Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Những ấn tượng đầu tiên về nước Úc

Nguyễn Văn Tuấn
Đọc bài dưới đây (1) thấy vui vui. Tác giả có cách viết dí dỏm làm cho người đọc phải mỉm cười thích thú. Phải sống ở Úc mới cảm nhận hết những gì tác giả viết. Ngày xưa, khi đến định cư ở đất nước này, tôi cũng trải qua những ngày tháng đầy ngạc nhiên về con người và cuộc sống ở đây, nhưng là những ngạc nhiên của người quê mới lên thành thị. Còn cái ngạc nhiên của tác giả này là ngạc nhiên của người từ nước lạc hậu sang một nước văn minh. Tất cả đều là một dịp mở mắt.
Tôi nghiệm ra rằng mỗi chuyến đi, nhất là đi nước ngoài, là một dịp mở mắt. Hồi đó, hơn 30 năm trước, tôi đến nước Úc này với rất nhiều điều làm mình mở mắt. Cái gì cũng mới, điều gì cũng lạ và khác thường. Dĩ nhiên là “khác thường” so với cảm nhận của một người mới bước ra khỏi một đất nước nghèo và lạc hậu mới hết chiến tranh và đang còn bị cô lập.
Thật ra, mới đến Thái Lan là đã ngạc nhiên. Hồi nào đến giờ chỉ nghe người ta nói các nước Đông Nam Á là “mọi” và lạc hậu lắm. Nhưng mới bước lên bờ ở một vùng quê tít tận biên giới Mã Lai mà tôi thấy xe hơi chạy vù vù! Trời ơi, xứ mình người ta mơ một cái Honda, mà ở đây họ chạy xe bốn bánh! Đến khi có dịp đi chợ quê, người ta dùng toàn bao plastic mới toanh, trong khi ở bên nhà là những cái bọc cũ kĩ nhìn thấy ghê. Rồi khi lên Bangkok, tôi thấy mình đúng là nhà quê ra tỉnh. Trời ơi, cái gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” là thời huy hoàng nào đó, chứ hiện nay thì đây mới là ngọc. Tôi nghĩ vậy, chứ không dám nói ra. Tôi thậm chí còn oán trách ai đó đã dám gieo vào đầu óc tụi tôi là mấy nước như thế này là “mọi”. Thật ra, lúc đó người tị nạn mình mới là “mọi”, vì tôi thấy ánh mắt thương hại pha chút bề trên của người địa phương khi họ nhìn chúng tôi.

Những ngày mới tới Sydney mới là sốc. Xe chạy từ phi trường về khách sạn băng ngang qua một cánh rừng, nhìn thì đẹp đấy, nhưng chẳng thấy thành phố và “nhà cao cửa rộng” đâu cả. Không một dãy phố. Nhà cửa thì toàn là gạch đỏ, thấp thấp, thỉnh thoảng có nhà 2 tầng. Nhà nào cũng có sân cỏ phía trước, chẳng thấy cổng cao tường kín như ở VN! Xe cộ thì không thấy đông như ở Bangkok. Tôi tự hỏi “đây là thành phố Sydney sao trời?” Thôi rồi, họ mang mình đi nông trại hay gì rồi, chứ thành phố gì mà chẳng có đến một toà nhà cao tầng.
Thủ tục nhập hostel hết sức đơn giản. Tên, họ, ngày tháng năm sinh, quốc tịch (không có). Tất cả đã nằm trong hồ sơ, nên chẳng cần làm gì thêm. Bất cứ ai đến Úc tị nạn lúc đó (và chắc bây giờ cũng thế) phải được chích ngừa phòng các bệnh truyền nhiễm. Người ta phát cho một vé của St Vincent de Paul (hội từ thiện) để nhận quần áo. Thật ra là quần áo cũ, nhưng tôi kinh ngạc sao nó mới quá. Tôi được một đôi giày rất oách, ba bộ đồ mặc hàng ngày. Có cái áo sơ-mi màu xanh tôi giữ làm kỉ niệm cho đến nay. Lúc đó tôi ngạc nhiên sao mà người ta tử tế với mình quá, trong khi đó mình thì chưa làm gì cho cái đất nước này. Sao người ta đối xử quá tình cảm với mình.
