Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

"Vô ơn bạc nghĩa"

Nguyễn Đại

Một trong những chủ đề nóng nhất hiện nay là việc góp ý cho “bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp”. Nhóm trí thức trang bauxite đã công bố và kêu gọi mọi người ký tên vào bản góp ý của mình, đến nay đã thu được hơn 2000 chữ ký. Tôi đang phân vân ký hay không thì đọc được một phản biện của “dư luận viên” Đông La. Vị này cho rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCS) có công giúp dân tộc dành được độc lập từ tay Pháp và Mỹ, do đó, xóa bỏ sự lãnh đạo đương nhiên của ĐCS là “vô ơn bạc nghĩa”. Ý kiến này cũng có lý đấy chứ!
Cùng lúc đó, tôi lại đọc được phản biện của G.S Hoàng Xuân Phú. Trong đó, ông trình bày “nếu có công suy ra đương nhiên giữ quyền lãnh đạo thì phải trao quyền cho các chúa Nguyễn và cứ thế…” Tôi là người ba phải nên thấy cũng đúng. Vậy làm sao để có bản HP “không vô ơn bạc nghĩa”? Xin đề xuất một giải pháp.

Trong lĩnh vực dựng nước, chúng ta phải nhớ đến hai vị: Vua Hùng và Nguyễn Hoàng. Không có vua Hùng thì không có đất nước, tức là… không có gì cả. Không Việt Nam, không nhà Lê, nhà Trần và không cả Đảng Cộng Sản. Vậy quyền lãnh đạo đất nước chắc chắn phải có sự tham gia của con cháu vua Hùng. Nhưng nếu không có Nguyễn Hoàng thì không có miền Nam ngày nay. Nếu bỏ quyền lãnh đạo của Nguyễn Hoàng cũng là vô ơn bạc nghĩa. Vậy điều 4 HP nên sửa thành “Đảng CS, Vua Hùng và Nguyễn Hoàng là những lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Nếu như công lao của Vua Hùng và Nguyễn Hoàng là “dựng nước”, tức biến từ “KHÔNG” thành “CÓ”, thì chúng ta cũng không thể quên ơn những vị đã “cứu nước” khi nước đã mất. Trước khi giành độc lập năm 1945, ta đã có 2 thời kỳ mất hẳn nước sau đó giành lại được. Ngô Quyền chính là người đầu tiên xưng quyền tự chủ sau thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Và Lê Lợi đã giành lại Việt Nam sau khi đất nước thuộc về tay giặc Minh. Vậy để tránh “vô ơn bạc nghĩa”, điều 4 HP nên sửa thành “Đảng CS, Vua Hùng, Nguyễn Hoàng, Ngô Quyền, Lê Lợi là những lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Ngoài ra, lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh giữ nước với kẻ thù truyền kiếp là giặc Tàu. Không có những vị anh hùng giữ nước thì chúng ta đã bị Tàu “ăn thịt” từ lâu rồi. Lê Hoàn chống Tống, Lý Thường Kiệt chống Tống, Trần Hưng Đạo chống Nguyên, Quang Trung chống Thanh. Vậy chúng ta cũng phải thêm vào Hiến Pháp “Đảng CS, Vua Hùng, Nguyễn Hoàng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung là những lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Nội dung của một bản hiến pháp tùy thuộc rất nhiều vào “tiêu chí” của người soạn thảo. Chính vì vậy mà Nhà nước mới kêu gọi góp ý và ông Phan Trung Lý mới tuyên bố “không có vùng cấm ngay cả những vấn đề nhạy cảm”. Với tiêu chí vì dân, vì nước ta sẽ có một bản hiến pháp khác với tiêu chí vì quyền lợi cá nhân, đảng phái. Xét theo tiêu chí “không vô ơn bạc nghĩa”, chúng ta có thể có điều 4 Hiến pháp tạm ổn như trên.“Tạm ổn” bởi vì còn rất nhiều người có công khác mà không thể kể hết được: Về văn hóa có Lý Công Uẩn, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm. Y học có Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh. Âm nhạc có Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Hoàng Việt…
Nhân nói về chuyện vô ơn bạc nghĩa, lại nhớ đến ngài đại tá – PGS – TS – NGUT - Trần Đăng Thanh. Ông nói “họ (Trung Quốc) đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa”. Xét theo tiêu chí “không vong ân bội nghĩa” ở trên thì không lẽ đưa… Trung Quốc vô lực lượng lãnh đạo? Cái này thì tôi thua. Như vậy là phản bội Tổ Quốc. Xin thứ lỗi cho tôi, Trần Đăng Thanh.
Nguyễn Đại – 4/2/2013
_____________________________
[1] Để ngắn gọn, người viết bỏ bớt 2 chữ “con cháu”, xin bạn đọc tự thêm vào.
[1] Nhà Giáo Ưu Tú

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"