Nguyễn Văn Thạnh
Có một cái mốt hiện nay là các nước hay mang bản hiến pháp ra
sửa hay làm mới mỗi khi có sự thay đổi chính trị hoặc giới cầm quyền
thấy tình thế buộc phải thay đổi, không thể như trước. Từ các nước biến
động như Libi, Ai Cập,… hoặc bình yên như Việt Nam.
Ở Việt Nam, kể từ năm 1946 bản hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, nước Việt Nam (miền Bắc từ 1946 đến 1975, cả
hai miền Nam – Bắc sau 1975), đã công bố và đưa vào thực thi 4 bản hiến
pháp. Đó là những bản hiến pháp ra đời vào các ngày: 09/11/1946;
31/12/1959; 18/12/1980; 15/04/1992. Hiến pháp có nhiều nhưng không vì
thế mà Việt Nam thành nước dân chủ và giàu mạnh. Vì sao vậy?
1. Hiến pháp đẹp chưa chắc có dân chủ:
Có một bài học cho chúng ta suy ngẫm: sau thất bại Thế chiến lần thứ
nhất, nước Đức chuyên chế trở thành nước Đức dân chủ, với bản hiến pháp
“đẹp như mơ” - Hiến pháp Weimar - tuy nhiên bản hiến pháp đó cũng không
ngăn cản được sự bước lên nắm quyền của trùm chuyên chế phát xít
Hitler, sau khi y khôn ngoan quốc hữu hóa, kiểm soát tất cả nền kinh tế
nước Đức. Trong khi đó một đất nước là cái nôi của nền dân chủ - nước
Anh - lại không có một bản hiến pháp thành văn như các quốc gia ta
thường thấy. Nước Anh chuyển biến dần sang nền dân chủ với Đại hiến
chương Magna Carta được ban hành năm 1215, nội dung của bản hiến chương
này là hạn chế quyền lực của nhà vua, đồng thời thừa nhận một số quyền
tự do của con người, trong đó quan trọng nhất là quyền tư hữu ruộng đất
của chủ đất. Hàng loạt nước có hiến pháp tốt như Nga, Venezuela,
Pakistan,…. cũng không có nền dân chủ mạnh, xã hội cũng không thịnh
vượng. Nguyên nhân là kinh tế nhà nước chiếm phần lớn ở đây. Với quyền
lực chính trị được hiến định, nếu để nhà nước nắm kinh tế thì nhà nước
trở thành siêu quyền lực và bản hiến hiến pháp trở thành vô dụng là điều
dễ hiểu.
2. Quyền lợi là cái gốc của vấn đề:
Hiến pháp được xem như luật mẹ, là bản khuế ước giữa những người công
dân với người nắm quyền để cùng nhau xây dựng nên nhà nước. Trong cuộc
sống, không chỉ có giữa người dân với người nắm quyền có thỏa thuận, có
ký kết thành văn bản. Chúng ta thấy rất nhiều mối quan hệ cũng cần có
sự thỏa thuận và ký kết thành văn bản: giữa nhà nước với nhà nước với
các hiệp định; giữa công ty với công ty với hợp đồng,…. Các hợp đồng,
các giao kèo giúp cho các điều khoản thỏa thuận được tôn trọng, thực
thi, giúp cho mối quan hệ giữa hai “đối tác” được tốt đẹp. Tuy nhiên đó
không phải là tất cả.
Chúng ta thấy giữa các quốc gia với nhau, sau một thời gian đàm phán
gian truân, các hiệp định, các hiệp ước vừa ký kết long trọng nhiều khi
chưa kịp ráo mực đã bị chà đạp hoặc xóa bỏ (hiệp ước Xô-Đức; hòa đàm
Nhật Mỹ trong thế chiến 2).
Bên cho thuê đã âm thầm đào hè vào ban đêm tạo nên một rãnh sâu ngay trước cửa siêu thị điện máy Việt Long.
Phân tích một trường hợp gần đây: Siêu thị điện máy Việt Long thuê
mặt bằng của công ty Vinaconex, hợp đồng ký kết tới năm 2014 nhưng bắt
đầu từ tháng 8/2011, siêu thị điện máy Việt Long (bên thuê) đã bị
Vinaconex (bên cho thuê) đòi lại mặt bằng.
