Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Du lịch xe máy xuyên Việt: Hành trang trên Quốc Lộ số Một - Bóp còi inh ỏi

Peer Bergholter và Jochen Müller
VN2006A và Maile - thành viên Dân Luận chuyển ngữ
Phanh xe có thể không ăn, lốp xe thể vỡ và ống khói có thể thoải mái kêu lọc xọc. Tuy nhiên cái không thể thiếu được cho một người lái xe máy ở Việt Nam là một chiếc còi kêu inh ỏi. Nó giúp ta chống lại các má choai choai hung hăng con bò cạp trên những chiếc mô pha kêu bình bịch. Một cẩm nang sống còn cho đường Quốc Lộ số Một.
Tay lái xe buýt quát tháo ủm tỏi, hắn nhồi nhét một gia đình vào chỗ của chúng tôi sau khi đã thu tiền của họ. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, hắn dồn tâm trạng của mình lên tay lái dọc suốt con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu xuyên qua đồi núi từ Sa Pa ở Bắc Việt Nam dẫn về Hà Nội. Chạy men theo những vực thẳm, hiếm khi có thanh chắn bảo vệ. Trước đây vài ngày, trong một chuyến du ngoạn bằng xe máy mướn, con đường này đã cho một cảm giác khá lãng mạn. Nhưng giờ đây, ngồi trong xe buýt tràn ngập nỗi lo sợ chết người. “Nếu thoát chết lần này, chúng ta sẽ mua xe máy”, chúng tôi thề như vậy.
Mười tiếng đồng hồ sau, khi cập bến an toàn tại Hà Nội chúng tôi bắt tay nhau, nhất định thực hiện dự tính của mình. Bas, một người Hà Lan mà chúng tôi đã gặp trên cao nguyên, nói: “tụi bay muốn vào thành phố Hồ Chí Minh? Nên mua xe máy mà đi, người ta có thể mua chúng ở khắp mọi nơi.”
Sau 3 ngày tìm kiếm, tiền mua 2 chiếc Honda Win được đặt lên quầy thanh toán trong một cửa hiệu sửa chữa xe máy ở Hà Nội. Người bán, hai thanh niên Mỹ, cam kết, các xe máy này đều được kiểm tra một cách kỹ lưỡng, trừ “khung xe, tất cả các chi tiết máy đều được tháo ra kiểm tra và lắp lại.” (hic)
Chỉ có một người trong chúng tôi mang theo bằng lái xe, tuy nhiên điều này có vẻ chả ảnh hưởng đến ai ở Việt Nam. Dường như chẳng ai có thể kiểm tra giấy tờ. Trong số 6,5 triệu người ở Hà Nội có đến 5 triệu xe 2 bánh. Có vẻ như họ đã đồng loạt đổ ra đường, khi chúng tôi, đẩy xe máy ra, lần đầu tiên - và học bài học thứ nhất. Dừng lại khi đèn đỏ? Khùng à! Hàng trăm người bóp còi cùng một lúc, dòng xe di chuyển đến ngã tư, hòa nhập ngay vào dòng xe đang dần đến từ đường bên cạnh. Như được một đạo diễn vũ Ballett dàn dựng, mỗi người chạy theo hướng của mình, không phải tất cả mọi người đều tự giác giảm tốc độ.