Đến lúc ăn càng ngạc nhiên. Ui chao, cái nhà bếp nó rộng mênh mông, mấy người đầu bếp bận túi bụi đi tới đi lui như không bao giờ ngừng nghỉ. Còn thức ăn, trời ơi, nó bao la, cái gì cũng có mà xem ra thịt thà nhiều hơn cả. Nhìn sang hàng bên kia thì ui chao trái cây đủ thứ màu xanh đỏ tím vàng, mà tôi chưa định hình được loại gì. Thấy mấy con gà ngon quá, tôi order một phần con gà, nhưng người làm bếp cắt gần phân nửa con gà! Tôi nói thầm trong bụng kì này ăn cho bõ thèm. Nhưng chao ôi, mới ăn chưa được một phần ba tôi đã chán ngấy. Gà gì mà mềm như bột! Nhìn từ ngoài thì ngon, nhưng ăn thì ôi thôi chán làm sao. Mấy ngày liền chịu trận với gà, trừu, bò, heo, v.v. tôi đành phải bye bye các món ăn của Tây và về với … mì gói. Thời đó chỉ có 1 quán ăn duy nhất của người Việt, nhưng tôi không có tiền để ăn quán. Thật ra, có mì gói ăn là quá thần tiên rồi, chứ đâu dám mơ mộng gì cao xa.
Đáp một chuyến xe điện đi… thành phố. Phải tốn vài ngày tôi mới nhận ra rằng vùng tôi ở là Cabramatta, là vùng ngoại ô, chứ không phải thành phố. Từ Cabra (dân địa phương hay gọi như thế) đi thành phố bằng xe điện (xe lửa) phải tốn cỡ 50 phút, vì xe phải ghé mỗi ga (tôi đoán có khoảng 30 ga). Mới bước ra xe điện, còn dưới đường hầm, tôi ngơ ngác không biết đường nào lên đường lộ. Khách thì tấp nập, và ai cũng có vẻ bận bịu nhưng không hề ồn ào, chẳng ai quan tâm đến tôi. Tôi quyết định đi theo một ông xách cập táp vì nghĩ ông này đi làm office thì phải đúng là trung tâm thành phố thôi. Hoá ra chỉ đi có 2 cái thang máy là lên mặt lộ, chứ có xa gì đâu. Nhưng lên mặt lộ rồi, thấy quá nhiều xe chạy, nhà cao tầng kế tiếp nhau, tôi lúng túng chẳng biết đi đâu.
Thôi thì đi bộ đại theo mọi người, đến đâu hay đến đó. Thấy xa xa một tiệm sách Dymock, tôi lang thang vào. Ui chao, nhà sách rộng mênh mông, cao 3 tầng, chỗ nào cũng có sách. Tôi nghĩ ngay đến một cuốn từ điển tiếng Anh. Khi qua đây tôi nghe nói Từ điển Oxford là chuẩn nhất và tốt nhất, thế là tôi nói với người bán sách là tôi muốn mua cuốn từ điển mà tôi đọc là Ox-Fo. Tôi nghĩ xe Ford thì đọc là Fo, vậy thì đọc Ox-fo là đúng rồi. Người bán sách rất lịch sự và kiên nhẫn hỏi tôi một lần nữa tên của từ điển. Tôi nói tỉnh queo là Ox-fo. Anh ta gãi đầu bảo tôi viết xuống. Khi tôi viết xong, anh ta vỗ trán rồi kêu lên: “Ah, Ox-fớt-đ”. Tôi cứ ngớ người ra chẳng biết nói gì, thì anh ta kéo tôi đến lầu 2 nơi có bán hàng chục loại từ điển. Anh ta bảo tôi chọn rồi xuống dưới kia tính tiền. Tôi tần ngần một hồi thì bắt gặp cuốn Từ điển Longman bên trại tị nạn ngày nào, và thế là tôi quyết định mua Longman thay vì Oxford. Kẹt cái là nó tốn đến 10 đô, mà trong túi tôi chỉ có 20 đô. Bấm bụng mua luôn. Sự đầu tư đó tôi không bao giờ hối hận sau này.
