Chuyến đi của Lê Hồng Anh gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm thương
lượng giải quyết việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 hoạt động trong
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là đề tài nóng của dư luận trong và
ngoài nước trong những ngày qua. Rất nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm của mọi
tầng lớp nhân dân: Chuyến đi này thắng gì, thua gì? Có được dư luận ủng
hộ không? Rồi đây Trung Quốc còn tiếp tục đưa giàn khoan nào trở lại
hay không? Việt Nam liệu có kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
không?... Hỏi thì nhiều, nhưng vẫn chẳng có một giải đáp nào được xem là
chính thống. Điều đó càng nảy sinh nhiều đánh giá xung quanh chuyến đi
Trung Quốc của Phái viên Lê Hồng Anh. Có thể có những đánh giá quá lạc
quan hoặc quá bi quan, có thể các giới lãnh đạo cũng chẳng để ý gì đến
những đánh giá này lắm, nhưng đối với những người quan tâm đến vận mệnh
của đất nước thì lại rất cần thiết vì từ đó để xem những người lãnh đạo
đất nước đương thời sẽ làm gì sắp tới. Nên phải đưa ra những câu hỏi,
những đánh giá để dư luận bình luận.
Phái viên Lê Hồng Anh và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình
Câu hỏi thứ nhất: Tại sao ông Lê Hồng Anh được
cử sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình lại mang danh nghĩa phái viên của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trong khi ông Lê Hồng Anh được coi là Phó
Đảng) và cũng không mang danh nghĩa gì về mặt Nhà nước. Như vậy danh
nghĩa này được hiểu thế nào?
- Đánh giá: Chuyến đi Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh
thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, trước hết là vai trò của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng. Họ muốn gửi tới Tập Cận Bình, Đảng là quyết định, chứ
không phải Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa các phản
ứng mạnh của Thủ tướng và các cơ quan của Chính phủ vừa qua có những
tuyên bố cứng rắn đối với Trung Quốc.
- Bình luận: Cử được Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng
Anh đi Trung Quốc và được Tập Cận Bình chấp nhận và ra lời mời là sự
thắng thế của Nguyễn Phú Trọng và những người theo xu hướng “hòa hiếu”
với Trung Quốc. Được biết trước đó Bộ Chính trị có nhiều cuộc họp bàn
việc kiện Trung Quốc, phải họp Trung ương để quyết định vấn đề này,
nhiều ý kiến không đồng tình với chủ trương cử phái viên đi Trung Quốc,
nhưng khi Trung Quốc rút giàn khoan 981, Phú Trọng mới dàn xếp dung hòa ý
kiến trong nội bộ và cử Lê Hồng Anh làm phái viên của Trọng, điều này
đã chứng minh Nguyễn Phú Trọng đã thắng thế, đồng nghĩa thắng thế của xu
hướng “hòa hiếu” lệ thuộc vào Trung Quốc.
Câu hỏi thứ 2: Trung Quốc vi phạm chủ quyền của
ta, bị thế giới lên án, phê phán; ta phản đối quyết liệt, kiên quyết
hành động của họ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế nhưng sao không
mời Trung Quốc sang ta mà lại cử phái viên sang Trung Quốc để hòa giải
với họ?
- Đánh giá: Không đủ tầm, bản lĩnh kém, đầu óc mang nặng của kẻ hủ nho, học không thuộc định luật lịch sử “ông cha ta ngày xưa thắng họ cũng phải triều cống họ để được phong tước” và để giữ “hòa hiếu”
vì lú lẫn không đánh giá được tương quan thời nay, ta đã là một quốc
gia độc lập, có tiềm lực mạnh ở khu vực, được các nước khu vực và cộng
đồng quốc tế ủng hộ, vì ta là chính nghĩa, họ là phi nghĩa. Nguyễn Phú
Trọng tự biến mình thành bầy chuột để tế lễ con mèo như tranh dân gian
của nước ta. Chung quy lại là họ sợ, rất sợ trách nhiệm, sợ không đối
phó nổi với Trung Quốc.
