Cuộc đời mạ
tôi trầm luân vất vả. Nước mắt Mạ nhiều hơn nụ cười. Mạ tôi không biết
chữ. Anh em tôi dạy mãi mạ mới biết ký chữ ký của mình. Nhưng mạ tôi đã
cung cấp cho bà con làng tôi bao nhiêu niềm vui, hơn cả chủ nghĩa xã
hội. Mạ buôn bán thì giỏi lắm. Năm 1956, ba tôi bị CCRĐ quy là địa chủ
và bị giết. Mạ tôi khóc hết nước mắt.
Bà bị bất ngờ vì mạ tôi từng nuôi
cả trung đội bộ đội hàng tháng trong nhà, mua súng cối, súng trung liên
cho dân quân xã Hưng Đạo đánh Pháp, từng bỏ lựu đạn dưới gánh cá, gánh
vào chợ Chè ở Hồng Thủy giả đi bán cá, để dân quân diệt đồn Hòa, lại bị
“cách mạng” phản bội, chồng bị giết. Địa chủ mà chỉ có 2 chiếc thuyền và
mấy vàng lưới trũ, mấy vàng câu và gian nhà rường 3 gian hai chái. Giá
trị không bằng cái xe máy tay ga bây giờ. Sau đó, thuyền lưới nhà tôi bị
tịch thu đưa cho bần cố nông, nhưng họ không biết quản lý, không có vốn
để sữa chữa, đại tu, không tiền để mua lưới mới rồi thuyền trở thành
củi mục , lưới thành tả rách từ bao giờ không ai biết nữa. Mạ tôi tiếc
đứt ruột.Sau khi gia đình được “sửa sai”, mạ định mở một cái quán hàng
nhỏ, nhưng chính quyền không cho. Họ bảo :” Buôn bán tư nhân chống lại
chủ nghĩa xã hội mà cách mạng đang xây dựng”. Thế là mạ tôi đành làm
người ăn mày. Hàng ngày mạ vác cái rổ con đi dọc bãi biển xin cá. Ngư
dân có tập tập là cá làm về không được ăn nột mình, phải san sẻ cho
những người ăn xin, vì đây là lộc biển. Nhờ thế mà mạ con tôi có cái ăn
qua ngày, không chết đói. Nhưng đi ăn xin như thế thấy nhục quá, nên mạ
tôi chuyển sang nghề chạy chợ. Chạy chợ là suốt ngày đôi quang gánh trên
vai, không mở tửa hàng tư nhân, nên chính quyền không cấm. Hồi đó ở
miền Bắc nói chung và quê tôi chỉ có cửa hàng Mậu dịch và Hợp tác xã mua
bán, nhưng họ làm ăn èo uột lắm. Có cái gì trên đưa về thì bán như vải,
giấy học trò, xà phòng.v.v.. Hết thì lại ngồi chờ.
Còn mạ tôi thì tất bất suốt ngày. Mạ buôn
chè xanh, thơm (dứa), quả mận quân, mít xanh, mít chín… từ Chợ Huyện,
quê ngoại Vĩnh Linh , gánh về làng biển đổi cá cho bà con trong làng. Cá
ngừ, cá thu thì cắt miếng kho, các loại cá cơm, cá duội, cá nục…thì
phơi làm cá khô hoặc làm mắm nêm, nước mắm…rồi gánh đi chợ Tréo, chợ
Mai, chợ Hôm Trạm, Chợ Chè khắp huyện Lệ Thủy năm sáu chục cây số lội bộ
để bán. Từ làng tôi đi chợ Tréo gần 20 cây số, phải trèo động cát tới 6
cây số, gánh nặng phải đi 5 tiếng đồng hồ mới kịp giờ họp chợ. Nên mạ
phải dậy từ hai sáng, đến tối mịt mới về. Về nhà lại bán muối, dầu hỏa
thắp sáng, nến cúng… cho bà con trong làng. Vì thế mà cả làng tôi không
biết Chủ nghãi xã hội là gì. Chỉ biết thiếu cái gì là đến cửa hàng mạ
tôi.
Mỗi dịp Tết mạ tôi gánh đến cho người làm
ruộng miền nông những chai nước mắm ngon, gọi là nước mắm chắt, nước mắm
nhĩ, tức là loại nước mắm cốt từ trong chượp chắt ra, nhĩ ra tự nhiên.