Ngày đầu tiên vào giảng đường đại học của Úc làm tôi hơi sốc. Theo lịch giảng, giảng viên hôm đó là một tiến sĩ tên là MH. Lớp học chỉ có độ 20 sinh viên, chẳng ai quen ai, nhưng sau một hồi tự giới thiệu thì ai cũng quen nhau. Riêng tôi thì thấy mình hơi xa lạ vì tiếng Anh còn quá kém, họ cười nói tôi chỉ hiểu 50% là cao. Chờ một lúc thì giảng viên vào. Anh ta chắc hơn tôi vài tuổi, râu quai nón, mắt kính dày, mặc quần sọc, tay cầm trái chuối và lát bánh mì sandwich. Anh ta đang ăn ngon lành. Anh ta nói gì đó, chắc là xin lỗi, làm cả lớp cười ầm lên. Anh ta ăn xong, thì làm tôi sốc hơn vì anh ta đến cái vòi nước công cộng ngoài lớp, tu một li nước từ đó. Tôi tưởng đó là thứ nước tắm rửa chứ có ngờ đâu là nước uống được! Anh ta ngồi một chân lên ghế, một chân thòng dưới đất, và bắt đầu giảng. Thỉnh thoảng anh ta vẽ lên bảng đen vài minh hoạ. Giảng xong, anh ta đi, chẳng cần biết sinh viên có hiểu hay không!
Ngày hôm sau gặp thêm một giáo sư đặc biệt. Ông tên là RM, sau này tôi mới biết ông là một guru trong chuyên ngành của ổng. Lúc đó ông đã gần 70 tuổi, đầu không còn cọng tóc, lưng hơi còng, nhưng ánh mắt toát lên một người rất thông minh. Ông cụ vào lớp, tự giới thiệu “Tôi tên là RM, tôi sẽ entertain các bạn vài bài giảng trong vài tuần. Để dễ theo dõi bài giảng tôi đề nghị các bạn mua cuốn sách này, nó là sách của tôi”. Ở dưới lớp cười ầm lên, có đứa nói “Hey, thầy quảng cáo sách à?” Ông trả lời “Đơn giản là không, vì thế giới chỉ có 1 cuốn này.” Nói xong ông vào bài giảng. Suốt 2 tiếng đồng hồ, ông không viết một cái gì trên bảng, ông chỉ đi tới đi lui và … nói. Tụi tôi ở dưới há hốc nghe, nhưng tôi chẳng hiểu ổng nói gì! Xong giờ giảng có bạn hỏi “Sao thầy không vẽ ra để tụi em hiểu rõ hơn”, ông trả lời tỉnh queo: Đó không phải là việc của tôi, đó là việc của tutor. Ở Úc, tutor là phụ giảng. Mới hai ngày đầu ở giảng đường mà trải nghiệm toàn những chuyện chẳng giống ai.
Ở được một thời gian, tôi phải đi thi để có bằng lái xe. Nhớ hôm thi tôi mới biết thanh tra giao thông Úc dạo đó cũng … ăn tiền. Trước khi lên xe đi thi, thầy dạy lái xe của tôi nhét vào cuốn sách bản đồ $20 (hay $50, tôi quên). Tôi thấy, nhưng không để ý vì nghĩ chắc để tiền đổ xăng. Người thanh tra lên xe, ngồi bên cạnh tôi, và kêu tôi làm những động tác căn bản. Sau đó lái xe đi lòng vòng vài con đường, rồi đến thao tác đậu xe 45 độ. Nhớ trên đường về, tôi cho xe đến khá gần đường lằn trắng ở ngã ba có đèn xanh đỏ, anh chàng thanh tra bực mình nói: gần quá, mày muốn rớt à? Tôi xin lỗi. Đến khi về đến trạm, anh ta lấy cuốn sách bản đồ và lấy tiền nhét vào túi áo tỉnh queo. Ai làm hư họ? Xin thưa người Việt Nam. Chính các thầy dạy lái xe VN đúc lót cho họ để trò được thi đậu. Nhưng chỉ 2-3 năm thì sự việc đổ bể, và tiểu bang phải tổ chức một uỷ ban chuyên điều tra về vụ hối lộ trong việc cấp bằng lái. Tất cả những thanh tra trong vùng có nhiều người VN đều bị kỉ luật, thuyên chuyển hay cho nghỉ việc. Đó là lần đầu tiên tôi thấy chính quyền ở đây rất nghiêm chỉnh trong việc xử lí tham nhũng hối lộ.
