Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Đêm giao thừa nghĩ về mẹ

Bây giờ đã là tháng hai, bão và tuyết lại đổ, cái rét quái “nàng Bân“ trùm lên cả thành phố. Leipzig như con tầu chở những vựa muối trắng đang bơi về phía bên kia của vệt nắng. Nhìn về trung tâm thành phố, những ngôi nhà mờ mờ cao vút, sừng sững giống những cột chống bầu trời như đang bị chùng xuống. Dòng sông Elster trắng đục trườn lên, mềm như nét vẽ, chẻ đôi thành phố. Có ai đó đã đục những chiếc lỗ tròn trên mặt nước đóng băng, để những cá con, cá mẹ phi lên mắc cạn, đập mình phành phạch.
Trời đã về đêm. Phố vắng người qua lại. Tuyết vẫn rơi, mỏng như những cánh hoa vừa bị vụt nát bay lả tả, làm cho ngọn đèn đường lúc mờ lúc tỏ. Những cánh tuyết bay mịn mỏng đang rây bột ấy, dắt hồn ta về với những ngày tết, ngày xuân nơi quê nhà. Nơi mà ba mươi năm trước cũng dưới những hạt mưa nhè nhẹ bay bay, dẫu không làm ướt áo, nhưng đủ thấm đẫm con tim, khi ta vội vã ra đi, chưa kịp nói lời từ biệt.

Không khí ngày xuân, ngày tết đã dừng lại trong tâm khảm tôi từ ba mươi năm trước, khi mẹ nhoài nghiêng người dưới chân đê như muốn níu lại, lúc tôi bước lên xe. Xe đã phi ra tới đầu Ô (Chợ Dừa) dường như tôi vẫn thấy thấp thoáng chiếc khăn mỏ quạ trên đầu của mẹ. Hình ảnh ấy là những con triện, con dấu như đóng, như in vào hồn tôi. Và đêm giao thừa nào hình như mẹ cũng về. Trong cái chập chờn ấy, tôi muốn được ôm chầm và rúc vào nách mẹ như chú gà chú vịt con. Nhưng chỉ thấy mẹ đứng mỉm cười, rồi tan trong sương trong khói. Tôi giật mình tỉnh giấc, miệng vẫn còn thét gọi mẹ. Tôi lao lên phòng thờ, thấy mẹ vẫn còn ngồi đó. Ngồi bệt xuống nền nhà, tôi bơ vơ và căn phòng trống trải. Hình như có chiếc khăn mỏ quạ vừa bay vút qua cửa sổ. Đúng! Mẹ đã về. Bây giờ sang với con ở bên Đức, mẹ đâu có cần phải Visa thị thực như ngày nào mẹ nhỉ?
Ngày đó, tôi cầm Visa thị thực về, nói mãi mẹ mới đi. Mẹ bảo, thương con, thương cháu phải đi, chứ mẹ chỉ thích quanh quẩn với cái hàng nước chè chén trên đê mà thôi.
Đôi chân già lỏng lẻo của mẹ, không thể đi tiếp thăm Disneyland Paris rộng lớn. Mẹ bảo, cho mẹ ra xe. Nhưng tôi muốn làm đôi chân của mẹ. Mẹ cười, đẩy vai tôi, rõ khỉ, người ta nhìn kìa. Tôi cứ xốc mẹ lên, cõng mẹ đi. Mấy người cứu thương, bảo vệ tưởng mẹ bị bệnh, chạy theo. Tôi mít đặc tiếng Pháp, định phang tiếng Đức pha chút tiếng Anh bồi, nhưng mẹ đã nói một tràng tiếng Pháp. Mấy ông Tây cười cười, hỏi và nắn nắn vào chân mẹ rồi bỏ đi. Tôi cũng không ngờ, mẹ nói và nghe tiếng Pháp giỏi đến như vậy, vì mẹ chẳng được học hành nhiều. Không hiểu thời Pháp thuộc, người ta đào tạo kiểu gì mà tài đến thế. Vậy là tôi đã một lần được làm đôi chân của mẹ, để hiểu tí ti thôi về cái nhọc nhằn, đau đớn của mẹ đã hình hài và cho tôi kiếp làm người. Giờ đây tóc bạc nửa mái đầu, mẹ cũng đã ra người thiên cổ, nếu cho một ước nguyện, tôi lại xin một lần được cõng mẹ, được làm đôi chân của mẹ đi trên con đường quen thuộc đê La Thành, Ô Chợ Dừa rồi trở về làng Trung Phụng, nơi nhà ta còn đó.
