Phạm Thị Tề
Ảnh chụp mùa hè năm 1946 tại nhà ông bà Aubrac ở Soisy-sous-Montmorency. Trong ảnh, ngồi quanh chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nhận ra: Raymond Aubrac (người đầu tiên, từ trái sang phải), Vũ Đình Huỳnh (người đầu tiên, từ phải sang trái). Cô bé ngồi giữa là Jacqueline Nguyễn Thanh Nhã. Nguồn: Diễn Đàn
Hà Nội, ngày 20.02.1994
Kính gửi:
- Ông chánh án Toà án nhân dân tối cao.
- Ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng kính gửi:
- Ông chủ tịch Quốc hội.
- Ông tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
- Ông Thủ tướng Chính phủ.
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, các cơ quan truyền thông, các bạn tù Sơn La, họ hàng và bạn hữu... (Để biết và cho ý kiến)
- Ông tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
- Ông Thủ tướng Chính phủ.
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, các cơ quan truyền thông, các bạn tù Sơn La, họ hàng và bạn hữu... (Để biết và cho ý kiến)
Kính thưa các quý ông,
Tôi là Phạm Thị Tề, 83 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu
Hiện ngụ tại 5 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tôi làm đơn này yêu cầu các cơ quan pháp luật nhà nước đưa ra xét xử công khai vụ án phi pháp: “Vụ xét lại chống Đảng” (còn gọi là vụ Hoàng Minh Chính), mà chồng tôi là một trong những nạn nhân.
Chồng tôi – Vũ Đình Huỳnh – nguyên thành viên tổ chức Việt Nam Thanh
niên Cách mạng đồng chí hội, nguyên đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam
(1930), nguyên bí thư cho chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên giám đốc công
thương liên khu III - IV, nguyên vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ ngoại giao,
nguyên Vụ trưởng Ban thanh tra Chính phủ, huân chương Kháng chiến Hạng
Nhất, nghỉ hưu từ 1964 và đã mất tại nhà riêng ở Hà Nội 03.05.1990.
Tháng 10.1967, do có những bất đồng quan điểm với nghị quyết IX của
Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhà tôi bị bắt giam cùng với hàng chục
cán bộ trung, cao cấp khác, bị biệt giam 6 năm, quản thúc 3 năm, tới
1975 mới được thả về.
Tất cả các cuộc bắt bớ, giam cầm này đều thực hiện một cách bí mật,
hoàn toàn trái với pháp luật. Tất cả các nạn nhân đều bị đưa đi biệt
giam trong nhiều năm mà không hề có một toà án nào xét xử, không hề được
biện minh cho mình như luật định.
Gần 30 năm đã trôi qua mà vụ án phi pháp này vẫn bị vùi trong bóng
tối, khi mà ông Lê Đức Thọ – trưởng ban “kết tội và xét án” của Ban chấp
hành Trung ương Đảng, người chịu trách nhiệm chính trong vụ này – cũng
đã chết.
Tôi lấy ông Huỳnh vì yêu mến lý tưởng mà ông ấy theo đuổi: đấu tranh
chống chế độ thực dân để giành quyền độc lập tự do cho dân tộc. Trong
những năm trước Cách mạng, gia đình tôi là cơ sở tin cậy của Đảng tại Hà
Nội. Một mình tôi vừa làm ăn buôn bán nuôi con, chu cấp cho chồng và
đóng góp cho tổ chức, tôi luôn tin vào ngày nước nhà độc lập.
Cách mạng thành công, nhà tôi được Bác Hồ chọn làm bí thư riêng và đã
giúp Bác đắc lực trong những năm sau đó. Kháng chiến bùng nổ, theo
Đảng, theo Bác, gia đình tôi bỏ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, rồi phiêu
bạt xuống Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá. Tuy khó khăn gian khổ về vật
chất nhưng lại là những năm tháng thật đẹp: không có đặc quyền, đặc lợi,
cấp trên cấp dưới đâu ra đấy mà vẫn thương yêu nhau hết mực...
