Câu chuyện thương hiệu hạt gạo Việt, thực ra lại là chuyện giá trị giọt mồ hôi nông dân.
Lần đầu tiên Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo nhiều
nhất trên thế giới. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông báo: Dự
kiến 2012, Việt Nam sẽ xuất khẩu tới 7,5 triệu tấn gạo. Các hợp đồng
tiêu thụ dài hạn tiếp tục được ký kết: 1,5 triệu tấn cho Indonesia từ
2013 đến 2017; 1,7 triệu tấn cho Malaysia, cho Phillipin… Nếu có một tấm
huy chương cho thành tích này, hẳn nhiên đó phải là tấm huy chương vàng
chói lọi.
Nhưng câu hỏi về “mặt trái của tấm huy chương” đã được đặt ra: Là
nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, nhưng giá hạt gạo của VN lại rất thấp.
Đến bao giờ và làm thế nào để có thương hiệu cho hạt gạo VN?- ĐBQH
Nguyễn Thị Kim Bé đặt câu hỏi. Và câu hỏi này nhận được sự quan tâm của
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi ông nhắc lại “đến bao giờ”, bởi
“chỗ đấy mới khó đấy”.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam thu về gần 4,5 tỉ USD từ xuất
khẩu gạo, song giá của gạo Việt Nam chỉ bằng gần 80% giá bình quân thế
giới. Có những lúc giá gạo Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan đến 120
USD/tấn. Ngay cả giá sàn “thấp nhất thế giới” đó vẫn có lúc bị “phá giá”
khi những DN bán thấp hơn giá sàn đến 30 USD/tấn.
Rẻ nhất thế giới là một cái lẽ cay đắng trong câu chuyện nhiều nhất
thế giới. Bởi nhiều nhất, trong khi không quyết định được giá theo quy
luật kinh tế, mà dựa vào việc “bán rẻ” đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen
của từ này. Và vì thế, câu chuyện thương hiệu hạt gạo thực ra lại là
chuyện giá trị giọt mồ hôi nông dân.
Phát biểu nghị trường ngày hôm qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhắc
tới những cái kho này, một trong bốn biện pháp cho “vấn đề lớn” là xây
dựng thương hiệu hạt gạo Việt. 4 biện pháp đã và đang được triển khai:
Chọn tạo giống chất lượng cao. Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn để có
sản lượng hàng hóa lớn, đồng đều với gía thành rẻ. Hỗ trợ doanh nghiệp
và nông dân xây kho, dự trữ bảo quản đảm bảo chất lượng. Và Xúc tiến
thương mại. Đối với câu hỏi “bao giờ” cho thương hiệu hạt gạo Việt, ông
Phát nói: Việt Nam đã xuất khẩu gạo đã 23 năm, nhìn lại chất lượng đã
chuyển dần từ xuất gạo chất lượng thấp sang trung bình”. Và “Cần nỗ lực
để đi theo hướng này”.
Hai vị Bộ trưởng chỉ để trả lời cho một câu hỏi “bao giờ”. Thậm chí
ngay cả khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi “Có bao giờ (hạt
gạo Việt) đạt mức thương hiệu cũng đứng đầu (như xuất khẩu)?”; “2020
chất lượng có tương xứng với số lượng?” thì cũng không có ai trả lời ông
cả.
Bởi “Sắp tới”, “Sớm có thương hiệu”, “Cần đi theo hướng này”, có lẽ
đó không phải là một lời hứa, thậm chí cũng không phải câu trả lời.
Và vì thế, sẽ còn dài dài câu chuyện tấm huy chương vàng xuất khẩu
được tạo ra trên việc bán rẻ mồ hôi nông dân, nhất là khi cơ chế xuất
khẩu gạo được giao cho Hiệp hội Lương thực định giá nhưng lợi nhuận của
họ độc lập với giá gạo xuất khẩu.