Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó một câu thơ viết về người tù “Mười năm còn quen ngồi một mình trong bóng tối”
và chạnh nhớ đến thi sĩ Phùng Cung. Khi đang thụ án 12 năm tù vì một
bài viết đăng trên Nhân Văn Giai Phẩm; một đêm, Phùng Cung bỗng sững sờ
vì bắt gặp ánh trăng len qua các song sắt vào thăm mình. Trên vai áo
người tù đơn độc, ánh trăng dịu dàng vá cái khoảng rách của chiếc áo.
Cái cảm giác được ân cần vỗ về chợt làm thi sĩ ngậm ngùi: “Ngày xưa ơi! Xa mãi đến bao giờ”
Cái ngày xưa của Phùng Cung cũng là những ngày xưa của Trần Dần,
Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang… những chàng trai Việt, đầy nhiệt huyết sẵn
sàng phanh ngực áo ra trước lằn đạn của thực dân. Những ngày thắm tươi
của những con người biết rõ lý do để họ sẵn sàng sống hoặc chết để bảo
vệ nó. Phùng Cung đâu ngờ rằng cái khoảnh khắc đó của ông cũng làm ngậm
ngùi biết bao người đời sau khi đọc Trăng Ngục. Lúc ấy, Phùng Cung cô
đơn lắm, ông đang đối diện với cái nền tường u ám của tù ngục trong khi
bên ngoài cả đất nước đang phất cờ hát vang những bài hát quốc tế ca!
Hoàn cảnh của Phùng Cung lúc ấy khác hẳn hoàn cảnh của người tù bây giờ.
Sau 70 năm đảng Cộng Sản Nga nắm quyền. Di sản của họ để lại là một
nước Nga bị phá huỷ gần như tất cả những giá trị về tinh thần. Nhà văn
Alexander Solzhenitsyn đã kêu lên rằng: người dân nước Nga sẵn lòng đánh
đổi mọi nguyên tắc của mình, tâm hồn của mình, những nỗ lực của tiền
nhân và cơ hội dành cho hậu thế, cốt sao sự tồn tại mong manh của họ
không bị phá vỡ. Ông cho rằng người dân Nga chẳng còn lấy một chút vững
vàng, một chút tự hào và một chút nhiệt huyết nào…Tiếc thay, những nhận
xét của Solzhenitsyn cũng không xa mấy đối với người dân Việt Nam sau
gần 70 năm sống dưới chế độ Cộng Sản; tính từ ngày ông Hồ Chí Minh đọc
bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình.
Nhưng truyền thống chống ngoại xâm của người dân ViệtNamlà một điều
bất khả huỷ diệt. Phải chăng chính lòng yêu nước đó đang vực dậy dân
khí, dân trí của cả một dân tộc?
Điều gì đã làm cho cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên dám đi dán truyền
đơn và viết bốn câu thơ chống Trung Quốc lên những tờ giấy bạc. Hành
động của em có khác gì Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản ngày xưa. Tức giận vì
còn nhỏ tuổi ông không được dự bàn chuyện nước, Trần Quốc Toản đã bóp
nát trái cam trong tay mà không hay. Rồi ông cũng tự mình huy động người
nhà, tự mình rèn vũ khí, tự may cờ với sáu chữ “Phá giặc mạnh, báo ơn
vua”. Trong ánh mắt sáng trong của Phương Uyên chúng ta nhìn thấy rất rõ
một điều: bất chấp những đàn áp diễn ra hằng ngày đối với người biểu
tình, bất chấp những bản án khắc nghiệt dành cho người yêu nước, vẫn
chảy tràn giòng máu truyền đời không chấp nhận sống kiếp nô lệ trong mỗi
người Việt Nam. Và sự sống còn của đất nước đã không cho phép người dân
Việt tiếp tục cúi đầu.
Chưa bao giờ người Việt ta sẵn sàng đối mặt với rủi ro, chưa lúc nào
những người con yêu tổ quốc sẵn sàng chấp nhận tù đày như lúc này. Những
trại giam ở ViệtNambây giờ là nơi giam nhốt những tinh hoa của dân tộc.
