Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Đèn Cù, cù đúng vào vùng kín nhạy cảm nhất của chế độ cộng sản Việt Nam


image 
Bỗng dưng tôi nhận được Đèn Cù qua email, bản Final.pdf, tuy có vài chỗ còn highlight màu vàng. Vừa vào truyện đã gặp ngay một số phương ngữ, với cả tiếng lóng của thời đó và đôi chỗ hình như viết mà không muốn diễn đạt theo lối văn bình thường, nên bị lúng túng không ít. Cứ như đang thả hồn theo dòng suối êm ả giữa thiên nhiên hoang dã Việt Bắc bỗng gặp một nơi nước bị tung lên bất ngờ. Chắc chắn là nhờ lòng suối nơi đó có một viên đá cuội cản dòng nhưng lại trở nên sinh động. Đẹp. Và cứ theo cái đẹp đó mà lần mò. Lần mò, vừa để coi mình có hiểu đúng ngữ/nghĩa đặc thù hay không, vừa muốn theo dõi nội dung chuyện về những nhân vật cao cấp nhất đảng cộng sản Việt Nam trong thời còn phôi thai.
Từ trước đến nay giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam luôn luôn tự thần thánh hóa. Thí dụ chỉ một chuyện, thật nhỏ. Chuyện ông Hồ Chí Minh và cục gạch. Buổi sáng khi đi làm ông đem một cục gạch để cạnh lò bánh mì để được nung nóng rồi đêm đêm ông ôm về ngủ giữa kinh thành ánh sáng Paris, vì phòng không có lò sưởi! Chuyện huyễn nhưng ông Hồ vẫn cứ cho in thành sách để tuyên truyền. Có lẽ dưới mắt ông dân trí Việt Nam quá kém. Kém đến độ gần như ngu ngốc, nói sao tin vậy. Vì thế ông Hồ đã nặn tượng chính mình. Rồi huyền thoại đẻ ra huyền thoại. Những nhân vật lãnh đạo đảng cũng thế, mỗi ngày được sơn phết thêm để thành Thánh, đến độ bất khả xâm phạm!
Như mới đây thôi, cũng tại miền Bắc, có ông sư trẻ lặng lẽ thay tượng Phật bằng tượng chính mình đem để lên bàn thờ. Bị dân làng phát hiện và áp lực, buộc ông phải nhảy xuống sông lặn tìm lại tượng Phật cũ của chùa đã bị ông ném xuống.
“Tượng” của ông Hồ và các lãnh đạo cao cấp nhất đảng cộng sản Việt Nam hiện cũng đang bị “dân làng thế giới phẳng” phát hiện thêm nhiều chi tiết, có thể nói là từng ngày!
Bây giờ, tác giả Đèn Cù, người được coi như sống và làm việc gần gũi nhất với hầu hết những lãnh đạo đảng cao cấp nhất thời kỳ đó, kể lại. Kể hấp dẫn giống như người đang tán gẫu giữa bạn bè. Không dàn bài. Không dẫn chứng nguồn. Không hàn lâm. Bộc bạch gần như nhớ đâu kể đấy! Chính tính dân dã nầy đã lôi cuốn được người đọc và lan truyền nhanh.
Giới bình dân ngày trước thì cả tin để hôm nay có dịp suy gẫm. Và, dĩ nhiên, chính giới thỏa mãn nhất, vì đang có được một bữa thịt chó nguyên chất ‘nai đồng quê’ với đầy đủ gia vị!
Nghệ sĩ đang trình diễn trên sân khấu có bao giờ không đẹp? Nhưng hậu trường là sự thật. Sự thật không hẳn xấu nhưng mới đúng với con người thật. Một con người lột bỏ được lớp son phấn mới trở về thực chất.
Một cụ đồ xứ Quảng ngày trước đã vịnh về đào kép Hát Bội tại miền Trung thế nầy:
“Mượn màu son phấn ông tê nọ
Cởi lớp cân đai chú điếm đàng
Tuy chẳng ra chi nhưng cũng sướng
Đã từng trợn mắt lại phùng mang”.
Cho nên, những nhân vật trong Đèn Cù đều là những con người trần trụi. Nguyên chất. Còn mức độ chính xác đến đâu thì dành cho giới nghiên cứu kiểm chứng. Vì tốt/xấu là chuyện thường tình, nhưng lột bỏ được son phấn huyền thoại để trả những nhân vật đó trở lại đời thường, làm con người sinh học tự nhiên, thì tự nó đã quý. Rất quý!
Đèn Cù kể khá chi tiết về nguyên ủy Cải Cách Ruộng Đất tại Việt Nam, những lệnh và những người nhận lệnh từ cộng sản quốc tế, từ Stalin, Mao Trạch Đông để thi hành. Đặc biệt trường hợp đấu tố bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long, một người phụ nữ đã có công lớn đóng góp cho Kháng chiến ngay từ đầu. Là người mà lẽ ra chính ông Hồ Chí Minh và giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cộng sản Việt Nam phải mang ơn suốt đời lại bị đem ra làm tấm bia thịt cho tiếng súng khởi đầu đấu tố địa chủ: Chương trình Cải Cách Ruộng Đất! Những người đã viết, hoặc kể về giai đoạn lịch sử nầy rất nhiều, khó có thể nhớ hết. Như Hồi ký Đoàn Duy Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – Hoàng Tùng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – Bùi Tín, Phó Tổng biên tập nhật báo Nhân Dân ghi lại chuyện kể của ông Hoàng Quốc Việt – Giáo sư Trần Quốc Vượng – Thi sĩ Hữu Loan với nhận xét “Thà giết lầm 10 người vô tội còn hơn để thoát một kẻ thù” … Bây giờ có thêm một nhân chứng mới, Trần Đĩnh với tác phẩm Đèn Cù!
