Tiến sĩ luật học Nguyễn Minh Tuấn
Bài viết làm rõ vấn đề Hiến pháp là của ai: Của Đảng hay của dân? thông qua việc tìm hiểu kinh nghiệm lập hiến của CHLB Đức.
Điều 2 Câu 2 Hiến pháp 1992 khẳng định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân […]”, hay nói cách khác nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nhưng ngay sau đó, tại Điều 4 lại qui định: “Đảng Cộng sản Việt Nam […] là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” Hai điều này liệu có mâu thuẫn không? Hiến pháp mà chúng ta đang xây dựng là “Hiến pháp của Đảng” theo nghĩa Đảng “lãnh đạo nhà nước và xã hội”, lãnh đạo “việc sửa đổi Hiến pháp” (Điều 4, Điều 84 Khoản 1) hay đó là “Hiến pháp của dân” theo nghĩa “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (theo Điều 2), trong đó quyền lập hiến cũng thuộc về nhân dân?
Ở Đức, các nhà lập hiến đã giải quyết khá triệt để vấn đề này. Điều 21 Luật cơ bản Đức qui định:
“Các đảng phái cùng góp phần hoạch định chính sách chính trị của
nhân dân […]. Tòa án Hiến pháp liên bang có thẩm quyền phán quyết về sự
vi hiến của Đảng. Các qui định khác có liên quan do Luật của liên bang
qui định.“
Điều 2 Khoản 1 Câu 1 Luật về các đảng phái chính trị ở Đức làm rõ hơn địa vị pháp lý của các đảng:
“Các đảng là các tổ chức của nhân dân, tồn tại trong một thời
gian dài, hoạt động ở liên bang hoặc tiểu bang, là các tổ chức cùng tham
gia hoạch định chính sách và theo đuổi mục đích là đại diện cho nhân
dân ở Hạ viện liên bang Đức hoặc Hạ viện của tiểu bang […].”
Trong định nghĩa về Đảng nêu trên ở Đức, có một cụm từ rất đắt giá đó là cụm từ “các tổ chức của nhân dân” (Vereinigungen von Bürgern). Cụm từ này hàm chứa ít nhất ba ý:
- Thứ nhất, các Đảng phái ra đời ở Đức là xuất phát từ nguyên
tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Họ quan niệm rằng: “Nếu
như tất cả quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân (Điều 20 Khoản 2 Câu
1 Luật cơ bản), thì phải tồn tại những thiết chế chính trị của nhân dân
để cùng góp phần hiện thực hóa những tiếng nói, nguyện vọng, lợi ích
của họ – những thiết chế đó chính là các Đảng phái chính trị.”[1]
Cho nên các Đảng ở Đức ra đời là để thực hiện chức năng liên kết giữa
nhà nước và xã hội (Điều 1 Luật các Đảng phái chính trị Đức), nhằm hiện
thực hóa lợi ích của toàn thể nhân dân.
- Thứ hai, một Đảng nào đó dù qui mô lớn đến đâu cũng không thể
đại diện cho sự đa dạng các ý kiến, lợi ích của toàn thể nhân dân, do
vậy họ dùng thuật ngữ “các tổ chức của nhân dân” cùng các điều kiện kèm
theo để làm rõ điều này. Đảng phái không phải là những cơ quan nhà nước,
không thuộc nhà nước, mà là những tổ chức dân sự, những tổ chức của
nhân dân.
- Thứ ba, thành viên của các Đảng phái chỉ có thể là “công dân”
(Bürger) Đức, không thể là các pháp nhân hay các tổ chức tương tự, và
cũng không bao gồm các Đảng phái, tổ chức của nước ngoài hay của liên
minh Châu Âu.
Như vậy, các Đảng phái ở Đức có hai chức năng chính là chức năng cùng
hoạch định các chính sách từ nhân dân và chức năng liên kết giữa nhà
nước và xã hội (Điều 1 Luật các Đảng phái ở Đức).
Điều 21 Luật cơ bản qui định „Các Đảng phái cùng góp phần hoạch định chính sách chính trị của nhân dân“.
Sẽ không thể tồn tại một chế độ độc tài trên nước Đức khi mà Luật cơ
bản Đức đã minh thị rằng: các Đảng phái ở Đức có chức năng là cùng hoạch
định chính sách chính trị của nhân dân (mitwirken). Ẩn sau qui định này
còn là việc thừa nhận địa vị bình đẳng và sự cạnh tranh (Wettbewerb)
một cách công bằng giữa các Đảng phái chính trị. Tòa án hiến pháp liên
bang giải thích rằng: "Không có cạnh tranh thì không có sự phát
triển. Cần phải thiết lập được sự đa dạng, sự cạnh tranh và tranh luận
tích cực giữa các chính sách. Chính sự đa dạng của những chính sách khác
nhau mới giúp hạn chế được việc một Đảng nào đó có được khả năng độc
tài, chuyên chế và chọn lựa được chính sách đúng đắn phù hợp nhất. Những
chính sách phù hợp sẽ làm gia tăng sự giàu có của đất nước, đồng thời
tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người." (BVerfGE 104, 14ff.).
