31 Tháng 10, 2012
Dưới đây là đoạn trích từ bức thư của một người bạn sống tại Hà Nội
tôi nhận được hôm nay. Cảm ơn bạn đã cho phép tôi đem ra chia sẻ trên
blog này.
Phạm Thị Hoài
Phạm Thị Hoài
______________________
Hơn một tháng qua tớ long tong, đầu bù tóc rối, toan tính những thứ
vụn vặt tầm thường. Tâm trí lúc chìm lúc nổi. Xã hội xung quanh im lìm
như thóc. Chết lặng. Khủng hoảng thực sự đã tràn về, mọi nơi mọi chỗ. Bài viết của bác Alan Phan hôm 23.10.
vừa rồi đã nhấn chìm tia hi vọng cuối cùng còn sót lại của những đại
gia lạc quan nhất. Nôm na nói nhanh cho vuông là đất nước đang chìm
trong biển nợ. Sau gần hai mươi năm vay ăn béo bẫm, vẽ cho lắm hão huyền
thì các vấn đề vĩ mô vẫn còn nguyên đó. Quan còn tiếp tục đánh nhau,
chưa ai rỗi mà lo cho dân. Anh Kiên vẫn ngồi, anh Tâm vẫn đứng, anh Sang
anh Dũng hai phe chưa phân thắng bại. Trâu chưa chết, bò chưa chết,
ruồi muỗi là dân đen đã ngắc ngoải thoi thóp.
Vất vưởng ở đây gần tám năm nhưng cái không khí dở dở ương ương đậm
mùi đói khát, lọc lừa như hiện tại tớ chưa thấy bao giờ. Có đồng bào nào
xa quê hương, lâu lâu không về thì nên về ngay lập tức. Về mà trải
nghiệm cái thanh lịch, hiếu khách, cần cù chịu khó, tính nhẫn nhục, thật
thà dễ thương của người Việt. Hiếm khi nào mà người Hà Nội lại khiêm
tốn như lúc này. Đại gia ngấp nghé bên bờ vỡ nợ, cửa hàng cửa hiệu thi
nhau đóng cửa. Khách sạn 4-5 sao vắng như chùa bà đanh. Nếu giả sử có
hứng mua nhà thì người bán đã dịu giọng. Trật tự trên thị trường nhà đất
đang được thiết lập lại.
Đầu tiên như mọi khi tớ xin báo cáo tình hình học hành của con gái.
Cục vàng của tớ. Con đi học được tròn hai tháng. Tháng đầu tiên thì học
cả ngày, ăn ngủ trưa ở lớp, sụt mất ba cân. Tháng thứ hai do mẹ nài nỉ
nhờ cô thông cảm con còi cọc nên con được phép tùy ý nghỉ ở nhà tự học
lúc nào con muốn. Trong 7 môn học chính thì Toán, Văn, Anh đã ngoi lên
top 3 trong lớp và các lớp học thêm. Còn bốn môn Sử, Lý, Sinh, Địa thì
chưa có sức để mà học.
Sáng hôm qua bố sa sầm mặt mũi khi hỏi đến cái gì con cũng không
biết, ngay lập tức đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc. Gay gắt chỉnh đốn
thói học hành cẩu thả của con gái và thói chiều con của mẹ. Nói là làm,
đêm về vợ nghiên cứu sách môn Sinh, chồng nghiên cứu môn Địa. Hai vợ
chồng vật vã nghĩ cách dạy con. Sau một hồi thì tá hỏa, hóa ra con học
dốt một phần vì con chưa chăm, nhưng phần nhiều bởi sách viết toàn ngôn
từ khó hiểu, câu cú văn phong lằng nhằng rối rắm. Bố mẹ cả đời ăn học,
sách Tây sách ta đọc như gió còn chẳng thông. Thương con mà rơi nước
mắt, trách ai, hận ai bây giờ?
Nói vậy thôi chứ tớ chẳng dám hé nửa lời chê trách thầy cô. Lương
bổng thế tớ cũng chẳng kham nổi. Tuần qua xã hội nhao nhao ném đá ngành
giáo dục. Từ “Canh gà Thọ Xương”
đến học thêm, lớp VIP. Nghĩ mà chán. Lại cái bài đánh lạc hướng của
quan đây mà. Thiên hạ cứ mải đi mà cãi nhau ba cái tầm phào, lãng nhách
thì quan ta mới rảnh rang chia chác, trộm cắp, chấm mút.
Ngành giáo dục nói đi nói lại cũng chỉ là ngành cung cấp dịch vụ đơn
thuần. Thị trường cầu cái gì thì cung cái đó. Đã mua được quan, bán được
chức thì buôn bán in ấn bằng cấp thật giả có gì là sai. Tớ đã nghe có
quan phán thẳng vào mặt tớ là cho con đi học làm gì cho mệt, đằng nào
thì nó cũng có chân có suất trong Bộ rồi. Học lắm để dọa ai, biết nhiều
chỉ tổ ế chồng!
Chỉ tội cho các bác nông dân nai lưng bán mặt cho đất để cuối tháng
lo đủ 3 triệu gửi lên cho con đi mua cái chữ. Sau năm năm ăn học con lại
bủng beo quay về nhờ bố chạy cho vào cái chức đi cày. Biết thế này ở
nhà đi cày luôn cho xong. Mẹ cha đứa nào dụ con ông thi đỗ đại học. Con
ơi là con, tao tưởng công thành danh toại mày mới về chứ ai biết đâu mày
bị người ta lừa đi du lịch giá cao hả con!
Và tội cho những đứa trẻ. Biết chạy vào đâu để cống hiến tài năng trí
tuệ? Ghế thì ít đít thì nhiều. Khắp nơi phá sản, giải thể, cưỡng ép tự
thôi việc. Bố mẹ ở quê nào đã từng nghe bao giờ. Cứ tưởng ra gần trung
ương là tốt. Hoài bão ước mơ con luôn canh cánh trong lòng, tâm niệm
thương cha xót mẹ. Một lòng hiếu thảo. Một lòng theo thầy cô đèn sách.
Tuổi trẻ, nhiệt huyết, niềm tin, hi vọng, trôi dạt về đâu?
Học xong bằng đỏ ra lấy đâu nửa tỉ bạc mà chạy vào ngân hàng? Lấy đâu
ra 400 triệu để có chân được làm bác sĩ? Lấy đâu ra 20.000 $ để chạy
làm tiếp viên hàng không Vietnam Airlines? Lấy đâu ra 160 triệu để chạy
vào biên chế giáo viên cấp hai? Lấy đâu ra 60 triệu để chạy vào làm cô
giáo mầm non? Rồi cách cuối cùng, muốn vào làm vợ hai, vợ ba, vợ hờ của
đại gia thì cũng phải có tiền đầu tư phấn son giầy dép chứ có phải tay
trắng mà được đâu!
Ở đây cái gì cũng sẵn, chỉ thiếu mỗi công ăn việc làm.
© 2012 pro&contra