Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Ngôn ngữ hiến pháp phải là của “ông chủ”

Nguyễn Ngọc Lanh

Cụ Hồ, sau khi khẳng định chế độ ta là dân chủ – tức dân là chủ – đã suy luận: Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Quả là một danh ngôn… ở dạng bình dân, để cả chủ – tớ nhập tâm suốt đời.

Vâng, nếu nuôi đầy tớ mà cứ như “nuôi ong tay áo” thì “đuổi cổ đi” cũng đáng. Từ câu của Cụ, quá đủ để suy ra Hiến Pháp phải là của ai. Ông chủ nào cũng đủ khôn để soạn luật khẳng định quyền của mình. Chưa cần xét nội dung, cứ coi văn phong cũng nhận ra khẩu khí ông chủ bộc lộ đâu đó trong các điều khoản của văn bản. Mẫu mực là Hiến Pháp 1946. Nếu văn phong của bản Hiến Pháp này xuyên quán suốt 4 lần nước ta thay hiến pháp thì có lẽ đến nay hiến pháp nước nhà đã toàn mỹ – không cần sửa nữa – mà tồn tại đến tận khi (như Mác đoán) “nhà nước tự tiêu vong”.

Có thể dựa vào văn phong để đánh giá hiến pháp?
Hiến pháp là Luật, do vậy phải có lời lẽ thích hợp. Nhưng luật này do ông chủ (dân) thảo ra, mà một mục đích là phân rõ ngôi CHỦ – TỚ, để chỉ quan hệ giữa nhân dân và nhà nước. Khẩu khí ông chủ tất nhiên ít nhiều thể hiện trong văn bản, dựa vào đó chúng ta có cách đơn giản để coi ông chủ có thực quyền không. Dễ nhất, cứ thử thay các từ “nhân dân” bằng từ ÔNG CHỦ và thay từ “nhà nước” bằng từ CÔNG BỘC… là có thể bước đầu NÓI: Quý vị chấp bút đã nhân danh ai để viết nên cái bản Dự Thảo này.
Đoạn mở đầu trong Dự Thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992
Về văn phong, nó không ra lời lẽ ông chủ, trước hết vì lê thê. Một ông chủ ý thức đầy đủ về thực quyền sẽ không cần nói vòng vo, rào đón, trước đầy tớ của mình như thế. Về nội dung, cứ như ai đó kể lể công lao và ơn huệ, hoặc muốn giáo huấn ông chủ…
Trừ Hiến Pháp 1946 (mẫu mực về văn phong) nói chung các bản hiến pháp về sau đều mắc bệnh giảng giải dài dòng… Nguyên nhân nào khiến chúng ta khó sửa vậy?
Do vậy, lần này nên sửa triệt để. Khó gì chuyện nhân danh Nhân Dân mà viết?
Thử xét vài câu trong Dự Thảo trên
- Điều 3 ở Dự thảo sửa đổi (nguyên văn) là: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu… (để nhân dân) có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Nếu thay “nhà nước” bằng đầy tớ, và thay “nhân dân” bằng ông chủ, ta có: Đầy tớ bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của ông chủ, thực hiện mục tiêu dân giàu… (để ông chủ) có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Ơ hay! Sao cái câu “đảo địa vị” này có thể nhảy vào hiến pháp?
- Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69) (nguyên văn): Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Liệu có ông chủ nào dại dột viết thêm cái đoạn cuối (theo quy định của pháp luật) để tự hạn chế tới 6 quyền của mình?
Liệu có nên rà soát lại lời văn hiến pháp trước khi bàn nội dung và tinh thần của nó?.
Những câu “vĩ mô” liên quan tới hiến pháp
- Hiến pháp là “luật mẹ”. Câu không sai, nhưng chưa đủ. Nó rất hay được dùng, nhưng ai (ông chủ hay đầy tớ?) ưa dùng? Còn tùy nội dung và tinh thần hiến pháp. Do vậy, phải có NẾU. a) Nếu hiến pháp thật sự của dân, được dân thông qua, dân sẽ ham dùng câu trên để hạn chế sự lộng quyền của đầy tớ. b) Ngược lại, nếu hiến pháp dân chủ nửa vời, thậm chí dân chủ giả hiệu… thì đầy tớ lại rất ưa dùng câu trên để… cưỡi chủ.
- Vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ. Dự thảo có câu “Học tập vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ”. Xin hãy cẩn thận. Coi đó là khẩu hiệu đã không ổn, nay còn đưa vào Luật thì chuyện phải cẩn thận là không thừa.
Xin đưa một ví dụ, ai cũng biết. Hàng chục lần bầu quốc hội, lần nào chúng ta cũng trương cao khẩu hiệu: Đi bầu vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ. Khẩu hiệu này khiến các cháu học sinh cấp II từ lâu hiểu đúng, nay thành hiểu sai. Đã là quyền, đương nhiên được hưởng, nhưng thích thì hưởng (quyền thật), còn chán thì vứt (quyền rơm) chớ đâu cần mượn ai hối thúc mình phải hưởng. Còn đóng thuế là nghĩa vụ (không tuân không xong). Nếu dân thấy cuộc bầu chỉ là dân chủ hình thức, định không đi bầu, sẽ bị công bộc coi là trốn nghĩa vụ. Ông chủ gì mà khốn khổ thế?
- Nhà Nước do dân, của dân, vì dân… Câu danh ngôn bất hủ, xuất xứ tận bên Mỹ, được chúng ta cắt ra đoạn đầu, sử dụng, mà không nói xuất xứ. Đây chính là lúc cần học cụ Hồ. Khi viết Tuyên Ngôn Độc Lập, Cụ rất minh bạch chuyện trích dẫn: nói rõ nguồn và trích nguyên văn. Những tác phẩm của Cụ có trích danh ngôn của Mỹ đều trường tồn.
Ngoài ra, không phải cứ tô đậm hoặc hô lớn cái đoạn do dân, của dân, vì dân… mà danh ngôn sẽ thành hiện thực đâu. Cuộc cải cách hành chính của chúng ta – để công bộc đỡ hành hạ ông chủ – cứ chật vật 20 năm nay, đủ nói lên điều đó.
Sửa đổi lần này, hiến pháp của ta phải do dân, của dân, vì dân tới mức khiến toàn dân reo hò nhảy múa như thời Tháng 8-45, mới bõ công sức hy sinh, chịu đựng của dân.
Câu hỏi: Sửa chữa vặt, hay là nhân đây – cơ hội cuối – ta viết lại hiến pháp mới, dựa trên nội dung và tinh thần bản Hiến Pháp 1946?
- Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, dân làm chủ. Câu nổi tiếng của cụ Lê Duẩn nay hầu như không được nhắc tới. Có lẽ, một phần do thứ tự của các chủ thể (ông chủ xếp hạng bét, lại không viết hoa). Nhưng nội dung câu đó mới thật quan trọng. Đời thuở nào lại có thứ “chủ” vừa bị dẫn dắt, vừa bị quản lý? Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu khác để câu này vẫn còn dùng được. Nhà Nước (đầy tớ) tất nhiên không được phép quản lý thân thể, thân phận của ông chủ, mà được ông chủ thuê mượn để quản lý công việc của chủ (vai trò quản gia). Họ sẽ bị chủ “đuổi” nếu “làm hại” chủ (câu của cụ Hồ).
Do vậy, hiến pháp phải viết thế nào để đầy tớ đọc, thấy sợ (tai họa bị đuổi là hiện thực chứ không “trên giấy” đâu); còn ông chủ đọc thấy yên tâm, vì quyền dân cũng không chỉ “trên giấy” – như từ 50 năm nay – mà trong tay dân còn thật sự có cái roi. Viết như Dự Thảo chưa toát lên tinh thần đó.
- Trung và Hiếu của quân đội. DÂN sinh ra và nuôi quân đội. Quân đội là con đẻ của dân. Vậy phải trung và hiếu với ai? Cụ Hồ đã có câu trả lời – vừa trí tuệ vừa đạo đức. Hình tượng tiêu biểu và bao trùm của quốc gia chỉ có thể là Nước và Dân; trong đó Nước đặt trên Dân (Dân sẵn sàng hy sinh tất cả bảo vệ Nước).
Không thể kêu gào học tập Cụ bằng cách tự tiện sửa lại danh ngôn của Cụ.
Tuổi đảng của tôi cao hơn tuổi đảng của mỗi quý vị ủy viên Bộ Chính Trị; nếu cần quỳ xuống lạy từng vị để phục hồi câu của cụ Hồ, tôi cũng quỳ.
Nguyễn Ngọc Lanh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"