Thời Pháp, ông bà tôi làm ở sở dây thép. Ông tôi mất đúng vào ngày Nhật đảo chánh Pháp. Mấy ông cậu tôi mới mười bốn, mười lăm tuổi đã theo Việt Minh, hoạt động trong bóng tối bị bắt vẫn chưa được thả. Mẹ đành nghỉ học, đi làm kiếm tiền để thăm nuôi mấy em trong tù. Sau này các cậu tôi đều là những vụ trưởng, thứ trưởng nhưng ngày ngày vẫn thấy cặp lồng cơm cùng cái xe đạp cà tọc đến nơi làm việc. Còn mẹ tất bật với nải chuối, buồng cau, nơi chợ xanh vỉa hè.
Không hiểu mối lái như thế nào, mẹ lấy bố tôi lúc đó đang học trường thuốc ở Nam Định. Mẹ về làm dâu tận xứ Trực Ninh. Mang tiếng lấy chồng nhà giầu, nhưng mẹ nhọc nhằn cơ cực còn hơn người ở. Ngày chửa anh cả, bụng to vượt mặt, mẹ vẫn phải lội xuống ao vớt bèo, nấu cám. Lần đầu bị đỉa cắn vào chân, sợ đến ngất vậy mà mẹ vẫn tập cấy, tập cày, trong cái lạnh thấu da thấu thịt dưới sự đay nghiến của bà nội…
Rục rịch đội cải cách ruộng đất về làng, mẹ kịp dắt díu anh, chị lớn tôi trốn về Hà Nội nương tựa bên ngoại. Bố tôi mất khi còn rất trẻ, để lại cho mẹ sáu anh chị em chúng tôi lăn lóc như củ khoai củ sắn. Bị sốc, mẹ choáng váng thẫn thờ, điên dại. Nhưng chẳng nơi nào có thể chữa khỏi bệnh cho mẹ. Mấy tháng sau, đột nhiên mẹ trở lại bình thường. Mẹ ôm lấy chúng tôi và bảo, các con mới là những viên linh dược làm cho mẹ chợt tỉnh. Mẹ lại gồng mình với công việc. Sáng mẹ đi chợ mua, chiều mẹ về chợ bán. Mẹ như chiếc đèn cù chạy quanh thành phố. Từng mớ rau, bó cải ế thừa, những thùng nước gạo của các cô, các bác nhà bên, mẹ tha về chăm cho mấy con lợn, con gà. Gồng gánh trên vai mẹ dường như chỉ được nghỉ ngày mùng một tết. Sớm mùng hai, gánh hoa, bánh pháo, bóng bay lại theo mẹ ra Gò Đống Đa, Văn Miếu, công viên. Sáu cái miệng, đang tuổi ăn, tuổi mặc đã làm mẹ oằn cả hai vai. Năm 2001 về chịu tang mẹ, chiều buồn tôi thường tha thẩn ra Khâm Thiên, ngõ chợ, nhìn thấy các bà các cô gánh hàng, giật mình tưởng mẹ đi chợ về.
Năm mới, con nít đứa nào cũng thích quần áo đẹp, nhưng mẹ chẳng có tiền. Nên đêm giao thừa mẹ vội cắt, vội sửa cho mỗi đứa một cái áo hay cái quần mới từ những chiếc áo quần cũ của bố, ngày mất bố không thể mang đi, dưới ánh đèn tù mù. Đến sáng mùng một nhìn bàn tay mẹ lỗ chỗ những vết kim đâm. Cho đến bây giờ, cứ mỗi lần tôi định vứt đống quần áo cũ, hay những bộ quần áo còn mới, mua đã lâu, quên không mặc vào thùng rác, lại nhớ đến bàn tay rớm máu của mẹ. Nước mắt lại rưng rưng, tôi không dám giục bỏ nó.
Mới bảy, tám tuổi tôi được theo mẹ tiễn anh cả và chị lớn lần lượt ra chiến trường. Tôi ngơ ngác trong cái không khí hừng hực ấy, mẹ khóc không thành tiếng. Đôi chân dẻo dai hàng ngày của mẹ như quỵ xuống. Hàng tháng mẹ nhận được tiền đi B của anh chị tôi, mẹ cất kỹ lắm. Sau này sợ mất, mẹ làm hai cái sổ tiết kiệm. Mẹ bảo, đấy là tiền xương máu, sau anh chị về mẹ trả lại. Nếu như anh chị tôi không về, hết chiến tranh, mẹ sẽ dùng số tiền đó đưa anh chị về quê. Sau hiệp định Paris, chiến tranh dường như đã đến hồi kết, người và của lại đổ ra chiến trường nhiều hơn. Mặc dù anh cả, chị lớn bặt tin, nhưng anh giáp tôi lại lên đường. Hôm tiễn anh lên xe, mẹ rũ xuống, hai chân run cầm cập vịn chặt vào tôi mẹ khóc. Trên đường về mẹ bảo tôi, vậy là mẹ chỉ còn lại ba đứa, con là con trai cố gắng mà học, vào cấp ba mẹ bòn góp mua cho cái xe đạp.
