Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Đại học: Phi lợi nhuận và Tự do học thuật

Ngô Bảo Châu
Chuyện lùm xùm gần đây ở trường Hoa Sen đã làm dấy lên trong dư luận cuộc tranh luận về cái hay cái dở của trường đại học vì lợi nhuận so với trường đại học phi lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.
Từ nhãn quan của một người sống ở các nước phương tây, trường đại học tốt, trường đại học đúng nghĩa chỉ có thể là một trường đại học phi lợi nhuận. Điểm mặt các trường đại học có tên tuổi trên thế giới thì thấy ngay tất cả đều là những trường phi lợi nhuận. Người ta cũng có thể đưa ra ngay một vài ví dụ những trường đại học vì lợi nhuận có chất lượng kém, trên thực tế là những cơ sở bán bằng.
Từ nhãn quan của một người sống ở Việt nam, trường đại học phi lợi nhuận là một khái niệm thuần tuý lý thuyết. Hầu hết các trường ngoài công lập đều hoạt động theo hình thức vì lợi nhuân, và vì lợi nhuận không nhỏ. Ý kiến phổ biến cho rằng không có một người giàu nào ở đất nước này sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để dựng nên một trường đại học mà không chờ đợi một khoản lợi nhuận, hoặc ít nhất là đến một lúc nào đó có thể thu hồi được khoản đầu tư. Vì thế mà cơ quan quản lý đã đưa ra khái niệm đại học không vì lợi nhuận, có nghĩa là cổ tức không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ, thay cho khái niệm phi lợi nhuận dường như không tưởng.
Cả hai lập luận trên đều có sơ hở.

Không phải mọi trường vì lợi nhuận đều kém chất lượng. Hầu hết các trường dạy nghề, đào tạo những kỹ năng phục vụ trực tiếp cho thị trường lao động như lập trình, thiết kế trang mạng, nấu ăn, cắt tóc … đều là những trường vì lợi nhuận. Trên thực tế, trường hoạt động theo mô hình công ty dễ thích nghi hơn với yêu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động. Những trường dạy nghề, dù là vì lợi nhuận hay không, đều có vai trò tích cực với kinh tế xã hội và đáng được tôn trọng. Chỉ có điều khi trường chỉ đào tạo một kỹ năng cụ thể thì không khoác lên mình cái tên university vì cái tên này gắn với những giá trị nhân văn có tính phổ quát.
Tôi cũng không tin rằng chỉ có người Mỹ mới có khả năng đặc biệt bỏ rất nhiều tiền từ túi của mình để làm một việc công ích. Điều này hiện tại có thể tương đối đúng, nhưng trong tương lai có thể sẽ không còn đúng nữa. Vì thế mà cái chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ là một hành lang pháp lý cho việc đóng góp thiện nguyện vào các trường đại học phi lợi nhuận. Một chính sách thuế thừa kế chặt chẽ, với những biện pháp miễn trừ ưu tiên trong trường hợp tài sản được đem cho các trường đại học phi lợi nhuận và các tổ chức từ thiện, có thể thúc đẩy việc này, thậm chí ngay cả ở Việt Nam, vì tôi không tin rằng người Mỹ có tố chất gì đó làm cho họ tốt hơn, sáng suốt hơn các dân tộc khác.
Ngoài ra cũng cần nhận thấy rằng tính phi lợi nhuận không trực tiếp tạo nên chất lượng của một trường đại học. Khi cổ đông không rút tiền đem về nhà, trường sẽ có nhiều tiền hơn để tái đầu tư vào cơ sở vật chất và lương giáo viên. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Lý do chính, theo tôi, làm cho những trường vì lợi nhuận không vượt lên được cái ngưỡng làng nhàng là ở chỗ, ở đó, quan hệ giữa chủ sở hữu và giảng viên là quan hệ giữa chủ và người làm thuê. Người làm thuê không có tự do học thuật. Không có tự do học thuật thì không có chất lượng đại học.
Để đảm bảo tự do học thuật, nội quy của trường đại học cần được thiết kế để đảm bảo cân bằng quyền lực giữa một bên những người đại diện chủ sở hữu, thường là hội đồng trường (board of trustees), và một bên đại diện cho giảng viên, thường là faculty senate. Xin dẫn hai ví dụ để minh hoạ câu chuyên này.
Khi thành lập, trường đại học Tân Tạo tạo ra một số một số hy vọng về một hình mãu trường đại học ngoài công lập mới. Chủ đầu tư chịu chơi, bỏ tiền túi để xây trường lớp đàng hoàng và để tuyển một dàn giảng viên trẻ mà phần lớn là các nhà khoa học giỏi chuyên môn. Tuy nhiên theo như những gì tôi được phản ánh lại, chủ đầu tư can thiệp sâu đến từng học trình. Có lẽ trường Tân tạo còn có những khó khăn khác, nhưng khi mà nội quy trường cho phép chủ đầu tư can thiệp vào học thuật thì con đường đi đến đại học tiên tiến hãy còn xa lắm.
Năm 2012, hội đồng trường đại học Virginia miễn nhiệm hiêu trưởng Teresa Sullivan. Lý do hội đồng đưa ra là bà Sullivan không thiết tha đến việc mở các lớp học trực tuyến nói riêng, các công nghệ mới nói chung, và tưu chung là không có “tầm nhìn”. Giảng viên trường đại học Virginia coi đây là một hành động vi phạm nghiêm trọng tự do học thuật, đồng thanh lên tiếng phản đối. Cuối cùng thì hội đồng trường đã phải chịu thua và bổ nhiệm lại bà Sullivan. Đấy là câu chuyện ở trường đại học do Jefferson sáng lập.
Quay lại với câu hỏi nền tảng nằm phía sau cuộc tranh luận về đại học phi lợi nhuận: có thể coi trường đại học là một công ty được không? Câu trả lời của tôi là không. Bên cạnh những lập luận trên bình diện tinh thần như tính thiêng liêng của tri thức hay trách nhiệm xã hội mà nhiều người đã nhắc đến rồi, tôi muốn bổ sung thêm một lập luận thuần tuý trên bình diện tài sản và sự thừa kế tài sản.
Trường đại học thường sở hữu một khối lượng lớn tài sản hiện hữu chủ yếu là bất động sản. Những tài sản này có thể coi như thuộc về chủ sở hữu của đại học và việc thừa kế tuân thủ theo chế độ thừa kế tài sản thông thường. Những đại học tốt sở hữu một tài sản vô hình nhưng vô cùng lớn, đó là uy tín học thuật đã được xây dựng bởi nhiều thế hệ giảng viên. Giảng viên là người thừa kế hợp pháp của phần tài sản vô hình này, vì hơn ai hết, anh ta biết gìn giữ và làm cho nó lớn lên. Không thể xếp vừa đại học vào khuôn khổ quản trị của công ty vì ở các công ty, chủ sở hữu là chủ sở hữu của cả phần xác lẫn phần hồn. Như hai ví dụ ở trên cho thấy, trong môi trường đại học, không thể giao cho chủ sở hữu phần hồn của đại học vì họ không biết giũ gìn nó và không biết làm cho nó lớn lên.
Ngô Bảo Châu
(Bài đã đăng trên Forbes Việt Nam, số tháng 9 năm 2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"