Họ là những người thiết tha yêu nước nhất như: Phạm Thanh Nghiên,
Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Huỳnh Duy Thức,… Họ là những người yêu tha nhân
hơn bản thân mình như: Mục sư Dương Kim Khải, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, cô
Đỗ thị Minh Hạnh, chị Trần thị Thuý,… Họ là những người sẵn sàng hy
sinh để bảo vệ công lý như: Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Thạc sĩ Nguyễn Tiến
Trung, Luật sư Lê Công Định… Và họ cũng là những người yêu tự do nhất để
chấp nhận tù đày như: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, Blogger Điếu Cày, …
Tù ngục đã và đang biến những người con yêu ấy của tổ quốc trở thành
biểu tượng của tự do. Họ vượt qua hầu hết những nỗi sợ hãi vì đã đối
diện đầy đủ mọi đòn phép của công an — từ đoạ đày thể chất đến áp lực
tinh thần. Họ vượt qua hết những nỗi lo mất mát vì đã đối diện với thực
tế mất mát — từ tên tuổi bị bôi nhọ đến tài sản bị cướp trắng và mọi thứ
tự do bị xoá sạch. Chính họ, chính những người tù đen đủi, xơ xác về
thể chất đó lại đang là những ngọn lửa hy vọng của cả dân tộc, là những
tấm gương sống vì tha nhân cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ Việt
Nam. Họ làm chúng ta nhớ đến hình ảnh một Nelson Mandela, người lãnh tụ
cuộc cách mạng chống sự kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi. Trên đường bị đưa
đi đày ở Robben Island, tại hải khẩu, Nelson Mandela đã để lại những cảm
tưởng nổi tiếng, trong đó có đoạn: “Tôi trân qúy cái lý tưởng một
xã hội tự do dân chủ trong đó mọi người sống chung trong hòa đồng hòa
hợp và có cơ hội bình đảng. Đó là một lý tưởng mà tôi sống cho nó, và
thực hiện cho được. Nó cũng là lý tưởng mà nếu phải chết, tôi sẽ chết vì
nó”. Và dù đang là một tù nhân của trại tù Robben Island, trước
mắt thế giới, ông trở nên một thần tượng, một thánh tử đạo đòi chấm dứt
nạn kỳ thị chủng tộc.
Việt Nam là một dân tộc bất diệt, tôi tin như vậy. Kẻ hào kiệt, người
anh thư vẫn xuất hiện ở những giai đoạn hiểm nghèo của đất nước. Và sự
đồng lòng, sự có mặt cùng nhau để đấu tranh cho an nguy của dân tộc đã
nối kết họ thành một khối. Nam giới ngày nay đã không còn e ngại khi
ngợi ca sự can đảm của các chị Trần Khải Thanh Thuỷ, Luật sư Lê Thị Công
Nhân, chị Bùi Minh Hằng và xem hành động can đảm của các chị là chuẩn
mực cho mình bước tới. Đối với những cựu tù nhân như Luật sư Nguyễn Văn
Đài, Lê Thăng Long, Nguyễn Bắc Truyển…vừa bước chân ra khỏi nhà tù, họ
lại quên mình chi vì nhìn thấy cảnh chung quanh. Bất chấp sự xách nhiểu
liên tục và các đòn thù của công an, những con người nhân bản này lại
lập tức lên tiếng cho lẽ phải, cho những bất công đối với người chung
quanh. Và trên tất cả, họ lại nhập giòng đấu tranh.
Nhân nói về người tù chính trị, tôi lại nhớ đến thi sĩ Richard
Lovelace. Ông bị bắt giam trong cuộc nội chiến ở Anh vào thế kỷ thứ 17. Ở
trong tù, Richard đã thể hiện sự khát khao sống một cách mãnh liệt. Mặc
cho tù ngục, mặc cho tường cao hào sâu bao quanh, những vần thơ viết về
người phụ nữ xinh đẹp sinh ra từ trí tưởng tượng của nhà thơ đã làm nên
một thi phẩm nổi tiếng.
Còn trong các thi phẩm của Phùng Cung, hình ảnh người phụ nữ của ông
lúc nào cũng mang dáng dấp một quê hương bất hạnh. Nếu không “bước héo, áo gầy, Gió va nón cũ” thì cũng “ Thương em đứng giữa mùa nước mắt”.
Viết tới đây chợt ngậm ngùi thương cho người tù Việt Nam. Cũng cùng một
tâm tình như Phùng Cung, hai nhạc sĩ trẻ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình
lại vừa bị kết án tổng cộng đến mười năm tù. Điều đáng sợ và đáng hối
tiếc là Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình cũng bị bắt giam bởi cái chế độ
đã từng bắt giam Phùng Cung hơn nữa thế kỷ trước. Đáng sợ vì tâm hồn
giới nghệ sĩ trí thức Việt đã bị tù đày hơn năm mươi năm!
Mãi mãi người ta sẽ còn nhớ tới cái bóng một mình của Phùng Cung in
trên tường đá suốt 12 năm. Nhưng có một điều thi sĩ không hề biết. Những
người tù ngày nay không đơn độc như Phùng Cung, họ đã được nhìn bằng
đôi mắt khác. Cứ nhìn cảnh cả nước ôm choàng lấy Bùi Minh Hằng và Phạm
Thanh Nghiên khi hai chị vừa bước chân ra khỏi tù thì hiểu ngay rằng –
trong mắt dân tộc, hình ảnh cái cùm mang tên “tù chính trị” với đầy cảm
giác sợ hãi, kinh hoàng của thế kỷ trước nay đang chuyển dần sang lòng
cảm phục và thương yêu.
© Nguyệt Quỳnh
© Đàn Chim Việt