Diên Vỹ chuyển ngữ
19.02.2013
Ngày 17 tháng Hai năm 1979, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
đã vượt sang biên giới Việt Nam để phát động một cuộc chiến tranh tấn
công. Đây là việc trả đũa lại Việt Nam đã chiếm đóng Cambodia một năm
trước. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo vĩ đại của Trung Quốc, đã nói về
hành động này như là mục đích bành trướng ra Đông nam Á của Liên Xô ác
độc. Ngày 5 tháng Ba, Trung Quốc rút lui và tuyên bố chiến thắng. Chiến
thắng? Đến lúc ấy đã có bao nhiêu sinh mạng thanh niên bị mất mát. Không
có con số đáng tin cậy nào cho biết là có bao nhiêu người đã bị giết
hoặc bị thương vì cả hai nước Cộng sản này chẳng bao giờ tiết lộ chúng.
Một điều chắc chắn là: cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề, đặc biệt là
Trung Quốc - một số người cho biết là có đến một phần tư triệu người
thiệt mạng.
Ngày 17 tháng Hai năm nay, một số học giả và nhà hoạt động ở Hà Nội
tìm cách kỷ niệm sự kiện này và để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng
trong cuộc chiến nhưng họ đã bị chính quyền ngăn cản. Chẳng có tiếng nói
hoặc hoạt động gì về việc này ở Trung Quốc. Cuộc chiến tranh - được
chính quyền Trung Quốc gọi là “tự vệ” - dường như đã bị lãng quên.
Không như ở Việt Nam. Ngay vào lúc chúng tôi rời Việt Nam ngày 17
tháng Hai để quay về Bắc Kinh sau một chuyến nghỉ lễ nhỏ đầy thú vị nhân
dịp lễ Đầu năm ở Trung Quốc - thì đó cũng là dịp lễ Tết ở Việt Nam. Nói
cho cùng, văn hoá Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ Trung Quốc và từng
bị Trung Quốc cai trị hơn một nghìn năm.
Trong chuyến du lịch của chúng tôi, từ “Trung Quốc” luôn xuất hiện
nhưng không phải lúc nào cũng mang tính tích cực. Trong một chuyến thám
hiểm một chiếc hang ở Vịnh Hạ Long, người hướng dẫn du lịch trẻ và đầy
hiểu biết của chúng tôi là Diệp đã kể chuyện người dân địa phương từng
dùng hang động này để tránh bom Mỹ trong thời kỳ chiến tranh. Sau đó anh
ta kể những câu chuyện về những gì người Việt phải trải qua trong cuộc
chiến. Tôi hỏi anh giờ đây người dân địa phương nghĩ gì về người Mỹ -
lúc đó tôi có những người bạn Mỹ đi chung đoàn, Diệp nói người dân hiện
không còn oán thù người Mỹ nữa. Cuộc chiến đã qua và giờ đây họ là
những đối tác thương mại. Nhưng nhiều người lại thù ghét Trung Quốc -
mối đe doạ lớn nhất với nước họ. Trung Quốc và Việt Nam có những tranh
chấp về lãnh thổ và nhiều người lo sợ rằng một ngày nào đó Trung Quốc
lại tấn công, cũng như năm 1979. Tôi nghĩ thái độ hung hăng của Trung
Quốc trong vấn đề tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư Đài với Nhật Bản càng
làm cho người Việt bồn chồn hơn.
Tôi mong rằng những đồng bào Trung Quốc của tôi có quan điểm dân tộc
diều hâu đối với Quần đảo Điếu Ngư nên nhìn lại và rút ra bài học về
điều gì từng thực sự xảy ra vào năm 1979 - không chỉ từ nguồn tin của
nhà nước. Họ nên nghĩ đến những cuộc đời bị tan tác, những ước mơ bị đổ
vỡ, những bậc cha mẹ thương khóc con và những sinh mạng bị mất. Không
hòn đảo nào, có người cư ngụ hay không, lại có giá trị hơn việc đổ máu
cũng như ảnh hưởng tiêu cực sẽ chắc chắn đi theo. Đi lên một cách hoà
bình có nghĩa là xây dựng quan hệ hài hoà với những nước láng giềng và
tôn trọng họ. Chỉ bằng cách này thì mới có được sự ổn định lâu dài trong
khu vực.
Trương Lệ Giai (Lijia Zhang) là nhà báo, nhà văn và diễn giả Trung Quốc. Bà hiện sống và làm việc tại Bắc Kinh