Nguyễn Ngọc Già
Ngày xuân, người ta thường thích chúc phúc cho nhau để mong
những ước mơ cá nhân được hóa thành hiện thực và mong một tương lai sáng
lạn cho quê nhà, tuy nhiên, hôm nay chúng ta có lẽ cần đăm chiêu hơn
cho lòng nhân ái chân thật bị chà đạp, biểu thị qua sự đàn áp tồi tệ từ
lực lượng công quyền đối với những bạn trẻ giúp dân oan có miếng ăn, tấm
áo trong cái rét căm căm của miền Bắc vừa qua. Đó có thể gọi là sự hung
hăng từ phía công quyền?
Vậy, chúng ta hãy cùng bàn luận một chút "câu chuyện hung hăng" với tách trà và một ít mứt tết.
I. Con chuột, con chó, con chim
Ông Joel Brinkley, một người từng nhận giải báo chí Pulitzer, với bài
viết bị cho là "quơ đũa cả nắm" đối với người Việt Nam khi cho rằng ăn
thịt - trong đó có chuột, chó, chim - làm cho người Việt trở nên hung
hăng, đã làm nhiều người bừng bừng tức giận.
Dường như chuột, chó là hai loài rất... "nhạy cảm"?!.
Ngoài hình tượng thể hiện sự bẩn thỉu, đáng ghê tởm, quanh quẩn bên
đống rác, hay trong ống cống tối tăm; hoặc lấp ló, chui lủi trong ruộng
lúa, thì chuột dễ làm người ta liên tưởng đến bọn tham nhũng đục khoét
và phá hoại như... điên! Buộc phải chọn loài vật tởm lợm và đại diện cho
chất hèn hạ làm món ăn thì dễ bị quy chụp cố tình hạ nhục người khác?
Dường như chuột còn là "đại diện" thuyết phục của đói nghèo, kém văn
minh và... mọi rợ?
Khi một dân tộc bị đánh đồng sự dốt nát, đói nghèo, mông muội bằng
món ăn từ chuột thì quả là khó chịu thật! Tuy nhiên, chẳng dễ dàng gì
cho bất kỳ người Việt nào muốn chối bỏ quá khứ khốn cùng từ những câu
chuyện đói trơ xương năm 1945, đói vàng mắt sau 1975 cũng như chui lủi
chạy trốn trong những cuộc vượt biển tìm tự do.
Bộ phim "Triệu phú ổ chuột" nổi tiếng (tên gốc: Slumdog Millionaire)
giành 8 giải Oscar 2009, đã khắc họa đậm nét thành phần tận cùng dưới
đáy xã hội của Ấn Độ, nó vẫn làm người xem đăm chiêu khi nghĩ về hình
ảnh người Việt trong thân phận "Con Chuột" hôm nay [*]!
Quả thật, CHUỘT - một loài vật gây khá nhiều cảm xúc cho các tầng lớp
trong xã hội, đặc biệt đối với dân tận cùng nghèo đói và tầng lớp quan
tham. Chuột xứng đáng để gây làn sóng tranh cãi, một khi chọn nó làm...
món ăn(!) Giờ đây, những hình ảnh trẻ em vùng cao trần truồng trong cái
lạnh cắt da, bên cạnh những cái bẫy bắt chuột, cải thiện bữa ăn vẫn hiện
diện như lời tố cáo cái đói nghèo và hoang dại vẫn "ngẩng mặt" như 80
năm "đời ta có đảng"(!), thật sỉ nhục:
"có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn đảng ta
vui tung tăng hoan ca có đảng cuộc đời nở hoa"
(Em là mầm non của đảng - Mộng Lân)
vui tung tăng hoan ca có đảng cuộc đời nở hoa"
(Em là mầm non của đảng - Mộng Lân)
Làm sao có thể không xốn xang trước hình ảnh đau thương như thế!
Những tưởng cái đói tàn khốc của ngày xưa đã lùi vào dĩ vãng, nhưng
không, cho đến tận hôm nay, người Việt có khác gì những chú chuột ngoi
ngóp trong những ống cống lềnh bềnh rác rưởi và... ngộp thở của... đảng
Cộng sản Việt Nam?!
Chó lại vốn là từ ngữ cửa miệng của người Việt để mắng chửi tính hung tợn, hỗn ẩu với cụm từ "đồ chó đẻ!" mà người Việt nào cũng tỏ tường.
