Đoàn Thanh Liêm
Cách đây 40 năm, ngay từ thời kỳ trước tết Mậu thân 1968, các sinh
viên học sinh hội họp với nhau, thì luôn say sưa phấn khích hát bài “Gia
Tài cuả Mẹ” cuả nhạc sĩ họ Trịnh. Trong đó có câu thật là tâm đắc: “Dậy
cho con tiếng nói thật thà. Dậy cho con chớ quên màu da. Ôi lũ con cùng
cha: Quên hận thù…” Thế nhưng sau 1975, khi người cộng sản chiếm được
trọn vẹn miền Nam rồi, thì họ không cho hát bài này nữa.
Cũng vào khỏang thời gian đó, tôi được đọc cuốn Hồi ký cuả văn hào
André Malraux, nguyên là Bộ trưởng Văn hoá và là người rất thân cận với
Tổng thống De Gaulle cuả nước Pháp. Cuốn Hồi ký có cái tựa đề thật ngộ
nghĩnh, đó là “Anti-Mémoires” mà có người dịch là “Phản Hồi Ký”. Nhưng
tôi nghĩ chữ Anti ở đây có nghiã là “Trước”, như trong chữ Anticipation,
chữ “Antichambre” = Phòng đợi ở bên ngoài phòng khách chính. Như vậy,
thì phải gọi là “Tiền Hồi ký” mới đúng với ý cuả tác giả. Vì ông chỉ
muốn xuất bản một phần cuốn Hồi ký, khi tác giả còn sinh tiền. Và chỉ
khi tác giả qua đời, thì mới cho phổ biến toàn bộ cuốn Hồi ký mà thôi.
Đấy là chuyện bên lề, viết ra cho vui vậy thôi. Còn chính yếu, thì
tôi chú ý đến cái câu chuyện trao đổi, khi lần đầu tiên ông Malraux gặp
tướng De Gaulle lúc nước Pháp vừa được giải phóng khỏi sự chiếm đóng cuả
quân đội Đức quốc xã vào muà Hè 1944, nhờ cuộc đổ bộ cuả quân đội đồng
minh lên bờ biển Normandie miền Bắc nước Pháp. Ông Tướng từ ngòai nước
trở về, thì muốn tìm hiểu về tình hình trong nước, nên mới hỏi Malraux
là một trong những lãnh tụ quân kháng chiến ở trong nội điạ nước Pháp,
mà hồi đó thì được gọi là FFI (= Forces Francaises de lInterieur tức là
Lục lượng võ trang Pháp ở trong Nội địa). De Gaulle rất tâm đắc với cách
đánh giá cuả Malraux về tình hình tại nước Pháp hồi đó, với chỉ bằng có
một chữ thôi, đó là: “Sự Nói Dối” (nguyên văn tiếng Pháp = Le
Mensonge). Tác giả thuật lại: “Tôi chỉ nói có một chữ Le Mensonge thôi,
mà Ông Tướng đã gật đầu tâm đắc với sự đánh giá tình hình nội bộ nước
Pháp cuả tôi. Và ngay từ đó, chúng tôi trở thành hai người bạn tri kỷ
gắn bó với nhau…” Và rồi như ta đã biết suốt cuộc đời còn lại, Malraux
là người cộng tác thân tín nhất với Tướng De Gaulle. Đặc biệt trong
những năm 1960-61 trở đi, Bộ Trưởng Văn Hoá André Malraux đã thay mặt
Tổng Thống De Gaulle đi gặp gỡ trao đổi với các lãnh tụ thế giới như
Kennedy, Nehru, Mao Trạch Đông, v.v…
Cũng giống như vậy, văn hào Nga được giải thưởng Nobel về văn chương
năm 1958 là Boris Pasternak, tác giả cuốn tiểu thuyết lừng danh “Doctor
Zhivago”. Trong cuốn sách này, tác giả có ghi như sau: “Muốn chiều lòng
người cộng sản, thì cũng dễ thôi. Bạn cứ việc nói là yêu cái điều bạn
ghét, và ghét cái điều bạn yêu”.