Rồi những con mắm mục, mắn trích thính thơm phức, những khúc cá ngừ, cá
thu kho ngon lựng ; Tết mạ gánh về cho bà con làng biển Thượng Luật
nghèo là bó chè xanh, quả thơm, quả mít chín, gạo nếp, rồi bao nhiêu thứ
kẹo bánh cho trẻ con như : kẹo bi, kẹo bột đậu bọc giấy bóng xanh đỏ
tím vàng, kẹo cứt gà ( tên kẹo như thế vì kẹo nấu bằng đường thủ công
tẩm bột nâu, đen đen trăng trắng như viên cứt gà khô trên cát) ; rồi các
thứ bánh để thờ trên bàn thờ ngày Tết như bánh in bọc giấy bóng xanh
đỏ, bánh ít, rồi lá dong, lá chuối để bán cho các nhà gói bánh chưng
bánh tét. Cả làng không biết CNXH là gì, chỉ biết thiếu cái gì thì đến
“nhà mụ Vượng” ( tên mạ tôi là Đào Thị Tam, nhưng ở quê tôi gọi tên phụ
nữ có chồng theo tên con đầu, chị đầu của tôi tên là Ngô Thị Vượng )
Sáng mùng
một Tết, Mạ tôi làm các loại bánh rồi gánh ra chỗ vui chơi bán cho thanh
thiếu niên. Chứ của hàng Nhà nước đóng cửa, vì họ là CNXH, kinh doanh
là xấu xa. Mạ làm bánh nổ bằng thóc nếp rang cho nổ bung, sảy vỏ rồi cho
vào nấu với nước đường, thêm tí vani, tí bột đao, ép khuôn cắt thành
từng vuông nhỏ, hoặc vắt tròn như quả mận. Ăn ngọt mà giòn rụm. Mạ còn
nấu bánh đúc bằng gạo mùa mới gặt. Nấu cho nhuyễn, thêm gia vị tiêu hành
rồi đổ ra cái mâm thau, đợi bánh nguôi, cắt thành từng miếng hình thoi,
xếp vào thúng lót lá chuối, gánh đi bán. Bánh đúc chấm nước lèo ăn no
vẫn thòm thèm..
Làng tôi
xây dựng HTX suốt mấy chục năm, từ năm 1958 đến 1986 mới thôi. Trong
sách học trò dạy: CNXH sung sướng, tự do hơn vạn lần tư bản chủ nghĩa.
Nhưng tôi thấy làng tôi nhà nào cũng nghèo. Con cái không có đủ cơm ăn,
áo mặc, không có cuốn sách để đọc. Nhà thì cột dương, cột tre lợp tranh
lụp xụp như nhà chị Dậu của Ngô Tất Tố. Còn mạ tôi “buôn thứng bán mẹt”
lại có tiền để nuôi 4 đứa cơn ăn học, làm đến 3 cái nhà rường ( sau cái
nhà rường bị Đội CCRĐ tịch thu chia quả thực, rồi hai lần nhà tôi bị
cháy, nên mạ phải làm nhà khác ). Anh tôi được mẹ mua cho xe đạp
Papôrich 1000 đồng để đi học. Tôi thi đậu đại học, mạ tôi cũng cho cuốn
sổ tiết kiệm 1000 đồng , nang ra Hà Nội để tiêu trong 4 năm. Một ngàn
đồng những năm 60 ở miền Bắc có thể mua được cái nhà rường 3 gian hai
chái sang trọng.
Nên đối với tôi Chủ nghĩa xã hội là MẠ
Vì thế mà sau này đi chiến trường, sau 100
ngày hành quân đến Lộc Ninh, tôi thấy ở đây họ tự do mở cửa hàng buôn
bán tư nhân, tôi thích lắm. Tôi viết trong thư gửi về cho mạ : Dân Lộc
Ninh toàn người di cư vào Nam hồi năm 1954. Họ tốt lắm. Họ rất niềm nở
với quân giải phóng. Họ trồng cao su, trồng điều. Mạ biết không, quả
điều rất giống quả đào tiên đỏ mà mạ đi chợ hay mua về cho con ăn, nhưng
ở đít của nó lồi ra một cái nhân to bằng ngón tay cái. Cái nhân đó
người ta gọi là hạt điều, nướng ăn ngon bùi thơm hơn hạt đậu phộng. Lộc
Ninh là vùng giải phóng, nơi đặt Cơ quan của Chính phủ Cách mạng Lâm
Thời. Bọn con được phát tiền Sài Gòn, nên đứa mô thích chi thì ra quán
mua. Ở đấy quán xá tư nhân nhiều lắm, không phải như ngoài mình chỉ có
Mậu dịch Quốc doanh và Hợp tác xã mua bán, có tiền muôn mua gì cũng khó.
Con cứ ao ước khi mô ngoài miền Bắc buôn bán tư nhân được mở tự do như ở
đây. Chắc đến ngày đó, nếu còn khoẻ mạ cũng mở một cửa hàng, để khỏi
chạy chợ độ đường xa ngái. Mấy ngày ở đây con được ăn một thứ rất ngon
mà mạ và các anh chưa từng biết, Đó là mì tôm. Mì hai tôm, mì ba tôm,
đóng trong các gói giấyxi măng tráng bóng. Nó giống như mì sợi được hấp
chín với nước tôm thơm ngon lắm. Ăn sống cũng được không thì chỉ cần đổ
nước sôi vào là nở ra đầy bát. Một gói chỉ mấy đồng tiền Sài Gòn. …(
Trích bản thảo sách “ 100 ngày vượt Trường Sơn” )
Tôi học Đại học Thương Mại mà không biết
CNXH là gì. Không chỉ tôi, chắc chắn cả các giáo sư, tiến sĩ Mác- Lê Nin
cũng không biết CNXH là cái gì. Tôi có ông giáo dạy Mác-Lê từ ngày tôi
là sinh viên, bây giờ đã 80 tuổi, gặp nhau, tôi hỏi thầy CNXH là gì.
Thầy lắc đầu cười :” Là cái bánh vẽ ha ha…!”.