Trao đổi với Infonet, GS Nguyễn Minh Thuyết, ĐB Quốc hội (ĐBQH) khoá
XI, XII khẳng định việc ĐBQH Hoàng Hữu Phước viết bài công kích ĐBQH
Dương Trung Quốc với những lời lẽ phỉ báng, kém văn hóa như vậy lần đầu
tiên xuất hiện trong lịch sử Quốc hội. GS Thuyết cho rằng Ủy ban MTTQ
TP.HCM, Ban công tác ĐB của UB Thường vụ QH, đặc biệt là cử tri TPHCM
cần lên tiếng về vấn đề này.
Dư luận đang tỏ ra bất bình khi ĐB Hoàng Hữu Phước (Đoàn ĐBQH
TP.HCM) có bài viết công kích đại biểu Dương Trung Quốc với những lời lẽ
hết sức nặng nề, gay gắt trên blog cá nhân của mình. Quan điểm của GS
thế nào về vấn đề này?
Tôi không ngạc nhiên, nhưng qua sự việc này tôi thấy có bốn điều thật đáng buồn.
Thứ nhất, nếu bài viết đó là của ĐB Phước thì có thể nói ông ấy đã
hành xử một cách lỗ mãng, không phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa thông
thường chứ chưa nói đến văn hóa nghị trường. Trong cuộc sống, mọi người
đều có thể có những ý kiến khác nhau, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng
chỉ những người kém văn hóa mới dùng những lời lẽ nặng nề phỉ báng
nhau. Đặc biệt khi ĐB này nói đến chuyện mại dâm đã dùng quá nhiều câu
chữ rất phản cảm, chợ búa. Những điều này nói từ miệng một người bình
thường có học đã tỏ ra không ổn. Còn trên cương vị một ĐB mà viết như
thế thì từ ngày tôi biết về QH đến nay chưa bao giờ thấy.
Cái đáng buồn thứ hai là hiểu biết của ĐB Hoàng Hữu Phước về pháp
luật rất hạn chế. Khi công kích ĐB Dương Trung Quốc về chuyện chất vấn
Thủ tướng tại kỳ họp vừa qua, ông Phước đã làm trái quy định tại điều 49
Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, ông Phước còn quên rằng, điều 46
Luật Tổ chức QH đã quy định ĐB phải gương mẫu trong việc chấp hành hiến
pháp và pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh
hoạt công cộng. Ngoài ra, khi miệt thị, xúc phạm nhân phẩm người khác,
nhất là phỉ báng một ĐBQH vì những ý kiến của ĐB đó trong lúc thi hành
công vụ, ĐB Phước còn có thể vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự.
Điều đáng buồn thứ ba là hình như ông Phước không có tiến bộ nào
trong nhận thức và hành động kể từ khi làm ĐBQH. Tại kỳ họp thứ 2 của QH
khóa XIII, khi phát biểu về xây dựng Luật Biểu tình, ĐB Phước có những
nhận thức lệch lạc và lời lẽ xúc phạm cử tri. Bởi vậy, khi tiếp xúc cử
tri sau kỳ họp, ông Phước đã bị cử tri chất vấn. Lúc đó ông Phước đã
phải nói với cử tri hãy coi mình là con cháu và bỏ qua cho những sai sót
đó. Đáng lẽ biết sai phải sửa, nhưng đến giờ ông Phước vẫn nói lại
những chuyện đó như thể mình đúng.
Thứ tư, tôi thực sự lấy làm buồn cho cử tri TP HCM. Một thành phố
phát triển hàng đầu, nơi tập trung rất nhiều nhân tài, đòi hỏi ĐB của
mình phải như thế nào? Điều này đối với cử tri cả nước cũng là một sự
kiện đáng buồn.
Cách công kích phỉ báng như vậy là chuyện riêng của các ĐBQH, hay
các đơn vị liên quan sẽ phải vào cuộc? Theo GS, đơn vị nào cần phải lên
tiếng sau sự việc này?
ĐBQH là một nhà hoạt động chính trị thì từ lời ăn tiếng nói đến cuộc
sống riêng phải hết sức giữ gìn. Những phát ngôn của ĐB về ĐB khác, về
tổ chức trong nước và nước ngoài càng không thể tùy tiện được. Việc ông
Phước viết bài trên blog của mình phỉ báng một cơ quan ngôn luận nước
ngoài sau khi họ đăng bài phỏng vấn ĐB Dương Trung Quốc cũng tỏ ra thiếu
kiềm chế. Phát ngôn của một ĐBQH có thể làm người ta hiểu sai về đường
lối đối ngoại của nước ta. Nếu bài đó đăng báo, ông Phước có thể bị lôi
vào một vụ kiện rắc rối.
Tôi cho rằng Ủy ban MTTQ TPHCM, nơi hiệp thương thống nhất giới thiệu
ông Phước (người tự ứng cử) cần bày tỏ thái độ về vấn đề này. Bên cạnh
đó, Ban công tác ĐB của UB Thường vụ QH cũng cần có ý kiến để sau này
không lặp lại những trường hợp tương tự.
Đặc biệt, người có vai trò quan trọng nhất với ĐB chính là cử tri. Cử
tri là “ông sếp” của ĐB, có quyền giám sát ĐB, thậm chí kiến nghị và bỏ
phiếu miễn nhiệm đối với ĐB do mình bầu ra.
Là ĐBQH nhiều năm, lại cùng hoạt động với ĐB Dương Trung Quốc ở
cùng một Ủy ban của Quốc hội, GS có ấn tượng gì với hoạt động của ĐB
Dương Trung Quốc?
