình, và bởi tư duy đã thành nếp gấp.
Dư luận đã từng lên tiếng “cám ơn” cái giàn khoan HY 981, thì vừa rồi người ta lại “cám ơn” cuộc triển lãm CCRĐ, cùng ý nghĩa như “cám ơn” cái “Đèn Cù” vì nó rọi sáng lên sự thật từ một phía khác.
H.Đ.N
14-9-2014