Bài học thứ nhất: thợ máy là những người bạn tốt nhất

Còn hơn một chục ngã tư nữa mới đến khách sạn. Hơn một chục bản giao hưởng cuồng nộ bằng còi. Nhưng bây giờ đã quá muộn để mà chột dạ. Ngày hôm sau chúng tôi muốn rời Hà Nội, chu du trên Quốc Lộ số Một của Việt Nam.
Quốc Lộ này kéo dài từ biên giới Trung Quốc, dọc địa hình Việt Nam đến đồng bằng sông Cửu Long, Mekong Delta. Ngang qua những khu rừng quốc gia và rừng nhiệt đới, trên một chiều dài 2000 km, bao quanh bởi những cánh đồng lúa, đồn điền dừa - và chuối. Từ Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tĩnh đến cựu cố đô Huế, gần đó là Thành phố Đà Nẵng, nơi có di sản văn hóa thế giới Unesco Hội An. Ngang Quảng Ngãi tới bãi tắm thần tiên Nha Trang, qua các làng chài ở Mũi Né để đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Lộ trình đã rõ ràng, chúng tôi cũng sẵn sàng, chỉ có phương tiện là chưa.
Người quản lý khách sạn ở Ninh Bình giật mình khi nhìn thấy xe của chúng tôi. Anh ta lắc đầu nói: "các anh không thể tiếp tục đi với mấy cái xe đó được". Chúng tôi không biết, do vũng dầu dưới xe của chúng tôi ở trong nhà để xe của anh ta, hay do hệ thống điện của xe không hoạt động. Lúc này đang là Tết, năm mới ở Việt Nam. Nhưng anh ta giới thiệu một người bạn có một hiệu sửa chữa xe máy với chúng tôi. Vào những ngày lễ Tết, đường xá trở nên vắng vẻ, nhưng bất tiện vì các hiệu sửa chữa xe cũng đóng cửa luôn.
Đến chỗ thợ cơ khí Minh, chúng tôi chẳng cần phải có kiến thức tiếng Việt để hiểu nụ cười toét miệng của hắn ta và cái trỏ tay đầy nhạo báng vào mấy chiếc xe máy có ý nghĩa gì.

Bài học thứ 2: Không có gì bền vững như một giải pháp tạm thời.

Chúng tôi nhìn thấy cha mẹ của Minh ở sau "xưởng sửa xe", họ không thèm để ý đến chúng tôi. Gia đình quây quần bên nhau vào ngày Tết, chúng tôi là một nỗi phiền toái. Tuy vậy Minh không để lỡ dịp làm ăn với mấy chú Tây đang sốt ruột. Dần dần bạn bè của Minh kéo đến, mời trà chúng tôi, hút thuốc lào, cùng giúp đỡ, nói đủ thứ tào lao và khoái trá, cười cợt cho chúng tôi biết là họ đánh giá mấy chiếc xe máy của chúng tôi như thế nào. Một tay còn trẻ, có vẻ ốm yếu chưa đến 20 tuổi muốn mua lại mấy chiếc Honda của chúng tôi. Chúng tôi khước từ đề nghị trả giá bằng một bao thuốc lá của anh ta.
Minh nháy mắt và bảo đảm với chúng tôi rằng việc sửa chữa không thành vấn đề. Với những ngón tay đầy dầu anh ta tuốt ra từ cuộn dây đồng để trần một đoạn dây dẫn mới, và lấy nhựa của một chiếc túi dùng để mua sắm để làm cách điện bằng cách dùng bật lửa đốt cho chảy quanh sợi dây đồng để trần. Một mẩu thiếc lấy ra từ một hộp bia làm tăng sự ổn định của ổ trục bị giơ mòn. Ít ra thì tấm đệm kín là đồ xịn và trong hộp chính hiệu. Sau 3 tiếng đồng hồ xe máy của chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi đưa cho Minh 40 us$ thay vì 35 như đã thỏa thuận. Chia tay nhau, anh và bạn bè của mình vẫy tay theo chúng tôi. Thậm chí cha mẹ anh cũng giơ tay từ biệt.
Giá như mà người ta có thể "sửa chữa" được cả thời tiết! Mưa liên tục đã làm cho đường xá ngập lụt, không thể nghĩ đến một chuyến du ngoạn đến khu vườn quốc gia được. Thôi thì tiếp tục đi Huế. Cuối cùng, mặt trời cũng đã ló dạng ở bãi biển cố đô Huế. Có vẻ như Việt Nam muốn xin lỗi chúng tôi cho những khởi đầu đầy trắc trở bằng cách đền bù dư thừa những cảm giác đầy ấn tượng. Đồng ruộng và các khu rừng toát lên mầu xanh rờn, có cảm giác, dường như mầu xám xịt trong những ngày qua đã làm cho mắt chúng tôi dễ bão hòa về mầu sắc.

Bài học thứ 3: hãy quên việc quay đầu, ngoái cổ nhìn đằng sau vai đi!

