Bài “Nói chút về “mộng mị dân chủ”
của Liên Sơn đăng trên Việt Nam Thời báo ngày 30 tháng 8 năm 2014 đã
dấy lên một diễn đàn phát khởi cùng lúc với những lời qua tiếng lại chưa
biết sẽ kết thúc thế nào về một vài vấn đề trong nội bộ Hội Nhà báo Độc
lập Việt Nam.
Trong những ý kiến phát biều về bài “Mộng mị dân chủ”, tôi lưu ý đến ý kiến của nhà báo Hoàng Văn Hùng:
“Tôi là người mới vào Hội, chưa tham dự buổi sinh hoạt chung nào,
chưa hiểu biết nhiều về các vấn đề của Hội, song cũng góp một số ý
kiến, coi như ý kiến của một người dân.
1, Về bài “Mộng mị Dân chủ”: tôi không cần biết xuất xứ của nó,
không cần quan tâm tác giả của nó là ai, kể cả đó là của Phạm Chí Dũng,
tôi cũng thấy bình thường. Đó chẳng qua là một góc nhìn khác về phong
trào dân chủ. Có những lập luận trong bài đúng thực tiễn, nhưng có hơi
hướng kiềm chế “máu nóng dân chủ”. Thiển nghĩ, đã là tự do ngôn luận,
chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt. Chúng ta chỉ nên vạch mặt những kẻ
chụp mũ thóa mạ vô căn cứ, hoặc tung tin đồn sai sự thật để mưu lợi
riêng.
2, Về cách nhìn, tôi cho rằng, không phải bất cứ hành động, lời
nói nào của bất cứ ai hễ chống chính quyền, chống đảng CS thì đều là
đồng minh của tôi (và – tôi muốn coi rằng – chúng ta). Kẻ thù của kẻ thù
chưa chắc đã là bạn. Khi vào Hội NBDLVN, tôi hy vọng được cùng đội ngũ
với những người chung quan điểm về tự do và dân chủ trên cơ sở Ngay thật
và Tiến bộ. Do vậy, chúng ta bênh vực tất cả những người yếu thế bị đàn
áp không có nghĩa là chúng ta đồng thuận tất cả những quan điểm của họ.
Nền dân chủ bất trí thì đó là nền dân chủ rừng rú, tự nhiên chủ nghĩa,
không thể đại diện cho lương tri”.
Nhận định “Có những lập luận trong bài đúng thực tiễn, nhưng có hơi
hướng kiềm chế “máu nóng dân chủ”” có thể xem là rất tinh tế.
Ở đất nước thống trị bởi một Đảng vốn tôn thờ chuyên chính vô sản
(theo định nghĩa của Lênin: Chuyên chính vô sản là một chính quyền dựa
trực tiếp vào bạo lực và không bị một luật pháp nào hạn chế cả) thì dấn
thân vào công cuộc đấu tranh dân chủ cũng nguy nan không kém gì xông pha
nơi trận tuyến chống ngoại xâm. Cho nên đấu tranh cho dân chủ hóa cũng
cần anh hùng. Nhưng, phải là anh hùng chứ không phải yêng hùng. Người
anh hùng tất có trái tim nóng nhưng cũng cần có cái đầu lạnh. Nói gì,
hành động thế nào đều phải tính đến cái đại cục chứ không chỉ để giải
tỏa nỗi bức bối nhất thời, vụn vặt. (Ai đó đã nói: “Kẻ nào không khao
khát để tạo cho mình thành đại danh thì chẳng bao giờ làm được đại sự”).
Không phải cứ chửi thật ngoa, chống đối thật vung mạng thì được xem là
tiên phong, là tiêu biểu, là anh hùng. Đối với người chiến sỹ trên mặt
trận chống ngoại xâm, Dũng được xem là phẩm chất hàng đầu: Dũng, Trí,
Đức. Nhưng, với chiến sỹ dân chủ thì phảm chất hàng đầu phải là Trí và
Đức, thứ đến mới là Dũng. Phải ghi tạc sâu sắc lời dạy của Nguyễn Trãi:
“Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy trí nhân thay cường bạo”. Phải lấy
Trí mà cảm hóa, mà khuất phục đối phương đặng “diễn biến hòa bình” thành
công. Bất bạo động mà chuyển hóa được xã hội từ độc tài sang dân chủ.
