Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Tại sao độc tài thích côn đồ?

Lê Phan
Dân Luận: Khi người ta không thể dùng lý luận để tranh cãi / giải thích / tạo dựng niềm tin với nhân dân, thì chỉ còn cách dùng vũ lực ép họ theo mình thôi chứ sao?
Hồi còn mồ ma nhà độc tài Haiti Papa Doc Duvalier, ông có một nhóm côn đồ mà ông gọi là dân quân tự nguyện cho an ninh quốc gia, nhưng dân chúng thì gọi đám đó là Tonton Macoutes, dựa trên tiếng Creole chỉ một kẻ “bogyman”, một tên ngoáo ộp.
Cái tên Tonton Macoutes ở vùng Caribbean quả thật đã trở thành đồng nghĩa với côn đồ của chính quyền.
Nhưng nào phải ông Duvalier là người duy nhất. Hiện nay chẳng hạn là trường hợp ông Bashar al-Assad. Ông có thiếu gì cách để giết dân mình. Ông đã cho phép trực thăng vũ trang và xe tăng bắn vào lực lượng nổi dậy ngay trong thủ đô của mình. Tòa Bạch Ốc còn khuyến cáo Syria đừng sử dụng vũ khí hóa học. Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đã tuyên bố cuộc chiến ở Syria là một cuộc “nội chiến”.

Nhưng ngay cả khi bạo động đang ngày càng gia tăng ở Syria, vũ khí tệ hại nhất trong kho súng của ông Assad rất thô sơ, rõ ràng là low-tech. Có quá nhiều lần rồi tiến trình diễn tiến giống hệt nhau: Ðầu tiên quân đội chính quy pháo kích, bỏ bom vào các làng xóm theo phe nổi dậy cho đến lúc họ không còn sức kháng cự nữa. Lúc đó chính quyền tung vào đám dân quân Alawite, một đám chiến binh chẳng có đồng phục, chẳng có chỉ huy, nhưng rất có tài giết người.
Ðược gọi là “Shabiha”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “ma”, họ đã trở thành tiêu biểu cho sự tàn bạo của chế độ Assad. Sở dĩ họ được gọi như vậy là vì nơi nào có những vụ thảm sát thì thường nơi đó có sự xuất hiện của những Shabiha. Cách đây vài tuần, ở làng Tremseh, các Shabiha được nói đã tham gia trận chiến và để lại nhiều trăm người thiệt mạng. Các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc họ trực tiếp dính đến vụ thảm sát 108 người ở Houla hôm tháng 5, khoảng nửa trong số đó là trẻ em. Toán dân quân này của ông Assad cũng đã bị tố cáo nhúng tay vào một vụ đổ máu kinh hồn ở Mazrat al-Quber, gần Hama, không lâu sau đó.
Theo những người biết về Syria, đây là một lực lượng được tổ chức lỏng lẻo tùy theo nơi sinh, lực lượng Shabiha đứng ngoài hệ thống chỉ huy của quân đội. Người ta nghĩ là họ chịu trách nhiệm trực tiếp với gia đình Assad.
Nhưng tuy những gì chúng ta biết được về Shabiha, hầu hết qua các video được post lên Internet, thật là kinh hồn, và sự tàn bạo của họ đến mức có lẽ phải nói là trở thành thú tính, nhưng họ không phải là toán duy nhất.
Trên toàn miền Trung Ðông và ở nhiều quốc gia độc tài khác, những tên côn đồ của chính quyền, không phải là quân đội, đang đàn áp, sát hại và hành hạ dân chúng.
Ở Sudan, không được mấy ai biết đến, họ có cái tên là Rabattah. Những toán dân sự được tung ra trên đường phố Khartoum hay Omdurman để đàn áp những ai chống lại chính quyền Sudan cũng tàn nhẫn không kém. Chính phủ Iran thường xuyên sử dụng một lực lượng khổng lồ những tình nguyện viên Basij chống lại những người chống đối. Chúng ta hẳn vẫn còn chưa quên được hình ảnh của những Basij dùng “ống nước, dùi cui, thanh sắt và đôi khi súng để đánh đập hành hạ sinh viên biểu tình”. Ở Yemen, đám côn đồ của ông Ali Abdullah Saleh trước khi ông bị lật đổ tên là Baltajiya. Ở Ai Cập dưới thời ông Hosni Mubarak thì họ là Baltageya. Tên tuổi của họ có thể khác nhưng chiến lược chính trị của việc sử dụng những đám côn đồ có tổ chức để đàn áp đối lập thật hết sức giống nhau.
