20 giờ tối thứ bảy 17.02.1979, tin Trung quốc ào ạt
xâm lược Việt nam được chương trình Thời sự của Truyền hình Liên xô
truyền nhanh như một tia chớp. Tại nhiều ký túc xá, sinh viên Việt nam
chạy rầm rập đến thông báo cho nhau tin dữ. Các bạn Liên xô và một số
nước khác cũng đến các phòng có người Việt chia sẻ mối lo lắng này.
Người Việt loay hoay mắc dây anten cho những chiếc Radio Rigonda lớn để
thu sóng phát thanh từ quê nhà.
1. Anh chị em sinh viên Việt nam ngày ấy
Sáng Chủ nhật 18.02, một số sinh viên thuộc các trường Đại học tại
Maxcva đã kéo nhau lên Đại sứ quán Việt nam và Phòng Quản lý sinh viên ở
đường Bolsaya Piragovskaya và Dokuchaev. Tại đó, nhiều người muốn bày
tỏ nguyện vọng của mình được quay về Việt nam cầm súng chiến đấu.
Ngày Thứ hai 19.02 là ngày sôi sục nhất với người Việt nam ở khắp
Liên xô. Tất cả các trường có người Việt và nhiều nhà máy đã diễn ra
nhiều cuộc mít tinh lớn chống Trung quốc xâm lược. Tại nhiều nơi, các
biểu ngữ ‘’Ruki proch ot Vienam’’ (Không được đụng đến Việt nam), “Doloi
Kitaiskix Agressorov” (Đả đảo bọn Trung quốc xâm lược) đã được treo
cao. Nhiều nơi, thậm chí cả trường phổ thông cũng mời sinh viên Việt nam
đến thuyết trình và bày tỏ sự thông cảm sâu sắc.
2. Biểu tình trước cửa Sứ quán Trung quốc tại Maxcva
Thứ ba, 20.02 một cuộc biểu tình lớn nhất chống sự xâm lược lược của
Trung quốc được Thành đoàn Thanh niên Comxomol Maxcova tổ chức cho sinh
viên Việt nam và bè bạn. Đúng 8.30 sáng, 17 chiếc xe bus Chaika đón sinh
viên ở các trường ĐH Năng lượng, Giao thông vận tải, Kinh tế
Plekhanov,… tập trung tại trường ĐH Tổng hợp Lomonosov để cùng đến trước
cửa Đại sứ quán Trung quốc ở gần trường. Hai biểu ngữ màu đỏ thẫm, mỗi
cái được căng ra bởi trên 20 người các nước, nổi bật dòng chữ Nga: “Phản
đối Trung quốc xâm lược Việt nam”, “Trung quốc phải rút hết quân đội
khỏi Việt nam”.
Sau khoảng 15 phút hô khẩu hiệu, các hộp các ton loại 25 lọ mực viết
do người Nga chuẩn bị sẵn được khiêng ra. Sinh viên nhất loạt ném các
hộp mực này lên cửa kính và tường của Đại sứ quán Trung quốc. Ném mạnh
nhất là các sinh viên Châu Phi. Nhiều cửa kính vỡ tan, các bức tường
loang lổ các loại mực. Không khí rất sôi sục. Trời rất lạnh, băng đóng
dầy, nhưng nhiều người ném hăng quá nên cởi phắt áo khoác ngoài. Tiếng
hò la, tiếng hô khẩu hiệu vang rền. Bạn N, nữ sinh dân tộc Tày vừa hô
vừa khóc nức nở làm tinh thần của ta và Tây càng lên cao nữa.
Có một điều lạ là Sứ quán Việt nam như lệ thường, án binh bất động
trước những đề nghị biểu tình hay kháng nghị của các tập thể sinh viên.
Các chú Sứ đó có thái độ hệt như năm 1965-năm có cuộc biểu tình đầu tiên
của sinh viên Việt nam phản đối Mỹ đổ quân vào Việt nam cửa Sứ quán Mỹ:
thái độ lảng tránh. Thái độ của chính phủ Liên xô lúc này cũng khác
truớc một trời một vực.