Bên cạnh đó, Luật cơ bản Đức cũng đã lường tính, tạo lập một sân chơi
pháp lý bình đẳng để các Đảng phái có thể hoạt động hiệu quả bằng việc
thừa nhận quyền bình đẳng về cơ hội của các Đảng (Điều 3, 21, 38 Luật cơ
bản), đồng thời không một Đảng phái nào thoát khỏi sự kiểm soát từ bên
trong lẫn bên ngoài đó là các nhóm lợi ích khác, cơ chế tài chính, sức
mạnh báo chí và đặc biệt là khả năng có thể bị Tòa án hiến pháp liên
bang tuyên vi hiến và bị giải tán (Điều 21 Luật cơ bản).[2]
Chú thích: Hình vẽ thể hiện chức năng liên kết giữa nhà nước và xã hội của các Đảng phái ở Đức (Điều 1 Luật các đảng phái chính trị ở Đức)
Ở Việt Nam, thời gian gần đây việc góp ý cho bản dự thảo Hiến pháp
diễn ra rất sôi động. Cá nhân tôi cho rằng trước khi đi vào những vấn đề
sửa đổi cụ thể, thì Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cần tham khảo Hiến pháp
của các nước và tập trung trước hết vào giải quyết các vấn đề còn bỏ ngỏ
dưới đây:
- Thứ nhất, từ quan điểm thực chứng có thể thấy: con người vốn
dĩ không ai hoàn thiện, học thuyết, tư tưởng, thậm chí tổ chức của con
người cũng vậy. James Madison trong tập sách “Các bài viết chủ trương
chế độ liên bang 1787-1788”, đã nhận định: “Con người không phải là
những thiên thần. Nếu con người là những thiên thần, thì chính quyền
cũng chẳng cần thiết phải tồn tại làm gì.”[3] Vậy thì tại sao chỉ
có “chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” mới là “nền tảng tư
tưởng” (Điều 4 Hiến pháp)? Phải chăng chỉ có chủ nghĩa Mác – Lê nin và
tư tưởng Hồ Chí Minh là luôn đúng trong mọi thời đại, còn các tư tưởng
khác thì không? Nếu chủ nghĩa Mác – Lê nin là “luôn đúng”, là “chân lý”
như vậy, thì tại sao hiện nay ở gần như đa số tuyệt đối các nước trên
thế giới, trong đó có cả các nước nơi đã hình thành nên những tư tưởng
này, như ở Cộng hòa liên bang Đức hay Liên bang Nga hiện nay, họ lại
không coi đó là “nền tảng tư tưởng” qui định trong Hiến pháp giống như
chúng ta?
- Thứ hai, tổ chức của con người cũng không hoàn thiện, vậy
Đảng có phải là một tổ chức hoàn thiện nhất không? Nếu không, thì hiện
nay hơn ba triệu Đảng viên không do dân bầu ra, họ đang đại diện cho ai
và liệu họ có thể đại diện cho tiếng nói, lợi ích của hơn chín mươi
triệu đồng bào, trong đó có rất nhiều người không phải là Đảng viên hay
không? Ở các nước dân chủ, các Đảng theo đuổi mục đích đại diện cho lợi
ích đa dạng của nhân dân ở Nghị viện. Ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam sẽ
đại diện cho lợi ích của tổ chức Đảng, cho đảng viên hay “của nhân dân”,
khi mà thực tế Quốc hội hiện có đến 91,6% tổng số đại biểu là Đảng
viên[4], được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo” (Điều
4) và nguyên tắc “tập trung dân chủ” (Điều 6)? Hơn nữa, về mặt thuật
ngữ, từ Đảng chính trị (Tiếng Anh: political party/ Tiếng Đức:
politische Partei, Tiếng Pháp: parti politique) đều bắt nguồn từ gốc
tiếng la tinh là từ “pars”, có nghĩa là “bộ phận”. Nếu Đảng được hiểu
theo nghĩa gốc chỉ là “bộ phận”, vậy một Đảng mà thành viên không do dân
bầu, là “một bộ phận”, có thể đại diện cho “toàn thể nhân dân Việt Nam”
hay không?
- Thứ ba, nếu quan niệm Đảng cũng không phải là một tổ chức
hoàn thiện, vậy khi Đảng mắc sai lầm trong hoạch định chính sách, thì tổ
chức hiến định nào có vị trí pháp lý tương đương có thể đứng ra phản
biện lại hay góp ý cho Đảng? Khi Đảng vi phạm Hiến pháp thì hệ quả pháp
lý đối với chính tổ chức Đảng là gì?