Còn mô tả về tình hình nước Nga dưới thời Staline thập niên 1930-40,
thì Pasternak chỉ cần viết có một câu như sau: “Tất cả chỉ là sự giả
dối, giả hình mà thôi! “(tiếng Pháp = Tout nest que Pharisianisme).
Đó là ở nước ngòai. Còn ở Việt nam ta, thì ngay từ hồi 1946-47, tôi
đã được nghe nhiều người thốt ra câu nói này: “Nói dối như Vẹm”, tức là
chữ VM = Việt Minh thì đọc nhanh ra thành chữ Vẹm. Xưa kia, dân gian
thường nói: “Nói dối như Cuội”. Nhưng từ khi có cộng sản Việt Minh, thì
bà con lại nói như thế đó.
Và cho đến ngày nay, sau trên 60 năm đảng cộng sản nắm giữ chính
quyền, thì tính trạng dối trá lại càng lan rộng, phổ biến trầm trọng hơn
gấp bội. Cụ thể là lời phát biểu vừa mới đây cuả Hoà Thượng Thích Quảng
Độ với nhân viên ngoại giao nước ngoài: “Chính quyền cộng sản luôn luôn
dối trá, lừa gạt dân chúng…” Nhà văn Võ Thị Hảo tố cáo “Sự giả trá trở
thành thường nhật, thành đương nhiên… Những sự giả trá ấy còn tiếp tục
làm mục ruỗng nhân cách ngưới Việt nam.” Và bà kêu gọi phải tìm cách
giải trừ sự gian dối, giả trá trong sinh hoạt thường ngày cuả xã hội. Mà
ngành giáo dục phải đi đầu trong việc “giải trừ bệnh giả dối” này.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì viết là: “Cái bệnh Liệt kháng về Nhân cách “.
Giáo sư Hoàng Tụy thì than phiền sự biến chất, tha hoá, căn bệnh
thành tích đã làm hư hỏng bao nhiêu thế hệ con người. Rồi đến Hội Đồng
Giám Mục Công giáo trong Thư ngỏ công bố ngày 25/9/2008 cũng lên tiếng
cảnh giác: “Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự
gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần sự thật nhiều
nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với
tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng
này…”
Như vậy là cả giới trí thức, văn nghệ sĩ, cũng như giới lãnh đạo tôn
giáo, thì đều đã đồng thanh nhất trí nói lên sự quan ngại và cảnh giác
về tệ trạng luân lý suy đồi, xã hội đầy dãy sự gian trá lươn lẹo. Đó là
một thực tế rất đau lòng đến tủi nhục cho một dân tộc vốn có truyền
thống trên 4000 năm văn hiến. Và hơn thế nữa, chuyện tham nhũng bê bối
về hối lộ ỏ cấp cao tại Saigon và nạn thu gom và vận chuyển đồ ăn cắp
cuả phi công Air Việt nam đang được báo chí ở bên nước Nhật phanh phui
ra liên tục từ mấy tháng nay, đến nỗi chính phủ Nhật phải cúp viện trợ
ODA. Công luận ở Nhật gọi đó là thứ “giòi bọ đáng ghê tởm”. Sự việc này
quả là một mối nhục quốc thể tệ hại nhất cho đất nước và con người Việt
nam, trước con mắt của tòan thế giới trong giai đọan tòan cầu hóa ngày
nay.
Vấn đề đối với người dân chúng ta là phải làm sao vực lại được cái
tinh thần nghiã khí liêm xỉ như cha ông chúng ta vẫn thường dậy bảo từ
xưa nay. Trước khi đòi hỏi người cộng sản phải thay đổi, phải chấn chỉnh
cái này, cái nọ, thì chính chúng ta trong khu vực Xã hội Dân sự, chúng
ta phải chủ động làm lấy cho nhau và với nhau trước đã. Việc này hoàn
toàn nằm trong tầm tay cuả mỗi người chúng ta.