Năm 1954, hoà bình lập lại, gia đình tôi trở về Hà Nội mà lòng tràn
ngập tin tưởng và vui sướng. Ước mong mà cả gia đình theo đuổi đã thành
sự thật. Cuộc sống đã mở ra viễn cảnh tốt đẹp cho gia đình tôi.
Sau này, tôi cũng được nghe đôi điều về những bất đồng với lãnh đạo
của ông Huỳnh trong vụ Cải cách ruộng đất, trong Cải tạo công thương
nghiệp, trong Nhân văn Giai phẩm. Tuy nhiên, ông Huỳnh cùng gia đình vẫn
được sống yên ổn trong suốt thời gian đó. Sau nghị quyết IX của BCH
Trung ương Đăng (9.1963), ông Huỳnh và một số cán bộ trung cao cấp khác
lại có bất đồng. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, như bàn tay có ngón
dài, ngón ngắn.
Tôi không thể ngờ vào đêm 18.10.1967 tai hoạ đã giáng xuống gia đình
tôi. Công an ập vào bắt giữ chồng tôi và sau khi lục soát đã đem đi tất
cả những tấm ảnh nhà tôi chụp chung với Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, ở
phố Hàng ngang những ngày Bác viết Tuyên ngôn Độc lập, ở Paris khi nhà
tôi được Bác phong Đại tá cận vệ trong phái đoàn dự Hội nghị
Fontaitlebleau. Vào thời điểm bị bắt, nhà tôi đã nghỉ hưu được 3 năm.
Ai có thể hiểu được nỗi cay đắng của tôi lúc đó? Một người phụ nữ hai
lần chứng kiến cảnh bắt bớ chồng mình ở hai chế độ đối kháng nhau: lần
thứ nhất (1940) bị bắt và kết án 3 năm tù khổ sai tại nhà tù Sơn La vì
can tội hoạt động chống đối chế độ thực dân, lần thứ hai (1967) bị bắt
và đưa đi biệt giam – không có án – ngay trong chế độ Dân chủ Nhân dân,
một chế độ mà chính ông ấy đã góp xương máu tạo dựng nên, một chế độ “Một triệu lần dân chủ hơn chế độ tư bản”.
Rồi “phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”, vài tháng sau ngày
ông Huỳnh bị bắt, con trai tôi – Vũ Thư Hiên, biên tập viên Báo ảnh
Việt Nam – cũng bị bắt trên đường về nhà, cũng bị biệt giam, cũng chẳng
có một toà án nào xét xử xem nó phạm tội gì? Hai bố con bị biệt giam mỗi
người một nơi. Vũ Thư Hiên sau đó bị nhốt chung với tù hình sự. Đến
1976, sau 9 năm bị giam giữ không có án, con tôi mới được tha về.
Những năm sau đó, báo chí bị cấm không được nhắc tới cái tên Vũ Đình
Huỳnh, cấm không được đăng ảnh Bác Hồ mà trong ảnh đó có ông Huỳnh. Các
báo và các nhà xuất bản bị cấm không cho cái tên Vũ Thư Hiên được xuất
hiện trên sách báo – dù chỉ là dịch giả “truyện ngắn Pautopxki”
(tập truyện này theo yêu cầu của nhiều độc giả, đã được tái bản dưới
tên Kim Ân, là vợ của Thư Hiên) – rồi một vài truyện ngắn của Thư Hiên
được liệt vào “dòng văn học tư sản phản động”?!
Tai hoạ liên tục giáng xuống gia đình tôi: cả chồng, cả con đều bị
bắt. Lương hưu của nhà tôi, lương của con tôi bị cắt. Còn lại tôi với
chín đứa con và một đàn cháu phải sống trong cảnh thiếu thốn khốn cùng.
