Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Điều 4: đi theo đảng


Khi đám đầy tớ tung ra trò chơi Hiến pháp 2013 và cho phép ông bà chủ nhân dân chơi ké, đầy tớ Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc Hội Việt Nam đã tuyên bố trò này "không có vùng cấm". Nếu dựa vào cái bánh vẽ ăn vô chết liền tên là Nhân dân làm chủ thì tuyên bố của ông Lý có thể dịch theo nghĩa đen như sau: đầy tớ cho phép chủ nhân được góp ý thoải mái, không có vùng nào đầy tớ cấm ông bà chủ cả. Tuy nhiên, có một vùng mang số 4 đụng vào là sẽ có kẻ chụp ngay cái mũ thế lực thù địch. Kẻ chụp mũ mới nhất cũng lại là một anh bồi bằng cấp rổn rảng: PGS, TS Nguyễn Viết Thông - Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.
Mở đầu bài viết với nhan đề "Tính hợp lý của Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)" ngài Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương mặc ngay vào người bộ đồng phục côn an cầm còng số 8 ra "lý luận" ngay tức thì: "Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn kích động đòi chúng ta bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta."

Không cần đọc hết bài viết, chỉ dừng lại câu mở đầu đã thấy toàn là hình ảnh lao tù mở sẵn cho cái gọi là trò chơi không vùng cấm, đã thấy ngay tư duy của những kẻ lùn trí tuệ nhưng đứng cao hơn thiên hạ nhờ có súng. Đảng cộng sản cầm quyền, với hơn 3 triệu đảng viên, một lực lượng lý luận có đào tạo, có ăn lương, mang trong mình một đống bằng cấp PGS, TS tại sao không dám tiến vào một sân chơi sòng phẳng để lý luận, phản biện mà không cần phải chụp mũ, hăm doạ phủ đầu bất cứ ai!?.
Nếu ngài PGS TS có đủ bản lãnh của một Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TRUNG ƯƠNG thì hãy chứng minh "tính hợp lý" của Điều 4 trong HP của các đảng các ông thay vì mở đầu bằng giọng điệu còng số 8.
Để xem ngài lý luận tiếp ra sao. Ngài TTK Lý luận trung ương chạy theo 4 bước để chứng minh tính hợp lý của Điều 4:
1: Quy định về đảng chính trị trong hiến pháp mang tính phổ biến.
2. Chế độ một đảng hay nhiều đảng do thực tiễn của mỗi nước, từng giai đoạn.
3. Vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đã được khẳng định trong thực tiễn cách mạng.
4. Dự thảo sửa đổi HP 1992 đã sửa đổi, bổ sung các quy định đúng đắn, hợp lý về Đảng.
Đây là bài bản quen thuộc của các đồng chí ta, lớn nhỏ, già trẻ, trai gái đều nói giống nhau: thế giới họ cũng thế... nhưng nước ta có đặc thù riêng nên nước ta nó khác... nó khác nhưng đã được khẳng định bởi thực tiễn nước ta... và vì thế nó cực kỳ hợp lý.
Áp dụng bài bản này vào vấn đề Nhân Quyền, Tự do Dân chủ... cỡ nào cũng vừa.
Xin được trích dẫn vài lý luận chủ yếu của ngài PGS, TS:
Về một đảng duy nhất ngài PGS, TS nói: "Nhưng nhiều nước khác lại chỉ có một đảng chính trị, như: Cu-ba, Lào, Triều Tiên, Ăng-ti-goa, A-rập Xê-út, Ba-ren, Bê-li-xê, Bô-xni-a, Bốt-xoa-na, Bê-nanh, Phi-gi, Găm-bi-a, Ê-ri-tơ-ri-a, Gha-na, Ghi-nê, Ha-i-ti, Cốt Đi-voa, Li-bi, Cư-rơ-gư-xtan, Ma-đa-ga-ca, Mô-na-cô, Tát-gi-ki-xtan, v.v..."
Đó, danh sách các quốc gia độc đảng (không biết có chính xác không) nhưng cứ cho là đúng. Hãnh diện chưa!!! CHXHCNVN và đảng ta sánh vai toàn là với dân chơi thứ thiệt của thế giới.
Cho lý do đảng CSVN một mình một chợ, ngài Tổng thư ký phán: "Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, không tranh giành quyền lãnh đạo với ai. Trong hơn 80 năm qua, ở Việt Nam cũng có thời kỳ đa đảng. Năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản còn có sự tồn tại của hai đảng đối lập (Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội); khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo. Có thời kỳ ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, còn tồn tại Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam. Cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó hai đảng này đã tuyên bố tự giải tán và chỉ còn Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sản phẩm tự nhiên, mang tính khách quan của lịch sử đất nước."
Đảng ta ra đời, không tranh giành quyền lãnh đạo với ai. Vậy chứ lập đảng làm gì, đảng tồn tại làm gì nếu không tranh cử vào chính quyền? Vậy sao có cái gọi là cướp chính quyền vào mùa Thu năm ấy? Vậy sao giờ ngồi đây gân cổ lên đảng phải lãnh đạo là điều hợp lý. Chân lý "không tranh giành quyền lãnh đạo với ai" đã được đảng biến thành hiện thực bằng cách sẽ không có AI để mà phải tranh dành.
Việc ông viết về "2 đảng cuốn gói chạy theo..." là một hành động bôi nhọ khốn nạn đối với Việt Nam Quốc Dân đảng của anh hùng Nguyễn Thái Học. Đó là chưa nói đến việc ông Hồ Chí Minh và bè đảng của ông đã bán đứng, thủ tiêu rất nhiều đảng viên Việt Cách và Việt Quốc. Bên cạnh đó ai cũng biết rằng 2 cái đảng thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng CS và tự giải tán cũng là con đẻ mà đảng CS dàn dựng lên. Cái điều mà ông gọi "Vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sản phẩm tự nhiên, mang tính khách quan của lịch sử đất nước" là kết quả của biết bao nhiêu tang thương và lừa đảo bởi các "bậc tiền bối", "lão thành cách mạng" của đảng ông. Nhưng ông Nguyễn Viết Thông nói đúng: nó đúng là một sản phẩm rất TỰ NHIÊN không có gì phải xấu hổ với BẢN CHẤT của những con người cộng sản.
Nhưng độc quyền lãnh đạo một cách TỰ NHIÊN cũng chưa đủ, nó còn phải độc quyền trong sự yêu thương che chở, trìu mến mà đầy tớ GS, TS Nguyễn Viết Thông gắn vào con tim khô cằn sỏi đá của 87 triệu người Việt dành cho 3 triệu đảng viên cộng sản:
"Nhân dân Việt Nam đã thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân che chở, xây dựng. Nhân dân Việt Nam trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là "Đảng ta".
Nếu thế thì cần gì phải tốn giấy mực để thảo luận, góp ý hiến pháp. Dừng lại ở đây được rồi - nói năng thêm cũng bằng thừa: Một đảng được dân thương yêu trìu mến như vậy thì lo gì có điều 4 hay không có điều 4!?
Nếu bạn nào muốn đọc trọn lời kinh tụng độc quyền của ngài lý luận cao cấp trung ương thì xin bấm vào đây: "Tính hợp lý của Ðiều 4 trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)"
Dân Làm Báo
danlambaovn.blogspot.com

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"