Họ, với bản chất tàn bạo đã từng hô hóan phải tiêu diệt giai cấp nọ, chủ
nghĩa kia và sản sinh chính quyền từ họng súng. Nhưng chúng ta, chúng
ta không nên “học tập” họ mà phồng má trợn mắt đáp trả: “Tiêu diệt Cộng
sản”, “Đánh đổ đảng A, đảng B”. Hãy chiếm lấy nghị trường bằng Trí và
lôi cuốn nhân dân bằng Đức. Cho nên tôi đồng ý với Hoàng Văn Hùng:
“chúng ta bênh vực tất cả những người yếu thế bị đàn áp không có nghĩa
là chúng ta đồng thuận tất cả những quan điểm của họ. Nền dân chủ bất
trí thì đó là nền dân chủ rừng rú, tự nhiên chủ nghĩa, không thể đại
diện cho lương tri”.
Hoàng Văn Hùng cũng thật là đĩnh đạc, đáng trân trọng khi tuyên bố: “Khi
vào Hội NBDLVN, tôi hy vọng được cùng đội ngũ với những người chung
quan điểm về tự do và dân chủ trên cơ sở Ngay thật và Tiến bộ”, “đã là
tự do ngôn luận, chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt. Chúng ta chỉ nên
vạch mặt những kẻ chụp mũ thóa mạ vô căn cứ, hoặc tung tin đồn sai sự
thật để mưu lợi riêng”.
Đúng vậy, chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt ngay cả với những quan điểm không đồng thuận về phương thức đấu tranh, “chỉ nên vạch mặt những kẻ chụp mũ thóa mạ vô căn cứ, hoặc tung tin đồn sai sự thật để mưu lợi riêng”.
Đâu đó tồn tại bọn “dân chủ Chí Phèo” chuyên chụp mũ thóa mạ vô căn
cứ. Họ không làm được gì nên hồn nhưng đứng chống nạnh chê bai, chửi bới
loạn xạ: chửi chính trị sa lông, chửi người ngồi viết kiến nghị, chửi
người đi biểu tình chống Cộng không vác cờ vàng, chửi Cộng sản phản tỉnh
chỉ dám chê trách Đảng mà không thóa mạ Hồ Chí Minh … Họ làm cho một số
người vì ghê sợ mà lảng xa, không muốn dính dáng gì đến hoạt động dân
chủ nữa.
Liên Sơn một phần có cái lý của ông ta nhưng trong bài viết của Liên
Sơn có một đoạn không cùng nhận thức với tôi. Đoạn ấy như sau:
“Hiện nay, ở Việt Nam có 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập và có
thể tăng lên trong thời gian sắp tới. Nhưng vấn đề là, các tổ chức đó
hiện nay như thế nào?
Nói thẳng là dù các tổ chức ra đời (rất nhiều) nhưng rất yếu.Và
thực sự chưa thu hút được người dân tham gia. Trong khi đó, các hoạt
động phần nhiều mang tính lẻ tẻ thông qua các kiến nghị, thư ngỏ, bài
viết và hầu như theo mùa vụ, sự kiện. Chưa kể tính chế tài thành viên
gần như rất kém. Thành ra, tổ chức ra đời nhiều nhưng hầu hết đều thiếu
tổ chức là vì vậy”.
Liên Sơn tỏ ra rất cách biệt khi đứng đâu đó mà dè bỉu:
Liên Sơn tỏ ra rất cách biệt khi đứng đâu đó mà dè bỉu:
“Ví như trong phiên tòa Bùi Hằng diễn ra ở Đồng Tháp, dù có đại
diện của một số tổ chức xã hội dân sự nhưng phần nhiều cũng chỉ là sự tụ
họp – hóng tin và ăn uống. Kể cả khi bị bắt vào đồn với những tấm ảnh
tag qua mạng xã hội cũng cho thấy một vấn đề không nhỏ của các tổ chức
hội đoàn độc lập. Đó là tính thiếu liên kết, thiếu kế hoạch, thiếu
phương pháp, cách thức, nội dung đấu tranh trong một số thời điểm nhất
định (vô tổ chức trong tổ chức). Nó khiến cho việc thành lập nhiều Hội
đoàn Độc lập không cân xứng với sự kỳ vọng của những ai quan tâm đến quá
trình đấu tranh tại Việt Nam”.
Không biết Liên Sơn có dám xuống Đồng Tháp không và nếu xuống thì
liệu Liên Sơn sẽ làm được những gì hơn sự tụ họp – hóng tin, ăn uống
…..?
Trước đây tôi từng rất khinh thị sự lau nhau đẻ non ra tổ chức. Trong
trạng huống lực lượng chuyên chính vô sản rất hùng hậu và tinh nhuệ,
tôi chủ trương hoạt động dân chủ phải “có tổ chức mà như là không”. Phải
biết trường kỳ mai phục, chỉ bất ngờ vùng dậy khi mình đã có thế chẻ
tre. Bởi vậy, dù là một trong những người dấn thân rất lâu năm, tôi chưa
bao giờ xưng danh.