Nhưng thiếu ăn, thiếu mặc không khủng khiếp bằng nỗi khổ tinh thần: bạn
mình, bạn chồng xa lánh vì sợ liên luỵ, con cái bị trù dập. Nhà tôi
trước đây lúc nào cũng đông khách mà sau đó chẳng còn ai lai vãng. Không
khí khủng bố nặng nề, công an mật theo dõi ngay trước cửa 24/24 thì thử
hỏi còn ai dám đến thăm?
Để duy trì cuộc sống cho gia đình và có điều kiện thăm nuôi chồng
con, tôi phải bán dần đồ đạc, tài sản: xe cộ, bàn ghế, giường tủ... Đến
khi cùng đường, không còn một thứ gì có thể bán được nữa, tôi đành phải
bán nốt tài sản cuối cùng của mình là ngôi nhà số 8 ngõ Tràng An, nhà
này tôi mua từ trước Cách mạng (lúc bán được 2 cây vàng, nếu để lại đến
nay đã có giá 100 cây). Ngôi nhà mà hiện nay gia đình tôi đang sống (5,
Hai Bà Trưng) là nhà của anh ruột tôi cho ở nhờ và quản lý hộ.
Thế là sau mấy chục năm trời bỏ cả tín ngưỡng, nhà cửa, tài sản hăng
hái theo Đảng, theo Cách mạng, những tưởng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nào
ngờ tai bay vạ gió, gia đình tôi rơi vào cảnh trắng tay: không nhà cửa,
không tài sản, danh dự bị bôi nhọ, bị vu oan là “chống Đảng – phản Cách mạng”.
Năm 1972, nhà tôi được tạm tha, nhưng không cho về Hà Nội mà bị buộc
quản thúc tại Nam Định. Gian truân nối tiếp gian truân, nhưng cũng còn
may mắn hơn một số người khác, không đến nỗi phải bỏ xác trong tù như
ông Phạm Viết, hoặc được tha về để chết tại gia như ông Phạm Kỳ Vân
(những người này cũng bị quy vào nhóm “chống Đảng” nói trên).
Đến năm 1975, nhà tôi mới được tha hẳn về Hà Nội để sống nốt những
năm tháng cuối đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng 03.05.1990.
Những lần gặp ông Lê Đức Thọ trong tù, chồng tôi vẫn bảo lưu quan
điểm của mình và một mực yêu cầu ông Lê Đức Thọ phải đưa vụ này ra công
khai, xét xử theo Hiến pháp và pháp luật, không thể vin vào cớ “bảo vệ Đảng chỉ xử lý nội bộ” để bắt và giam giữ những người chưa được pháp luật định tội.
Trong những ngày cuối đời mình, ông Lê Đức Thọ có cho người đến đón
nhà tôi lên gặp. Nhưng khi đó ông Huỳnh đã rất yếu, điếc nặng, trí nhớ
giảm sút. Sau đó ông Thọ mời tôi đến. Trong câu chuyện, ông tỏ ý sẽ giải
quyết riêng việc khôi phục danh dự cho nhà tôi trước. Tôi cảm ơn nhưng
không chấp nhận vì vụ này liên quan đến nhiều người, không thể giải
quyết riêng rẽ như vậy được. Tôi nói với ông Thọ: “Anh giải quyết như vậy thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thấy những người bị oan ức khác”.
Rõ ràng ông Thọ vẫn cho mình cái quyền tối thượng – nhân danh Đảng –
tuỳ tiện bắt và giam giữ những người mà ông ấy cho là chống đối, rồi lại
định khôi phục danh dự cho một cá nhân nào đó – coi như một sự ban ơn –
mà chẳng cần đến luật pháp nào hết.
Không phải một mình ông Huỳnh nhà tôi chịu cảnh đoạ đày, các con tôi
cũng phải chịu vạ lây hết sức vô đạo lý. Có hẳn những chỉ thị bằng văn
bản từ Ban tổ chức Trung ương Đảng đưa xuống các cơ quan, hướng dẫn cần
phải o ép con em những người trong “nhóm chống Đảng” như thế nào. Thiết nghĩ, chỉ kém cái kiểu “tru di tam tộc” dưới thời phong kiến không nhiều lắm.