Mẹ khủng hoảng tinh thần như ngày bố tôi mất, đúng lúc anh cả tôi từ chiến trường ra nhận xe và hàng. Nửa đêm anh về qua nhà. Mẹ phấn trấn khỏe hẳn ra rối rít như trẻ thơ. Anh tôi nhìn vào chạn bếp, rồi lẳng lặng ra xe khuân về cả thùng lương khô và thịt hộp. Mẹ bảo, đói chết cũng không được lấy, bắt anh mang trở lại xe. Anh cười cười, xe này vào đến trong đó chỉ còn xe không, dọc đường bộ đội, thanh niên xung phong làm đường đói xin, phân phát cũng hết thôi. Thế cũng không được, mẹ cương quyết. Anh đành vác trở lại xe, nhưng đã kịp dúi cho tôi mấy bịch, bảo giấu đi. Lúc anh lên xe, mẹ quay mặt khóc, anh thảy lại cho tôi cả ba lô quần áo giầy dép. Cũng may, sau này mấy anh chị tôi còn nguyên vẹn trở về với me.
Mấy năm sau tôi học lên cấp ba, mẹ mừng lắm. Đêm đó mẹ tần ngần, ngồi đếm đi đếm lại tiền. Sáng hôm sau mẹ bảo, bòn góp mãi chưa đủ tiền mua xe, định mượn thêm tiền đi B của các anh chị, mẹ sẽ trả lại sau. Nhưng sáng nay nghĩ lại, bệnh tật của mẹ không biết thế nào, không trả được cho anh chị thì tội lắm. Con chịu khó, sang năm thế nào mẹ cũng bòn đủ tiền mua. Nghe mẹ nói, tôi thằng bé mười bốn tuổi thấy một chút thoáng buồn. Ngước mắt nhìn, tôi giật mình thấy tóc mẹ bạc khá nhiều, bước đi đã liêu xiêu vấp váp. Gánh hàng của mẹ không còn đầy đặn như trước đây. Tôi nói với theo tiếng nhịp kẽo kẹt của chiếc đòn gánh trên vai mẹ, con đi bộ cũng được, mẹ đừng cố, sức đã yếu rồi…
Căn bệnh thấp khớp làm cho mẹ không thể đi xa, chỉ quanh quẩn bán mua ở những chợ cóc gần nhà. Lúc này anh chị em chúng tôi đã trưởng thành, muốn mẹ nghỉ ngơi. Nhưng mẹ bảo, không làm việc, không chịu được. Anh chị tôi buộc phải đổi nhà ra mặt phố để mẹ bán chè chén đỡ vất vả hơn.
Vâng! Mẹ của tôi là vậy, lam lũ khổ cực cả đời nên lúc nào cũng lo cũng nghĩ và sợ ngay cả lúc no đủ, lúc con cháu xum vầy. Mẹ chẳng muốn làm phiền ai, dù khó khăn hay bệnh tật, cứ lầm lũi, cần mẫn như con cò con vạc. Cả cuộc đời, chỉ thấy mẹ cho chứ chẳng thấy khi nào mẹ nhận. Lúc mẹ sắp về với cha, mọi người bảo, gọi điện cho thằng Trường về. Mẹ vẫn lắc đầu, con cái nó còn nhỏ, ở xa đi về tốn kém lắm, bảo với nó, mẹ chết sẽ phù hộ cho các con.
Vậy là tôi đã mồ côi, không còn mẹ để mà vấu víu, để có nơi đi về. Và nếu như có thế giới bên kia có đầu thai, chuyển kiếp mẹ ơi! Con vẫn là thằng Trường con của mẹ, Kiếp sau con tin rằng, mẹ sẽ không còn gian truân khổ cực như kiếp này. Ngày con vào cấp ba, chắc chắn mẹ đủ tiền, mua cho con một cái xe đạp mẹ nhỉ?
Leipzig – Tết Qúy Tỵ, tháng 2- 2013
Đỗ Trường

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"