- Bình luận: Thể hiện sự bạc nhược của Nguyễn Phú
Trọng và các đồng chí của Trọng dẫn đến sớm đầu hàng Trung Quốc. Nắm bắt
được tinh thần của Nguyễn Phú Trọng, nhân dịp này Tập Cận Bình được dịp
củng cố cho phái viên của Nguyễn Phú Trọng về tình hữu nghị, về đại
cục… bằng việc khẳng định muốn xây dựng đoàn kết hữu nghị với Việt Nam,
sẵn sàng cùng với Phú Trọng bàn giải quyết tranh chấp xung đột 2 nước.
Thực sự đây là liều thuốc hỗ trợ cho Nguyễn Phú Trọng để kiên trì con
đường lệ thuộc dưới danh nghĩa “hòa hiếu” và để giải quyết tình hình nội bộ Việt Nam.
Phái viên Lê Hồng Anh luôn phát biểu theo những nội dung đã được
soạn sẵn bằng văn bản theo ý của Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của
ông (Nguồn: CNTV)
Câu hỏi thứ 3: Chuyến đi của Lê Hồng Anh đã tác động đến tình hình nội bộ thế nào?
- Đánh giá: Sẽ rất ảnh hưởng đến tình hình nội bộ.
Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí có cùng quan điểm sẽ được củng cố niềm
tin rằng mọi tranh chấp sẽ được giải quyết qua con đường lãnh đạo giữa 2
Đảng Cộng sản trên tình thần đồng chí anh em. Điều này còn gián tiếp
phê phán nhiều đồng chí có quan điểm phản ứng cứng rắn với Trung Quốc.
Nội bộ lãnh đạo tiếp tục mâu thuẫn, phân hóa sâu sắc hơn. Trung Quốc
nhân cơ hội này tấn công vào nội bộ ta để phá nhân sự Đại hội lần thứ
XII, gây áp lực loại những nhân sự có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
- Bình luận: Nguyễn Phú Trọng với danh nghĩa Đảng đã
giành được lợi thế kiềm chế những đồng chí có quan điểm không lệ thuộc
Trung Quốc, cao hơn là thực hiện mục tiêu như Trung Quốc mong muốn là
loại những đồng chí không cùng quan điểm ra khỏi nhân sự Đại hội XII sắp
tới. Nhưng đây chính là điều bất lợi cho Phú Trọng vì đã bộc lộ vai trò
là người bạn thân thiết của Trung Quốc quá sớm. Những cán bộ lão thành
cách mạng, trí thức và dư luận trong nhân dân đều nhìn thấy nguy cơ đánh
mất chủ quyền đất nước của Nguyễn Phú Trọng nên sẽ hướng vào ủng hộ
những người có đủ bản lĩnh thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, bảo vệ
được chủ quyền đất nước, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng
hiện nay.
Câu hỏi thứ 4: Sau chuyến đi Trung Quốc gặp Tập
Cận Bình của Lê Hồng Anh phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì
quan hệ 2 nước thế nào, những biến động sẽ ra sao?
- Đánh giá: Trong các Ban Đảng và Tổng Bí thư thấy
lạc quan hơn, quan hệ 2 nước sẽ tiếp tục củng cố và phát triển. Các biện
pháp đấu tranh với Trung Quốc về xâm lấn chủ quyền Biển Đông sẽ được
chỉ đạo trên nguyên tắc giữ “hòa hiếu” của Nguyễn Phú Trọng,
được thực hiện xuyên suốt. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ đấu tranh
với Trung Quốc bằng pháp lý nhiều khả năng sẽ chưa thực hiện.