Dù có viết hàng nghìn trang giấy cũng không nói hết những nỗi khổ ải,
nhục nhằn, những gánh nặng oan khiên, day dứt của những người trực tiếp
và gián tiếp bị dính vào vụ “xét lại chống Đảng”.
Hiến pháp và pháp luật, quốc hội và toà án, chính quyền dân chủ nhân
dân và nhân quyền đã được ghi thành văn bản giấy trắng mực đen, là thành
quả được đổi bằng núi xương sông máu của hàng triệu cán bộ đảng viên đã
bị ông Lê Đức Thọ chà đạp không thương tiếc.
Ông Lê Đức Thọ đã nhân danh đảng hành động như một nhà độc tài vô
nhân đạo với ngay những người bạn, những người đồng chí đã cùng nhau
chia sẻ gian lao trong nhà tù đế quốc, những đồng chí đã cưu mang chính
bản thân mình trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đấu tranh
giải phóng dân tộc – chỉ vì họ đã suy nghĩ không giống mình và đã dám
nói ra những suy nghĩ ấy. Thật là đau đớn và tôi nghĩ nỗi đau đó làm se
lòng hàng triệu trái tim yêu Tự do và Công lý.
Tôi oán ông Lê Đức Thọ vô cùng, tôi cho rằng ông ấy là người độc ác
và hạn hẹp về trí tuệ. Tôi càng uất ức hơn khi chồng tôi mất đi mà không
kịp nhìn thấy ngày sự thật được đưa ra ánh sáng. Nhưng sau khi ông Thọ
mất đi mà chẳng thấy những người kế tục lãnh đạo Đảng đưa vụ này ra công
khai thì tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi đồ rằng căn nguyên của vụ án này,
cũng như biết bao vụ án khác chưa từng được bất kỳ toà án nào xét xử,
không phải ở một cá nhân Lê Đức Thọ. Căn nguyên của tất cả những vụ oan
ức nói trên là hậu quả của sự độc quyền lãnh đạo của một số cán bộ cấp
cao của Đảng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tại sao ở nước Mỹ, một đất nước “đầy bất công và bạo lực, chỉ có dân chủ cho một số ít giai cấp tư sản...” mà người ta vẫn có thể đưa một vị tổng thống ra toà vì bị phát hiện là phạm pháp? Còn ở nước ta, trong một chế độ “một triệu lần dân chủ hơn”
pháp luật lại không đụng đến lông chân người lãnh đạo cao cấp khi chính
người này phạm pháp? Chúng ta đang sống trong những năm cuối cùng của
thế kỷ XX hay đang sống giữa thời trung cổ, khi người ta chỉ kết án một
tên đao phủ, còn đối với một “quý ông đao phủ” thì không?
Sau khi nhà tôi mất, ông Lê Đức Thọ có gửi thư chia buồn đến gia đình tôi. Ông Thọ viết: “Tôi
rất thương và nhớ anh, anh là đồng chí tốt, khuyết điểm trong thời gian
qua chỉ là nhất thời. Lúc anh ra tù trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945
và khi mới giành được chính quyền anh đã có công đóng góp phần mình vào
công tác chung của Đảng. Đảng không bao giờ quên những đóng góp của anh
trong thời gian đó”.
Có thể hiểu như thế nào về những điều ông Lê Đức Thọ đã viết trên?
Nếu như ông Huỳnh có “khuyết điểm” như ông Thọ đã nói, thì
với tư cách một đảng viên, ông Huỳnh phải chịu kỷ luật của chi bộ Đảng
nơi ông sinh hoạt dưới các hình thức: phê bình, cảnh cáo, khai trừ lưu
Đảng đến khai trừ vĩnh viễn khỏi Đảng. Việc bắt người và giam giữ là
việc của các cơ quan Pháp luật Nhà nước, sau khi thực hiện đầy đủ các
thủ tục theo luật định: khởi tố, lập toà án xét xử và kết án.