Hiện tượng này phổ biến quá ở vùng Trung Ðông khiến tạp chí Foreign Policy đặt câu hỏi “Các nhà độc tài Trung Ðông, vốn chi ra không biết bao nhiêu tiền để mua võ khí, lập quân đội tối tân, họ cũng có một đạo quân lớn và nhiều tổ chức an ninh, vậy tại sao họ lại ‘outsource’ việc đàn áp cho một đám mà thực ra chỉ là du côn đạo tặc hay băng đảng đường phố.”
Giáo Sư Adel Iskandar của viện Ðại Học Georgetown giải thích “Họ được thuê làm những việc bẩn thỉu mà cảnh sát không làm nổi.” Khi đàn áp chống đối, các định chế chính thức có giới hạn của nó. Một nhà độc làm sao, chẳng hạn khi cảnh sát và quân đội của ông ta cũng phát xuất từ cùng một sắc tộc hay một giáo phái như những người đang chống lại ông ta? Câu trả lời là đi thuê thêm tay chân từ thế giới tội phạm. Những nhà tranh đấu ở Sudan chẳng hạn nói là những cảnh sát thường, lương ít, ngần ngại đàn áp người biểu tình. Thành ra bạo hành đối với người biểu tình đã được trao cho lũ côn đồ, và dĩ nhiên sau đó họ sẽ đòi tiền mãi lộ của nhà nước.
Ở Syria chẳng hạn, Shabiha phát xuất từ các băng đảng ở thành phố Latakia, vốn là thành trì của nhóm giáo phái thiểu số Alawite vốn đã cai trị quốc gia này từ nhiều năm nay. Thành phố này là sào huyệt của một băng đảng do ông chú của ông Bashar tên là Jamil cầm đầu. Ông Jamil kiếm tiền bằng cách buôn lậu và bán dâm. Ở Syria đám Shabiha sống tương đối vương giả nhờ chính quyền làm ngơ cho làm ăn. Ðiều kết hợp họ chính là sự sợ hãi vì họ là một thiểu số nhỏ xíu trong một quốc gia mà đại đa số không cùng giáo phái.
Ở Iran, đám Basij thường được tuyển từ các xóm nghèo, các ổ chuột quanh thành phố hay từ các vùng quê nghèo khổ. Hoàn cảnh này khiến họ vốn có thành kiến với các nhà chống đối, những người biểu tình. Ông Ali Alfoneh, một chuyên gia về Iran của viện nghiên cứu American Enterprise giải thích “Những thành viên Basij không có liên hệ xã hội với dân đô thị, trong khi họ lại vốn âm thầm thù ghét, thành ra họ có khả năng đàn áp dã man cuộc nổi dậy mà đa số là từ giai cấp trung lưu.” Ở Ai Cập, đám Baltageya được tuyển từ khu xóm nghèo khổng lồ của Cairo và các thành phố lớn khác. Trong những khu này, sự kết hợp của nghèo đói lâu năm và trộm cắp lặt vặt đã tạo nên một tinh thần địa phương thách đố và hận thù, rất dễ để chính quyền chuyển sang chống lại kẻ sống bên ngoài thế giới đó.
Hơn thế, côn đồ không thích mặc đồng phục, một việc cũng tiện cho nhà nước có thể chối không nhận những bạo động mà đám này tạo nên.
Và có vẻ như chính quyền độc tài ở Hà Nội và Bắc Kinh cũng đã học được bài học đó. Ở Bắc Kinh thì họ là những tên gọi là thành quản. Ðây là những tên du côn được chính quyền địa phương thuê để đánh đập hành hạ quấy phá gia đình nhà tranh đấu Trần Quang Thành. Họ là đám đã được thuê để bắt những người dân quê lên Bắc Kinh khiếu kiện đất đai, đem nhốt họ ở những nhà tù bất hợp pháp một thời gian rồi bắt cóc họ đưa về nguyên quán.
Và ở Việt Nam đó là đám dân phòng hay “nhân dân tự nguyện”, hay ngay cả “thương phế binh” đã được chính quyền mang ra để uy hiếp, đàn áp và nếu cần hành hung các nhà tranh đấu mà đa số là trí thức và sinh viên học sinh. Họ quả là sẵn sàng làm những việc mà ngay chính công an cũng hổ thẹn không dám làm như ném mắm tôm vào nhà đối lập chẳng hạn.
Thế ra độc tài nào cũng chỉ có một sách.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"