Nguyễn Tiến Dũng
Ngoài tính chất Đảng trị được chỉ ra phía trên, hiến pháp Việt Nam 1992 và dự thảo 01/2013 có một tính chất rất nổi bật nữa so với các hiến pháp khác, đó là sự ôm đồm quyền lực: Đảng không những nắm chính quyền, mà còn muốn kiểm soát chặt chẽ tất tật mọi thứ trong xã hội: kinh tế, chính trị, thông tin, văn hóa, tư tưởng, giáo dục, v.v.
Về mặt chính trị, Đảng lập ra Mặt trận Tổ quốc, trên danh nghĩa là độc lập với Đảng, nhưng trên thực tế là một cánh tay của Đảng để kiểm soát các hoạt động chính trị – xã hội ở Việt Nam. Điều 9.1 của dự thảo hiến pháp có viết “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, các tố chức chính trị xã hội, …” Tuy về mặt hình thức, việc tham gia Mặt trận Tổ quốc là “tự nguyện”, nhưng vì nó là liên minh duy nhất tồn tại theo hiến pháp, nên không có tổ chức nào có lựa chọn nào khác là phải tham gia nó, và có nghĩa là chấp nhận sự chỉ đạo hay kiểm soát của ĐCS, thậm chí làm “chi nhánh” cho ĐCS. Trước đây, Việt Nam có thêm các Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ tồn tại song song với ĐCS, về mặt hình thức là các đảng độc lập tham gia MTTQ, trên thực tế là các chi nhánh của ĐCS, rồi ĐCS cũng đóng cửa các đảng đó khi thấy chúng không còn cần thiết.
Câu “Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” trong Điều 9.2 là một câu hoàn toàn tối nghĩa. “Chính quyền nhân dân” ở đây là cái gì?! Cơ chế nào cho phép nhân dân nắm cái “chính quyền nhân dân đó” qua MTTQ? Những điều này không hề được giải thích trong hiến pháp, và cũng không có trong thực tế. Lựa chọn duy nhất đối với nhân dân mà ĐCS cho phép là đi theo “chính quyền nhân dân” mà ĐCS lập ra, với những người nắm quyền ở đó do ĐCS lựa chọn. Nhân dân, khi không đồng ý với các chính sách và hành động của ĐCS, cũng không có quyền lựa chọn những người đại diện cho mình mà nằm ở tổ chức chính trị nào đó có đường lối khác với ĐCS, đơn giản là vì không có tổ chức nào như vậy được phép tồn tại. Nếu ĐCS thực sự muốn cho nhân dân có lựa chọn trong việc tìm đại diện chính trị cho họ, thì phải cho phép các tổ chức xã hội tồn tại độc lập không chịu sự kiểm soát của ĐCS về mặt chính trị. Hay theo cách nói của nhiều người khác, cần cho phép một xã hội dân sự có cơ hội phát triển.
Về mặt tư tưởng, dự thảo hiến pháp không có điều khoản cụ thể về tự do tư tưởng (freedom of thought). Có những hiến pháp, vi dụ như của Canada, có ghi rõ tự do tư tưởng là một trong các quyền con người cơ bản. Cũng có những hiến pháp không ghi rõ điều đó, nhưng ghi những tự do cơ bản khác, đặc biệt là về tự do quan điểm và ngôn luận (freedom of opinion and expression), về bản chất cũng đảm bảo tự do tư tưởng. Tuy dự thảo hiến pháp 01/2013 cũng có nhắc đến tự do ngôn luận, nhưng không coi nó là quyền tự do cơ bản vô điều kiện, mà coi nó là một thứ “tự do trong khuôn khổ”, kèm những điều kiện lớn đằng sau. Một người ở Việt Nam, nếu bày tỏ quan điểm không đồng ý với hành động nào đó của quan chức chính quyền, hoàn toàn có thể bị kết những tội như “truyền bá tư tưởng phản động, nói xấu chế độ” và bị tống vào tù, như đã xảy ra với luật sư Cù Huy Hà Vũ. Dự thảo hiến pháp 01/2013 có điều khoản sau về tội đó:
Điều 64.4 Nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, truyền bá tư tưởng , xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín, dị đoan.