Vậy vì lẽ gì mà chồng tôi, con tôi bị bắt, bị giam giữ gần cả chục năm trời không có án?
Vì bất đồng quan điểm, vì “tư tưởng lệch lạc” chăng? Chỉ vì những điều này thì chưa kết tội được bất kỳ ai.
Vì “xét lại” chăng? Thế nào là “xét lại” ?
Vì “phản Đảng – phản Cách mạng” chăng? Liệu có thể khép lội ông Huỳnh và các nạn nhân khác vào điều luật nào trong Bộ luật tố tụng hình sự?
Nếu đã có thể khép tội nhà tôi và các nạn nhân khác theo pháp luật thì ông Thọ chẳng dại gì không sử dụng bộ máy hành pháp.
Nhưng theo lệnh của ông Lê Đức Thọ, việc bắt và giam giữ hàng loạt cán bộ vẫn được thực hiện trong bí mật.
Đó chính là điều phi pháp trong hành động của ông Lê Đức Thọ. Và
đương nhiên, khi những người lãnh đạo cấp cao của Đảng không tôn trọng
pháp luật, dẫn đến tình trạng bất công xã hội thì lòng tin của mọi tầng
lớp nhân dân vào Đảng bị xói mòn nghiêm trọng, dẫn tới việc Hiến pháp và
pháp luật chưa bao giờ được thực hiện nghiêm chỉnh.
Sau Đại hội VI của Đảng, cánh cửa dân chủ đã hé mở. Ông Huỳnh lại có
thư gửi tới nguyên tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – Nguyễn Văn Linh –
một lần nữa yêu cầu ông Linh đưa vụ này ra ánh sáng.
Nhưng chỉ có sự im lặng từ phía những người cầm quyền, như thể yêu cầu của ông Huỳnh được gửi vào cõi hư vô.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, tình hình đã có nhiều thay đổi. Năm
1992 Hiến pháp mới ra đời cùng hàng loạt các bộ luật khác trong nhiều
lĩnh vực. Báo chí và các cơ quan truyền thông thường xuyên kêu gọi nhân
dân “hãy sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Đất nước có nhiều chuyển biến trong thời mở cửa. Đảng đã chấp nhận
một xã hội đa thành phần kinh tế, đó là nền tảng của một thể chế dân
chủ.
Nghe nói, sang năm 1994, Đảng và nhà nước chủ trương xây đựng một nhà
nước pháp quyền dân chủ, chủ trương đoàn kết và hoà hợp dân tộc, kêu
gọi tất cả các dân chúng Việt Nam ở trong và ngoài nước – bất kể chính
kiến – cùng nhau góp sức xây dựng đất nước có công bằng xã hội và giàu
mạnh.
Ông Lê Đức Thọ đã chết, song không phải vì thế mà vụ này vẫn tiếp tục
bị vùi trong bóng tối. Không chỉ riêng chúng tôi, những người trực tiếp
và gián tiếp là nạn nhân trong vụ này, mà tất cả những người có lương
tri và yêu công lý đều yêu cầu đưa vụ này ra ánh sáng.
Giải oan cho những người bị oan ức là việc cần phải làm và không bao
giờ muộn, nó sẽ đem lại lòng tin cho cả triệu người vào Đảng và Nhà
nước. Xưa, vụ án oan ức “Lệ chi viên” đã đẩy Nguyễn Trãi và tất cả những
người ruột thịt của ông vào cảnh “tru di tam tộc”: hơn hai mươi năm
sau, vua Lê Thánh Tông lập đàn giải oan cho ông, để lại tiếng thơm muôn
đời.
Vì đó là việc làm nhân nghĩa và hợp đạo lý.