Trước tiên tôi phải khẳng định bất kể chúng ta có đánh giá thế nào về
chất lượng hoạt động của ĐB Dương Trung Quốc thì một sự công kích đối
với ĐB như trường hợp đã nêu là hoàn toàn sai trái.
Tôi đã hoạt động cùng ĐB Dương Trung Quốc hai khóa QH liền, và bây
giờ là cử tri thường xuyên theo dõi, tôi thấy ông Quốc là một người sắc
sảo và lịch duyệt. Không phải mọi ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc tôi đều
đồng tình nhưng những vấn đề ông Quốc nêu lên đều là những vấn đề cử
tri rất quan tâm, và về phương pháp tư duy, ông Quốc thường có cách nhìn
độc đáo, mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Không chỉ tôi mà
công chúng nói chung đều đánh giá cao ĐB Dương Trung Quốc.
Ngoài ra tôi còn biết đến ĐB Quốc với các hoạt động xã hội rất tâm
huyết. Có những đóng góp lặng lẽ của ông Quốc mà ít ai biết đến, như
việc vận động xây dựng tủ sách cho tù nhân ở các trại giam.
Dư luận tỏ ra nghi ngờ về sự bất thường trong vụ việc này. Theo
GS, điều này là bất thường hay đơn giản chỉ là một sự hồ đồ nhất thời
của ĐB Phước?
Tôi cho rằng vụ việc này chỉ phản ánh sự thiếu lịch duyệt của người
viết chứ không có chuyện ai đó đứng đằng sau như một số người suy diễn.
Nếu ai đó đứng đằng sau một người như thế thì đúng là quá dại.
Trong một số phiên họp QH, đã từng xảy ra trường hợp ĐB phê phán
nhau hay ĐB phê phán những người được chất vấn với lời lẽ gay gắt. GS
bình luận gì về vấn đề này?
Tôi tham gia QH và đã học được nhiều lắm. ĐB phần lớn là người từng
trải, có trình độ lý luận và thực tiễn. Tôi học được nhiều điều qua cách
tư duy và phát biểu của những người đồng nhiệm. Từng trải qua nhiều cơ
quan, tôi thấy QH là môi trường sinh hoạt rất dân chủ. Tôi cũng từng là
một ĐB mạnh miệng, nhưng chưa bao giờ có ai vỗ vai bảo mình nên thế này,
không nên thế kia.
Nhưng tôi cho rằng một ĐB khi phát biểu về bất cứ vấn đề gì cũng phải
đúng pháp luật và đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực giao tiếp. Những
lời lẽ quá gay gắt, chủ quan thường không được đồng nhiệm và cử tri tán
thành.
Trong thực tế, có những ĐB nói quá lời, nhưng tôi tin chỉ là lỡ lời
thôi. Ngược lại, cũng có một số đại biểu hăng hái một cách thái quá khi
“chụp mũ” những ĐB phê bình cái sai của chính quyền. Dư luận cho rằng đó
là cách “ghi điểm” với lãnh đạo, với chính quyền.
Tuy nhiên, suốt từ khi có đủ nhận thức để theo dõi hoạt động của QH
đến nay và trải qua 2 nhiệm kỳ làm ĐBQH, tôi chưa bao giờ thấy ĐB nào sử
dụng những lời lỗ mãng, thiếu văn hóa để phê bình hay tranh luận.
Quốc hội nhiều nước đã từng xảy ra tình trạng các ĐB đôi co gay
gắt, thậm chí đánh nhau tại hội trường. Còn ở ta chuyện ĐB viết bài phỉ
báng ĐB lần đầu tiên xảy ra. Theo GS, ĐB Hoàng Hữu Phước phải có hành
động gì cho đúng mực trong trường hợp này?
Từng dự khán các phiên họp QH ở một số nước, tôi thấy mỗi nước một
khác. Chẳng hạn ở QH một nước châu Âu, tôi có quan sát một cuộc họp Hạ
viện. Mặc dù Hạ viện có tới 250 người, tôi chỉ thấy có vài chục người
trong hội trường. Một nữ nghị sĩ đang đứng phát biểu, ĐB khác chẳng để
tâm, người đọc báo, người nói chuyện riêng, người lên bàn thư ký, quay
lưng lại QH, giơ cả hai tay trao đổi ý kiến rất sôi nổi...
Lần khác tôi đến QH một nước châu Á. Khi một nghị sĩ đứng lên phát
biểu, khá nhiều người ở phía đối lập đập bàn đập ghế không cho nói. Rồi
hai phe đứng lên chỉ vào mặt nhau tranh cãi ồn ào. Cảnh nghị sĩ nước
này, nước kia đánh nhau thì ta đều thấy qua ti vi rồi. Có thể ở những
nước đó cử tri chấp nhận những chuyện như vậy và chuyện đó không phạm
luật. Còn ở nước ta thì cả văn hóa truyền thống lẫn luật đều không cho
phép làm chuyện đó. Cử tri cũng không chấp nhận ĐB nói năng lỗ mãng,
càng không chấp nhận ĐB lăng mạ nhau.
Trong trường hợp này, ĐB Hoàng Hữu Phước cần lên tiếng trước công
luận, nhận lỗi không chỉ với cá nhân ĐB Dương Trung Quốc mà với cả cử
tri. Vì trường hợp như thế này chưa từng xảy ra và không thể chấp nhận
đối với một ĐBQH nước ta. Qua báo chí, ông Phước đã công khai nói lời
xin lỗi như vậy, đó là một điều đáng mừng.
Xin cảm ơn GS!
Nguyễn Dũng