Đèn Cù ghi lại việc ông Hồ bịt râu, để ngụy trang, đến trực tiếp theo dõi đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, còn Trường Chinh thì đeo kính râm suốt buổi.
Tiêu biểu nhất là bài viết Địa Chủ Ác Ghê của CB được báo Nhân Dân đăng ngay sau ngày xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, báo đăng ngày 21/7/1953, với câu kết luận:
“Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là: Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng. Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!”
Tác giả CB bị phát hiện là Của Bác, tức ông Hồ Chí Minh!
Chuyện cũ 60 năm bỗng dậy sóng!
Hà Nội đang tổ chức triển lãm về “thành tựu” 60 năm chương trình Cải Cách Ruộng Đất mà theo ông Giám đốc viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia đã trả lời phỏng vấn của BBC như sau:
“Tại triển lãm này chúng tôi cũng muốn đưa đến cho công chúng một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn, những thành tựu trong giai đoạn đó, cũng có những bước đi sai lầm trong việc tổ chức thực hiện ở cơ sở thì cũng đã có những chỉ đạo từ trung ương trong việc chấn chỉnh khắc phục sai lầm, oan sai.” [1]
Tin mới nhất, là Thông Báo tại nơi triển lãm cho biết “đang gặp sự cố điện” nên tạm đóng cửa “vì lý do ánh sáng” vào chiều thứ Năm 11/9. Ngay tại đó, ngay vào thời điểm đó, Dân oan Dương Nội muốn vào xem triển lãm bị bắt buộc phải cởi áo có nội dung khiếu kiện. Mặc dù họ đã chấp nhận lệnh phi pháp đó nhưng lại gặp “sự cố” khác: “Sự cố điện” “vì lý do ánh sáng”! [2]
Triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất “…đưa đến cho công chúng một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn, những thành tựu trong giai đoạn đó…” như lời ông Giám đốc viện Bảo tàng nói thì tại sao lại không cho những nông dân chân chính Dương Nội vào xem“thành tựu” để ca ngợi đảng?
Một sự trùng hợp khá lạ lùng là khi tác phẩm Đèn Cù phát hành tại hải ngoại và trên hệ thống Internet, vô tình lại cùng một thời điểm với Triển lãm Cải Cách Ruộng Đất tại Hà Nội!
Người Việt Nam đang cảnh giác cao độ và lên án mạnh mẽ chế độ cộng sản trước hiểm họa Tàu cộng xâm lược. Vì thế nội bộ đảng cộng sản Việt Nam đang chia rẽ trầm trọng. Trong số họ vẫn có người còn lấn cấn việc bỏ đảng vì “thần tượng Hồ Chí Minh”, “vì công lao của đảng” cho dù vụ án Cải Cách Ruộng Đất là một vết nhơ bao trùm chế độ mà chính ông Hồ Chí Minh và đảng của ông đã ra sức che đậy từ hơn nửa thế kỷ.
Che đậy đến độ như mồ đã yên, mả đã đẹp nhưng tại sao bỗng dưng lại đem ra “Triển lãm”?
Phải chăng vì ngại Tàu cộng nghi ngờ lòng trung thành của đảng cộng sản Việt Nam trước những diễn biến chính trị dồn dập, liên hệ con thoi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nên chế độ cho thực hiện triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất như là một nhắc nhở tính “môi hở răng lạnh” từ thời Mao để trấn an đàn anh, là dù gì thì cộng sản Việt Nam cũng bất chấp mọi hậu quả để trung thành với phương Bắc?
Phải chăng thế lực nhóm “Thoát Trung” đứng đàng sau nội vụ? Với mục đích trưng ra sự thật về Cải Cách Ruộng Đất, là một bước sau cùng, để đánh sụp hoàn toàn “thần tượng Hồ Chí Minh” và “công trạng” đảng cộng sản Việt Nam cho những đảng viên còn lấn cấn, đồng thời để giới trẻ (đang chiếm gần ¾ dân số) từng bị nhồi nhét về “thành tích” và “công lao” của đảng, có cơ hội biết sự thật về lịch sử, với hy vọng thức tỉnh mọi người sớm quay lại cội nguồn trước khi quá muộn?
Nhưng dẫu gì thì vùng kín nhạy cảm nhất của chế độ, của sự thật “thần tượng” Hồ Chí Minh cũng như đảng cộng sản Việt Nam đang phơi bày tênh hênh ra đó, không còn cách gì có thể che đậy trở lại.
Có thể nói Triển lãm Cải Cách Ruộng Đất đang là một trái bom lớn do chính chế độ khủng bố cộng sản Việt Nam gây nổ ngay giữa lòng Hà Nội!
(Sept 12th, 2014)
© Kong Kong
© Đàn Chim Việt
__________________________________________________________
[1
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/09/140911_caicach_ruongdat_closure.shtml
[2]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/09/140911_caicach_ruongdat_closure.shtml

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"