Tôi khẩn thiết kêu gọi tình người nơi các ông – từ trái tim rỉ máu
bởi nỗi đau oan ức của tôi, các con tôi và những nạn nhân khác. Tôi hy
vọng các ông là những người có trái tim cũng biết đau nỗi đau đồng loại,
hy vọng các ông là những con người có trí tuệ công minh và có đầy đủ
nhân cách dân chủ.
Ông Vũ Đình Huỳnh – chồng tôi – một trong những nạn nhân của vụ “xét lại chống Đảng”
đã chết. Còn tôi đã 83 tuổi, cuộc sống chỉ còn đếm từng ngày. Tôi làm
đơn này không chỉ yêu cầu các cơ quan pháp luật đưa ra công khai vụ “xét lại chống Đảng”,
xác định trắng đen rõ ràng, giải toả oan ức cho chồng tôi và những nạn
nhân khác, mà còn hy vọng góp sức lực cuối cùng của mình vào quá trình
xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ thực sự.
Tôi hoàn toàn không muốn lá đơn này lại được trả lời bằng sự im lặng.
Và nếu cái sự không mong muốn ấy lại đến, thì tôi đành phải nói với các
con tôi rằng: “Chưa có dân chủ thật sự đâu, các con ạ”.
Và các con tôi sẽ lên tiếng. Nếu cả mười đứa con tôi chết đi mà vụ
này vẫn chưa được đưa ra công khai, thì đời cháu tôi và những thế hệ sau
chúng sẽ tiếp tục đòi hỏi yêu cầu chính đáng này trong sự truyền nối.
Cuối cùng, xin gửi tới các ông lời chào trân trọng.
Hà Nội ngày 20 tháng 02 năm 1994
Nguyên đơn
Công dân Phạm Thị Tề
05, Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nguyên đơn
Công dân Phạm Thị Tề
05, Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hồ Chí Minh, Picasso và Vũ Đình Huỳnh...
Đơn yêu cầu của bà quả phụ Vũ Đình Huỳnh, nhũ danh Phạm Thị Tề, đã trình bày rõ ràng trường hợp Vũ Đình Huỳnh, một trong những nạn nhân của vụ án xét lại chống Đảng gắn liền với tên tuổi của ông Hoàng Minh Chính.
Bên lề vụ án Vũ Đình Huỳnh, thiết tưởng cũng xin nêu lên một tội ác văn hoá nghiêm trọng. Theo lời kể của ông Huỳnh (đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội), năm 1967, bộ máy an ninh đã tịch thu tại nhà ông một bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh của Pablo Picasso. Bức chân dung này, Picasso đã vẽ tặng Hồ Chí Minh năm 1946, khi chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hoà đến thăm hoạ sư tại xưởng vẽ. Vẫn theo lời ông Huỳnh, Picasso và Nguyễn Ái Quốc đã quen nhau trong những năm 1920 ở Paris. Bức hoạ này hiện nay đâu rồi?
Đơn yêu cầu của bà quả phụ Vũ Đình Huỳnh, nhũ danh Phạm Thị Tề, đã trình bày rõ ràng trường hợp Vũ Đình Huỳnh, một trong những nạn nhân của vụ án xét lại chống Đảng gắn liền với tên tuổi của ông Hoàng Minh Chính.
Bên lề vụ án Vũ Đình Huỳnh, thiết tưởng cũng xin nêu lên một tội ác văn hoá nghiêm trọng. Theo lời kể của ông Huỳnh (đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội), năm 1967, bộ máy an ninh đã tịch thu tại nhà ông một bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh của Pablo Picasso. Bức chân dung này, Picasso đã vẽ tặng Hồ Chí Minh năm 1946, khi chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hoà đến thăm hoạ sư tại xưởng vẽ. Vẫn theo lời ông Huỳnh, Picasso và Nguyễn Ái Quốc đã quen nhau trong những năm 1920 ở Paris. Bức hoạ này hiện nay đâu rồi?