Cũng không biết "rổ chó" của chị Dậu có ám ảnh cho đến nay hay không,
khi nhớ lại một thuở tối tăm của người dân, với giá mua cái Tý còn rẻ
hơn "rổ chó" mà Nghị Quế đã trả cho chị để cứu chồng trước nạn thuế thân
ngày xưa???
Con chó cũng được nhà báo Võ Văn Tạo viện đến để ta thán thân phận khi hai ông "nhà báo" Ngọc Năm và Phi Long bị một trận "tơi bời hoa lá" trong việc đi lấy tin về cho cơ quan, lúc mà dân Văn Giang nổi lên chống lại việc cướp đất.
Có lẽ đối với người Việt khi có ý định miệt thị hay mắng chửi bất kỳ
ai, dù cho là ông to bà lớn, hay anh chị em trong gia đình hoặc chỉ là
thằng bạn phản phúc thôi, chẳng có ai dùng đến gà, vịt hay nai, thỏ.
Người Việt cũng ít khi mắng chửi những kẻ bán nước là heo hay bò, bởi
hai loài vật này thường ám chỉ cho người dốt nát hơn là tên quỷ quyệt,
tham tàn. Hẳn vậy chứ còn gì nữa?
Nuôi chó như là thú cưng (pet) ở Việt Nam (đặc biệt cho Ngao vùng Tây
Tạng rất đắt tiền, xuất hiện sau này) cũng là một "mốt" xuất phát từ
phương Tây, không phải truyền thống người Việt, mặc dù người Việt xem
chó như là công cụ hữu hiệu để báo động hay một vật nuôi có ích, nhưng
hiếm khi nó được xem như là người bạn thật sự đáng trân trọng như phương
Tây, nếu có chăng, thông thường xảy ra ở một bộ phận nhỏ người dân và
bộ phận này cũng ảnh hưởng ít nhiều cách giáo dục phương Tây. Bằng
chứng, những tên trộm chó bị đánh chết ở miền Bắc vừa qua cho thấy luận
điểm này không phải không có sự thuyết phục. Người trộm chó vì tiền,
cuối cùng cũng vì mục đích phục vụ cho cái ăn; người ta giết người vì
người giết chó - một con vật canh giữ lợi ích của mình, hơn là đau buồn
coi nó như một người bạn thân thiết, bởi nếu con chó được xem thế, chắc
lúc đó Brinkley đã không bị ném đá tơi bời?! Cách đây không lâu, một chú
chó ra tòa để "xem" xử người chủ đã ngược đãi hành hạ bằng việc chặt
mất hai chân trước của "mình" [1]. Thật khó quên hình ảnh các chú công
an Việt Nam treo cổ chú chó đang thương và chụp hình... lưu niệm! [2]
Không biết tự bao giờ, khi ta thán về thân phận, người Việt hay dùng
"khổ hơn (như) con chó", như là sự mặc định mà ai cũng chấp nhận?! Rõ
ràng, con chó không có vị trí nào đáng kể trong tâm thức của đại đa số
người Việt.
Có ai phân vân về điều này, thì xin mời xem bài báo "Mối tương quan
mất dạy" [3] của blogger Đinh Tấn Lực đã "xổ lồng" tất cả những uất ức
cho câu tục ngữ: "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo"
để lên án gay gắt về thói hỗn hào, vô luân của chế độ CS đối với nhân
dân, nhắc đến bài viết này, bởi lẽ nó được đón đọc như là bài viết hút
khách nhất (chỉ riêng trên trang Dân Luận đã có đến 70.869 lượt đọc).
Nếu bạn chưa đồng ý lắm, hãy nhớ lại Nguyễn Văn Thành (bí thư Hải Phòng)
đã dùng chữ "hùa vào" dành cho các ông "đức cao vọng trọng" trong vụ
việc bênh vực cho gia đình Đoàn Văn Vươn, một dạo nổi sóng ba đào đến
kinh khiếp khi ai cũng biết chữ "CHÓ HÙA" - như là một sự sỉ nhục :)
Ngoài hai quốc gia: Việt Nam (chủ yếu là người Bắc) và Hàn Quốc, nơi
mà chó được xem là món ăn không có gì nghiêm trọng, còn có quốc gia nào
ưa chuộng hay không? Không biết, trong khẩu vị tương đồng của người Việt
và người Hàn, Lý Long Tường - người được xem là "ông tổ thuyền nhân"
trong lịch sử Việt Nam khi chạy đến Cao Ly - có liên quan như là đầu
mối... "ăn thịt chó", một khi tùy tùng đoàn của ông, có ai đó mang theo
công thức chế biến món "cầy tơ"? :)
Còn lại câu hỏi: thế còn chim thì sao? Hình như món bồ câu quay hay
chim sẻ chiên giòn không phải là "đặc sản" ưa chuộng lắm của người
phương Tây? Những công viên bình yên và sạch đẹp ở các nước phương Tây,
luôn là nơi tụ hội của các loài chim, đến nỗi bồ câu hiện diện mà không
chút sợ hãi nào để tranh nhau những hạt lúa mạch mà du khách rải cho
chúng ăn - hình ảnh vô cùng hiếm hoi ở Việt Nam, bởi nơi chúng tới là
những quán nhậu, nhà hàng lớn nhỏ đầy dãy từ Bắc chí Nam!
