Fukuzawa Yukichi
Nhân dân lẫn chính phủ, nếu cả hai phía đều làm trọn bổn phận,
trách nhiệm của mình thì chẳng cần phải nói gì thêm cả. Nhưng cũng có
những lúc chính phủ đi chệch hướng, thi hành lối chính trị chuyên chế
bạo tàn, chạy theo quyền lực vô tri thức. Những lúc như thế, nhân dân
buộc phải hành động. Và sẽ hành động theo một trong ba giải pháp như
sau. Hoặc từ bỏ khí tiết, khuất phục chính phủ. Hoặc phản kháng chính
phủ bằng bạo lực. Hoặc sẵn sàng hiến thân, hy sinh tính mạng chứ không
chịu để mất khí tiết. Tôi xin giải thích rõ hơn.
Giải pháp thứ nhất: Nếu chấp nhận vứt bỏ khí tiết, tuân theo chính phủ vô điều kiện thì có thể coi đây là giải pháp mù quáng.
Tôi đã giải thích ở phần trước: Đạo làm người là tuân theo đạo trời.
Nếu vất bỏ đạo lý, khí tiết, đồng loã với những sai trái bất chính thì
tự chúng ta đã làm hỏng vị thế của cong người, và tập quán xấu đó sẽ
truyền tới đời con, đời cháu.
Từ trước tới nay, ở Nhật Bản có nhiều chính phủ thi hành chế độ chính
trị chuyên chế bạo ngược đối với lũ dân ngu muội chúng ta. Nền chính
trị bạo ngược sẽ không thể kéo dài mãi được. Biết vậy nhưng lặng thinh
chấp nhận cảnh sống cùng cực chỉ vì sợ Tướng quân - Mạc phủ nổi giận và
trấn áp. Chính điều này là ví dụ rõ ràng nhất mà tôi phải nói: Nếu nhân
dân từ bỏ vị thế của mình thì tương lai bất hạnh sẽ chờ đón chúng ta.
Giải pháp thứ hai: Cá nhân chống lại chính quyền, là điều
không tưởng. Vì thế mà tập hợp nhau, lập nhóm lập đảng gây nên nội
chiến, nội loạn. Cách này tôi không cho là cách làm nghiêm túc. Bởi nếu
xảy ra nội loạn thì vấn đề phân biệt thiện, ác sẽ bị loại bỏ. Các bên
chỉ dựa vào sức mạnh trên chiến trường để giải quyết. Và kẻ thắng sẽ
quyết định tất cả. Mà các bạn hãy xem lại lịch sử từ cổ chí kim của Nhật
Bản sẽ rõ: dân chúng tay không bao giờ cũng yếu thế hơn chính phủ. Tôi
nghĩ thế này, nếu suy nghĩ về nguyên nhân của loạn lạc nội chiến thì rõ
ràng do oán hận căm ghét sự vô nhân đạo, không có tình người của tầng
lớp cai trị, nên mới dẫn đến xảy ra các cuộc nổi dậy chống đối. Và không
có gì vô nhân đạo, không đếm xỉa đến tình người cho bằng nội loạn. Tình
người bị chia cắt, cha con, anh em trở thành kẻ thù địch, nhà cửa bị
cướp phá, giết chóc lẫn nhau, sự tàn bạo kinh khủng không sao kể xiết.
Mà phe thắng có lập ra chính phủ thì có gì đảm bảo chính phủ đó sẽ thực
thi một đường hướng chính trị tử tế, vì họ sinh ra trong máu của nội
loạn kia mà.
Giải pháp thứ ba: Giữ trọn đạo lý chính nghĩa, sẵn sàng hi
sinh mạng sống trước mọi áp bức của chính quyền. Tức là tin tưởng một
lòng một dạ vào đạo Trời, dù phải chịu mọi cực hình của chính quyền
chuyên chế, bạo ngược cũng không khuất phục, giữ vững khí tiết, bảo vệ
chân lý, niềm tin, hơn nữa không bao giờ sử dụng vũ khí bạo lực, chỉ
dùng đạo lý để kháng cáo với chính phủ.
Trong cả ba giải pháp, tôi cho rằng giải pháp thứ ba là thượng sách.
Nếu chúng ta chất vấn chính quyền bằng lý lẽ thì những luật pháp tốt
hoặc những chính sách tuyệt vời hiện hành trong quốc pháp không bị ảnh
hưởng. Thuyết phục bằng lý lẽ, điều đó sẽ thấm dần vào lòng người theo
lẽ tự nhiên. Năm nay, thuyết phục chưa được thì sang năm tiếp tục thuyết
phục cho tới khi chính quyền hiểu ra. Và mục đích của nó là ngăn chặn
và cải thiện bất chính trong chính quyền. Và một khi chính phủ đã chấp
thuận cải thiện chính sách thì việc chất vấn chính phủ cũng sẽ chấm dứt.
Nếu chúng ta dùng sức mạnh đối địch với chính phủ thì chính phủ cũng
sẽ đáp lại bằng việc đàn áp, bắt bớ. Quan chức chính phủ dù có là những
kẻ bạo chính thì cũng là người Nhật Bản chúng ta cả. Trước những lời lẽ
đúng với đạo lý của những người chất vấn chính phủ trong hoà bình và sẵn
sàng hi sinh thân mình vì đạo lý đó thì không lẽ không thuyết phục hoặc
không làm lay động được các quan chức chính phủ. Tôi nghĩ rằng họ không
thể không hối hận về những lầm lỗi, sai trái của họ và sẽ cải tà quy
chính.