Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Điều 4 và các nghị quyết của đảng

Xích Tử


Biếm họa: Kỳ Văn Cục
Đảng thực hiện quyền lãnh đạo toàn xã hội theo Điều 4 Hiến pháp được copy từ Hiến pháp Liên Xô để paste vào Hiến pháp Việt Nam 1992 bằng nhiều công cụ, trong đó có việc sản xuất các nghị quyết và phổ biến, quán triệt các nghị quyết đến các phạm vi đối tượng khác nhau trong xã hội tùy vào tính chuyên đề của từng nghị quyết.

Công việc này đến nay đã thành chuyên nghiệp đến mức cấu trúc, bố cục, dung lượng, kiểu ngôn ngữ diễn đạt của nghị quyết, qui trình ra nghị quyết, các bước cấp phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đã được chuẩn hóa, có phân biệt một cách võ đoán và như kỳ bí, thiêng liêng với những văn bản khác của đảng như kết luận, chỉ thị của Bộ chính trị, Ban bí thư.
Thực ra, tính chuyên nghiệp và sản lượng ra nghị đã có từ thời trước đổi mới, đến nỗi trong những năm 80 của thế kỷ trước, đã có ít nhất hai giai thoại được lưu hành trong giới trí thức ở Hà Nội. Giai thoại thứ nhất kể về việc Việt Nam tham gia một cuộc đấu xảo quốc tế. Sau khai mạc, các nước thi nhau trưng bày các sản phẩm khoa học kỹ thuật hiện đại, tối tân; Việt Nam vẫn giấu bí mật bài dự thi của mình. Đến ngày bình giải, Việt Nam tung ra sản phẩm nghị quyết. Ban giám khảo do không hiểu được nội dung, giá trị của sản phẩm này, đã chấm cho Việt Nam giải nhất thế giới.
Giai thoại thứ hai cũng kể về một kỳ thi quốc tế, có chủ đề hẹp hơn; đó là thi về những khả năng (bằng phương tiện hoặc kỹ năng) làm người ta sợ. Trong khi các nước thi nhau khoe vũ khí hạt nhân hoặc các dụng cụ tra tấn, các thiết bị tạo ra những âm thanh quái lạ v.v.. thì Việt Nam tham gia bài thi về học nghị quyết của đảng và áp dụng ngay cho Ban giám khảo. Sau 3 ngày liên tục được học nghị quyết, Ban giám khảo đánh giá bài thi của Việt Nam giải nhất thế giới.
Cứ vậy, cứ 5 năm, toàn đảng, thông qua đại hội toàn quốc lại cho ra nghị quyết nhiệm kỳ cùng với các loại tài liệu học tập; hàng năm 2 kỳ Ban chấp hành trung ương lại cho ra trên dưới một chục các nghị quyết trung ương. Cấp tỉnh cũng có nghị quyết nhiệm kỳ 5 năm và nghị quyết chuyên đề hàng năm; cấp huyện ủy, xã ủy cũng ra nghị quyết theo các kỳ đại hội.
Việc xây dựng các văn bản nghị quyết đó, theo các thủ tục và đòi hỏi những đầu tư cho quá trình xây dựng, hết sức tốn kém. Trước hết phải thành lập các tổ chức dự thảo, biên tập. Hoạt động của các tổ chức này cùng với việc lấy ý kiến, hội thảo, họp... được tiến hành trong khuôn khổ như của các đề án, dự án, nghĩa là phải chi tiền thù lao cho con người và các chi phí công vụ khác. Trong đại hội đại biểu toàn đảng lần X, nghe nói chỉ tính đến hoàn chỉnh bản cuối cùng dự thảo nghị quyết, đã tốn đến 27 tỷ đồng với giá trị lúc đó. Một nhà văn cách mạng ở Sài Gòn xót tiền nên nói ngoa rằng chỉ cần 3 đêm ông có thể soạn thảo văn bản có chất lượng tốt hơn thế. Mà cũng đúng thế thật, toàn bộ các cuộc làm việc tập thể, từ các nhóm dự thảo biên tập, đến hội thảo, rồi trình các cơ quan trung ương đảng, xin ý kiến Bộ chính trị (hoặc Ban thường vụ ở cấp dưới), cũng chỉ là nhằm tạo ra những văn bản sáo mòn, lặp đi lặp lại, với việc sửa chữa một số từ ngữ, sắp xếp trật tự từ ngữ, góp ý về số trang, cách đánh số mục, các tiêu đề, bố cục...
