Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Nhóm lợi ích lũng đoạn chính sách quốc gia

Charles Grant
Trâm Anh theo New York Times

Cả Nga và Trung Quốc đều đang phải đối phó với sự mất cân đối kinh tế nghiêm trọng và những nhóm lợi ích quyền năng đang cố ngăn cản cải cách.
Nga và Trung Quốc tưởng chừng là hai quốc gia rất đỗi khác biệt. Với phương Tây, một nước là nền dân chủ giả điệu với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên; còn nước kia là quốc gia một đảng và là đại công xưởng sản xuất của thế giới. Nhưng cả hai đều đang phải chịu đựng những mất cân đối kinh tế nghiêm trọng – và những nhóm lợi ích quyền năng đang cố ngăn cản cải cách nhằm đạt tới một cơ cấu hợp lý hơn.
Sự lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga thể hiện ở tỷ lệ đóng góp trên 50% của ngành này vào thu nhập của chính phủ và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu. Nếu nhà nước giảm mức độ kiểm soát nền kinh tế và cho phép cơ quan tư pháp độc lập hơn, nó sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy đầu tư nước ngoài và hạn chế tham nhũng. Những thay đổi ấy sẽ kích thích cả sản xuất và dịch vụ.

Nền kinh tế Trung Quốc đa dạng hơn nhiều, nhưng vẫn cần cơ cấu lại. Tiêu thụ nội địa chỉ đóng góp 1/3 cho GDP, bằng một nửa mức trung bình của châu Âu. Tỷ lệ đầu tư cao hơn bình thường, ở vào khoảng 50% GDP. Hệ thống tài chính được quản lý theo kiểu người gửi tiền thì nhận được lãi suất ít ỏi trong khi doanh nghiệp nhà nước được tiếp nhận tín dụng giá rẻ, và đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản được khuyến khích. Ngân hàng lẽ ra phải vụ phục vụ ngành tư nhân, doanh nghiệp nhà nước nên giảm đi tính chi phối trong nền kinh tế, và tỷ lệ tiêu thụ nên tăng lên hơn nữa so với đầu tư. Giống như tại Nga, việc đảm bảo thượng tôn pháp luật cũng sẽ giúp nền kinh tế tái cân bằng.
Ở cả hai quốc gia, một số người trên cương vị lãnh đạo đã ý thức được cần phải tiến hành những cải cách nào. Cả Thủ tướng Dmitri Medvedev và một số Bộ trưởng của ông đều kêu gọi giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.
Ở Trung Quốc, kế hoạch 5 năm lần thứ 12, đưa ra năm 2011, kêu gọi tái cân bằng. Báo cáo "Trung Quốc đến năm 2030" của Ngân hàng thế giới và một nhóm chuyên gia chính phủ công bố tháng 2 năm ngoái cũng chỉ ra như vậy, và điều đó cũng được Thủ tướng sắp nắm quyền Lý Khắc Cường ủng hộ. Tuy nhiên, kế hoạch 5 năm thứ 11, đưa ra năm 2006, cũng kêu gọi tái cơ cấu, nhưng cũng chỉ tạo được ảnh hưởng hạn chế.
Trở ngại chính đổi với cải cách ở cả hai nước bắt nguồn từ những nhóm lợi ích nhiều quyền lực. Ở Nga, nhiều trong số các phe cánh xung quanh Tổng thống Putin, cùng với các ông chủ kiểm soát những công ty tài nguyên thiên nhiên lớn và cơ quan an ninh không muốn cải cách. Nó sẽ đe dọa đến của cải và quyền lực của họ. Tại Trung Quốc, một bộ phận trong đảng Cộng sản, các doanh nghiệp nhà nước đứng đầu và cơ quan an ninh cũng bám chặt những đặc quyền đặc lợi tương tự được chế độ hiện hành bảo lãnh.
Cả hai nước đều trải qua cuộc thay đổi lãnh đạo trong năm nay, nhưng điều đó không hẳn dự báo điềm lành sắp diễn ra.