Cũng từ đánh giá này, Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của Trọng tin
rằng Trung Quốc sẽ xuống thang ở Biển Đông, các tranh chấp sẽ được giải
quyết ở cấp cao của 2 nước sắp tới, tình hình ở Biển Đông sẽ bớt căng
thẳng.
- Bình luận: Chuyến đi Trung Quốc của Lê Hồng Anh
tới Bắc Kinh được Nguyễn Phú Trọng cho là thành công và đang được lãnh
đạo Trung Quốc làm cho mê muội, ảo tưởng có thể thuyết phục được Tập Cận
Bình và đang tự sướng, thâm tâm của Trọng cho rằng chỉ có mình mới làm
biến đổi tình hình, giữ được hòa khí với Trung Quốc.
Nhưng Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí có cùng quan điểm với Trọng
quá ngây thơ và mất cảnh giác. Với những gì Trung Quốc đã làm và sẽ làm
thì không có chuyện Trung Quốc sẽ xuống thang ở Biển Đông. Tình hình 2
nước được yên ổn với nhau chỉ khi Việt Nam chấp nhận lệ thuộc vào Trung
Quốc, trao quyền cho Trung Quốc khai thác Biển Đông và các đảo trên đó.
Toàn dân ta kiên trì thêm một thời gian nữa sẽ biết Trung Quốc làm gì
với ta!!! Giàn khoan HD981 chắc chắn còn quay lại hoạt động ở vùng đặc
quyền kinh tế của ta. Trung Quốc không từ bỏ xây dựng cơ sở hạ tầng ở
những đảo họ đã chiếm ở Trường Sa vì đó là những căn cứ bàn đạp để chiếm
đảo của ta sau này. Họ đều đã có lộ trình rồi.
Câu hỏi thứ 5: Chuyến đi của phái viên Lê Hồng Anh sang Trung Quốc dư luận quốc tế quan tâm như thế nào?
- Đánh giá: Chưa có đủ thông tin về vấn đề này,
nhưng chắc chắn là họ sẽ rất quan tâm tới những điều hai nước thông điệp
với nhau. Dù chưa biết được nội dung cuộc gặp này, nhưng đã có những
đánh giá chuyến đi của Lê Hồng Anh Việt Nam mất nhiều hơn được vì vào
thời điểm này Trung Quốc có những lợi thế hơn Việt Nam (giàn khoan HD981
đã rút rồi). Trung Quốc rất ít khi chấp nhận một điều khi điều đó ảnh
hưởng tới quyền lợi của họ.
- Bình luận: Nhiều nước tỏ ra thất vọng qua chuyến
đi của Lê Hồng Anh sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình. Trước đó, họ coi
Việt Nam là điểm sáng, là ngọn cờ đấu tranh chống lại Trung Quốc bành
trướng, nay họ cảm thấy bị phản bội. Và họ đang tìm hiểu liệu Việt Nam –
Trung Quốc đã thỏa thuận ngầm với nhau điều gì. “Thật là tồi tệ nếu điều đó xảy ra”. Họ trao đổi với nhau điều mà Việt Nam đang làm với Trung Quốc (ý nói là các cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Trung Quốc) “đã trở thành luật chơi – Trung Quốc gây sự, Việt Nam phản đối rồi 2 nước đi đêm với nhau, các nước bị đánh lừa”.
Nước ta thoát khoải chiến tranh quân sự mới vài thập kỷ gần đây và
đang phải đối phó với những đe dọa từ bên ngoài. Các thế hệ cách mạng
dần dần đã ra đi. Tuy vậy, những người còn lại đã chứng kiến thời khắc
lịch sử cũng không phải là ít trong đó có một số ít vẫn trong bộ máy của
Đảng và Nhà nước. Tất cả những người còn lại từ cuộc chiến tranh nói ở
trên đây đều có chung một nhận định các yếu tố đe dọa chủ quyền an ninh
của đất nước ta ngày càng tăng lên từ hướng Trung Quốc. Những năm tháng
chiến tranh chống Mỹ, Trung Quốc chống ta kiểu khác; khi bình thường hóa
2 nước sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Trung Quốc chống ta
kiểu khác. Và ngày nay, khi thế và lực của Trung Quốc đã đổi khác, Trung
Quốc đã bộc lộ rõ mục tiêu đối với nước ta và họ hành động ngày càng
công khai trắng trợn để độc chiếm Biển Đông của ta.