Nhưng có lẽ tốn kém nhất về thời gian, công sức, tiền bạc, trí tuệ, sức chịu đựng của thần kinh là giai đoạn sau khi ra nghị quyết; đó là giai đoạn phổ biến, học tập, quán triệt – một từ đặc thù của Việt Nam.
Giai đoạn đó diễn ra bằng việc các cấp dưới của cấp ra nghị quyết phải cử hàng chục cán bộ lên cấp trên tiếp thu nghị quyết, thời gian kéo dài từ 1 đến 3 ngày từ cấp xã đến trung ương. Cứ tính 63 tỉnh thành lên trung ương, trên 1000 huyện lên tỉnh (cho cả nghị quyết trung ương vả của tỉnh theo nhiệm kỳ 5 năm và hàng năm), 10.000 xã lên huyện (cho nghị quyết của 3 cấp trên cũng 5 năm và hàng năm) thì không biết bao nhiêu lượt người, lượt ngày, xe pháo, máy bay, ăn ở, nhậu nhẹt được tiêu tốn. Những chi phí này cộng với tiền in ấn tài liệu, trả công báo cáo viên (kể cả báo cáo viên từ cấp trên được mời xuống cấp dưới), cước phí bưu chính, viễn thông, thuê hội trường, điện nước, giải khát cho người nghe... thì cơ man không thể nào tính được.
Đối với một số nghị quyết đặc biệt, sau khi quán triệt còn phải triển khai thực hiện. Chẳng hạn nghị quyết trung ương 4 vừa qua, việc triển khai thực hiện được thể hiện qua các cuộc họp kiểm điểm. Tính bình quân các cấp, mỗi đảng viên phải họp khoảng 2 ngày, nhân lên với 3,4 triệu đảng viên thì sẽ được (bị) một con số thời gian khủng khiếp của đất nước bị ngốn vào đó, cùng với giấy tờ, mực in, hao mòn máy tính, máy photocopy, rồi nhậu nhẹt sau mỗi cuộc/đợt họp.
Về hiệu quả thì suốt mấy chục năm ai cũng thấy: người nói thì thao thao bất tuyệt, đôi khi chẳng hiểu mình nói gì và không chắc đã tin vào điều mình nói; người nghe thì nói chuyện riêng, đọc báo, ngủ gà ngủ gật. Đó là thực tế tại các lớp quán triệt. Còn bằng phép ngoại suy thì chỉ cần so sánh với các nước đã và đang phát triển khác; họ có điều 4, có đảng lãnh đạo toàn diện và có nghị quyết đâu mà vẫn cứ phát triển. Riêng với nghị quyết trung ương 4 vừa rồi, kéo dài hơn nửa năm, tốn đến cả nghìn tỉ đồng, cuối cùng có tìm ra được cái bộ phận không nhỏ kia đâu, ngoài một đồng chí X. Chỉ có một hậu quả nhãn tiền là việc ra nghị quyết, quán triệt nghị quyết liên tục đã làm cho đảng viên công viên chức ngao ngán, căng thẳng, sợ hãi, bạc nhược dần đi. Đó là điều đảng muốn tạo ra cho dân tộc này đề phải công nhận họ. Còn sự tiêu tốn thì không cần kể đến qua hoạt động ấy cùng với khối ngân sách khổng lồ rót hàng năm cho đảng và khoản đảng phí thu, chia cho các cấp như một kiểu bán hàng đa cấp.
Đảng, trực tiếp là những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo đều biết điều đó, muốn điều đó và không thoát ra được điều đó. Nhiều lãnh đạo ngày xưa là bạn của người viết bài này đã qua một thời phản đối cái nạn này; song khi họ đã bắt đầu leo lên từng nấc chức sắc trong đảng, họ bị cuốn vào guồng máy ấy, có thể quen dần, hoặc phải tự dối mình, dối mọi người như kiểu đi xem thơ Quỳnh và bất lực. Mấy chục năm cái âm binh đó nhập vào bánh xe lịch sử của đất nước, của dân tộc, không thể gỡ ra được nữa, như một sự lỡ làng. Văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam không thể tạo ra một phù thủy cao tay ấn như M. Gorbachov của Liên Xô. Thôi đành chịu mạt đời. Mạt như những đưa trẻ thiếu cơm từng bữa, những đứa trẻ bắt chuột ăn để bù thiếu thịt, những người ăn xin, bán vé số dạo, những lao động và cô dâu xuất khẩu. Còn đảng thì cứ nghiễm nhiên tiêu tiền và cho mình luôn là người có công, có ơn và kiên quyết không thả con mồi nhân dân ra được.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"