Tuy nhiên, trước thực trạng dưới bầu trời Nam ngột ngạt mà có đến hơn
20 tổ chức xã hội dân sự tua tủa mọc lên như nấm sau mưa thì hẳn không
ai không thể không hoan hỉ chào mừng. Bức tranh toàn cành đang biểu hiện
một nghịch lý thú vị: trong từng cá thể có thể có cái này cái kia là
tổ-chức-mà-không, nhưng trong tổng thể rõ ràng là đang
không-tổ-chức-mà-có.
Tất cả đều đang ngổn ngàng chưa định hình. Nhưng đang định hình.
Chưa thể đòi hỏi có tổ chức nào cho ra tổ chức chứ đừng nói tổ chức
chặt chẽ. Tôi rất thích hình ảnh nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự nêu ra: chúng
ta đang vừa chạy, vừa xếp hàng.
Một trong những nguyên nhân làm nổ ra cuộc cọ sát nẩy lửa dẫn đến
nguy cơ tan vỡ của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là chúng ta phi thực tế,
chúng ta “mộng” quá. Có được nghiễm nhiên đàng hoàng đâu, có phương
tiện, tiền bạc đâu mà nỡ bẻ họe nhau sao không đúng thủ tục này, điều lệ
kia. Toàn những người tứ xứ tụ lại làm việc không công, không chế tài
nào ràng buộc thì làm sao bắt bẻ nhau phải đúng khuôn phép được.
Cho nên tạm thời đành phải thừa nhận sự vô tổ chức trong tổ chức và
mọi người trong tổ chức phải đề cao chữ nhẫn để nhường nhịn nhau.
Tôi ngạc nhiên rằng sao mới như vậy mà đã có người này, người kia tuyên bố ra khỏi Hội.
Dù đã có những biểu hiện không đúng, không tốt nhưng thực sự đã có gì tệ hại lắm đâu,.
Cũng như trong đội ngũ những người Cộng sản Việt Nam hay đội ngũ
những nhà cách mạng dân chủ Ukraina, đội ngũ dân chủ Việt Nam vẫn từng
tồn tại, từng chung sống những phần tử không như mong muốn, thậm chí
từng có những người do tự huyễn hoặc, do đố kỵ, hoặc do bị các thế lực
chống dân chủ hóa lừa gạt kích động mà bộc lộ bản tính xảo trá, ty tiện
bằng những hành động không chỉ nhằm triệt hạ cá nhân mà phá hoại cả
phong trào.
Một “nhà văn dân chủ” nọ do tỵ hiềm, ganh ghét đã từng nặn ra đủ
chuyện để bôi bẩn một bạn già đồng hành, không chỉ vu khống bạn già kia
trưng bằng cấp giả, ăn cắp tiền của anh em dân chủ để xây biệt thự, hủ
hóa với vợ các nhà dân chủ đang bị tù đầy, tổ chức tiệc mừng một nhà dân
chủ lão thành qua đời …, mà “nhà văn dân chủ” nọ còn công khai tố cáo
ông ấy có máy photocopy dấu trong nhà để làm tài liệu tán phát …
Khi nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị công an bố trí tay chân đấnh vỡ
đầu thì có “nhà dân chủ” vận động một dân oan cùng mình hô hóan rằng
chính TKTT đánh công an. Luật sư Cù Huy Hà Vũ lên tiếng bênh vực thì
liền bị anh ta vu cho CHHV tằng tịu với nhà văn này vv …
Thực tế nó trần trụi, gồ ghề, nhớp nháp như vậy đấy, chua xót thì
chua xót thật, ngán ngẩm thì ngán ngẩm thật, nhưng nỡ nào ta chối bỏ.
Vả chăng, cho đến khi đã thiết lập được nền dân chủ thì xã hội cũng
đâu đã thực sự tốt đẹp. Lại nữa, làm gì có sự tách bạch giữa dân chủ
đích thực với dân chủ sơ khai. Dân chủ đích thực chỉ là mộng, dân chủ sơ
khai mới là thực.
Biết vậy để dẫu thế nào cũng không nên yếm thế như Tản Đà:
Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời
Tản Đà là “người lớn” nhưng mang tâm hồn nghệ sỹ, chúng ta “trẻ con” nhưng phải có tư chất chính khách.
Mong sao đội ngũ ta dẫu chưa trong sạch vẫn sẽ rồi vững mạnh, dẫu còn xộc xệch vẫn cứ từng bước tiến lên.
Hà Nội 9 tháng 9 năm 2014
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt