Những
tù binh mới được trả tự do đang ăn mừng trên chiếc máy bay C-141A cất
cánh từ Hà Nội, trong chiến dịch Operation Homecoming, 12/2/1973. (US
Air Force photo)
Cách nay 40 năm, ngày 12 tháng Hai,
1973, một máy bay vận tải C-141có chữ thập đỏ nổi bật ở phần đuôi đã cất
cánh khỏi Hà Nội, bắt đầu chuyến bay đầu tiên chở 40 tù nhân chiến
tranh Mỹ hồi hương trong chiến dịch “Operation Homecoming.”
Cuối ngày hôm đó, tổng cộng có ba máy
bay C-141 cất cánh từ Hà Nội, và một máy bay C-9 từ Sài Gòn. Các chuyến
bay này kéo dài cho đến cuối tháng 3 năm 1973, chiếu theo các điều
khoản của Hiệp định Hòa bình Paris ký ngày 27 tháng 1 năm đó, mang theo
591 tù binh trở về đất Mỹ.
Người Mỹ đã say mê theo dõi các đoạn
TV tin tức các tù binh được khiêng trong cáng hoặc tự đi bộ đến các giới
chức Mỹ đứng chờ họ ở cửa máy bay đậu tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.
Các tù binh chiến tranh có cấp bậc từ
Binh Nhất đến Đại Tá, tất cả đều mặc đồng phục mới màu xám do Bắc Việt
cấp phát ngay trước giờ phóng thích.
Trung
sĩ Không quân James Cook, bị thương nặng sau khi máy bay của ông bị bắn
hạ ở bầu trời miền Bắc Việt Nam tháng 12 năm 1972, vung tay chào kính
lá cờ Mỹ từ chiếc cáng của mình trong lúc được khiêng lên máy bay (US
Air Force photo)
Trung sĩ Không quân James Cook, bị
thương nặng sau khi máy bay của ông bị bắn hạ ở bầu trời miền Bắc Việt
Nam tháng 12 năm 1972, vung tay chào kính lá cờ Mỹ từ chiếc cáng của
mình trong lúc được khiêng lên máy bay.
Trên chuyến bay đầu tiên còn có Hải
quân Trung tá Everett Alvarez Jr., phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi ở
miền Bắc Việt Nam, và khi chiến tranh kết thúc, là POW ở tù lâu nhất.
Ông đã bị giam cầm trong tám năm rưỡi.
Cảnh tượng vui mừng chan hòa, lan tỏa
ra khắp chiếc C-141 đầu tiên - được đặt tên "Taxi Hà Nội" - khi các
bánh của nó vừa rời khỏi mặt đất để các tù binh nếm hương vị đầu tiên
của tự do.
Sử gia Andrew Lipps đã kể lại câu
chuyện có thời điểm quan trọng này trong quyển “Operation Homecoming:
The Return of American POWs from Vietnam” của ông.
"Hãy tưởng tượng bạn bị giam cầm
trong một cái chuồng, tưởng tượng chung quanh chuồng là mùi phân, tưởng
tượng thức ăn mục nát có nhiều sâu bọ, may mắn lắm thì bạn chỉ nuốt một
vài con, tưởng tượng mạng sống của bạn có thể bị cướp đi bởi những kẻ
bắt bạn trong một phút bốc đồng nào đó; tưởng tượng bạn đang bị tra tấn
tinh thần và thể xác bằng những cách được thiết kế không phải để làm bạn
phải đau khổ mỗi ngày về thể xác mà về tinh thần. Đó là tình huống của
một tù nhân tại miền Bắc Việt Nam."
Lipps viết tiếp:
"Sau đó, hãy tưởng tượng một ngày nào
đó, sau khi thất vọng dường như bất tận, bạn có được một bộ quần áo mới
và xếp hàng để trông thấy một máy bay Mỹ hạ cánh đưa bạn về nhà. Đó là ý
nghĩa của Operation Homecoming."
Chuyên viên quân y trên mỗi tầu bay
chăm sóc cho các cựu tù binh trong chuyến bay hai giờ rưỡi đến căn cứ
Không quân Clark ở Philippines, trạm dừng chân đầu tiên trên chuyến hồi
hương.
Trong khoang máy bay, nhiều tù binh
pha trò với nhau và hút thuốc lá Mỹ, thử ôn lại những gì họ đã thiếu
vắng trong thời gian bị giam cầm: các mốt thời trang, phong trào giải
phóng phụ nữ, chẳng hạn.
"Mọi thứ giống như thiên đường," Đại
úy Không quân Larry Chesley nhớ lại. Ông bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam,
trải qua bảy năm trong nhà tù khét tiếng "Hà Nội Hilton" và một số nhà
tù khác. "Khi cánh cửa chiếc C-141 khép lại, có những giọt nước mắt
trong mắt của mọi người trên tàu," ông nói.
Thiếu tướng Không quân Ed Mechenbier,
tù binh chiến tranh Việt Nam cuối cùng vẫn còn phục vụ trong Không
quân, nhớ lại những cảm xúc trong cuộc hành trình của mình ra khỏi miền
Bắc Việt Nam vào ngày 18 tháng Hai, 1973:
"Khi chúng tôi được bốc đi và trước
sự yếu đuối của một tù binh biết mình bây giờ đã thực sự có tự do, chúng
tôi đã hét lên, khóc lóc và hoan hô."
Các tù binh được chào mừng như những anh hùng tại căn cứ Không quân Clark ở Philippines.
Tại đây, Hải quân Đô đốc Noel Gayler,
Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đã chờ sẵn và chủ trì
buổi liên hoan. Cùng có mặt với ông là Trung tướng Không quân William
Moore Jr., Tư lệnh Sư đoàn 13 Không quân, và Roger Shields, phó trợ lý
bộ trưởng quốc phòng đặc trách các vấn đề POW/MIA, và cũng là người điều
hành Operation Homecoming tại căn cứ Clark.
Phát biểu với đám đông xếp hàng ở khu
vực máy bay đậu lại để chào đón đoàn tù binh trở về, cựu tù binh Hải
quân Đại tá Jeremiah Denton – sau này là Đề đốc và sau nữa là Thượng
nghị sĩ của tiểu bang Alabama – làm mọi người reo hò khi ông cảm ơn tất
cả những người đã giúp tìm lại tự do cho các cựu tù, và hô to "God Bless
America," Thượng Đế Chúc Lành Cho Nước Mỹ.
Trung tá Không quân Carlyle "Smitty"
Harris, tám năm tù ở miền Bắc Việt Nam, đã lặp lại tình cảm đó: "Thông
điệp duy nhất của tôi là God bless America,” một cách để bác bỏ thông
tin của các phương tiện truyền thông rằng các tù binh đã được lệnh để
nói lên câu đó.
"Qua sáu, bảy hoặc tám năm để suy
nghĩ về những điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, một niềm tin
vào Thượng Đế và đất nước đã được củng cố nơi tất cả các tù binh chiến
tranh, với từng POW mà tôi đã tiếp xúc",ông nói. "Chúng tôi có dịp tiếp
xúc tận mắt với một chế độ đã nhạo báng tôn giáo và nơi mà mọi người
không thể biết được sự thật, khiến cho tất cả chúng tôi thấm thía một số
trong những giá trị cơ bản nhất của God Bless America."
Đại tá Không quân Robinson Risner,
người có cấp bậc cao cấp nhất trong số các tù binh Không quân tại "Hà
Nội Hilton" hiện nay đã được vinh danh bằng một bức tượng chân dung của
ông tại Trường Võ bị Không quân Mỹ ở Colorado. Ông nghẹn ngào cảm xúc
khi trở về trên chuyến bay C-141 thứ nhì cất cánh từ Hà Nội.
"Cảm ơn tất cả các bạn đã đưa chúng tôi trở lại với tự do," ông nói với đám đông.
Sau khi được kiểm tra sức khỏe, liên
hoan với thịt bít tết, kem và các món ăn Mỹ khác, các cựu tù binh được
phát đồng phục mới cho phần còn lại của chuyến bay.
Máy bay của họ đã dừng chân ở Hawaii
và California. Nhóm đầu tiên gồm 20 cựu tù binh đến căn cứ Không quân
Travis ở California ngày 14 tháng Hai, 1973.
Các đoạn TV tin tức hé lộ cảm xúc sâu sắc của các tù binh chiến tranh được tự do khi họ đặt chân lên đất Mỹ.
Hải quân Đại tá James Stockdale, sau
này là phó đô đốc và là một ứng cử viên phó tổng thống, là người đầu
tiên đi khập khiễng ra khỏi máy bay trong nhóm 20 người.
Ông Stockdale dừng lại để cảm ơn sự tin yêu mà đồng bào dành cho ông và các bạn tù.
"Các bạn đi sau tôi ra khỏi máy bay
đã từng biết thế nào là tin yêu, bởi vì họ đã sống với nhau qua sự tin
yêu trong suốt những năm qua, tin yêu với đồng đội, tin yêu với quân
đội, tin yêu với vị tổng tư lệnh,” ông nói.
Trong số 591 tù binh chiến tranh được
tự do trong chiến dịch Operation Homecoming, 325 người thuộc Không
quân, 138 trong Hải quân; 77 trong Lục quân và 26 trong Thủy Quân Lục
Chiến. 25 người là nhân viên dân sự của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, 69 tù binh bị Việt Cộng
giam giữ tại miền Nam Việt Nam rời bằng các chuyến bay cất cánh ở Lộc
Ninh. Chín tù binh khác đã được thả tại Lào, và ba tại Trung Quốc.
40 năm sau khi được tự do, hiện nay
vẫn còn hai người phục vụ trong Quốc hội: Thượng nghị sĩ John McCain của
Arizona và Dân biểu Sam Johnson của Texas.
Một buổi lễ có ăn tối được lên lịch
vào cuối tháng Năm tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California để
tôn vinh các tù binh chiến tranh, tái tạo lại bữa ăn tối mà ông Nixon
đã tổ chức cho họ tại Tòa Bạch Ốc vào năm 1973.
Donna Miles, Phóng viên Quân đội Hoa Kỳ