3. Nhớ lại cuộc biểu tình trước cửa Sứ quán Mỹ 1965
Lúc đó, hưởng ứng lời kêu gọi của một nhóm cán bộ Đoàn Việt nam tại
Lenigrad gần hai trăm bạn từ khắp các nơi đã kéo về Maxcva, tập hợp phía
bên kia đường Smolen, đối diện Sứ quán Mỹ hô khẩu hiệu phản đối. Cảnh
sát Nga phi ngựa xông thẳng vào đám đông. Trong lúc lộn xộn, một chỉ huy
cảnh sát bị vật nhọn bắn ra từ dây cao su làm vỡ nhãn cầu. Họ điên tiết
như một bầy thú, bắt đi toàn bộ anh chị em. 26 người bị đưa vào đồn
công an. Trong số bị đánh đập dữ dội nhất có anh Th. Anh này tự nhận là
người tổ chức biểu tình, và chỉ duy nhất anh ta thôi. Nhưng cảnh sát
Liên xô không tin và cho rằng có bàn tay của Sứ quán Việt nam nên bắt
anh phải ký biên bản ép cung như vậy. Không khuất phục được anh Th, họ
cho anh này đội mũ sắt rồi xoáy bu long ép chặt 2 bên thái dương đến
lồi mắt ra. Số còn lại các xe tải chở anh chị em ra thẳng một nông
trường ngoại ô rồi đẩy họ xuống tít ngoài cánh đồng, xa trạm xe bus.
Những người cảnh sát hèn hạ này thu tất cả giầy của mọi người và đạp họ
xuống đất. Anh chị em phải cởi áo panto ra cuốn xuống chân làm giày. Gần
hai trăm người thất thểu, ngã dúi dụi trong băng tuyết mãi mới về được
thủ đô. Nhiều người ốm nặng phải đi viện.
Nhưng ngày 20.02.1979 này lại khác.
4. Mấy ngày sau cuộc biểu tình đó
Chính phủ Liên xô tổ chức cuộc biểu tình này cho người Việt và động
viên các sinh viên ngoại quốc khác tham gia. Không những vậy, công an
gác cửa Sứ quán Trung quốc cũng như công an thành phố tảng lờ, không đáp
lại những cú điện thoại kêu cứu và phản đối của Sứ quán Trung quốc. Báo
chí thậm chí còn nhắc lại khiêu khích và khủng bố ngoại giao trắng trợn
mà phía Trung quốc từng làm với Liên xô.
Mấy hôm sau anh em đi qua Sứ quán Trung quốc để xem mực loang lổ thì
vẫn thấy một số phòng treo chăn chăng kín cửa sổ. Chắc chắn rằng phía
Liên xô đã mặc kệ không cho người đến sửa nên Sứ quán đó phải bịt chăn
trong cái lạnh dưới -10oC.
Từng ngày, anh chị em mong ngóng tin từ Tổ quốc. Tin chiến thắng làm
nức lòng mọi người qua thông báo của chương trình phát thanh dành cho
người Việt nam ở xa Tổ quốc và báo chí Nga. Tuy nhiên những thiệt hại và
mất mát to lớn làm người Việt hết sức lo âu. Hàng ngày tin chiến thắng
không thể che lấp thực tại là quân Trung quốc không bị chặn lại sau khi
vào sâu 15km qua biên giới, mà đã chiếm được toàn bộ Lào cai và thị trấn
Sapa.Mỏ Apatit bị san bằng. Quân Trung quốc đã vào sâu tới 60km và đang
tiến về phía Nam.
