Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa Kể Chuyện Nhà Tù


VRNs (15.09.2014) – Sài Gòn – “Khi tôi bị biệt giam trong một căn phòng nhỏ hẹp và trong một thời gian dài như vậy thì lúc đầu tôi bị stress. Tôi đã có những giây phút bị lung lay tinh thần bằng cách phải làm đơn cầu xin ban giám thị giải tỏa cho tôi, để tôi được trở về với mọi người trong buồng giam chung, nhưng tôi đã trấn tĩnh và suy nghĩ rằng, nếu tôi làm như vậy, tinh thần của tôi sẽ yếu kém đi mãi mãi, một lần yếu kém thì nó chính là cái đà cho những sự yếu kém tinh thần của tôi về sau này. Bởi vậy, tôi kiên quyết không làm đơn, không nhận tội, và một con người như tôi đã không nhận tội [trước tòa án] mà lại phải nhận tội [trong trại giam] để van xin họ cho thoát khỏi phòng biệt giam, thì chính bản thân tôi cảm thấy xấu hổ. Và sau này, khi tôi ra khỏi tù, tôi gặp những bạn bè của tôi thì sự xấu hổ đó còn tăng lên gấp bội, nên tôi kiên quyết chịu đựng. Thời điểm biệt giam là thời điểm tôi có thể kết thúc số phận một cách tốt nhất, vì làm như thế tiếng vang rất lớn, nhưng tôi nghĩ rằng tiếng vang ấy dù lớn đến đâu cũng không lớn bằng tôi sẽ cố gắng sống để trả xong cái án tù, để trở về, để tiếp tục công việc cao quý của tôi, đó là cùng với tất cả anh em đấu tranh cho tự do cho dân tộc.” Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ sau khi ông được mãn hạn tù sáu năm vào ngày 12.09 vừa qua.


Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa quả quyết: “con người không thể vượt qua được nó, mà chắc chắn vượt qua được nó bằng ý chí và nghị lực của bản thân. Anh có thể bị khủng hoảng trong một hai tháng đầu, nhưng nếu vượt qua được ngưỡng đó, thì anh sẽ vượt qua được mãi. Anh phải tin vào cuộc đấu tranh của anh. Anh phải nghĩ rằng, anh phải sống để đấu tranh cho dân tộc.”

Sau đây xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của Pv. VRNs với Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:

Huyền Trang, VRNs:
Thưa Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, trước hết, xin chúc mừng ông đã được đoàn tụ với gia đình sau sáu năm bị giam cầm. Vậy xin ông có thể cho biết những suy nghĩ của ông vừa khi ra khỏi tù là gì ạ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Khi tôi ra khỏi nhà tù có một luồng suy nghĩ lạc quan bởi vì có nhiều tổ chức [nhân quyền] hình thành và nhiều người tham gia vào công cuộc đấu tranh dân chủ cho đất nước. Lạc quan đó được bổ sung bởi những con người mà tôi đã gặp, cũng như vợ con tôi đã tạo cho tôi một không khí lạc quan rằng công việc của chúng tôi là chính đáng và chúng tôi sẽ thắng lợi.

Huyền Trang, VRNs:
Trong nhà tù, công an đã đối xử với ông thế nào và ông đã phản ứng lại với họ ra sao?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
: Tôi bị giam cầm 6 năm, 2 lần bị biệt giam mỗi lần 3 tháng, bị chuyển trại 4 lần, bịt miệng 1 lần và bị đánh 1 lần do tôi bảo vệ quan điểm đấu tranh, chống lại những áp bức, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người tù nhân, cho nên tôi được đối xử một cách khá đặc biệt.

Tôi ấn tượng nhất là nhà tù Nam Hà, những người cai tù ở đó là những con quỷ chứ không phải là con người.

Về con người, trong Trại giam Số 6, tôi ấn tượng anh Nguyễn Văn Hải, tức Blogger Điếu Cày. Anh đã tuyệt thực 33 ngày để phản đối việc khủng bố của giám thị trại giam đối với cá nhân anh, [sau đó] anh đã thắng lợi và giám thị trại giam phải xin lỗi anh, giải tỏa cho anh và không giam riêng anh, và anh trở về buồng giam chung với chúng tôi. Tinh thần của anh đã lan tỏa đến chúng tôi là sẵn sàng hy sinh cho quê hương đất nước.

Tại trại giam An Điềm, Quảng Nam, tôi có dịp sát cánh với Ls Lê Quốc Quân, mặc dù tôi chỉ ở với anh có bốn tháng là tôi mãn hạn tù, nhưng nếu tôi có đi tù một lần nữa thì tôi muốn ở cùng với Ls Lê Quốc Quân, bởi vì anh có một tinh thần chống cực khá quyết liệt với sự khéo léo nên anh đã thắng lợi trong cuộc đấu tranh [trong trại giam]. Ví dụ như, anh phản đối việc mặc áo tù. Khi tù nhân thăm gặp gia đình bắt buộc phải mặc áo tù nhưng anh kiên quyết không mặc, nên cán bộ trại giam đã sử dụng hình thức khủng bố tinh thần bằng cách biệt giam, nhưng anh vẫn kiên quyết trả lời thà bị biệt giam chứ không mặc áo tù vì anh ấy là vô tội. Cuối cùng người ta phải chấp nhận cho anh không mặc áo tù hằng ngày và mỗi lần thăm gặp gia đình cũng vậy. Một người tù không mặc áo tù mà đi giữa đám tù nhân mặc áo tù, thì người ấy cực kỳ nổi bật và gây một cảm xúc mãnh liệt. Tinh thần của anh đã lan tỏa đến các tù nhân khác. Chúng tôi nhìn hình ảnh của anh để tự hào, đó là một tù nhân chính trị kiên giang nhất trong những người mà tôi đã quen biết.

Tôi luôn cảm phục tinh thần đấu tranh của họ cho dân chủ hóa đất nước bằng những hành vi rất cụ thể ở ngay trong nhà tù.

Huyền Trang, VRNs:
Thưa ông, ông nói rằng, ông đã hai lần bị giam riêng vậy ông có thể mô tả cụ thể hơn những lần giam riêng này là như thế nào ạ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Giam riêng là cách gọi của ban giám thị trại giam. Cấu tạo buồng biệt giam cho tù nhân chính trị rộng khoảng 6m2 cho một người, không có nhà vệ sinh. Chúng tôi phải ăn, ngủ và đi vệ sinh cùng một nơi. Đi vệ sinh trong một cái bô. Một ngày có 15 phút viên cai ngục mở cửa [buồng giam], để tôi mang cái bô ra đầu cống đổ những đồ xú uế đã thải ra. Đặc biệt, chúng tôi bị giam 24/24 trong một căn phòng nhỏ hẹp như vậy ròng rã suốt ba tháng trời, thì con người ta rất dễ tìm đến cái chết, bởi vì con người cần có sự giao lưu. Tất nhiên cái hành vi này của ban giám thị trại giam đã không khuất phục được [tinh thần] tôi [trong suốt 2 lần bị biệt giam mà mỗi lần ba tháng ấy], nên họ thả tôi ra và họ chuyển tôi sang một nhà tù khác là trại giam An Điềm – Quảng Nam.

Từ Hải Phòng [quê hương của tôi] vào đến đất Quảng Nam, theo ước tính của tôi là khoảng 900 cây số, việc đưa một tù nhân giam ở một trại giam xa xôi như vậy là cố tình tước bỏ quyền thăm gặp của gia đình tù nhân. Theo Luật nói rằng, mỗi một tù nhân một tháng được gặp thân nhân một lần, nên việc giam tôi xa như vậy là tước bỏ quyền thăm gặp của tôi và của gia đình tôi.

