Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Giải thưởng con ếch…vàng

Alan Phan
Năm hết Tết đến, cả thế giới đang chộn rộn ghi nhận vinh danh thành quả của hoạt động năm cũ, tặng nhau những giải thưởng huân chương nghe rất hoành tráng. Giới điện ảnh quốc tế có Cây Cọ Vàng, Sư Tử Vàng; điện ảnh ta thì cũng khoe Con Diều Vàng…và bao nhiêu loại vàng khác (thường thường không nguyên chất).
Trong khi chuẩn bị về Mỹ làm ăn, lão già Alan muốn mời BCA đề nghị và bình chọn một giải thưởng cho một sự kiện kinh tế xã hội đã, đang và sẽ làm thay đổi bộ mặt Việt Nam trong 10 năm tới. Rất nhiều lựa chọn nghe các bạn: nợ xấu ngân hàng, bong bong BDS, doanh nghiệp nhà nước, y tế giáo dục, sự vô cảm giả dối, hội nghị trung ương, quan làm báo, bầu Kiên, hoặc bất cứ nhân vật hay công ty nào đã tạo một ảnh hưởng siêu khủng trên đám dân đen, dù tiêu cực hay tích cực.

 
Giải thưởng sẽ được tôn danh là “con ếch vàng của 2012”. Bạn nào giải mã được ý nghĩa sâu xa của tên giải thưởng sẽ được ông già Alan tặng cho 9 cuốn sách Anh-Việt của ông với chữ ký và một bữa ăn tối cho 2 người tại nhà hàng Chris Ruth ở Chicago (phải tự túc vé máy bay và khách sạn).
Vì không được tham dự cuộc bình chọn, ông già Alan xin bật mí suy nghĩ của ông hiện giờ. Theo ông, chương trình thu mua vàng trong dân để đem tiền tươi rót cho …đang thua lỗ thất thế để tạo cú hích cho nền kinh tế trì trệ là một chấn động lịch sử. Bạn BCA nào giải đoán chính xác và đầy đủ các lý do của sự lựa chọn này, xin comment. Ông già Alan sẽ để lại một món quà Giáng Sinh cho bạn.
Tôi nghe nói là các lãnh đạo tài chánh ta đã thỉnh một chuyên gia kinh tế Trung Quốc thuộc Đại Học Beijing để nhờ tư vấn về chương trình này. Sau khi nghe từ A đến Z các diễn tiến và mục tiêu, từ lúc cấm giao dịch vàng miếng đến việc tạo dựng một thương hiệu độc quyền quốc gia, đồng chí TQ đã bắt tay khen ngợi sự sáng tạo và quả cảm của các đồng chí ta. “Đây là sự kiện đầu tiên trong lịch sử của kinh tế thị trường. Không quốc gia nào có thể thuyết phục được người dân bỏ tiền túi ra để các ngài kinh doanh dùm. Một hình thức OPM tuyệt diệu nhất.”
Các bác Việt vẫn thắc mắc, “ Nhưng đây là việc chúng ta vẫn làm thường xuyên trong nền kinh tế XHCN?” “ Một XHCN chính thống như Bắc Triều Tiên thì dân chỉ có “vàng..chó tha” thu gom làm phân bón chứ mua bán với ai? Nhưng các đồng chí phải cẩn thận. Bọn dân đen lúc này khôn ra nhờ Internet. Bạn đẩy tới, họ sẽ đẩy lại. Hai lực đẩy mhư hai toa xe lửa đang chậm chạp tiến ngược chiều và sẽ đâm vào nhau vì cùng trên một đường ray”
“Đồng chí có giải pháp nào khác để giúp?”
“Tôi sẽ kêu phone cho lão già Alan bay từ Hồng Kông về.”
 “Thằng cha đó nó giỏi thế à?”
“Không, nó cũng chẳng biết giải pháp gì đâu. Nhưng tôi chắc trong 67 năm đời hắn, hắn chưa bao giờ thấy 2 xe lửa đâm vào nhau cả.”
Alan Phan

PS: Trong hội thảo ở Hà Nội, cô Lê Quyên có gởi tôi 2 câu hỏi về “định hướng”. Mãi hôm nay mới có thì giờ để trả lời. Xin lỗi về sự chậm trễ:

Câu hỏi của cô Lê Quyên:
Câu 1
- Tiến sỹ Alan Phan có suy nghĩ gì cho sinh viên Việt Nam? Khi ông thấy thực trạng của các bạn ấy có vấn đề về tư duy? Hoặc trong bài viết gần đây nhất ông có hơi nặng lời đó là lớp người không biết tư duy? Vậy, ông là người có nhiều kinh nghiệm, trãi nghiệm ông nên có góp ý giải pháp nào cho các bạn trẻ sinh viên đó?

Trả lời:
Tôi không nghĩ là mình đã nặng lời hay chê lớp người trẻ Việt hiện nay “không biết” tư duy. Tôi luôn đánh giá cao về trí tuệ của người Việt so với các dân tộc khác. Tuy nhiên, tôi nhận thấy là lớp trẻ Việt trong nước “không muốn” tư duy và thích rập khuôn theo những lề lối mà các bậc trưởng thượng (cha mẹ, thầy cô, bạn bè, quan chức…) đã chọn sẵn cho họ. Sự thiếu độc lập và cởi mở tạo nên một hệ thống suy nghĩ bầy đàn, ù lì và lười biếng…khó thích hợp cho một nền kinh tế của kiến thức và sáng tạo. Ngày nào mà giới trẻ Việt còn hành xử như những ông “cụ non”, mệt mỏi và già nua, thì ngày đó nền kinh tế và mức sống của Việt Nam còn tụt hậu vào nấc thang dưới của thế giới.

Câu 2
“Gây dựng cho mọi nhân viên  trong nhà máy một tư duy sống và làm việc như đang ở tại một quốc gia tiền tiến”. Đó là bài  ông viết về một nhà máy ở tỉnh Trà Vinh của bạn ông, Sau khi bôn ba nơi đất khách quê người đã giành dụm những đồng tiền mồ hôi đó về xây dựng một nhà máy hiện đại ngay trên quê hương Trà Vinh,  như một món quà tặng tri ân với quê hương. Đó là đào tạo những con người nông dân trên mảnh đất này thành con người hiện đại. Vậy, với ông sẽ có một dự án tương tự nào cho sinh viên Việt Nam khi ra trường sẽ có được một môi trường như vậy để làm việc hay không?

Trả lời:

Tôi thực sự thán phục anh Mỹ qua việc tạo dựng nhà máy Mỹ Lan và văn hóa mới cho những nông dân Trà Vinh. Chắc chắn tôi đã không có một thành tích nào tương tự qua 43 năm kinh doanh. Hiện nay, tôi đã 67 tuổi, dù nhiệt huyết vẫn còn, nhưng không đủ sức khỏe và thời gian để làm việc như anh Mỹ. Tôi chỉ hy vọng là qua những bài viết, tôi có thể kích động tinh thần và lương tri của các doanh nhân trẻ khác để họ có thể trở thành những “anh Mỹ Trà Vinh” trên quê hương làng nước của họ. Hơn lúc nào hết, Việt Nam đang rất cần những con người và tấm lòng như anh Mỹ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"