Theo lời kể lại, tấm gương của kỹ sư Nguyễn Bá Lại làm mọi người hết
sức cảm động. Anh Nguyễn Bá Lại là cựu sinh viên trường Đại học Mỏ- Địa
chất Maxcva nằm ở khu vực Yugo-Zapadnaya của Thủ đô. Là một học sinh
chăm chỉ và sáng tạo, sau khi tốt nghiệp, anh Lại lên tận miền rừng núi
Lào cai công tác tại mỏ Apatit.Sáng 17.2.1979 khi những tên xâm lược
tràn vào đốt phá mỏ, anh đã anh dũng cầm súng tiêu diệt quân thù. Sau
khi tiêu diệt nhiều tên bành trướng, một quả lựu đạn đã rơi đúng hầm của
anh. Nguyễn Bá Lại nằm đè sấp lên nó để cứu 6 anh em đang núp trong
hầm.
Trường ĐH đã đặt ảnh viền đen của anh tại nơi trang trọng. Hàng trăm sinh viên Việt nam đã kéo đến viếng.
5. Chính phủ Liên xô phản ứng ra sao
Không chỉ tổ chức các cuộc mít tinh khắp nơi trong nước,ngày
19.02.1979 chính phủ Liên xô đã ra tuyên bố phản đối chính phủ Trung
quốc. Bản tuyên bố ca ngợi tinh thần anh hùng của nhân dân Việt nam,
cảnh cáo những kẻ đang lèo lái chiến tranh Bắc kinh cũng như tái khẳng
định nhiệm vụ thực thi Hiệp định Hữu nghị và hợp tác Xô-Việt [1].
Tờ Pravda, phát ngôn chính thức của ĐCS Liên xô không ngần ngại nêu ra
một cuộc tấn công vào phía Bắc Trung quốc, mở màn là các chiến dịch hủy
diệt Lopno và các Trung tâm công nghiệp-quân sự Bắc Trung quốc
6. Thái độ của Mỹ và các nước phương tây thân Mỹ
Liên xô đã đưa Nghị quyết phản đối sự xâm lược Việt nam của Trung quốc ra Đại hội đồng Liên hiệp quốc [2].Tuy
nhiên, trái với những động thái đã từng làm như vậy của Mỹ khi Việt nam
đưa quân vào Campuchia, Mỹ và đa số các nước phương Tây tại đó tảng lờ
trước đau khổ của hàng triệu người Việt nam đang gánh chịu. Bắc Triều
tiên công khai hưởng ứng cuộc xâm lăng đó.
Qua báo chí,cũng như tin tức của các cán bộ từ Âu-Mỹ quá cảnh qua
Maxcva về nước, thái độ của Mỹ là hết sức tiêu cực. Mỹ hoàn toàn ủng hộ
cuộc tấn công xâm lược này bằng cách cung cấp các không ảnh và tin tức
tình báo cho Trung quốc về các cuộc chuyển quân của Việt nam và Liên xô
trên lãnh thổ của mình. Qua đó, Mỹ khẳng định với họ rằng không có khả
năng Liên xô mở cuộc tiến công vào phía Bắc Trung quốc. Những động thái
quân sự cho thấy, mặc dù Đài phát thanh Tiếng nói Việt nam liên tục
thông báo đang có 7 quân đoàn Trung quốc tập trung tại biên giới phía
Bắc của họ nhưng không có dấu hiệu các cuộc điều quân lớn từ Campuchia
để ứng phó. Anh em sinh viên nói với nhau: ’’Như vậy là Mỹ lại giúp Tàu
xâm lược Việt nam lần thứ hai. Mới 5 năm trước nó ngơ đi để cho thằng
khuligan này chiếm đảo, bây giờ nó chủ động giúp tên lưu manh đó thịt
đất’’. Anh em ĐH Lômnosov đã viết kiến nghị gửi Sứ quán Mỹ bằng tiếng
Nga nhưng không thấy hồi âm.