Huyền Trang, VRNs:
Qua câu chuyện ông chia sẻ cho thấy, ông đã từng bị biệt giam một mình trong một căn phòng kín, nhỏ hẹp chỉ khoảng 6m2 và ông đã bị biệt giam 2 lần mà mỗi lần ba tháng, vậy động lực nào đã giúp ông vượt qua những nghịch cảnh như thế này ạ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Khi tôi bị biệt giam trong một căn phòng nhỏ hẹp và trong một thời gian dài như vậy thì lúc đầu tôi bị stress. Tôi đã có những giây phút bị lung lay tinh thần bằng cách phải làm đơn cầu xin ban giám thị giải tỏa cho tôi, để tôi được trở về với mọi người trong buồng giam chung, nhưng tôi đã trấn tĩnh và suy nghĩ rằng, nếu tôi làm như vậy, tinh thần của tôi sẽ yếu kém đi mãi mãi, một lần yếu kém thì nó chính là cái đà cho những sự yếu kém tinh thần của tôi về sau này. Bởi vậy, tôi kiên quyết không làm đơn, không nhận tội, và một con người như tôi đã không nhận tội [trước tòa án] mà lại phải nhận tội [trong trại giam] để van xin họ cho thoát khỏi phòng biệt giam, thì chính bản thân tôi cảm thấy xấu hổ. Và sau này, khi tôi ra khỏi tù, tôi gặp những bạn bè của tôi thì sự xấu hổ đó còn tăng lên gấp bội, nên tôi kiên quyết chịu đựng. Thời điểm biệt giam là thời điểm tôi có thể kết thúc số phận một cách tốt nhất, vì làm như thế tiếng vang rất lớn, nhưng tôi nghĩ rằng tiếng vang ấy dù lớn đến đâu cũng không lớn bằng tôi sẽ cố gắng sống để trả xong cái án tù, để trở về, để tiếp tục công việc cao quý của tôi, đó là cùng với tất cả anh em đấu tranh cho tự do cho dân tộc.

Huyền Trang, VRNs:
Thưa Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, trong câu chuyện vừa rồi, ông khẳng định tại trại giam Nam Hà không xem người tù chính trị và các tù nhân khác là một con người, thì ông có thể nói rõ điều này hơn và xin ông cho một minh chứng ạ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Trong thời gian tôi bị giam ở trong trại giam Nam Hà là thời gian tôi phải chịu đựng cực khổ nhất về cách hành xử của những nhân viên cai tù. Khi chúng tôi vào [trại giam], chúng tôi bị tẩy não bằng cách họ triệu tập các tù nhân chính trị lên văn phòng, họ nói chuyện, đưa giấy bút bắt làm những bản kiểm điểm, nhận các tội của mình và cầu mong được sự quan tâm của ban giám thị trại, để được giảm án. [Cai tù] không đánh đập, không dùng những lời lẽ mạt sát chúng tôi, nhưng những hành vi đó còn đau đớn hơn và sỉ nhục hơn là đánh đập, bởi vì tất cả các tù nhân chính trị [lương tâm] chúng tôi đều là trí thức, không nhận tội vì họ biết việc họ làm là chính nghĩa. Cho nên, một số tù nhân chính trị khác đã làm theo yêu cầu của ban giám thị trại tố cáo các tù nhân chính trị [lương tâm]. Ví dụ như tôi bị giam riêng bởi một sự tố cáo của hai người tù làm gián điệp cho Trung Quốc, họ tố cáo tôi “tuyên truyền chống nhà nước” trong nhà tù.

Cán bộ giám thị trại giam lợi dụng các tù nhân chính trị khác để tố cáo chúng tôi [tù nhân chính trị lương tâm] đã sỉ vả đảng CS. Thí dụ, chúng tôi đã đấu tranh yêu cầu trại giam phải cải thiện môi trường sống, đây là một việc làm rất chính đáng, nên ban giám thị phải chấp nhận các yêu sách của chúng tôi. Nhưng họ lại trả tù chúng tôi bằng cách cho rằng, chúng tôi làm đơn tập thể để xúi giục anh em chống lại lệnh của cán bộ trại giam và có sự xác nhận của những người tù khác, cụ thể là những người tù làm giám điệp cho Trung Quốc. Cuối cùng chúng tôi một lần nữa lại bị biệt giam. Số phận này không chỉ riêng tôi mà anh Phạm Văn Trội, cùng giam chung với tôi cũng bị như vậy. Tôi và anh Trội mỗi người bị biệt giam một nơi vì bị kết tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” trong trại giam. Tôi và anh Trội đã trải qua nhiều uất ức, nhưng tôi và anh Trội đã vượt qua được với mong muốn trở về với mọi người, cùng đấu tranh cho dân chủ ở VN trong đó đòi quyền tự do tín ngưỡng [cho người tù].

Huyền Trang, VRNs
: Thưa Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, điều quan trọng nhất mà ông học được trong suốt 6 năm tù qua là gì?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
: Điều thứ nhất, chế độ giam giữ của nhà tù của chính quyền độc tài là hoàn toàn không có giá trị nhân văn và rất tàn khốc. Điều thứ hai, con người không thể vượt qua được nó, mà chắc chắn vượt qua được nó bằng ý chí và nghị lực của bản thân. Anh có thể bị khủng hoảng trong một hai tháng đầu, nhưng nếu vượt qua được ngưỡng đó, thì anh sẽ vượt qua được mãi. Anh phải tin vào cuộc đấu tranh của anh. Anh phải nghĩ rằng, anh phải sống để đấu tranh cho dân tộc.

Huyền Trang, VRNs
: Thưa Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông đã từng trải qua nhiều trại giam và khẳng định, các quản giáo xem người tù như là một con súc vật. Vậy thưa ông, nay ông đã trở về với gia đình và đang hội nhập với xã hội thì ông có ý tưởng nào lên tiếng cho các tù nhân được đối xử như một con người ạ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Tôi đã trải qua nhiều trại giam nên tôi rất hiểu các điều khiện giam giữ khắc khổ, tàn khốc mà các tù nhân phải chịu đựng. Tôi nghĩ rằng không chỉ dư luận trong nước mà dự luận quốc tế, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức theo dõi tù nhân lương tâm nên quan tâm đến chế độ giam giữ của nhà tù VN nhiều hơn nữa. Đặc biệt là quan tâm đến nhóm tù nhân lương tâm của chúng tôi, phải có một sức ép to lớn hơn, hiệu quả hơn để những người tù nhân lương tâm này được trở về với cuộc sống bình thường bên ngoài xã hội.

Huyền Trang, VRNs:
Thưa ông, trong trại giam Nghệ An ông đã gặp Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải và qua trại giam An Điềm ông đã có dịp tiếp xúc với Ls Lê Quốc Quân thì nhân ngày trở về với gia đình ông có điều gì chia sẻ đến gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải cũng như Luật sư Lê Quốc Quân ạ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Sau khi ra khỏi trại giam, tôi đã liên lạc với gia đình anh Hải và nói với gia đình hãy yên tâm, nếu có một sự bất bình hay một hành vi dã man của cai tù thì anh Hải sẽ đấu tranh, có thể anh tuyệt thực, nhưng bao giờ anh cũng thắng lợi. Cho nên, việc đấu tranh của anh Hải là việc làm chính nghĩa, xứng đáng nên lấy làm tự hào. Điều thứ hai ở anh Hải là sự thông minh, anh rất hiểu luật pháp. Có nhiều cán bộ cảm phục anh, luôn luôn tìm cách nói chuyện với anh, mặc dầu không được phép.

Ở trại giam An Điềm, Đà Nẵng, tôi được gặp Luật sư Lê Quốc Quân, tôi nhận thấy đây là một con người rất dũng cảm, một người có lý luận. Anh có thể sử dụng ngôn ngữ để đấu tranh giành thắng lợi. Trước khi tôi trở về với gia đình, anh Quân đã nhắn với tôi cho anh gửi lời hỏi thăm tất cả anh em ở bên ngoài, đồng bào giáo dân… Anh sẽ trở về vào tháng 6 tới, sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh và xin mọi người cùng tin tưởng.

Huyền Trang, VRNs:
Xin chân thành cám ơn Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là một trong những người đầu tiên lên tiếng việc Hoa Lục xâm chiếm lãnh hải VN.

Blogger Phạm Thanh Nghiên cho biết thêm, cô cùng với Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người lính già Vũ Cao Quận viết “đơn xin phép biểu tình”, yêu cầu chính phủ đầy lùi lạm phát.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị Tòa án Nhân dân Hải Phòng kết án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế vào ngày 09.10.2009. Ông Nghĩa bị buộc tội đã “lưu trữ, phát tán những tài liệu vu khống chế độ, sau đó chụp hình và phát tán lên mạng Internet” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Vào năm 2011, ông được Tổ chức theo dõi Nhân quyền trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett để ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị.


Huyền Trang, VRNs
- See more at: http://thanhnienconggiao.blogspot.com/2014/09/nha-van-nguyen-xuan-nghia-ke-chuyen-nha.html#sthash.irT1Xe26.dpuf

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"