Tôi nghi ngờ, nếu Brinkley đừng viện dẫn chuột, chó trong bài viết
của ông, mà thay bằng thỏ hay dê, gà hay vịt, heo hoặc bê (thui)... chắc
là người ta cười ồ và dễ dàng tha thứ hơn, vì có vẻ nó không đại diện
cho cách miệt thị, hồ đồ và khinh rẻ, sỉ nhục dân tộc Việt Nam?
Hóa ra, "tại" chim và nhất là "tại" chuột và chó cùng những đống rác
nghễu nghện đã làm một số người Việt Nam nóng mặt với Brinkley!
II. Thói hung hăng
Joel Brinkley sai khi cho rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa ăn thịt
và thói hung hăng, nhưng có vẻ ông ta đúng, nếu tách riêng vế thứ hai:
người Việt hung hăng? Nếu không, thì chắc nhà báo Đào Tuấn không đòi
đánh gãy răng [4] dù cố bào chữa: Người Việt không hề quá khích,
không hề thích gây hấn nhưng rất sẵn lòng cho vị GS lừng danh về nói bậy
của ĐH Stanford “đi gặp nha sĩ”. Chưa hết, cô Uyên Nguyễn, một
sáng lập viên OneVietnam Network, nói thẳng về bài báo: “Nó sỉ nhục. Nó
đánh thẳng vào văn hóa của chúng tôi", như nhà báo Ngô Nhân Dụng cho
biết, cũng như đã có 150 chữ ký đòi đại học Stanford sa thải ông
Brinkley như một sự trừng phạt thích đáng về nhận xét bị cho là nông
nổi, hồ đồ. Không biết Nguyễn Bá Thanh đòi "hốt liền, không nói nhiều"
đối với giới ngân hàng khi ông ta chuẩn bị nhậm chức Trưởng ban Nội
chính Trung ương, có được xếp vào tính chất hung hăng không? Bạn sẽ thấy
cụm từ rất buồn cười nhưng có ý nghĩa "hung hăng như Đinh La Thăng"
được google xếp vào hạng nhiều người tìm kiếm trên mạng :), cũng như
đầy những phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng, Đinh Thế Huynh, Trần Đăng
Thanh, Nguyễn Chí Vịnh v.v... đầy chất... hung hăng :)
Do vậy, "câu chuyện hung hăng" không phải xuất phát từ ăn thịt hay
ăn... rau mà chính là từ con chó, con chuột thì xác đáng hơn đối với
người Việt (dù trong hay ngoài nước).
Đương nhiên, hung hăng chưa chắc dẫn đến bạo lực ngay, mà nó dường
như mang chất "nung nấu" hay "sôi sục" để đạt mục tiêu đề ra nào đó
trong tương lai, có thể là gần, có thể là xa hơn một chút?
Hung hăng - một mình nó - khó dẫn đến tội ác, một khi thiếu tham vọng mãnh liệt cùng quyền bính trong tay, lúc đó "ma đưa lối, quỷ dẫn đường"
sẽ lên tiếng. Hầu hết những dẫn chứng điển hình về tính chất này, chúng
ta có thể soi rọi từ giới cầm quyền độc tài môt số nước cũng như Việt
Nam và Trung Quốc.
Thật không dễ khi cố gắng tìm ra những nguồn gốc nào hình thành tính
hung hăng, nhưng khó để tin một đứa trẻ bắt đầu biết quan sát (khoảng 2 -
3 tuổi), ngày ngày "tắm mình" trong đòn roi, mắng chửi có thể trở thành
chàng trai nhân hậu hay cô gái hiền lương. Tuy nhiên, việc gì cũng có
những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như câu chuyện một cô con gái Năm Cam
xuất gia đi tu, dù hầu như toàn bộ gia đình đều đi cướp. Vì vậy, vai trò
giáo dục ngay từ trong gia đình, chưa đợi lúc trẻ đến trường, nên lên
tiếng sớm, nhất là những bậc làm cha mẹ trẻ hiện nay ở Việt Nam, có vẻ
chú trọng đời sống vật chất cho trẻ nhiều hơn là đời sống tinh thần.
Dường như vai trò tôn giáo cũng có tác động mãnh liệt đối với "hung hăng tính"? Tùy trường phái thì phải?
Một số người Việt ngày nay có vẻ hay nghĩ về "tính ăn thua đủ" như là
sự ăn miếng trả miếng, mặc dù có thể họ chỉ nói chưa chắc hành động?
Điều này có thể gọi là "nổ văng miểng" như một sự tỏ rõ uy thế hơn là
thực chất xảy ra, tựa như Nguyễn Chí Vịnh đã hăm he người Mỹ: coi chừng bị đuổi cổ ra khỏi Việt Nam một lần nữa như 1975 Việt Nam đã từng làm.
Cách này, gọi là hung hăng cũng được, "nổ văng miểng" cũng xong. Nguyễn
Chí Vịnh được tin là sẽ nổi đóa đùng đùng khi bị ám chỉ: "Chó sủa không cắn, chó cắn không sủa". Bạn chắc phải đồng ý với tôi về điều này? Và đấy, thật không hiểu nổi người Việt chúng ta nhìn con chó thật là... chó?!
Trong một xã hội mà những kẻ hung hăng nắm toàn bộ quyền sinh sát
thật khó để tìm sự không chống lại từ nhân dân, bởi những gì không xuất
phát từ lương thiện, hiền lành, nhất định nó sẽ được ứng xử gần đúng như
thế. Từ một dân oan (Bùi Thị Minh Hằng), từ một công an (Tạ Phong Tần)
và hằng hà sa số những người khác, với thời gian dài lâu bị những kẻ
hung hăng chà đạp Quyền Con Người, dường như làm thay đổi họ với ngạn
ngữ "con gium xéo lắm cũng oằn"? Thay vì trách họ hung hăng, chúng ta cần vạch mặt và chỉ rõ nguyên nhân nào đã đẩy họ đến chỗ đó.
Đôi khi tôi tự hỏi, nếu bà Aung Sang Suu Kyi bị chính quyền Miến Điện
cư xử như một con chuột hay một con chó kiểu của nhà cầm quyền Việt Nam
cư xử với những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, liệu bà có đủ sự
kiên nhẫn, bình thản hàng chục năm trước những chất bẩn ném thẳng vào
bà, thậm chí là moi móc chỗ kín của bà? Quả thật khó đoán. Vì thế, đối
diện với dùi cui, súng ống, nhà tù thậm chí là những ngọn lửa tự thiêu
đốt vẫn dễ dàng hơn là đối diện với những trò tởm lợm, hôi thối, đê hèn.
Giới cầm quyền Miến Điện có thể rất tàn bạo đối với bà Aung Sang Suu
Kyi, nhưng về thói mất dạy, vô giáo dục, họ phải gọi giới cầm quyền Việt
Nam bằng ... "sư phụ"(!). Có nên gọi tính chất khác biệt này là điển
hình giữa độc tài không cộng sản và độc tài cộng sản?!
Thật ra, cho đến nay, dân tộc nào hung hăng nhất thế giới hay tác hại
trực tiếp gây ra bởi tính hung hăng, vẫn chưa có một nghiên cứu nghiêm
túc nào được công nhận, mặc dù một số người giận dữ (với Brinkley) cho
rằng tập đoàn Hiler hay Polpot đã biểu tỏ như một dân tộc hung hăng,
trong khi có vẻ phớt lờ những tập đoàn này không chắc là đại diện cho số
đông dân tộc họ, bởi nó phục vụ cho mưu đồ của nhóm người nào đó, có
thể nhóm người đó là vài trăm ngàn hay vài triệu nhưng nhất định, không
thể là số đông đại diện dân tộc họ. Tình hình tương tự ở Việt Nam hiện
nay có vẻ cũng đúng như vậy, khi người ta liên tưởng đến hình ảnh giết
người như ngóe dù từ phía công an hay chỉ là với một vài con chó bị trộm
hoặc những tên cướp lạnh lùng chặt tay nạn nhân, cũng có thể chỉ là một
cái nhìn đểu dẫn đến án mạng v.v... Tuy thế đó lại là hành vi tội ác,
chứ không phải là biểu thị của tính hung hăng.
Hung hăng, một góc nhìn khác, vẻ như xuất phát từ việc tự ti quá khứ
yếu kém cùng một nỗi uất ức dồn nén với sự chịu đựng âm ỉ đã đạt mức tới
hạn của nó để bùng phát cho một sự gây gổ và ẩu đả trong phạm vi hẹp?
Tầm quốc gia, để gọi một dân tộc nào đó hung hăng, thật ra cũng không
mang lại ý nghĩa gì để cải tạo xã hội, hơn là sự chỉ trích cho qua, thế
thôi!
"Hung hăng tính" có phải là một yếu tố di truyền hay không? Đi tìm
nguồn gốc gene một cách khoa học, dường như nó cho thấy khá lờ mờ cho
điều đó, có vẻ như nó xuất phát phần lớn từ "sang chấn tâm lý". Những ai
bị hội chứng này, một phần có thể trở nên hung hăng và nặng hơn sẽ được
biểu hiện như là một dạng tâm thần phân liệt mà nhiều người nghi ngờ
những người như: Lý Tống, Bùi Kim Thành, Ngô Kỷ v.v... bị như thế. Thế
nên, những người này nên được cảm thông và tốt nhất là tránh làm họ xúc
động bằng cách khơi gợi họ, dù dưới hình thức nào. Rất tiếc, một số
người Việt hải ngoại và truyền thông, hình như đôi lúc lại lạm dụng điều
này để càng làm cho Lý Tống, Bùi Kim Thành, Ngô Kỷ trở nên đáng thương
và ở một số người khác nhìn họ một cách khinh rẻ và cười cợt.
Người Việt vẫn còn thiếu lòng nhân ái, nhưng hình như thừa ... tính
tự ái? Có thể người Việt không hung hăng đến nỗi như Brinkley nhận xét,
nhưng tự ái là điều mà chúng ta nên suy nghĩ, nếu như bạn đồng ý: Người
Việt "dễ quê, khó huề"?
Không biết có nên phân biệt "hung hăng chủ động" và "hung hăng bị
động" trong nhiều hoàn cảnh cụ thể nào đó, để đảm bảo khoa học và khách
quan hơn?
Vẻ như người ta hay xem hung hăng thường ở tư thế chủ động? Bạn sẽ
nghĩ gì về hung hăng ở tư thế bị động và bị cho là làm khiêu khích với
một tâm thức thúc thủ, bất đắc chí và mang màu sắc lật lọng, bội tín? Có
vẻ hình ảnh minh họa cho luận điểm này là những người Trung Hoa lao vào
đánh người và đập phá các cửa hàng Nhật Bản đóng tại Trung Quốc nói lên
bản chất đó chăng? Đôi khi, đặc tính này dễ làm người ta hình dung như
là một sự hướng dẫn, khích lệ cho một mưu toan nào đó được khơi gợi như
là sự cướp bóc, giành giật cái mà đã được thỏa thuận trong quá khứ,
nhưng hôm nay vì lòng tham và sự tiếc rẻ như anh Thạch Sùng, họ đã vẽ
lên người hung hăng hóa ra là một nạn nhân đáng thương do chịu quá nhiều
thiệt thòi và bị đẩy vào bức tường không lối thoát? Nguy hiểm thật cho
những dẫn dắt mù quáng mang màu sắc hung hăng?!
Phải chăng "hung hăng" là một người không có mắt và đầy tính tự ái
cùng một tâm hồn rất dễ bị tổn thương khi sâu thẳm trong đó khơi gợi nỗi
bị hận lớn nào đó, hoặc giả một thói quen lâu năm mà dễ bị gọi tên
"truyền thống" hay "văn hóa"?
Dường như ở những nơi chốn mà thiếu vắng Tôn giáo thánh thiện, "hung
hăng" dễ dàng lên ngôi "cửu ngũ" trong mọi hành vi đối với xã hội và thế
giới?
Hung hăng, một góc nhìn khác nữa đó cũng là một trong các nguyên nhân
tiềm tàng dẫn đến chiến tranh, dù đó là chiến tranh quy mô nhỏ hay lớn,
chiến tranh quy ước hay chỉ trong nội bộ của một sự tranh giành quyền
lực không dựa trên pháp luật minh bạch, nhất là những nền văn hóa còn
đầy "chất" nông nghiệp lạc hậu, như Việt Nam chẳng hạn?
NÔNG NGHIỆP sẽ mãi mãi tồn tại, khi con người còn phải ăn, do đó, nó
có phải là một trong các tiêu chí để đánh giá sự hung hăng nhiều hay ít?
Phải chăng nông nghiệp càng hiện đại thì con người càng bớt hung
hăng??? Dù không chắc về mọi trạng huống hung hăng, người viết bài cho
rằng, cho đến khi nào con người vẫn còn tồn tại khái niệm: "ĂN", khi đó
"HUNG HĂNG" vẫn còn là đề tài muôn thuở, bất kể dân tộc nào.
III. Tạm kết
Không chắc, dân tộc Việt Nam hung hăng nhiều hay ít, nhưng có vẻ "tự
ái" lại có vẻ thuyết phục như là nguồn gốc quan trọng nhất, dẫn đến hung
hăng???
Chúng ta đều biết cụm từ "rợ hung nô" [5] đã từng được ám chỉ một số
dân tộc cũng như cụm từ "man di mọi rợ" để chỉ một vài dân tộc hung tợn
và có vẻ còn khá hoang dã trong cách ứng xử, nhưng thực tế xu hướng có
vẻ nghiêng về MIỆT THỊ và KHINH RẺ các dân tộc này hơn là nó vốn như
vậy?!.
Từ "man" và từ "rợ", có lẽ từ đó đã được đúc kết để chỉ tính chất...
"man rợ" mà ngày nay vẫn được dùng phổ biến để ám chỉ cá nhân hay những
nhóm người dù nắm quyền bính hay chỉ là những toán quân ô hợp dạng thổ
phỉ, khủng bố, đó đây trong thế giới hiện đại vẫn đầy với tên gọi: Bin
Laden, Gahdafi thậm chí là những hình ảnh ghê rợn của "cải cách ruộng
đất" hoặc "thuyền nhân", "đàn áp dân oan", "trù dập người bất đồng chính
kiến" v.v... Đặc biệt hình ảnh người Bắc Hàn đói đến nỗi phải ăn thịt
người thân mới đây, làm cả thế giới phải giật mình về tính thờ ơ của
chúng ta? Đó có phải như là sự vô trách nhiệm của các dân tộc khác đối
với dân tộc Bắc Hàn, mà dễ bị đổ vấy rằng, còn đó người anh em Nam Hàn
của họ, chưa làm được gì thì tại sao phải lôi thế giới vào cuộc? Một sự
ngụy biện để khỏa lấp cho những mối lợi riêng với phương châm có vẻ đã
lỗi thời trong thế giới phẳng ngày nay: không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác???!!!
Tổ chức HRW chưa từng có báo cáo nào giận dữ hơn báo cáo vừa qua [6]
về nhân quyền Việt Nam bằng cách chỉ đích danh Nhật Bản, như là quốc gia
cần có trách nhiệm hơn đối với giới cầm quyền Việt Nam ngày càng tỏ ra
quá hung hăng:
“Phải coi năm 2012 vừa qua như một hồi chuông thức tỉnh những
người, ví dụ như chính phủ Nhật Bản, vẫn làm ăn bình thường với chính
quyền Việt Nam trong lúc các công dân Việt Nam thường xuyên bị kết các
mức án tù nhiều năm chỉ vì đơn thuần bày tỏ ý kiến của mình,”...
Khi "Hung Hăng" (giới cầm quyền Việt Nam) đối đầu với "Hung Hăng Hơn"
(giới cầm quyền Trung Quốc), có lẽ nó nghiêng về đầu hàng nhiều hơn so
với đấu tranh đến cùng?
Ai, tổ chức nào đáng phải chịu trách nhiệm về hòa bình trong khu vực,
trong mọi trường hợp luôn đòi "lãnh đạo toàn diện" mọi vấn đề từ bé đến
lớn, từ ít quan trọng đến tối quan trọng ở Việt Nam và Trung Quốc hiện
nay? Hay dân Việt Nam, dân Trung Quốc lại tiếp tục mang tiếng là những
dân tộc hung hăng?
Nguyễn Ngọc Già
_______________
_______________
(phim "Chuột" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). Bộ phim xem được, dù còn
nhiều hạt sạn khó nuốt, nhưng "ngôn ngữ điện ảnh" khá với góc nhìn mới
hơn trong từng cảnh quay so với phim VN hiện nay. Mời quý độc giả xem bộ
phim này như một cách thư giãn trong ngày xuân. [*]
[3] Đinh Tấn Lực - Mối tương quan mất dạy (Dân Luận)
[5] Dân tộc ngoài Trung Nguyên cổ đại (Wikipedia tiếng Việt)