Lề đường, nơi dùng để phơi khô những nông phẩm gặt hái được - củ cải trắng, Đinh Hương, hoa quả màu vàng - hương thơm lan tỏa, bao phủ cả vùng. Bên ngoài khu dân cư, có những bãi đậu nho nhỏ cho xe tải, ở đây, chúng tôi đã nghỉ ngơi, trên võng, trước khi tiếp tục lên đường.
Chui vào làn xe cộ mà không thèm đánh xi nhan hay thậm chí ngoái đầu lại nhìn, đã trở thành một kinh nghiệm. Nửa giây đồng hồ, để ngoái cổ lại nhìn, có thể là nửa giây hệ trọng, tốt hơn là nên nhìn về phía trước. Chiếc còi là công cụ quan trọng nhất của xe máy, còn trước cả phanh, và chúng tôi sử dụng thường xuyên hơn là phanh. Ở quãng giữa Đà nẵng và Hội an, một "bà chằng" lái một chiếc moped ép sát vào chúng tôi, để lại lối tránh duy nhất là những hố rãnh vệ đường. Thêm một lần bị ép xe. Còi thì không kêu, gọi ới sang thì mất tiêu không nghe thấy. Đạp phanh gấp chỉ thấy xe lăn bánh chầm chậm vào rãnh. Một lần nữa lại may mắn không sao.
Trước khi đến Hội An, chúng tôi lại phải vào tiệm sửa chữa kiểm tra lại kỹ thuật một lần nữa. "Phanh không sao, OK", chủ tiệm nói. Ngón tay của ông ta ấn lên nút bóp còi, không kêu. Mắt trợn lên, ông lắp bắp một cách kích thích, bất an: "Còi không kêu! Không tốt, quả thật là không tốt. Phải sửa chữa ngay lập tức." Ông ta bắt tay vào hàn mấy sợi dây bị bong ra. Ở Việt Nam có những ưu tiên, trọng tâm khác nhau trên đường phố.
Sau phố cổ Hội An chúng tôi tiếp tục đi về hướng Nam. Nhựa trên đường số Một, nếu như còn, mềm chảy ra trong cái nóng thường ngày. Ở Quãng Ngãi đường này chạy dọc theo bờ biển Đông, làm chúng tôi có hứng tắm biển. Ở Nha trang chúng tôi được chào đón bởi những nhịp điệu giật gân, sôi động của vô số quán bar và đám đông khách du lịch phương Tây. Chừng 200 km nữa, ở Mũi Né cạnh bờ biển phía Nam, có vẻ yên tĩnh hơn - chỉ có những người lướt sóng bằng diều là đang trên mặt nước. Nơi này như được tạo ra, để người ta lấy lại sức lực, cho những gì sắp tới.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa, kinh tế của Việt Nam. Vùng ngoại ô bắt đầu từ khỏang 40 km trước thành phố. Vấn đề giao thông ở đây thì ngay cả sau khi "tập sự" một thời gian dài trên các nẻo đường Việt Nam, xem ra vẫn còn là một thách thức. Xe gắn máy và xe máy phân khối lớn chèn ép, chen lấn vào những chỗ trống trên đường, thoạt nhìn chỉ to cỡ phân nửa của chiếc xe.
Vào đến trung tâm, thần kinh dịu đi và xe cộ có thể tỏa nhiệt nguội dần. Chưa đầy một ngày sau đã có người đến hỏi mua xe Honda của chúng tôi. Cuộc phiêu lưu lại vẫy gọi, Hà Nội là điểm đến của một khách du lịch, người đã trả cho một chiếc xe của chúng tôi một mức giá khá ổn. Kinh nghiệm với xe máy! "Chưa hề, thậm chí tôi không có cả bằng lái xe, nhưng nhiều người đều đi như thế, hẳn là thú vị lắm."
Thực sự chuyện không có bằng lái xe không thành vấn đề. Tại sao chúng tôi lại phải lưỡng lự và lắc đầu về sự hưng phấn của tay thanh niên này? Tất cả những gì khác nhau giữa chúng tôi và hắn, là: chuyến đi đã ở sau lưng chúng tôi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"