Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Bất công có lợi hay hại cho tăng trưởng?

Michael Spence
Đỗ Kim Thêm dịch
Michael Spence
Tình trạng bất công về thu nhập và thịnh vượng ngày càng gia tăng trong một vài nước trên thế giới là một xu hướng từ hơn ba thập niên qua và trào lưu này sẽ còn kéo dài. Nhưng từ khi có cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 người ta chú ý thấy vấn đề này trầm trọng hơn: Khi tăng trưởng chậm lại thì tình trạng bất công tăng hơn.
Lý thuyết “cổ điển“ về bất công cho là thông qua hệ thống thuế khóa sự tái phân phối đã làm giảm những khích lệ năng động và tăng trưởng kinh tế. Nhưng mối quan hệ giữa bất công và tăng trưởng rất phức tạp và có nhiều chiều hướng hơn là chỉ có xung đột giữa các mục tiêu theo đuổi. Vì có nhiều cách gây ảnh hưởng và cơ chế tạo phản ứng nên việc kết luận chung quyết cho vấn đề càng khó khăn.
Thí dụ như hiện nay Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nền kinh tế chính yếu đang tăng trưởng nhanh nhất. Cả hai nước có cùng một tình trạng tương tự là bất công trong thu nhập ngày càng cao và lan rộng hơn. Dù đứng trước tình hình này người ta cũng không nên kết luận là tăng trưởng và bất công không quan hệ gì nhau hoặc là có ảnh hưởng tích cực cho nhau. Khi cho rằng tình trạng bất công là bất lợi cho tăng trưởng, lối tuyên bố hàm hồ này không phản ảnh được thực tế.

Hơn thế, trên bình diện toàn cầu, tình trạng bất công suy giảm khi các nước đang phát triển thịnh vượng - dù ngay trong trường hợp mà bất công có tăng lên trong nội bộ của vài nước tiền tiến hay đang phát triển. Suy nghĩ này có vẻ không hợp với trực giác, nhưng nó tạo nên ý nghĩa. Xu hướng chủ đạo trong nền kinh tế toàn cầu là tiến trình hội nhập mà nó khởi diễn từ sau Đệ nhị Thế chiến. Một phần lớn trong 85% của dân chúng trên thế giới sống tại các nước đang phát triển chứng kiến được lần đầu tiên có được một sự tăng trưởng bền vững thực sự và nhanh chóng. Khuynh hướng chung trên toàn cầu áp đảo được một khuynh hướng về tình trạng bất công nội địa đang gia tăng.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trong nhiều nước cho thấy là tình trạng bất công cao độ ngày một lan rộng, có thể đem tác hại thực sự cho tăng trưởng, mà đặc biệt nhất là vấn đề thiếu công bình trong các cơ hội. Một lý do giải thích cho vấn đề này là vì tình trạng bất công làm giảm đi sự đồng thuận trong xã hội và chính trị với các chiến lược và chính sách hướng về tăng trưởng. Tình trạng này đưa tới việc ngưng trệ, xung đột hoặc là ít có chính sách để chọn lựa. Bằng chứng hỗ trợ cho quan điểm này là vì các tầng lớp bên dưới trong xã hội bị loại bỏ một cách có hệ thống qua các quyết định chuyên quyền (thí dụ như dựa trên tiêu chuẩn sắc tộc hay tôn giáo), việc này làm tác hại đặc biệt đến chiều hướng công bình.
Năng động giữa hai thế hệ là một dấu hiệu quan trọng cho tình trạng công bình trong cơ hội. Bất công về kết quả càng gia tăng không nhất thiết dẫn đến mức suy giảm về năng động giữa hai thế hệ. Nếu có giảm hay không, tình trạng này hoàn toàn tùy thuộc mức độ sữ dụng các phương tiện quan trọng hỗ trợ cho công bình cơ hội có được phổ cập cho tất cả mọi người hay không, mà chủ yếu là giáo dục và y tế. Thí dụ, nếu những hệ thống giáo dục công cộng bắt đầu suy sụp, hệ thống này bị thay thế bởi một hệ thống tư nhân, mà họ ở trên thượng tầng của tái phân phối lợi tức. Việc thay thế này có hậu quả tác hại cho cho năng động giữa hai thế hệ.
Giữa bất công và tăng trưởng cũng có những mối quan hệ khác. Tình trạng bất công cao độ trong thu nhập và thịnh vượng (thí dụ như một phần lớn tại Nam Mỹ và châu Phi) thường dẫn tới ảnh hưởng khác nhau trong chính trị và chiều hướng này đang đẩy mạnh. Thay vì nỗ lực khởi động cho những mô hình tăng trưởng dành cho mọi giới, chính giới cố bảo vệ của cải và tìm cách giử ưu thế để thủ lợi cho giới nhà giàu. Nói chung, hành vi này có nghĩa là các luồng mậu dịch và đầu tư không được mở rộng, bởi vì nó sẽ gây có nhiều cạnh tranh ngoài luồng mà họ không muốn.
Tình trạng này cho thấy là tất cả các bất công về kết quả không nhất thiết phải được xem xét một cách giống nhau. Bất công bắt nguồn từ việc tìm kiếm đặc lợi để thâm nhập và khai thác các tài nguyên và cơ hội trong thị trường, đây là vấn đề cực kỳ tác hại đến tình liên đới xã hội và tình trạng ổn định - và chính vì thế mà nó làm hại đến các chính sách v ề tăng trưởng. Trong một môi trường chung hướng về thành quả, kết quả này thường được xem là lành mạnh khi dựa trên tinh thần sáng tạo, canh tân hay những tài năng vượt bực và người ta tin là sẽ có ít hậu quả tác hại.
Đó chính là một phần lý do tại sao chiến dịch bài trừ tham nhũng hiện nay tại Trung Quốc là quá quan trong, đây là một thí dụ. Vấn đề không phải là vì tình trạng bất công tương đối cao độ tại Trung Quốc, nhưng xung đột xã hội là do những người trong nội bộ có ưu quyền thâm nhập thị trường và trao đổi. Chính họ là những người đe doạ đến tính chính thống và hiệu năng lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Tại Hoa Kỳ, có một vấn đề phức tạp mà chưa được sáng tỏ: Trong mức độ nào mà sự gia tăng bất công về thu nhập trong hơn ba thập niên qua là do thay đổi công nghệ và toàn cầu hoá (cả hai trào lưu này tạo thuận lợi cho giới người có trình độ học vấn và kỹ năng cao) và trong chừng mực nào bất công là do đặc quyền thâm nhập của chính giới trong tiến trình tạo lập chính sách? Tuy nhiên, có hai lý do quan trọng để đặt ra vấn đề này. Thứ nhất, các đối sách là khác biệt; thứ hai, những hiệu năng thuộc về tình đoàn kết trong xã hội và sự khả tín về một kết ước xã hội cũng khác biệt.
Tăng trưởng nhanh chóng là cần thiết. Trong một bối cảnh tăng trưởng cao độ mà thu nhập tăng cho hầu hết tất cả mọi người, thì người ta sẽ chấp nhận tình trạng bất công gia tăng tới một điểm mà quan trong nhất là nếu bất công xãy ra trong một bối cảnh chủ yếu dựa tài năng và thành quả. Trong một bối cảnh tăng trưởng yếu kém, (hay tệ hơn, không có tăng trưởng), tình trạng bất công gia tăng nhanh chóng có nghĩa là nhiều người không có thu nhập hay mất hẳn nền tảng sống theo ý nghĩa tương đối hay tuyệt đối.
Hậu quả cho tình trạng bất công trong thu nhập ngày một tăng cao có thể mở lối cho chính giới tới một con đường nguy hiểm: sử dụng nợ công, đôi khi kết hợp với việc thổi phòng giá bong bóng trong tài sản, để duy trì mức tiêu thụ. Họ lập luận là tình trạng này đã xãy ra vào những năm 1920, trước thời kỳ Đại Suy thoái; chắc chắn một điều, tình trạng đã xãy ra tại Hoa Kỳ (và tại Tây Ban Nha và Vương Quốc Anh) trong thập niên trước khủng hoảng 2008.
Nhìn tại châu Âu có một sự biến dạng của tình hình này là nhà nước phải dùng tiền vay nợ để thoả mản nhu cầu và giải quyết vấn đề kiếm hụt trong nhân dụng, những vấn đề này phát sinh do sức cầu hải ngoại và nội địa của tư nhân suy yếu. Đó là một đối sách không phù hợp, bởi vì vấn đề nhân dụng có quan hệ đến năng xuất và cạnh tranh, và tình trạng lại trầm trọng hơn vì qua một loại tiền tệ chung.
Có những quan ngại tương tự về việc gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ nợ công tại Trung Quốc. Có lẽ nợ công giống như một đường lối phản ứng tối thiểu liên hệ đến những hậu quả của tình trạng bất công hay tăng trưởng chậm. Nhưng cũng có những phương hướng tốt hay xấu để xử lý với tình trạng bất công đang gia tăng. Nợ công là một trong các phương sách tồi tệ nhất.
Chúng ta đang ở đâu và làm gì? Theo tôi, những nhiệm vụ có tầm mức ưu tiên đã rõ nét: Trong ngắn hạn, ưu tiên khẩn thiết nhất là trợ giúp lợi tức cho người nghèo và thất nghiệp. Họ là nạn nhân trực tiếp của khủng hoảng cũng như tệ trạng bất công và các vấn đề thuộc về cấu trúc. Việc san bằng cần nhiều thời gian. Thứ hai, đặc biệt nhất là đối với tình trạng bất công về thu nhập đang gia tăng, phổ cập việc sử dụng các dịch vụ công cộng có phẩm chất cao là chủ yếu, nhất là trong lĩnh vực giáo dục
Kết hợp mọi người để duy trì tình trạng đoàn kết xã hội và chính trị - và nhờ thế tăng trưởng thật là cần thiết để làm giảm bớt hậu qủa của tình trạng bất công đang tăng cao. Có nhiều đường lối làm nền kinh tế tụt hậu hơn so với tiềm năng tăng trưởng, nhưng đầu tư không đúng mức trong phạm vi công là một trong những nguyên nhân chính yếu và phổ biến nhất.
Michael Spence đoạt giải Nobel Kinh tế, Giáo sư Kinh Tế học tại NYU Stern School of Business. Ông cũng là tác giả cuốn The Next Convergence - The Future of Economic Growth in Multispeeed World.
---------------------------------------------------------------------

Nguyên tác: Good and Bad Inequality
Tựa đề bản dịch là của ngưòi dịch
Bài liên quan: Kim Them Do (2012), Idee der Gerechtigkeit und öffentlicher Vernunftgebrauch in einer demokratischen Gesellschaft, Rechtstheorie: Vol. 43, No. 2, pp. 241-249.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"