Song song với việc giải quyết những câu hỏi kể trên, tôi nghĩ khi xây
dựng Hiến pháp, các nhà lập hiến không nên xa rời mà cần trở về đúng
với cội nguồn của Hiến pháp là bản “Hiến pháp của dân”. Các Hiến pháp
dân chủ đầu tiên trên thế giới ra đời đều là kết quả của các cuộc cách
mạng dân chủ như Cách mạng tư sản Anh, Mỹ, Pháp. Đây là những bản Hiến
pháp của dân, thể hiện được ước vọng của nhân dân, bảo vệ quyền con
người, chống lại sự độc tài, sự áp bức, bóc lột và nguy cơ lạm quyền của
nhà nước. Sở dĩ gọi những Hiến pháp đầu tiên này là Hiến pháp của dân
vì những bản Hiến pháp này chỉ qui định hành vi của nhà nước, xuất phát
từ mục đích giới hạn quyền lực của Nhà nước, tạo lập và bảo vệ xã hội
dân sự một cách hợp pháp, thúc đẩy tiến bộ xã hội, ngăn chặn hành vi lạm
quyền từ phía Nhà nước.
Ở Việt Nam, muốn xây dựng một bản Hiến pháp của dân, thì trước tiên
quyền lập hiến của nhân dân phải được tách ra khỏi quyền lập pháp của
Quốc hội.[5] Muốn vậy, tôi cho rằng trước tiên về mặt thủ tục cần phải
thành lập một Quốc hội lập hiến do dân bầu. Hiến pháp trước tiên phải do
Quốc hội lập hiến này thông qua. Sau khi đã được Quốc hội lập hiến
thông qua, bản Hiến pháp đó phải được đưa ra toàn dân phúc quyết. Quốc
hội lập hiến khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ tự giải tán, nhân dân sẽ bầu ra
một Quốc hội lập pháp (hay Nghị viện) mới. Quốc hội lập pháp này sẽ
không được quyền sửa Hiến pháp, mà chỉ thực hiện những nhiệm vụ, quyền
hạn mà Hiến pháp đã qui định. Mọi sự sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (nếu có)
đều phải được đưa ra toàn dân phúc quyết. Kiến nghị này không mới, cũng
không xa lạ với lịch sử của bản Hiến pháp 1946[6], vấn đề chỉ giản đơn
là: lúc đó ta chưa có điều kiện để làm, thì nay ta cần phải làm và làm
một cách nghiêm túc.
Tóm lại, Hiến pháp đích thực bao giờ cũng là một “khế ước xã hội”[7],
thể hiện “ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân.”[8] Những vấn
đề sửa đổi Hiến pháp của chúng ta hôm nay không chỉ liên quan đến chính
chúng ta, mà còn là sản phẩm tinh thần gửi gắm đến thế hệ tương lai –
con cháu của chúng ta mai sau. Hiến pháp sửa đổi lần này vì thế cần phải
mạnh dạn hội nhập với Hiến pháp của các nước trên thế giới, cần phải
trở lại những vấn đề căn bản nhất: Hiến pháp là “Hiến pháp của dân”,
Đảng chính trị là “tổ chức của nhân dân, cùng hoạch định các chính sách
của nhân dân và thực hiện chức năng liên kết giữa nhà nước và xã hội, vì
lợi ích của toàn thể nhân dân.”
_______________________
[1] Gröpl, Staatsrecht I, 4. Aufl., 2012, Rn. 391 f.
[2] Xem thêm: Gröpl, Staatsrecht I, 4. Aufl., 2012, Rn. 394 f.
[3] Hamilton/Madison/Jay, Die Federalist Papers – vollständige Ausgabe, 2007, S. 320.
[4] Xem thống kê công bố công khai tại trang chủ của Trung tâm bồi
dưỡng đại biểu dân cử, “8.4% đại biểu Quốc hội hiện tại, Quốc hội khóa
XIII là người ngoài Đảng”, tại địa chỉ: http://ttbd.gov.vn/Home/Default.aspx, truy cập gần nhất ngày 2/2/2012.
[5] Xem thêm: Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Quốc hội Việt Nam trong
Nhà nước pháp quyền (Chuyên khảo dành cho sau đại học), Nhà xuất bản Đại
học Quốc gia Hà nội, Hà nội, 2007, tr. 291–387.
[6] Thực tế bản Hiến pháp 1946 chưa từng được sửa theo cách thức mà
Điều 70 đề nghị, thì đã bị thay thế bởi các tuyên bố chính trị khác. Xem
thêm: Phạm Duy Nghĩa, Bản hiến pháp 60 năm trước và những món nợ lịch
sử, Tạp chí Tia Sáng, đăng ngày 2/2/2007; Nguyễn Sỹ Dũng, Học ở Hiến
pháp năm 1946, Tạp chí Tia sáng, đăng ngày 16/9/2011, truy cập tại địa
chỉ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4377;
Nguyễn Minh Tuấn, Hiến pháp 1946: thể hiện cơ chế phân công và kiểm
soát quyền lực, Tạp chí Tia sáng, đăng ngày 14/12/2011, truy cập tại địa
chỉ:
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4377.
[7] Nguyễn Sỹ Dũng, Khế ước xã hội, Tạp chí Tia sáng, đăng ngày 3/1/2013, truy cập tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6036.
[8] Nguyễn Sỹ Phương, Hiến pháp là nền tảng, còn nền tảng của Hiến
pháp?, Tạp chí Tia sáng, đăng ngày 23/1/2013, truy cập tại địa chỉ:
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6093.