“Tư tưởng phản động” là một khái niệm rất đáng sợ, vì nó rất mơ hồ, không rõ ràng, ai có ý kiến phản đối chính quyền cũng có thể bị qui kết thành “phản động”. Nhưng nếu nhân dân chỉ được phép hoan hô chứ không được phép la ó, thì làm sao có thể kiểm soát được chính quyền, ngăn chặn được các hành động đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước của các quan chức chính quyền? Ở các hiến pháp tiến bộ, không có khái niệm “tư tưởng phản động”, vì khái niệm đó mâu thuẫn về mặt logic với quyền “tự do tư tưởng” là quyền cơ bản của con người. Kể cả các nhân vật bị cả chính quyền và phần lớn nhân dân ghét (ví dụ như ông Jean-Marie Le Pen, cựu đảng trưởng của đảng cực hữu ở Pháp) cũng được luật pháp bảo vệ, phát biểu bất cứ quan điểm nào ông ấy muốn, dù nghe có “chối tai” đến mấy, dù ông ta cứ mở miệng ra là chửi chính quyền đến mấy. Bởi vì trong một xã hội dân chủ thực sự, người ta có quyền được nói chống lại chính phủ, có quyền “nói sai”. Khi người ta nói sai thì đa phần nhân dân có lý trí sẽ không đi theo, chính quyền đàng hoàng thì việc gì phải sợ. Còn nếu đa phần nhân dân đi theo, thì theo nguyên tắc dân chủ, cái “sai” đó mới đúng thực là ý nguyện của dân. Khi bịt miệng mọi người nói trái ý mình, thì vấn đề không còn là ai sai ai đúng nữa, mà là “Đảng làm gì cũng đúng”, nằm ngoài vòng kiểm soát của nhân dân.
Ngoài cơ chế để đàn áp những người trái chính kiến, và bộ máy tuyên truyền và kiểm duyệt thông tin hùng hậu (riêng Thành Ủy Hà Nội đã nuôi hàng trăm “bình luận viên” internet, theo lời của một quan chức), ĐCS còn có bộ máy kiểm soát tư tưởng nhân dân ngay từ lúc còn nhỏ cho đến lúc lớn, qua các tổ chức Đoàn, Đội do Đảng chỉ đạo, và các bài học chính trị bắt buộc trong nhà trường. Học sinh sinh viên được học rất nhiều về vai trò của Đảng, của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ngoài việc hiểu “Đảng làm gì cũng đúng, theo thì lên quan, không theo thì ăn cám”, khó ai hiểu được CNXH thực sự là gì, có giống trong sách không? Em bé osin 14 tuổi có phải là XHCN không? Biếu quà cô giáo để được điểm tốt có phải là XHCN không? Chú công an “làm luật” ngoài đường có phải là XHCN không? Bí thư huyện gia tài hàng triệu đô la có phải là XHCN không? Vân vân và vân vân.
Từ “lợi dụng” trong Điều 64.4 cũng là một từ đáng sợ, vì bản thân khái niệm “lợi dụng” đó có thể bị … lợi dụng để kết tội những người dám sử dụng quyền tự do của mình trái ý chính quyền. Một số điều khác trong dự thảo 01/2013 cũng có từ “lợi dụng” đáng sợ tương tự như điều 64.4:
Điều 16.2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia …
Điều 25.3. Không ai được … lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Tất nhiên, “lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật” thì cũng là vi phạm pháp luật như là “lợi dụng” bất cứ cái gì khác để vi phạm pháp luật: lợi dụng vị trí, lợi dụng chân tay, lợi dụng gia đình, lợi dụng cái đầu, lợi dụng tiền bạc, lợi dụng sắc đẹp, v.v. Làm sao có thể kể hết được các “lợi dụng” đó, mà hiến pháp chỉ có thể nói là “vi phạm pháp luật thì bị trị tội”. Điều khoản “lợi dụng tín ngưỡng” bản thân nó rất dễ bị lợi dụng làm công cụ để hạn chế tự do tín ngưỡng. Và chiểu theo Đều 16.2, thì việc chỉ trích chính phủ cũng hoàn toàn có thể bị buộc vào tội “lợi dụng quyền con người để xâm phạm lợi ích quốc gia”.