Nhưng không hiểu sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số đồng chí
đồng quan điểm với ông Trọng lại nhìn nhận Trung Quốc tĩnh tại của thời
kỳ chiến tranh lạnh để rồi cột mình vào những nguyên tắc do giới lãnh
đạo Trung Quốc đưa ra cho lãnh đạo Việt Nam làm theo “4 tốt” và “16 chữ vàng” từ thời ông Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh để lại. Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc theo “định luật lịch sử”
thì lúc này là Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam phải nhìn nhận lại về Trung Quốc, bản chất đảng và nhà nước
Trung Quốc hiện nay là gì, có còn theo Chủ nghĩa Mác – Lênin nữa không,
họ có còn là đồng chí anh em của Việt Nam nữa không hay đang là mối đe
dọa độc lập chủ quyền của nước ta và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình
Dương. Chỉ trên cơ sở đánh giá này mới nhận rõ được đối tượng, đối tác
của nước ta. Trên cơ sở đó tạo sự thống nhất trong Đảng, trong nội bộ
thì mới có chủ trương đối sách nhất quán và đúng đắn.
Các ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh là những người đồng chí của ông Trọng đã tạo nên “4 tốt” và “16 chữ vàng” với Trung Quốc
“Hòa hiếu” với Trung Quốc là nguyện vọng của dân tộc ta từ
bao đời nay, nhưng mỗi một thời nó có các điều kiện của nó. Ngày nay,
nước ta là nước độc lập, biên giới lãnh thổ đã được xác định trên cơ sở
luật pháp quốc tế, việc “hòa hiếu” với các nước nói chung và
láng giềng nói riêng phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nền độc lập và
chủ quyền của nhau và lợi ích của 2 nước phải được tôn trọng và công
bằng.
Nhưng đường lối, đối sách của Nguyễn Phú Trọng đưa ra đối phó với
Trung Quốc ở Biển Đông vừa qua đối ngược với nguyên tắc đó, có nhiều sai
lầm, biểu hiện của sự nhu nhược, đầu hàng nên đã không đạt được những
điều Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn khiến tình hình tồi tệ thêm.
Trung Quốc ngang nhiên hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của ta hơn 2
tháng mà không làm gì được họ. Trong lãnh đạo cấp cao có nhiều bài phát
biểu rất bất lợi cho vị thế của Việt Nam, nhân dân rất thất vọng về họ.
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí hãy đặt lợi
ích quốc gia dân tộc lên trên hết để gạt bỏ những tính toán cá nhân
trong đầu để đoàn kết nhau lại lo việc bằng việc đấu tranh loại bỏ ngay
những tư tưởng và con người lệ thuộc đầu hàng ngoại bang ra khỏi bộ máy
lãnh đạo của nước ta, ủng hộ những người có bản lĩnh đương đầu với mọi
nguy cơ để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chịu trách nhiệm chính, ông cần
nghiêm túc kiểm điểm để thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc đối
phó với Trung Quốc ở Biển Đông và việc ngày càng tránh né Việt Nam của
Lào, Campuchia để lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc.
Mong Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông đọc kỹ các
câu hỏi và bình luận của dư luận trong và ngoài nước sau chuyến đi của
phái viên Lê Hồng Anh để soi lại mình, vẫn còn đủ thời giờ để điều chỉnh
nếu như muốn tranh sự phế truất của Đảng viên và nhân dân.
Một cán bộ Viện Nghiên cứu Quốc tế (xin được phép dấu tên)