Vì hợp đồng ký kết không thể xé bỏ dễ dàng nên công ty Vinaconex đã
dùng đến nhiều tiểu xảo như: cúp điện, đào hào, tập kết vật liệu trước
cửa hàng điện máy… với cách đó chắc chắn Việt Long sẽ thúc thủ vì thua
lỗ, không buôn bán kinh danh được. Rõ ràng khi quyền lợi không được thỏa
mãn thì con người ta luôn có nhiều cách để phá bỏ hay lách qua qui định
mà mình đã cam kết trước đó. Con người-trong mối quan hệ công dân hay
mối quan hệ chính quyền - chỉ thực hiện cam kết khi điều đó có lợi cho
mình, hoặc buộc phải thực hiện nếu không sẽ bị thiệt hại.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, chỉ có quyền lợi hai bên thỏa mãn và
thực lực hai bên bảo đảm để thực thi thì thỏa thuận mới được tôn trọng
và thực thi nghiêm túc. Nếu một bên có sức mạnh vượt trội, một bên quá
yếu thì dù giữa họ có sự thảo thuận đẹp, bình đẳng, hợp đạo lý đến đâu
thì nguy cơ bị xé bỏ hay bóp méo, trốn tránh thực thi thỏa thuận là luôn
hiện hữu. Việc lập hợp đồng rồi phá bỏ hợp đồng cũng là chuyện bình
thường trong cuộc sống, nếu một bên ở thế mạnh và thấy rằng việc thực
hiện hợp đồng không có lợi cho mình.
3. Đề xuất giải pháp:
Từ nhận thức trên, thay vì chúng ta chăm chú vào các điều khoản, các
lý lẽ hay chữ nghĩa của bản hiến pháp. Chúng ta nên tập trung vào khả
năng thực hiện của bản hiến pháp trong cuộc sống. Chú ý đến việc kiến
tạo vị thế, nguồn lực của công dân để công dân có thực quyền. Khi đó dù
có tráo trở đến mấy thì những người cầm quyền cũng không thể lắt léo,
hay nuốt lời trong việc thực thi hiến pháp.
Suy cho cùng, làm ăn, kinh tế, quyền lợi là cái gốc của vấn đề. Chỉ
khi nào người dân nắm kinh tế thì mới có thực quyền. Bất cứ ai khi đọc
cuốn sách “đường về nô lệ” của Hayek đều biết rằng, trong một đất nước
mà nhà nước nắm kinh tế thì tất yếu dân chúng sẽ trở thành nô lệ. Nắm
bầu bao, nắm dạ dày là nắm tất cả. Cái quốc nạn hiện nay Việt Nam đang
đối diện không chỉ là chuyện độc quyền lãnh đạo của một đảng mà còn là
kiểu kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng quá lớn. Từ điện nước, xăng dầu,
hàng không, bến cảng, khoáng sản,…. đến giáo dục, y tế,….. đều đo nhà
nước nắm giữ.
Chúng ta hãy cùng nhau hiến định một điều dứt khoát rằng “tự do kinh
tế là quyền thiên liêng, bất khả xâm phạm, tự do kinh tế là mạch máu của
các loại tự do” và cuối cùng tự do kinh tế có được khi nền kinh tế do
tư nhân nắm giữ hoạt động qua cơ chế thị trường, nhà nước chỉ có vai trò
duy nhất là giữ luật và thực thi luật. Kinh tế đúng thì mọi việc còn
lại sẽ đúng theo.
Với một nguồn lực ít ỏi và thời gian không nhiều, chúng ta cần tập
trung tranh đấu cho đúng mục tiêu. Bức tranh nước ta hiện nay không khác
gì Liên Xô năm 1990, thời điểm mà các tập đoàn nhà nước sụp đổ và quá
trình tái cơ cấu, bán tháo tài sản nhà nước bắt đầu. Rồi đây không khéo
bài học đau thương của Liên Xô lại lặp lại với chúng ta là sau một đêm
tất cả các tài sản của nhà nước được chuyển vào tay những ông chủ mới
biết chớp thời cơ, biết bắt tay quan chức mua rẻ như cho. Khi đó dù có
bản hiến pháp đẹp như tiên thì dân chủ vẫn mãi còn xa vời.
Hãy chú ý vào mục tiêu duy nhất “kinh tế là mạch máu - nắm lấy kinh
tế là nắm lấy tất cả”. Hiến pháp cũng thành đồ mã khi nền kinh tế do nhà
nước hay do một nhóm nhỏ thao túng. Muốn làm ông chủ, bạn phải có tiền;
muốn có dân chủ, dân phải nắm kinh tế.
Người ta cứ trau chuốt, tranh cãi từng câu chữ trong bản hiến pháp,
như thể một hiến pháp hoàn hảo sẽ giải quyết được những ung nhọt của
cuộc sống nói chung và chính trị nói riêng vậy. Đó là một bệnh và một
sai lầm thường thấy của nền chính trị salon.