Kể từ khi Putin trở lại cương vị tổng thống hồi tháng 5, ông có vẻ cố lẩn tránh cải cách kinh tế và chính trị. Khi tác giả gặp ông hồi tháng 10 dưới sự bảo trợ của Valdai Club, ông Putin có vẻ tỏ ra tự mãn về nền kinh tế, và những người có tư tưởng cải cách trong chính phủ đều có tiếng nói rất yếu ớt.
Cũng còn quá sớm để đánh giá về những ưu tiên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị bao gồm 7 người vừa nhậm chức tại Trung Quốc hồi tháng 11. Tuy nhiên, mặc dù một số người đã nói đến cải cách kinh tế và chiến dịch chống tham nhũng đã được phát động - tất cả dường như vẫn quá bảo thủ về chính trị.
Ở cả hai nước, các cơ quan an ninh đều cố gắng thâu tóm quyền lực và nguồn lực tài chính trong những năm gần đây, có lẽ vì nhà cầm quyền cảm thấy không an toàn. Cơ quan an ninh - ngay cả ở các nước phương Tây - không muốn bị hạn chế bởi các quy định thượng tôn pháp luật. Ở Nga và Trung Quốc, họ có liên hệ chắc chẽ với tham nhũng hệ thống và kiểm soát các đặc lợi kinh tế, điều có xu hướng khiến họ thù địch hơn với việc tái cải cách và tôn trọng pháp luật.
Nhưng nếu các nhóm lợi ích ở Nga và Trung Quốc cản trở tăng trưởng thì điều đó sẽ đe dọa tới tiềm năng của cả hai nền kinh tế. Một nước Nga không cải cách sẽ dễ bị tổn thương trước mỗi biến động giá dầu. Và ngay cả khi giá đứng ở mức cao, nếu không cải cách, nó vẫn sẽ dẫn tới thúc đẩy nguồn vốn và nhân tài chảy ra ngoài. Tăng trưởng đã chậm lại xuống đến mức 4%/năm, so với mức 7-8% thời kỳ trước khủng hoảng, và nếu không cải cách thì xu hướng dài hạn sẽ còn đi xuống nữa.
Ở Trung Quốc, mô hình kinh tế hiện nay đang vấp phải nhiều hạn chế: tăng trưởng giảm từ mức hai con số xuống còn 7-8%. Không cải cách, nền kinh tế sẽ tiếp tục chứng kiến cảnh đầu tư dư thừa vào công nghiệp nặng, cơ sở hạ tầng và bất động sản; doanh nghiệp nhà nước sẽ hút hết tài sản khỏi các khu vực kinh tế khác; và tiêu thụ sẽ không tăng đủ nhanh để nâng cao tầm quan trọng tương đối của ngành công nghiệp nhẹ và dịch vụ.
Tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng lên có thể sẽ thúc đẩy bất ổn ở cả hai nước. Yếu tố chính đảm bảo tinh chính danh của chế độ hiện nay tại Nga và Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế, qua đó cải thiện mức sống của người dân. Nhưng tăng trưởng đang chậm lại - và có thể sẽ giảm hơn nữa nếu họ né tránh cải cách - những chính phủ này sẽ cần các biện pháp mới để tiếp tục đảm bảo vai trò cầm quyền quyền.
Họ có thể sẽ muốn gióng mạnh hồi trống dân tộc chủ nghĩa. Thực tế, Putin và Hồ Cẩm Đào, chủ tích sắp mãn nhiệm của Trung Quốc, đã từng không ít lần làm như vậy. Putin vẫn lớn tiếng phản đối Mỹ, đổ lỗi cho các chính phủ nước ngoài đã gây ra những cuộc biểu tình chống lại ông, và ngăn cản hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Nga. Đáng chú ý hơn, trong 3 thập niên qua, và đặc biệt là năm nay, Trung Quốc đã không ít lần gây phẫn nộ cho Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản với giọng điệu hiếu chiến hơn trong các tranh chấp lãnh thổ.
Charles Grant là giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"