Việc kiểm soát tư tưởng của nhân dân còn được thực hiện bởi bộ máy an minh ngầm hùng hậu có mặt ở khắp mọi nơi theo mô hình KGB của Liên Xô cũ. Tuy hiến pháp không nhắc tới lực lượng “KGB Việt Nam” này, nhưng những điều khoản như 64.4 hay 16.2 tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của nó, mà mục đích chính không phải là bảo vệ, mà là kiểm soát chặt chẽ hành vi của nhân dân, gò ép nhân dân làm theo ý mình. Một chính quyền soi mói gò ép nhân dân như vậy được gọi là một chính quyền cảnh sát (police state), và tất nhiên sự soi mói đó gò ép đó trái với các nguyên lý tự do của một hiến pháp tiến bộ. Theo nghĩa nào đó, sự kiểm soát tư tưởng này rất hiệu quả, bởi nó tạo trong nhân dân thói quen tự kiểm duyệt, không dám phát biểu những điều “nhạy cảm”. Nhiều câu chuyện tiếu lâm thời Liên Xô vẫn còn đúng với Việt Nam ngày nay: “Một người Mỹ và một người Việt cãi nhau. Người Mỹ nói: nước tao có tự do ngôn luận. Người Việt: nước tao có tự do ngôn luận còn hơn chúng mày. Người Mỹ: một người Mỹ có thể đứng trước Nhà Trắng mà nói tổng thống Mỹ là ngu xuẩn hại dân mà không sao cả. Người Việt: một người Việt cũng có thể đứng ở Quảng trường Ba Đình mà nói một tổng thống Mỹ là ngu xuẩn hại dân mà không sao cả. Người Mỹ: ở nước tao còn có tự do sau khi ngôn luận …”.
Những cụm từ như “lối sống tốt đẹp”, “mê tín”, “dị đoan” , v.v. trong Điều 64.4 của dự thảo hiến pháp cũng đều là những cụm từ không rõ nghĩa. “Nghiêm cấm” một điều mơ hồ, không có nghĩa rõ ràng, thì hoặc là bất khả thi, hoặc là luật trở nên nguy hiểm vì có thể bị áp dụng một cách hoàn toàn tùy tiện. Một ví dụ điển hình về sự tùy tiện đó là “chiến dịch cắt quần loe” ở Việt Nam cách đây đã khá lâu: các lãnh đạo tự cho mình trách nhiệm cấm nhân dân không được mặc quần loe (là một thứ mốt thời đó) vì như thế theo họ là “không hợp đạo đức XHCN”, “quần loe thì óc cũng loe”.
Bản thân người viết bài này cũng không thích các trò “mê tín”, ví dụ như là đút tiền vào kẽ ngón tay của các tượng trong chùa để “hối lộ thần thánh”. Tuy nhiên, nếu nhà chùa không thích chuyện mê tín đó thì là việc nhà chùa tự giải quyết, không phải việc của hiến pháp. Luật cấm mê tín mâu thuẫn về mặt logic với luật tự do tín ngưỡng. (Nếu vì mê tín, mà người ta đi làm các hành động như phá hoại giết chóc, thì đấy là chuyện khác: khi đó người ta có tội, nhưng không phải là “tội mê tín”, mà là tội phá hoại giết chóc. Còn nếu mê tín mà không làm ảnh hưởng đến ai, thì đấy là quyền tự do của người ta). Có một điều thú vị là, tuy hiến pháp có ghi cấm mê tín, nhưng có những phát biểu và hành động của những ủy viên bộ chính trị ĐCS theo xu hướng rất mê tín (nào là Hà Nội có thế thiêng rồng bay hổ nằm gì đó, nào là lấy ấn cho được vận may, v.v.) mà chẳng ai thấy làm sao. Đây là một ví dụ về sự thiếu logic và tính pháp trị của hiến pháp.