Tran Thi Minh Ha, AFP
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
HÀ NỘI – Ngày càng có nhiều người lâm cảnh trầm cảm và phá sản
bởi thị trường chứng khoán, và nhiều trong số đó phải gánh chịu khó khăn
giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra Việt Nam. Nhiều người đổ
lỗi và cho rằng chế độ cộng sản đã gây ra những tai ương tại nước này.
Một người dân ngồi đếm tiền bên vỉa hè ở Hà Nội ngày 7 tháng Hai, 2013. Ảnh: AFP/Hoang Dinh Nam
Sau khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung theo kiểu Liên Xô
sang thị trường tự do giữa thập niên 1980, Việt Nam đã trở thành một
nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đầu tư nước ngoài tăng vọt và
tầng lớp trung lưu phát triển mạnh nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, trong tình trạng kinh tế ảm đạm như hiện nay, các chuyên
gia cho rằng nguyên nhân chính là do cách điều hành yếu kém trong một
thập kỷ qua nhưng nhiều người Việt Nam hiện nay nói rằng họ không chỉ
không còn tiền mặt mà còn mất cả niềm tin vào chính phủ.
“Đây là thời điểm tồi tệ nhất đối với gia đình tôi … Tất cả tài sản
của chúng tôi đã mất sạch”, cô Nguyen Thi Huong – nhân viên bất động sản
37 tuổi nói và cho biết thu nhập của cô đã bị sụt giảm mạnh kể từ khi
thị trường bất động sản tại đây đóng băng.
Gia đình cô Huong buộc phải bán căn hộ cao cấp tại Hà Nội và dọn về
sống tại một căn nhà nhỏ của người mẹ nghỉ hưu sau khi tất cả tiền tiết
kiệm đầu tư vào bất động sản và thị trường chứng khoán thua lỗ.
Tương tự như nhiều người khác ở Việt Nam, cô Huong tin rằng “các lãnh
đạo [Việt Nam] phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng bi đát của thị
trường bất động sản và cuộc khủng hoảng kinh tế tại đất nước này”.
Quốc gia độc tài này đã thông qua chính sách cải cách “Đổi mới” vào
năm 1986, và đã giúp tạo ra một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và thịnh
vượng, đạt lên điểm đỉnh vào năm 2005 với mức tăng trưởng kỷ lục 8,4%.
Sau đó hai năm, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Trong thời gian đó, tất cả mọi người đều như có vẻ phấn khởi hơi quá
mức, mơ mộng rằng chỉ qua đêm thì Việt Nam sẽ giàu lên”, một phân tích
gia người Việt Nam yêu cầu giấu tên nói.
“Nhưng chính phủ đã đưa ra các chính sách kinh tế vĩ mô sai lầm và
các hậu quả thì bây giờ mới bắt đầu hiện ra. Nhưng hiện những hậu quả
này đang gây khó khăn cho tất cả mọi người”, ông nói.
Một cuộc khủng hoảng tín dụng và các vụ phá sản đã tăng nhanh chóng,
cũng như thị trường chứng khoán và bất động sản trì trệ, đã làm tổn
thương đến tầng lớp trung lưu mới nổi, và không chỉ về mặt tài chính –
truyền thông nhà nước đưa tin rằng ngày càng có nhiều người tìm kiếm bác
sĩ để điều trị các triệu chứng căng thẳng và trầm cảm.
“Tôi chưa bao giờ thấy có bệnh nhân đến để điều trị chứng rối loạn
tâm thần do kinh doanh thua lỗ nhiều như vậy trong năm 2012″, bác sĩ Lê
Hiếu thuộc Bệnh viện Bệnh tâm thần tại thành phố Hồ Chí Minh nói với
VietnamNet.
Đối với tình trạng của Trần Thanh Hùng – năm nay 46 tuổi, người sở
hữu doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất tại Hà Nội và đã phải sa thải một
nửa số nhân viên, thì việc sức khoẻ tâm thần gia tăng cũng là điều dễ
hiểu.
“Cả hai mặt tài chính và niềm tin của người dân hiện đang cạn kiệt”, ông nói với AFP.
Tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống còn 5,03% hồi năm ngoái – mức thấp
nhất trong vòng 13 năm qua, và đất nước 90 triệu dân này đang “trải qua
cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất”, kinh tế gia Nguyễn Quang A nói.
Vấn đề từ các khoản nợ xấu làm tê liệt lĩnh vực ngân hàng cho đến đầu
tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm, cộng thêm các đối thủ trong khu vực
như Indonesia và Miến Điện trở nên hấp dẫn hơn nên đã khiến “căn bệnh
dai dẵng” tại nền kinh tế nước này dễ thấy hơn.
“Tình trạng này giống như một khối u bị thối và buộc Đảng Cộng sản phải giải quyết nó”, Quang A nói với AFP.
Các vấn đề hiện nay là vô số – nợ nần trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà
nước, thị trường chứng khoán đã bị giảm hơn một nửa giá trị từ điểm
đỉnh hồi năm 2007, thị trường bất động sản trì trệ và một hệ thống ngân
hàng sa lầy trong các khoản nợ độc hại.
Các chuyên gia cho rằng Đảng Cộng sản, đảng hiện đang điều hành nước
này kể từ khi hai miền thống nhất vào năm 1975 và kiểm soát chặt chẽ tất
cả các cuộc tranh luận chính trị, dường như không thể ngăn chặn tình
trạng tê liệt đối với nền kinh tế tại đây.
Theo số liệu thống kê chính thức thì có hơn 55.000 doanh nghiệp nhỏ
và vừa ngừng hoạt động vào năm ngoái, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng
mạnh.
Người dân đã phải chịu đựng nhiều khó khăn, đặc biệt vào dịp Tết
Nguyên Đán, với nhiều công ty bãi bỏ hoặc giảm tiền thưởng hàng năm dành
cho nhân viên.
Công nhân may mặc Tran Thi Hai tại Hà Nội được thưởng 70 đôi vớ thay
vì thêm một tháng lương như những năm trước, truyền thông nhà nước cho
biết.
“Tôi phải bán chúng trên đường phố để kiếm được một ít tiền mặt – có đôi chút còn hơn không có gì”, cô nói.
Nguồn: AFP
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013