7. Trung quốc rút quân
Qua báo chí tại Liên xô, đặc biệt là tờ Time của Mỹ và tin tức từ
Việt nam, Liên xô đã thành lập cầu hàng không vận chuyển trang thiết bị
đến Việt nam [3] và chuyển quân từ các nơi lên phía Bắc. Có
tin 2 tiểu đoàn tên lửa Grad, loại pháo phản lực đã tiêu diệt nhiều lính
Trung quốc trong chiến tranh Xô-Trung 10 năm trước đó đã sắn sàng hủy
diệt địch.
Đột ngột, Trung quốc tuyên bố rút quân ngày 16.03.1979 sau khi đã sát
nhập một số cao điểm vào bản đồ của mình. Họ phá hủy 2 thành phố, 45
ngàn ngôi nhà, 900 trường học, 428 bệnh viện, 25 mỏ, 55 công ty lớn. Số
người bị giết gồm 20 ngàn bộ đội, 45 ngàn dân thường Việt nam. Trung
quốc tuyên bố mất 10 ngàn lính Quân giải phóng Trung hoa.
8. Còn đó nỗi băn khoăn nhức nhối
Một điều băn khoăn và khó hiểu nhất được nhiều người đặt ra từ đó:
Tại sao Trung quốc lại có thể dễ dàng triệt thoái được 300,000 lính và
chừng đó dân binh mà không bị tấn công tiêu diệt? Gần như đa số các
chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược Trung hoa của Việt
nam là đều đánh vào lúc quân họ rút lui? Một vài sư đoàn rút còn che
dấu được, đằng này nhiều quân đoàn cùng rút trên một diện tích rộng lớn,
núi rừng hiểm trở, đường độc đạo cheo leo núi-vực, tại sao Việt nam
không đánh? Tại sao pháo phản lực chiến dịch từ Liên xô không khai hỏa?
Cho đến nay người viết cũng như các cựu sinh viên cũ vẫn tìm kiếm câu giải đáp nhưng chưa có thông tin cụ thể.
Cho đến nay người viết cũng như các cựu sinh viên cũ vẫn tìm kiếm câu giải đáp nhưng chưa có thông tin cụ thể.
Những ngày sôi sục căm hận đó mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm những
người cựu sinh viên Việt nam tại đó. Họ đã gửi hàng trăm lá đơn tình
nguyện và đề nghị chính phủ thực hiện lời hứa của mình mới ký mấy tháng
trước với Việt nam nhưng Liên xô không trực tiếp động thủ. Họ giúp và
cho chứ không trực tiếp tham chiến. Có nhiều sự giải thích qua báo chí.
Nào là Liên xô thấy Việt nam đánh được thì chỉ giúp của thôi chứ không
cần người. Nào là cũng như năm 1969, chính quyền Ních xơn tuyên bố sẽ
đánh đòn hạt nhân vào hàng trăm thành phố lớn của Nga nếu Liên xô đánh
vào Trung quốc. Nào là hai thằng đó nó thỏa thuận ngầm với nhau là bạn
và chống Nga từ 1965 nên nay đánh thằng này thì thằng kia sẽ đánh lại
v.v. Nhưng với anh em cựu sinh viên Việt nam, các điều đó, dù là sự thật
đi chăng nữa cũng không thỏa đáng. Nó đánh mất vị thế của Liên xô trước
hết về lòng tin của các dân tộc khác, sau đó tự bộc lộ cũng như đẩy
nhanh đà suy thoái của chính mình. Lòng tự băn khoăn như thế, nhưng cũng
không phủ nhận được công lao của người Nga giúp Việt nam trong năm
1979. Còn mãi hình ảnh người nhiếp ảnh già về hưu đã từng sang Việt nam
nay lặn lội đến Sứ quán Việt nam xin sang đó chiến đấu hay làm bất cứ
việc gì có ích.
© Nguyễn Hưng Đạt
Nguồn: Quê choa
Tham khảo
[1] Tuyên bố của Chính phủ Liên xô 19.02.1979
[2] Các chiến dịch giúp đỡ Việt nam của hải quân Liên xô. Tư liệu Quân đội và Hải quân Liên xô .Maxcva .1979.