Hôm đi mua xe càng làm tôi ngạc nhiên. Lúc đó tôi có trong tay khoảng 7000 đôla. Một anh bạn thân của tôi là Sáu L dẫn tôi đi mua xe. Trời ơi, lái xe đến khu Parramatta tôi thấy cả rừng xe, đủ thứ màu sắc, lớn nhỏ đậu san sát nhau. Chẳng có nhà gì cả, mà chỉ đậu ngoài nắng! Phải nói là một siêu thị xe lộ thiêng. Sáu L nói với tôi: mình dân nghèo, nên tìm loại rẻ tiền mà chắc ăn, tôi đề nghị ông chỉ xem Toyota thôi. Tôi ok liền. Đi “quần” một hồi tôi thấy phải lòng chiếc Corona 1975, nhưng giá đến 6000 đôla. Sáu L mở cốp xe, dò xét, xem kĩ màu sơn, và cùng tôi lên chạy thử một vòng. Sáu L nói: Tôi nghĩ chiếc này ok ông à, kệ nó 6000 thì hơi mắc nhưng mình chắc ăn sau này. Thế là hai chúng tôi trả giá, ca bài ca “tôi nghèo, mới qua tị nạn”. Anh chàng bán xe gãi đầu một hồi rồi nói: thôi được, tao giảm cho mày còn 5500 đôla. Tôi lái xe về nhà. Tôi lái đi trước, Sáu L đi sau để coi chừng tôi có lái bậy. Có một lần leo lề khi về đậu xe ở nhà, không chẳng hề hấn gì. Cái xe đó đã rong ruổi cùng tôi gần 15 năm trời, không hề hư hỏng bậy bạ, chỉ đổ nước và xăng là chạy. Đến khi chiếc xe không còn đăng kí được nữa vì dàn đồng bị sét, mà máy 18-RC vẫn còn chạy tốt! Tôi đành phải ngậm ngùi chia tay con ngựa sắt Corona.
Đó là những ấn tượng hay đúng ra là ngạc nhiên lúc đầu. Sau này thì dĩ nhiên tôi quen với lối sống của Úc và thành công dân Úc. Những nề nếp cũ dần dần bị mất hồi nào không hay. Chẳng hạn như tôi không còn thói quen ngồi chồm hổm nữa, không còn ồn ào ở nơi công cộng, không mặc đồ pyjama khi ra ngoài đường. Tôi đã quen với hamburger, pizza, khoai tây, các món ăn trừu, v.v. Tôi đã quen với văn hoá tranh luận và đặt vấn đề, không cảm thấy khó chịu khi có người phản bác ý kiến của mình (miễn là đứng cá nhân hoá). Tôi đã có thói quen quan tâm đến đồng tiền thuế của mình chi tiêu cho cái gì, và quan tâm đến lá phiếu của mình.
Thế nhưng dù mang hộ chiếu Úc và xuất hiện trên các diễn đàn khoa học quốc tế như là công dân Úc, tôi vẫn không bao giờ nghĩ mình là người Úc. Trong tôi vẫn là một con người rất Việt Nam. Cách đây hơn chục năm, Thuý Nga có phát hành một cuốn băng có tựa đề là “Chúng ta đi mang theo quê hương” mà theo tôi là rất hay. Tôi chợt nhận ra mình rời VN là mang theo quê hương VN với mình. Là người trưởng thành ở VN, tôi vẫn sống trong kí ức và với kí ức. Tôi và những người như tôi dù sống ở Úc nhưng vẫn tha thiết về quê hương. Thành ra, tôi và những người như tôi, nói theo Nguyễn Hưng Quốc, đúng là những cái dấu nối giữa hai đất nước, hai nền văn hoá, và hai ngôn ngữ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"