Đó là lý do thúc đẩy người viết bài này lấy tiêu đề “Dậy cho con
tiếng nói thật thà” như đã ghi ở trên. Mỗi người chúng ta, ai mà chẳng
yêu mến bà mẹ cuả mình. Vì thế, chúng ta nhất định đều phải làm theo lời
dậy dỗ cuả mẹ là “Phải sống cho ra con người tử tế, chân thật, hầu làm
đẹp lòng mẹ và bảo toàn được tiếng thơm cuả dòng họ nhà mình”.
Việc này phải bắt đầu trước hết từ trong nội bộ mỗi gia đình, rồi sau
mới đến ngoài xã hội. Các đoàn thể, hiệp hội, các tổ chức tôn giáo là
nòng cốt cuả khu vực Xã hội Dân sự, thì phải phát động khuyến khích mỗi
gia đình phải rèn luyện, đào tạo con cháu mình theo tinh thần đạo hạnh
lễ nghiã truyền thồng cho thật đàng hoàng nghiêm túc. Ta không thể nại
lý do ngoài xã hội luân thường đảo lộn, để mà buông xuôi, bỏ mặc chuyện
giáo dục con cái trong nội bộ gia đình cuả chính mình ta được. Như dân
gian thường nói: “Con hư tại mẹ. Cháu hư tại bà”. Hay là “Nhà dột từ
nóc” “Thượng bất chính hạ tắc loạn”… Tức là trách nhiệm cuả mỗi gia đình
là chính yếu, các bậc làm cha làm mẹ, thì tuyệt đối “Không thể sao lãng
nhiệm vụ dậy dỗ, hướng dẫn đàn con, bằng chính cái nhân cách trong
sáng, cái tấm gương đạo hạnh cuả mình.” Đúng như cha ông ta từ ngàn xưa
vẫn từng dậy “Dĩ thân nhi giáo”.
Câu hát cuả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng làm chúng ta nhớ đến nhà thơ
Phùng Quán trước đó 10 năm, vào thời kỳ báo “Nhân Văn – Giai Phẩm” ở
ngoài Bắc năm 1956-57, đã cống hiến bài thơ đanh thép bất hủ “Lời Mẹ
Dặn“, xin được trích dẫn mấy đoạn tiêu biểu như sau:
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
…
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
…
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Nhà thơ Phùng Quán, như ta đã biết, cũng như nhiều nhân vật khác
trong Nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm đã phải trả một cái giá rất đắt vì tinh
thần khẳng khái bất khuất như thế. Và mới đây, trên Đặc san Xuân Kỷ sưủ
cuả Báo Người Việt vừa phát hành tại miền Nam California, dịp cuối năm
2008, ta còn được đọc mấy trang Hồi ký thật là cảm động cuả cô giáo Vũ
Bội Trâm là người bạn đời cuả nhà thơ.Trong bài nhan đề: “Tôi đã được
Sống như tôi muốn,” chị Bội Trâm đã ghi lại bao nỗi truân chuyên vì làm
vợ một người bị chế độ trù dập, săn đuổi tàn tệ. Và anh chị đã trụ vững
được, đó là nhờ ở sư nâng đỡ bảo bọc cuả bao nhiêu bà con, bạn bè thân
thiết, đặc biệt là nhờ tấm lòng hy sinh nhẫn nại rất mực cuả bà mẹ yêu
quý cuả chị.
