Huy Đường
Năm xưa Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh từng nhiều lần nói về « sự
im lặng đáng sợ » khi ông thấy phía chính quyền không có phản hồi về các
ý kiến phàn nàn của công luận. Bây giờ lại là lúc nên nói về « sự im
lặng đáng sợ » của phía ngược lại — tức của công luận, nhất là của giới
trí thức vốn có nghĩa vụ cao quý làm người phản biện xã hội.
Nhìn lại đợt Quốc hội tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp 1992, có thể thấy một nửa thời gian đã trôi qua nhưng hầu
như dư luận chưa đóng góp được bao nhiêu. 9 ngày nghỉ Tết Quý Tỵ cùng
với nỗi lo toan về cái Tết đã lấy đi mất sự quan tâm tới công việc hệ
trọng này trong ngót 2 tháng trời trước và sau Tết. Hàng ngày lướt qua
các báo điện tử, mục « Đọc nhiều nhất » thấy hầu hết mọi người chỉ quan
tâm đến những chuyện sinh hoạt ăn chơi, tình dục, chuyện riêng của các «
sao » làng giải trí, chẳng thấy mấy báo đăng tin về sửa đổi Hiến pháp.
Không phải các báo không nhận được ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp —
phần lớn đó là những ý kiến ngược chiều — nhưng tòa soạn chỉ chọn đăng
các ý kiến thuận chiều. Duy nhất có tờ Người Lao động mạnh dạn đưa tin
về việc một nhóm nhân sĩ tới gặp chính quyền trao Kiến nghị sửa đổi Hiến
pháp, còn các báo khác đều « im lặng đáng sợ » trước tin tức này, dù cả
nước ai cũng đã biết.
Gần đây nhất, Tiền phong online đăng bài « Nhân dân là chủ thể tối
cao của quyền lực » của GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học
Pháp lý, phê phán tình trạng nhiều đại biểu Quốc hội và chính khách chưa
hiểu bản chất của Hiến pháp, chưa hiểu rằng nhân dân có quyền hiển
nhiên được phúc quyết Hiến pháp. Ông Hạnh đã động chạm tới một vấn đề
căn bản của quyền dân chủ: Dân mới là người trao quyền cho Nhà nước (gồm
Quốc hội và Chính phủ), chứ không phải Nhà nước được trao cho nhân dân
quyền này quyền nọ.
Điều 75 Hiến pháp sửa đổi sai ngay ở chỗ quy định Quốc hội có nhiệm
vụ và quyền hạn làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Thực ra chỉ nhân dân
mới có quyền làm Hiến pháp, cụ thể Ban Soạn thảo Hiến pháp phải do dân
chọn ra từ đại biểu các tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ trí thức có tài
đức, các nhà pháp luật, nhà ngôn ngữ học. Quốc hội ta với cách đề cử và
bầu cử hiện nay không thực sự đại diện cho số đông nhân dân, lại càng
không thể có quyền làm Hiến pháp.
Quyền dân chủ nằm trong tay nhân dân. Nó không phải là thứ Nhà nước «
lưu kho » rồi ban phát dần cho dân tùy theo tình hình dân chúng và tùy
thuộc vào sự hảo tâm của mình. Thực hiện thực sự « dân chủ rộng rãi »
theo Di chúc của Bác Hồ thật là việc vô cùng khó khăn. Lâu nay « dân chủ
» đã trở thành một từ nhạy cảm.
Dù sao những ý kiến phát biểu như trên còn quá ít. Dư luận phổ biến
trong nhân dân hiện nay cho rằng việc góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp 1992 chỉ là chuyện dã tràng xe cát. Ý kiến đã ít nhưng các ý kiến
ngược chiều thì bị bỏ qua, không báo nào đăng. Việc Quốc hội bố trí lấy ý
kiến (về Hiến pháp) vào 3 tháng trước sau Tết đã để lộ ý đồ muốn nhanh
chóng kết thúc một chuyện đã rồi.
Ngay cả những người được gọi là trí thức cũng cho rằng chẳng nên góp
ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, vì mọi chuyện đã được « trên » thu xếp
xong từ lâu. Thậm chí có người « cá »: Nhất định là Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp sẽ được « thông qua » với chút ít sửa đổi nho nhỏ mà thôi, đừng hy
vọng có thay đổi gì cơ bản. Có người tâm sự: Mình cũng muốn viết bài
góp ý đấy, nhưng thấy vợ bảo : « Không ai chống được Trời đâu nhé ! Tôi
không mang cơm tù cho ông được đâu ! », thế là lại thôi.
Nhà báo lão thành Hữu Thọ rất thích trích dẫn câu nói ông cho là của
Albert Einstein : « Tai họa không đến từ kẻ xấu mà đến từ những người im
lặng ». Còn có một câu nói khác : « Im lặng là đồng ý ». Vì thế sự im
lặng ấy tuy chỉ là yên phận thủ thường nhưng dù sao vẫn là một tai họa.
Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói: “Không có phản biện, xã hội đã chết lâm
sàng”. Phải chăng xã hội ta đã chết lâm sàng trong vấn đề sửa đổi Hiến
pháp ?
Khi đa số im lặng trước một vấn đề quan hệ tới vận mạng của dân tộc
thì đa số đó có thể mang lại tai họa cho dân tộc ! Đặc biệt khi tình
trạng này xuất hiên trong giới trí thức vốn có nghĩa vụ thức tỉnh dân
tộc, thì tai họa họ đem lại càng lớn và càng đáng sợ ! □
Huy Đường
Viết sau một buổi liên hoan tất niên.