Adam Bray
Diên Vỹ chuyển ngữ
Đầu tháng này Giáo sư Đại học Stanford Joel Brinkley đã tạo ra một
cơn phẫn nộ dữ dội với bài viết trên tờ Chicago Tribune với tựa đề: “Mặc dù ngày càng thịnh vượng, khẩu vị của người Việt vẫn kỳ dị”.
Trong đó căn bản là ông cho rằng người Việt là những kẻ hám ăn thịt, có
thể ăn bất kỳ thứ gì ngọ nguậy được; từ động vật hoang dã đến thú nuôi;
bóc lột trơ trọi đất nước, và vì thế, ông ta giải thích, người Việt có
vẻ hung hãn hơn những người láng giềng.
Toàn bài viết của ông đầy dẫy những quan sát, giả định và phân tích
thiếu chính xác. Nhiều người đọc cảm thấy bị tổn thương ghê gớm về bài
báo (nhiều người đặc biệt nhạy cảm đối với những nhận định về thịt chó)
và đã lên án Brinkley là một kẻ kỳ thị chủng tộc và thiếu chuyên nghiệp.
Tôi sẽ bỏ qua việc phân tích lời biện hộ cho bài báo cũng xúc phạm
không kém của ông ta, cũng như không đề cập đến bất kỳ lời phỉ báng nào.
Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra rằng ông Brinkley nên viết bài ra sao cho
đúng theo thực tế - mặc dù tôi tin chắc rằng dù sao nó cũng sẽ tạo ra
một cơn giận dữ đối với một số người Việt xa quê hoặc ở nước ngoài.
Brinkley bắt đầu bằng việc nhận định rằng các du khách sẽ không nhìn
thấy chó, chuột, chim hoặc sóc ở Việt Nam vì chúng đã bị ăn thịt cả.
Điều này dĩ nhiên là sai hoàn toàn. Đa số các khu vực thành thị ở Việt
Nam có vấn đề vệ sinh nghiêm trọng và chuột thực sự đang là một đại hoạ ở
một số nơi. Chó chắc chắn là một loài thú nuôi phổ biến. Tuy nhiên thực
sự là sóc và chim thì hiếm thấy hơn nhiều so với trước đây, vì lý do mà
ông ta đã dẫn (cũng như vì việc mua bán thú vật). Nhiều giống chim mà
tôi thường thấy 10 năm trước đây, ngay cả tại các khu vực thành thị,
trong vài năm qua đã hoàn toàn vắng bóng ở những nơi đây.
Brinkley đã đúng khi ông nói tiếp rằng Việt Nam, cũng như những nước
láng giềng, đang có một vấn nạn nghiêm trọng trong việc mua bán động vật
lớn, mặc dù tôi không đồng ý với ông về quan điểm rằng đa số hổ, voi,
gấu và tê giác đã bị bán sang Trung Quốc - chính bản thân người Việt
tiêu thụ những con thú này. Ông cũng đúng khi nói rằng người Việt đặc
biệt nhắm vào tê giác (để lấy sừng). Ông ta không nói điều này nhưng tôi
sẽ nói: rằng Việt Nam chính là kẻ chủ mưu trong cuộc chiến săn tê giác
trên thế giới. Việt Nam chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc săn bắn
sừng tê không chỉ ở châu Á mà cả châu Phi.
Brinkley nói rằng loài vượn ở Việt Nam gần như bị tuyệt chủng vì
chúng bị ăn thịt. Điều này đúng. Rõ ràng là chúng bị mua bán và ăn thịt
(hoặc dùng làm thuốc) bởi một nhóm người thiểu số (cũng có thể là đa số
vì còn quá ít vượn sót lại vì nạn mua bán và môi trường sinh sống bị tàn
phá). Ngay cả tại nơi tôi ở là Bình Thuận, có một số làng người dân tộc
thiểu số chuyên săn bắt những con vượn và khỉ còn sót lại trong tỉnh.
Brinkley nói tiếp rằng trong khi người Việt ăn hết những động vật
hoang dã của mình, những nước láng giềng lại để chúng được yên. Sự thật
về chuyện này thì hơi mập mờ. Việt Nam thật sự đã khai thác hầu hết động
vật hoang dã trên nước mình. Cambodia cũng thế - vì cơn khủng hoảng
trong thời gian Khmer Đỏ cầm quyền và nạn đói nghèo sau đó. Thái Lan,
Lào và Miến Điện cũng có vấn đề nghiêm trọng về việc mua bán thú hoang,
tuy nhiên rừng của họ (đặc biệt là Lào) thì thật sự là còn nguyên sinh
hơn Việt Nam rất nhiều. Trong trường hợp của Lào và Miến Điện thì điều
này đơn giản có thể chỉ vì mật độ dân số nhỏ hơn trên diện tích đất mà
thôi. Ở Thái Lan thì có thể là kết quả của việc phát triển kinh tế cao
hơn và việc quản lý động vật hoang dã của chính quyền có hiệu quả hơn.
Brinkley đúng khi nói rằng nền văn hoá của Việt Nam bắt nguồn từ
Trung Quốc, và những quốc gia láng giềng là từ Ấn Độ. Ông cũng đúng khi
nói rằng Việt Nam có một lịch sử bạo lực và hung hãn trong một thời gian
dài - Việt Nam đã trải qua 1000 năm không chỉ thỉnh thoảng đấu tranh
giành độc lập khỏi Trung Quốc mà còn liên tục tấn công Vương quốc Champa
ở phía nam cho đến khi nó bị huỷ diệt và cuối cùng bị người Việt chinh
phục. Tuy nhiên, việc Brinkley cho rằng việc Việt Nam hung hãn hơn những
nước láng giềng, vốn cũng có những cuộc chiến tranh của họ, hoặc là vì
nó liên quan đến lượng đạm quá cao trong ẩm thực của mình thì không gì
hơn là một tâm lý ăn chay phổ biến thiếu cơ sở và lố bịch. Thịt thì
thường xuyên có mặt trong nền ẩm thực của mọi quốc gia, bất kể những
quan điểm lãng mạn thiếu hiểu biết về lịch sử tôn giáo và văn hoá của
chúng.
Brinkley đã đúng khi nói rằng thịt chó là một món ăn phổ biến ở Việt
Nam và rằng những con chó hoang thường bị nhanh chóng bắt và bán cho các
tiệm ăn hoặc chợ. Tôi thấy việc này xảy ra hằng ngày. Tôi cũng thấy rất
nhiều chó bị chặt thịt trong những cửa hàng ở Hà Nội và chung quanh
Sapa trong những chuyến du lịch của mình. Thực tế là tại những ngôi làng
tôi đến thăm ở miền bắc Việt Nam, thịt chó được ăn thường xuyên hơn là
thịt bò - ngay cả phở thường cũng có thịt chó. Tuy thế, nhiều người Việt
vẫn nuôi chó và không ăn thịt chúng.
Cái sai của Brinkley đa phần là về vấn đề đổ đồng. Việt Nam thực sự
có vấn đề nghiêm trọng trong nạn mua bán thú hoang, nhưng đáng tiếc là
ông đã sử dụng những giai thoại và hoàn toàn nằm ngoài ngữ cảnh, và cũng
dùng chúng để đổ đồng lên toàn bộ cả nước. Là người từng sống gần một
thập niên ở Việt Nam, tôi có thể bảo đảm với bạn rằng trong khi có nhiều
“thú lạ” bị ăn thịt ở Việt Nam, đại đa số người dân thường là vẫn thích
ăn gà, vịt, bò, heo và hải sản... và thỉnh thoảng là ếch... cũng có thể
rắn... đôi khi một rổ ốc... hiếm khi ăn rùa... ở Mũi Né thì kỳ nhông
rất phổ biến... Ồ, và tằm và dế cũng ngon... nhím và chuột trúc đôi lúc
cũng nằm trong các món ăn của những khu làng mạc miền quê... và có lần
trên truyền hình quốc gia Anthony Bourdain đã ăn (bất hợp pháp) một con
cheo tại Đà Lạt... nhưng vâng, đại đa số người dân thường vẫn chỉ ăn gà,
vịt, bò, heo và hải sản.
Bỏ qua những tranh cãi khác, tôi muốn nói đúng sự thật về chuột vì
tôi là người từng thấy rất nhiều việc ăn thịt chuột ở Việt Nam cũng như
từng hơn một lần ăn thịt chuột tại nhà người Việt. Điều thật sự khác
biệt giữa một con “chuột đồng sạch” và “chuột thành phố dơ bẩn” là chúng
bị bắt ở trên đồng hay trong nhà hay trong ống cống. Không ai - tôi
nhắc lại không ai -- nuôi “chuột trại” ở Việt Nam. Bất chấp chúng bị bắt
ở đâu, chuột là loài gặm nhấm mang mầm bệnh, dù người ta ăn chúng vì sở
thích hay vì cần thiết. Và sẵn chủ đề này, trong khi bàn nhiều về chó
và chuột, tôi lấy làm ngạc nhiên khi chẳng ai nhắc đến chuyện người Việt
ăn mèo. Mặc dù không phổ biến (quán thịt chó rải rác khắp Phan Thiết
nơi tôi ở, và phổ biến trên khắp các vùng ở Việt Nam), ở các vùng quê
người ta cũng thỉnh thoảng ăn mèo. Trên thực tế ở vùng Cao Nguyên, có
nhiều người Kinh nhập cư từ Hà Nội thường đến ăn tại các quán bán thịt
mèo và chó. Ở Việt Nam thịt mèo được gọi là “thịt tiểu hổ” vì nghe có vẻ
hấp dẫn hơn “thịt mèo nhà”. Đương nhiên là không đúng khi nói rằng mọi
người Việt đều ăn chó, mèo hoặc chuột -- cũng như không đúng khi nói
rằng tất cả người Mỹ đều sống bằng bánh pizza hay hamburger. Nhưng một
điều tôi có thể nói chắc rằng với những người Việt nào ăn những con vật
trên, họ đếch thèm quan tâm rằng chúng ta nghĩ gì về chuyện ấy.