Và với một người cha bất khuất lẫm liệt như thế và với một người mẹ
hy sinh tận tuỵ như chị Bội Trâm, tôi tin là hai cháu Phùng Đỗ Quyên và
Phùng Quân cuả hai anh chị sẽ tiếp nối được cái tinh thần đạo hạnh,
khẳng khái sáng ngời cuả cả hai dòng họ nội ngoại cuả các cháu.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến chị Như Khuê, người bạn đời cuả nhà thơ
Trần Dần. Tôi có dịp đến thăm anh chị tại nhà gần ga Hàng Cỏ Hanoi vào
cuối năm 1989. Hồi đó, anh Dần đã bắt đầu đau yếu nhiều, nên ít nói
chuyện và để cho chị kể cho tôi nghe về những khó khăn đày đọa mà cả gia
đình phải gánh chịu suốt mấy chục năm, chỉ vì anh tham gia vào vụ “Nhân
Văn – Giai Phẩm”. May mà mới đấy, vào giữa năm 1989, thì cháu Vũ con
anh chị được các người bạn giúp cho sang Pháp học thêm về hội hoạ, nên
gia đình mới có chút hy vọng tương lai. Trước đó, thì cháu Vũ đã được
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường rèn cặp trau dồi về phần tiếng Pháp cho. Nhưng
chị Dần còn cho biết: “Anh xem đó: Chúng tôi cũng phải cắn răng, bấm
bụng rút ruột mất một số tiền “lót đường” cho cháu mới ra đi êm thắm
được đấy.!”
Dân tộc chúng ta mà còn tồn tại đứng vững được qua bao nhiêu thử
thách cuả các chế độ phong kiến hủ lậu, chế độ thực dân đế quốc đã qua
và cả cuả chế độ độc tài toàn trị cộng sản từ trên nửa thế kỷ nay. Đó
chính là vì còn có nhiều bà mẹ nhân ái, bất khuất, mà nhẫn nhục như bà
mẹ cuả nhà thơ Phùng Quán, bà mẹ cuả cô giáo Bội Trâm. Và cuả những
người vợ hết lòng hy sinh, nhẫn nhục chăm sóc cho chồng, cho con như chị
Bội Trâm, chị Như Khuê…
Dân số Việt nam ở trong nước hiện nay là trên 86 triệu, và ở hải
ngoại là khoảng 3 triệu. Mà số đảng viên cộng sản cỡ 3 triệu, và tôi
không tin rằng tất cả số 3 triệu đảng viên này đều là những con người
sắt máu với lòng tràn ngập hận thù, mà lại còn vô cảm, vô trách nhiệm
trước những bất công, hủ hoá thối nát, gian dối lừa lọc đầy dãy trong xã
hội chúng ta hiện nay. Tôi tin rằng trong đảng cộng sản hiện vẫn còn có
những người có lương tâm, biết phân biệt phải trái, biết đâu là chính
nghiã, đâu là gian tà. Chỉ có điều là đa số nhân dân chúng ta cũng phải
ra sức tranh thủ thuyết phục, mời gọi số người còn có lương tâm và liêm
sỉ như thế tham gia tích cực và cụ thể, thiết thực hơn vào công cuộc
phục hồi lại cái căn bản truyền thống nhân bản và nhân aí từ ngàn đời
cuả cha ông chúng ta truyền lại.
Chúng ta cần phải xác tín rằng: “Nhân nghiã nhất định phải thắng hung
tàn. Và Tình thương rồi sẽ xoá thù hận.“ Nhất định là dân tộc ta rồi ra
sẽ xoá bỏ hết sạch được cái chủ thuyết ngoại lai “Bạo lực Cách mạng,
Hận thù giai cấp. Chuyên chính vô sản…”, mà người cộng sản đã du nhập từ
nước ngoài vào, khiến gây ra bao nhiêu tang thương đổ vỡ, tàn phá huỷ
diệt từ mấy chục năm nay, đối với cái nếp sống thuận hoà, nhân ái theo
truyền thống tốt đẹp ngàn xưa cuả cha ông chúng ta.
Đó là niềm hy vọng tươi sáng chứa chan cho toàn thể dân tộc Việt nam chúng ta trong thế kỷ XXI này vậy./
California, Cuối năm Mậu Tý 2008
Đoàn Thanh Liêm
Đoàn Thanh Liêm